Những điểm mới về ngành, nghề đầu tư kinh doanh và ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Huệ [1]
TÓM TẮT
Hoàn thiện các quy định về hình thức, điều kiện, thủ tục ưu đãi đầu tư nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng; sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý để đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư trong những ngành nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện là những mục tiêu mà Luật Đầu tư năm 2020 hướng đến. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả nhận diện, giới thiệu và luận giải một số điểm mới quan trọng về ngành, nghề đầu tư kinh doanh và ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020.
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 (sau đây gọi tắt là “LĐT năm 2014”) đã góp phần tích cực trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; xóa bỏ những rào cản, sự thiếu minh bạch, trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, LĐT năm 2014 còn một số tồn tại nhất định, trong số đó có những quy định bất cập về ngành, nghề đầu tư kinh doanh và ưu đãi đầu tư. Thông qua việc tổng kết thực tiễn thi hành LĐT năm 2014, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (say đây gọi tắt là “LĐT năm 2020”) đã hoàn thiện những quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và ưu đãi đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính.
1. Một số điểm mới về ngành, nghề đầu tư kinh doanh
Thứ nhất, về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 LĐT năm 2020): Nếu như trước đây ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ không bị cấm và được quy định cụ thể tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã được bổ sung vào ngành, nghề cấm kinh doanh. Sự điều chỉnh này xuất phát từ thực tế là trong thời gian qua, đã phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê để thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ, thậm chí còn phát triển thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
Thứ hai, về việc số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Khoản 2 Điều 7 LĐT năm 2020): Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể tại Phụ lục IV của LĐT năm 2020. Theo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của LĐT năm 2014, số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là 243 ngành, nghề. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 thì số lượng này sẽ được giảm xuống còn 227 ngành nghề. Nhiều ngành, nghề trước đây thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nay đã được bãi bỏ, gồm: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ Logistic; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; kinh doanh dịch vụ tiêm chủng; kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Như vậy, LĐT năm 2020 đã bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Thứ ba, về hình thức và nội dung điều kiện kinh doanh (Khoản 5, 6 Điều 7 LĐT năm 2020). Ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan đến ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh như được giới thiệu ở trên, LĐT năm 2020 đã bổ sung các quy định về hình thức và nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khi các tổ chức có thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh phải đáp ứng các quy định sau:
+ Nội dung của điều kiện đầu tư kinh doanh: Theo Khoản 5 Điều 7 LĐT năm 2020, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau: Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh; hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh; nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có); cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh; thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
+ Hình thức của điều kiện đầu tư kinh doanh: Khoản 6 Điều 7 LĐT năm 2020 quy định cụ thể hình thức thể hiện của các điều kiện đầu tư kinh doanh, bao gồm: Giấy phép; giấy chứng nhận; Chứng chỉ; văn bản xác nhận, chấp thuận; các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9 LĐT năm 2020). LĐT năm 2020 bổ sung Điều 9 quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Việc bổ sung Điều 9 nêu trên xuất phát từ việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Điều 9 LĐT năm 2020 quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ (cách tiếp cận này có ý nghĩa là ngoài danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước). Quy định mới và cách tiếp cận chọn bỏ hướng đến việc nâng cao tính minh bạch, khả thi trongviệc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường (chọn cho và/hoặc chọn bỏ). Nếu như theo LĐT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nhà đầu tư phải tự tìm hiểu, tra cứu nội dung này ở rất nhiều văn bản, từ các cam kết, điều luật đến thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam thì mới xác định được chính xác điều kiện tiếp cận thị trường đối với mình. Tuy nhiên, với quy định mới này các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đọc danh mục, sẽ xác định được mình chưa được làm gì, có thể đầu tư vào lĩnh vực gì, với các điều kiện ra sao, từ đó cũng xác định rõ quy trình, thủ tục mà họ sẽ phải tuân thủ.
Thứ năm, về ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 16 LĐT năm 2020): LĐT năm 2020 đã bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư được hưởng ưu đãi đâu tư như: Giáo dục đại học; Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
2. Một số điểm mới về ưu đãi đầu tư Một trong những tồn tại của LĐT năm 2014 liên quan đến ưu đãi đầu tư là hình thức, tiêu chí, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu
tư thiếu linh hoạt, chưa thực sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Khắc phục những tồn tại nêu trên và với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, LĐT năm 2020 đã có những thay đổi như sau:
Thứ nhất, Về hình thức đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 15 LĐT năm 2020): Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế là một hình thức ưu đãi đầu tư lần đầu tiên được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định này tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư cao và hoạt động kinh doanh với quy mô lớn khi tiến hành hạch toán khấu hao, chi phí và đảm bảo sự phù hợp giữa quy định của LĐT năm 2020 với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Thứ hai, về đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Khoản 2 Điều 15 LĐT năm 2020): LĐT năm 2020 bổ sung điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo điểm c Khoản 2 Điều 15 LĐT năm 2020, dự án muốn được hưởng ưu đãi đầu tư thuộc trường hợp nêu trên cần phải đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau: “có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động”. Sự bổ sung này là để đảm bảo sự nhất quán giữa quy định của LĐT năm 2020 với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Bên cạnh đó, LĐT năm 2020 còn bổ sung thêm nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích việc thực hiện các dự án này, bao gồm:
+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
+ Dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
+ Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
+ Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, về việc không áp dụng ưu đãi đầu tư với một số dự án thuộc đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (Khoản 5 Điều 15 LĐT năm 2020): LĐT năm 2020 bổ sung dự án xây dựng nhà ở thương mại vào trường hợp loại trừ để loại bỏ ra khỏi đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo sự thống nhất với pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, LĐT năm 2020 quy định các dự án sản xuất tàu bay, du thuyền – tuy là các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư vì đây là các dự án cần khuyến khích trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, về thời hạn, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư (Khoản 6 Điều 15 LĐT năm 2020): Nếu như LĐT năm 2014 chưa quy định cụ thể, rõ ràng về thời hạn, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư thì LĐT năm 2020 bổ sung quy định tại Khoản 6 Điều 15 về thời hạn, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư như sau: “Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư”. Quy định này giúp nhà đầu tư ý thức rõ ràng và triệt để hơn về nghĩa vụ của mình trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư và hạn chế được thực tế là có nhiều nhà đầu tư lợi dụng sự chưa rõ ràng của pháp luật để hưởng những ưu đãi đầu tư song không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Thứ năm, về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 17 LĐT năm 2020): LĐT năm 2020 sửa đổi thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư để đảm bảo sự thống nhất giữa dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và dự án không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo Điều 17 LĐT năm 2020, căn cứ đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 15 của LĐT năm 2020, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.
Thứ sáu, về ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt (Điều 20 LĐT năm 2020). LĐT năm 2014 đã quy định cơ chế mở rộng ưu đãi đầu tư theo cách thức quy định tại Điều 18: “Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với các ưu đãi đầu tư được quy định trong Luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một ngành đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”. Tuy nhiên, nếu theo quy định này, Chính phủ chỉ có vai trò đệ trình, không có thẩm quyền quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho những dự án cần đặc biệt khuyến khích phát triển và có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
Theo LĐT năm 2020, Chính phủ có quyền quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án: (i)Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.00 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (ii)Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Đối với các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại LĐT năm 2020 này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Những điểm mới về ngành, nghề đầu tư kinh doanh và ưu đãi đầu tư theo LĐT năm 2020 nêu trên cho thấy LĐT năm 2020 đã ghi nhận và cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm tổng quát và yêu cầu đặt ra khi xây dựng LĐT năm 2020. Các quy định mới này góp phần xóa bỏ các rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, thu hút các nguồn lực đầu tư, nhà đầu tư phù hợp với mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời thức đẩy sự liên kết giữa các ngành, vùng, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
Trả lời