Điều kiện lao động và sử dụng lao động giúp việc gia đình theo Bộ luật Lao động năm 2019
Tác giả: Lữ Bỉnh Huy [1]
TÓM TẮT
Lao động giúp việc gia đình có những đặc thù riêng so với các đối tượng lao động khác. Vì vậy, bên cạnh những quy định chung pháp luật lao động thường có những quy định riêng điều chỉnh quan hệ lao động giúp việc gia đình. Bài viết trình bày, phân tích, bình luận một số quy định mới của Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện Bộ luật lao động năm 2019 về điều kiện lao động và sử dụng lao động với lao động giúp việc gia đình cụ thể là các nội dung: Tiền lương; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại vật chất.
Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 được ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Quan hệ lao động giúp việc gia đình là một trong những nội dung chịu sự tác động và ảnh hưởng của những quy định sửa đổi, bổ sung trong BLLĐ năm 2019. Hiện đã có văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện BLLĐ năm 2019, trong đó có quan hệ lao động giúp việc gia đình2. Dưới góc độ điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động với lao động giúp việc gia đình có những nội dung chính sau đây trong BLLĐ năm 2019 sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quan hệ lao động giúp việc gia đình.
1. Về tiền lương của lao động giúp việc gia đình
Tiền lương của lao động giúp việc gia đình trước hết thực hiện theo các quy định chung của BLLĐ năm 2019. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về tiền lương, thưởng và thực hiện trả lương, thưởng theo quy định tại Chương VI (trừ Điều 93) của BLLĐ năm 2019, trong đó tiền lương của người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 90 của BLLĐ năm 2019 bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác nếu có. Văn bản hướng dẫn quy định: Mức lương theo công việc bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hàng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động3.
Như vậy, trên cơ sở mẫu hợp đồng lao động đã được quy định4 khi ký kết hợp đồng giúp việc gia đình hai bên phải thỏa thuận rõ những nội dung về thu nhập, tiền lương và chi phí khác của người lao động. Điểm cần lưu ý là mức lương của người lao động giúp việc gia đình khác với mức lương của người lao động làm việc theo hình thức hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… là trong đó có thể bao gồm cả chi phí ăn, ở. Chính vì vậy, thu nhập thực lĩnh của người lao động hàng tháng có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
2. Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của lao động giúp việc gia đình
Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi của lao động giúp việc gia đình thực hiện theo quy định tại Chương VII của BLLĐ năm 2019 và Chương VII Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020, trong đó thời gian nghỉ ngơi trong ngày làm việc bình thường, ngày nghỉ hằng tuần được thực hiện như sau7:
“a) Vào ngày làm việc bình thường, ngoài thời giờ làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định, người sử dụng lao động phải bảo đảm, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục;
- b) Người lao động được nghỉ hằng tuần theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật lao động năm 2019, trường hợp người sử dụng lao động không thể bố trí nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày”.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc khi thực hiên quy định trên là với quy định mức lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động nếu có) sẽ gây khó khăn trong việc xác định và gây nhầm lẫn trên thực tế. Đối với người giúp việc gia đình làm việc toàn thời gian sống cùng gia chủ, họ sẽ ăn ở cùng với gia đình người sử dụng lao động mà mức sống của mỗi gia đình là khác nhau nên chi phí ăn ở cũng khác nhau. Do đó, khó có thể xác định một cách cụ thể rõ ràng, chi phí ăn, ở của người giúp việc gia đình là bao nhiêu một tháng. Quy định này có thể sẽ tạo ra kẽ hở cho người sử dụng lao động lợi dụng để đưa ra mức tiền lương không tương xứng với sức lao động của người lao động. Bởi trên thực tế phần lớn mức lương hiện nay là do gia đình chủ đề xuất, quyết định và ở mức không cao (chỉ 86,5% người lao động giúp việc gia đình được nhận lương tương đương mức lương tối thiểu trở lên, trong khi tỷ lệ này trên tổng số người lao động nói chung ở mức 95,2%)5. Để bảo vệ quyền lợi về tiền lương cho lao động giúp việc gia đình một số quốc gia khống chế mức thỏa thuận thanh toán tiền lương bằng hiện vật tỷ lệ thấp hơn Việt Nam như 10% ở Nam Phi, 30% ở Pháp hay không cho phép khấu trừ tiền lương của người lao động để cung cấp lương thực, quần áo, vệ sinh hoặc chỗ ở như Barazil6. Đây sẽ là những kinh nghiệm pháp luật quốc tế quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật về lao động giúp việc gia đình.
Đa số các nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình đều cho rằng, người lao động giúp việc gia đình sống cùng gia đình chủ có thời gian làm việc kéo dài, triền miên, ít phân định được thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi trong ngày. Thời gian làm việc của người giúp việc thường dài hơn 8 giờ/ngày đối với người giúp việc ở cùng với gia chủ. Ngoài ra, quy định người lao động được nghỉ ít nhất 8 giờ/ngày cũng nảy sinh vấn đề bất cập khi thực thi. Bởi quy định như vậy có thể hiểu người lao động giúp việc gia đình có thể phải làm việc tối đa 16 tiếng/ngày không được nghỉ. Như vậy, quy định thời giờ nghỉ ngơi với việc đảm bảo số giờ và tính liên tục như quy định pháp luật hiện hành là một khó khăn cho người sử dụng lao động cũng như người giúp việc gia đình. Điều này thể hiện sự thiếu linh hoạt và chưa phù hợp với đặc thù công việc của lao động này8.
Như vậy, có thể thấy mặc dù pháp luật đã có quy định tương đối rõ ràng về thời giờ làm việc và cho phép các bên thỏa thuận cụ thể về thời giờ làm việc, song trên thực tế, đa số thỏa thuận hợp đồng lao động của các bên đều là thỏa thuận miệng, rất sơ sài về nội dung nên quyền chủ động luôn thuộc về phía người sử dụng lao động. So với các công việc khác, lao động giúp việc gia đình thuộc loại hình lao động có thời gian làm việc dài, đa số vượt quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Mặc dù, với tính chất của lao động giúp việc gia đình thì việc áp dụng các quy định về thời giờ làm việc là rất khó vì các công việc gia đình thường không cố định và nhiều trường hợp đột xuất nhưng với tình trạng thực tế trên thì đây cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết. Về thời giờ nghỉ ngơi, lao động giúp việc gia đình được quyền nghỉ việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại Điều 112 BLLĐ năm 2019 như những người lao động khác. Theo đó, lao động giúp việc gia đình được nghỉ 11 ngày lễ, tết trong một năm. Tuy nhiên, thực tế vào những ngày nghỉ lễ, tết phần lớn người sử dụng lao động đều cần có người giúp việc để họ có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí nên cũng rất khó áp dụng những quy định về thời gian nghỉ ngơi cho lao động giúp việc gia đình như những người lao động khác. Trên thực tế, người sử dụng lao động và lao động giúp việc gia đình có thể thỏa thuận về thời giờ nghỉ ngơi, có thể dịch chuyển số ngày nghỉ lễ, tết sang những ngày khác.
3. Về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động là người giúp việc gia đình
Trên cơ sở quy định của Điều 134 BLLĐ năm 2019 và Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể9:
“a/ Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc;
b/ Khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện các trách nhiệm đối với người lao động theo quy định tại Điều 38, Điều 39 của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
c/ Người lao động có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường của hộ gia đình, dân cư nơi cư trú”.
Lao động giúp việc gia đình là nghề hấp dẫn, thu nhập không thấp nhưng có một thực tế là người lao động giúp việc gia đình hầu hết không được đào tạo bài bản. Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức, viện nghiên cứu cho thấy 96,8% lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam chưa qua đào tạo nghê, mới chỉ có 3,2% số người được đào tạo về công việc giúp việc gia đình, nhưng phần lớn chỉ cung ứng nguồn xuất khẩu lao động10. Lao động giúp việc cũng có trình độ học vấn khá thấp (77% lao động chỉ học từ tiểu học đến trung học cơ sở)11. Trong khi đó, nhiều gia đình mà người lao động giúp việc làm việc sử dụng các thiết bị gia dụng, sinh hoạt,… hiện đại và đắt tiền và người lao động thường được gia chủ hướng dẫn trực tiếp. Chính vì vậy, rủi ro từ sự mất an toàn khi người giúp việc gia đình thực hiện công việc gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng tương tự như bất cứ người lao động nào có quan hệ hợp đồng lao động, theo quy định của pháp luật khi xảy ra tai nạn lao động thì người sử dụng lao động (trong trường hợp này là chủ gia đình) phải chịu trách nhiệm theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015, bao gồm: Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế (Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế); trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra12…. Đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động13.
Đây là nội dung được kế thừa trong BLLĐ năm 2012. Thực tiễn thực hiện vấn đề này cho thấy nhiều gia đình cũng băn khoăn, đắn đo khi phải trả thêm khoản tiền này, nếu họ giảm tiền lương của người lao động để trả thêm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì liệu người lao động có chấp nhận, còn nếu giữ nguyên lương cộng với khoản tiền này thì họ không đủ khả năng. Chính vì vậy, khi thỏa thuận về tiền lương thường chủ gia đình không thỏa thuận và tách bạch giữa khoản tiền lương và khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế14.
Thực tế, đa số người sử dụng lao động và người lao động đều chưa quan tâm đến vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo như con số thống kế tại hội thảo “Tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 10/11/2017 tại Hà Nội, các chuyên gia tham dự đã nêu lên thực trạng chỉ 3% lao động giúp việc gia đình được đóng bảo hiểm xã hội. Cũng trong hội thảo bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Phát triển Gia đình và Cộng đồng (GFCD) đã cung cấp thêm nhiều số liệu khác về thực trạng lao động giúp việc gia đình ở nước ta hiện nay như: 19,5% có bảo hiểm y tế, trong đó phần lớn tự mua hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả (hộ nghèo, gia đình chính sách); 48,6% có ý định ký kết hợp đồng với gia chủ; 18,6% người có dự định thỏa thuận về bảo hiểm y tế và chỉ 9,3% người có dự định thỏa thuận về bảo hiểm xã hội15.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của BLLĐ năm 2019 về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động giúp việc gia đình cần giải thích các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho lao động giúp việc gia đình. Hiện pháp luật đã có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đảm bảo điều kiện ăn, ở hợp vệ sinh cho lao động giúp việc gia đình (Khoản 4 Điều 163 BLLĐ năm 2019); tôn trọng danh dự, nhân phẩm (Khoản 3 Điều 163 BLLĐ năm 2019; cấm quấy rối tình dục (Khoản 1 Điều 165 BLLĐ năm 2019). Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là về điều kiện chỗ ở của người lao động nhằm bảo đảm sự an toàn cho người lao động. Thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để bố trí chỗ ở cho người giúp việc gia đình độc lập, đảm bảo sự riêng tư với các thành viên khác trong gia đình, thậm chí còn có trường hợp người lao động còn phải ngủ chung phòng/chung gường với các thành viên khác trong gia đình. Trong khi đó, Công ước số 189 quy định các nước thành viên cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo người lao động giúp việc gia đình được đảm bảo các điều kiện sống và tôn trọng quyền riêng tư (Điều 6). Pháp luật một số quốc gia trên thế giới như Áo, Uruguay cũng đưa ra quy định rất cụ thể về điều kiện bữa ăn, chất lượng bữa ăn và điều kiện chỗ ở phải đảm bảo riêng tư, được thiết kế không làm hại đến đạo đức của người lao động; có thể khóa phòng từ bên trong và bên ngoài, có các đồ dùng cần thiết, đặc biệt có một tủ có khóa16…. Để phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, nên chăng pháp luật Việt Nam cần giải thích những quy định đảm bảo nơi ở an toàn và quyền sinh hoạt riêng tư của lao động giúp việc gia đình sống cùng gia chủ. Quy định này nhằm tôn trọng tự do cá nhân cũng như phòng ngữa cho các trường hợp đáng tiếc xảy ra như hành vi quấy rối tình dục, sử dụng hành vi bạo lực với lao động giúp việc gia đình nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
4. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với lao động là người giúp việc gia đình
Đối với lao động là người giúp việc gia đình vấn đề kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định như sau17:
“a/ Người sử dụng lao động và người lao động xác định cụ thể các hành vi, hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo quy định tại Khoản 2 Điều 118 và Điều 129 của BLLĐ năm 2019 và ghi trong hợp đồng lao động hoặc thể hiện bằng hình thức thỏa thuận khác;
b/ Hình thức xử lý kỷ luật lao động áp dụng đối với người lao động bao gồm khiển trách, sa thải theo Khoản 1, Khoản 4 Điều 124 của BLLĐ năm 2019;
c/ Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong các trường hợp: Người lao động có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 4 Điều 125 của BLLĐ năm 2019 hoặc người lao động có hành vi ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình;
d/ Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động xem xét, xử lý kỷ luật lao động theo hình thức quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 124 của BLLĐ năm 2019. Trường hợp người lao động là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì người sử dụng lao động phải thông báo việc xử lý kỷ luật lao động đến người đại diện theo pháp luật của người lao động;
đ/ Việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại điểm a, điểm c Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 122 của BLLĐ năm 2019”.
Nói chung các quy định liên quan đến kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của người lao động giúp việc gia đình trong BLLĐ năm 2019 về cơ bản cũng tương tự như các đối tượng lao động khác thuộc phạm vi điều chỉnh của BLLĐ, điều này cũng phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, do sự đặc thù của đối tượng lao động này mà có một số quy định khác biệt như sau:
Thứ nhất, hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong quan hệ giúp việc gia đình được hai bên thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận khác, trong khi đối với các chủ thể sử dụng lao động khác thì phải ghi nhận vấn đề này trong nội quy lao động.
Thứ hai, về hình thức xử lý kỷ luật lao động thì không có hình thức kỷ luật lao động kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng và hình thức cách chức mà chỉ có hai hình thức là khiển trách hoặc sa thải.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục kỷ luật thì không có sự tham gia của đại diện lao động tại cơ sở (vì hiện nay chưa có sự tồn tại của chủ thể này trong quan hệ lao động giúp việc gia đình). Khi xử lý kỷ luật lao động là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì người sử dụng lao động phải thông báo việc xử lý kỷ luật lao động đến người đại diện theo pháp luật của người lao động./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, NCS khóa 23 – Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Khoản 2, Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Phụ lục V, Mẫu số 01/PLVKèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
- Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam: “Giúp việc gia đình – Một nghề như bao nghề khác”, https://www.ilo.org/hanoi, cập nhật ngày 16/3/2021.
- ILO (2012), “Effective protection for domestic workers: A guide to designing labour laws”, International Labour Office – Geneva.
- Khoản 3 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nguyễn Hiền Phương (2018), “Điều kiện lao động và sử dụng lao động đối với lao động giúp việc gia đình – Thực trạng và kiến nghị”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số 2 (311) – 2018, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/ Pages/phap- luat-kinh-te.aspx?ItemID=208.
- Khoản 5, Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về Điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nguyễn Thị Phương Thúy, (2019) “Pháp luật về lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam”, luận án tiến sỹ luật học, Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr113.
- https://bnews.vn/mot-so-quy-dinh-phap-luat-ve-lao-dong-giup-viec-gia-dinh/91927.html, Cập nhật ngày 14/01/2020.
- Xem thêm Điều 38, 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
- Khoản 4, Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nguyễn Thị Phương Thúy, (2019) “Pháp luật về lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam”, luận án tiến sỹ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr100.
- http://laodongthudo.vn/97-lao-dong-giup-viec-gia-dinh-khong-co-bao-hiem-xa-hoi-63939.html
- ILO (2012), “Effective protection for domestic workers: A guide to designing labour laws”, International Labour Office – Geneva.
- Khoản 6, Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ năm 2019 về Điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Trả lời