Mục lục
Một số điểm mới về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo Luật Đầu tư năm 2020
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh [1]
TÓM TẮT
Luật Đầu tư năm 2020 có thể coi là một bước đột phá trong vấn đề điều chỉnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhiều quy định đã dỡ bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư. Bên cạnh những quy định mang tính cởi mở về các thủ tục hành chính, Luật Đầu tư năm 2020 còn có những quy định đòi hỏi chặt chẽ hơn như quy định liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án tại khu vực có vị trí địa lý trọng yếu, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Bài viết dưới đây nhằm phân tích một số điểm mới về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Mục đích của việc quy định về thủ tục đầu tư nhằm đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư nói riêng cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, tránh sự lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời, thông qua đó, nhà nước thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động đầu tư, từ đó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Một trong số những điểm mới đáng lưu ý của Luật Đầu tư năm 2020 là quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1. Bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Luật Đầu tư năm 2020 lần đầu đưa ra định nghĩa về “Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo” tại Khoản 7 Điều 3 của Luật này. Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình mới, các dự án khởi nghiệp có khả năng áp dụng nhanh.
Đối với việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
Doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
(i) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; hoặc
(ii) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, tùy theo lĩnh vực hoạt động như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ sẽ có quy định cụ thể.
Về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Điều 2 như sau: “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo” và được quy định cụ thể tại Điều 5 của Nghị định này.
Như vậy, Luật Đầu tư năm 2020 mang tính hỗ trợ cho các dự án về đầu tư khởi nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài vào hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế trong thời gian qua. Quy định mới được sửa đổi này nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư về khởi nghiệp sáng tạo.
2. Luật hóa quy định sau khi thành lập thì tổ chức kinh tế là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Luật Đầu tư năm 2020 đã có quy định rõ ràng về việc tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18/11/2015 quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam có quy định tại điểm a Khoản 4 như sau: “Sau khi thành lập tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế là nhà đầu tư đứng tên và ký các văn bản, biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam.” Mặc dù Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18/11/2015 đã có quy định như vậy nhưng chỉ trong một số văn bản như: Báo cáo thực hiện dự án, Đề xuất giãn tiến độ, Thông báo tạm ngừng hoạt động dự án… thì tổ chức kinh tế mới được ký với tư cách nhà đầu tư thực hiện dự án.
Với quy định bổ sung tại Khoản 2 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 khẳng định kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư2. Quy định mới được luật hóa này nhằm minh bạch hóa, khẳng định sau khi thành lập thì tổ chức kinh tế là nhà đầu tư thực hiện dự án.
3. Minh bạch hóa điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Luật Đầu tư năm 2020 đã có quy định bổ sung điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trừ trường hợp những dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện về dự án không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động. Cụ thể là các điều kiện được quy định tại Khoản 3 Điều 30 Luật Đầu tư năm 2020 như sau:
a/ Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
b/ Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
c/ Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 33 của Luật này;
d/ Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ/ Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc quy định về điều kiện nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam.
4. Giảm tỷ lệ sở hữu vốn để áp dụng điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài (từ 51% xuống còn 50%)
Điều 23 Khoản 1 đã sửa đổi quy định này như sau: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau:
(a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
(b) Có tổ chức kinh tế theo quy định tại điểm a này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
(c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Với quy định này được hiểu là khi các doanh nghiệp có thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 50% trở lên và tiếp tục đầu tư thì các doanh nghiệp đó vẫn phải chịu sự hạn chế của điều này và sẽ bị quy về Khoản 1 Điều 23 Khoản 1 và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này mang tính nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các dự án tại Việt Nam.
5. Bổ sung các điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng và quyền sử dụng đất
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây: (a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9; (b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này; (c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã phường, thị trấn ven biển3. (Điều 24 Khoản 2 Luật Đầu tư năm 2020).
Quy định mới được bổ sung này mang tính nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng theo quy định pháp luật đất đai, bao gồm: các dự án nằm tại các khu vực có vị trí địa lý trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như ở các xã, phường, thị trấn, thị xã biên giới, ven biển… đều phải xin sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định như vậy thể hiện việc kiểm soát của nhà nước, hạn chế tình trạng thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, các doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát được những khu đất ở vị trí mang tính trọng yếu đối với an ninh quốc phòng.
6. Làm rõ các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông công ty
Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông công ty trong những trường hợp sau:
a/ Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b/ Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c/ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Như vậy, quy định mới được bổ sung này liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ít nhất là từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50% vốn điều lệ. Bổ sung trường hợp phải đăng ký đối với việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn ven biển và các khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Quy định mới này cũng bãi bỏ thủ tục đăng ký trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014).
Như vậy, một số quy định mới về thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu tư năm 2020 được sửa đổi đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sĩ, Giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
- Khoản 2 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020.
- Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2020.
Trả lời