Xung đột lợi ích là tình huống khách quan xảy ra trong đời sống xã hội và có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Bài viết phân tích về mối quan hệ giữa xung đột lợi ích và tham nhũng. Nội dung quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng về xung đột lợi ích từ nhận diện xung đột lợi ích đến phòng ngừa, kiểm soát và xử lý khi xảy ra xung đột lợi ích. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để pháp luật về xung đột lợi ích thực sự đi vào cuộc sống.
Cần xác định chính xác những điều kiện đặc thù của người thừa kế bắt buộc trong giải quyết tranh chấp về thừa kế
Theo quy định của pháp luật, nếu người lập di chúc không chia phần thừa kế hoặc chia ít hơn hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật cho người thừa kế bắt buộc, thì những người thừa kế đó có quyền yêu cầu hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật của họ. Đó là điều kiện đặc thù đối với những người thừa kế bắt buộc. Tuy nhiên, do một số hạn chế trong việc xác định các điều kiện này nên việc giải quyết tranh chấp vẫn chưa thống nhất và hiệu quả. Vì vậy, cần sửa đổi quy định pháp luật và có hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo tính thống nhất khi thi hành quy định pháp luật này trong thực tiễn.
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức trọng tài lao động
Giải quyết tranh chấp lao động là một chế định quan trọng của pháp luật lao động. Thực tế cho thấy, các tranh chấp lao động ngày càng có xu hướng gia tăng. Năm 2015, Tòa án thụ lý 6.663 vụ, giải quyết 6.386 vụ. Năm 2016, Tòa án thụ lý 7.428 vụ, giải quyết 6.949 vụ. Năm 2017, Tòa án thụ lý 4.980 vụ, giải quyết 4.516 vụ. Năm 2018, Tòa án thụ lý 3.747 vụ, giải quyết 2.414 vụ. Năm 2019, Tòa án thụ lý 3.132 vụ, giải quyết 2.146 vụ2. Với mục đích mở rộng, tạo sự linh hoạt cho các bên tranh chấp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) và giảm tải các TCLĐ khởi kiện ra Tòa án nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các bên khi tham gia vào quan hệ lao động, Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) đã bổ sung thêm chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là Hội đồng trọng tài lao động. Bài viết này phân tích và đánh giá về phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng trọng tài lao động.
Bàn về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài
Theo nguyên tắc của tố tụng trọng tài thì “phán quyết trọng tài là chung thẩm”, tức là có hiệu lực ngay kể từ ngày ban hành phán quyết. Tuy nhiên, vẫn có một cánh cửa để phá vỡ phán quyết trọng tài, đó là thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án. Bài viết đề cập đến một trong những bất cập của phán quyết trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM năm 2010) trong quá trình xét xử các vụ án tại Tòa án, đó là ai có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Thực tiễn cho thấy, một số quy định của pháp luật về vấn đề này còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu hoàn thiện. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả phân tích, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định của pháp luật về chủ thể có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.
Hoàn thiện chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản
Ở nước ta, sau khi Luật phá sản năm 2014 (LPS năm 2014) có hiệu lực, chế định quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, bước đầu đã cho thấy được hiệu quả của nó, đặc biệt là trong giai đoạn Tòa án giải quyết phá sản đã tạo ra sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và linh hoạt trong quản lý, thanh lý tài sản giúp cho quá trình giải quyết phá sản của Tòa án được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em – Thực trạng và giải pháp
Thời gian vừa qua, tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán, chiếm đoạt trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người, quyền trẻ em. Bài viết đánh giá tình hình tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán, chiếm đoạt trẻ em, kết quả hoạt động phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng, đồng thời nêu ra một số giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm này.
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về cai nghiện ma tuý ở Việt Nam
Hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy (CNMT) của Việt Nam hình thành cách đây hơn 30 năm trong Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng quan điểm về cai nghiện ma túy được đặt nền móng rõ ràng từ Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg. Đến nay, Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật về CNMT. Trong đó, Luật phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 đã đánh dấu sự thay đổi về nhận thức từ hình sự hóa việc sử dụng trái phép chất ma túy sang phi hình sự hóa. Bài viết tập trung phân tích về quá trình chuyển biến này cũng như chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của hệ thống pháp luật CNMT tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị chung về quan điểm pháp luật đối với vấn đề cai nghiện ma túy và các khuyến nghị cụ thể để bổ sung cho Dự thảo Luật phòng, chống ma túy sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Một số vấn đề cơ bản về bảo đảm, bảo vệ quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
Cùng với sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là hết sức cần thiết đặc biệt là bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Bởi, mọi hoạt động của con người hàng ngày ít nhiều đều liên quan đến hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước là thiết chế trực tiếp nhất, thường xuyên nhất ảnh hưởng đến quyền công dân.
Kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư
Trong quá trình thực hành nghề, luật sư thường phải đối mặt với nhiều vấn đề. Việc luật sư giải quyết các vấn đề này không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân luật sư mà còn tác động tới khách hàng, các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thực hiện các giải pháp đó. Vì vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp cho luật sư thực hành nghề nghiệp một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu và phân tích về quy trình giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư.
Cơ sở pháp lý về quyền tự chủ đại học tại Việt Nam và một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện
Hiện nay, tự chủ đại học được xem là xu thế phát triển được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và tại Việt Nam thời gian gần đây, một số cơ sở đào tạo cũng đã áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ đại học và đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong cải cách ngành giáo dục tại Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng cơ chế này đã và đang cho thấy những cơ hội và thách thức nhất định. Bài viết đánh giá khung pháp lý nhằm thực hiện tự chủ đại học tại Việt Nam, qua việc chỉ rõ các bấp cập phát sinh trong thực tế triển khai tự chủ đại học được đánh giá trên 3 nhóm nội dụng: tự chủ học thuật và chuyên môn, tự chủ về tổ chức và nhân sự, tự chủ về tài chính. Trên cơ sở đặc thù thực hiện tự chủ đại học tại Việt Nam, giải pháp trên 3 nội dung tự chủ được đưa ra, đặc biệt nhấn mạnh tự chủ học thuật, quyền chủ động quyết định về biên chế và quyền tự chủ tài chính đặt trong sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước và cơ chế hợp lí linh hoạt, để khai thác hiệu quả và tối đa năng lực của các cơ sở đào tạo.