• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em – Thực trạng và giải pháp

Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em – Thực trạng và giải pháp

05/11/2021 05/11/2021 CTV. Thảo Uyên Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Tình hình tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em
    • Tội phạm mua bán người nói chung
    • Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em
  • 2. Một số giải pháp cơ bản phòng, chống mua bán, chiếm đoạt trẻ em thời gian qua
    • Thứ nhất, chỉ đạo việc lập chương trình kế hoạch và thực hiện các chương trình kế hoạch phòng chống tội phạm MBCĐTE.
    • Thứ hai, trong phối hợp giữa lực lượng CSHS các cấp, các địa phương.
    • Thứ ba, trong việc triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các tụ điểm phức tạp liên quan tội phạm MBN, MBCĐTE.
    • Thứ tư, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống tội phạm MBN và MBCĐTE.
  • CHÚ THÍCH

Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em – Thực trạng và giải pháp

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang [1]

TÓM TẮT

Thời gian vừa qua, tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán, chiếm đoạt trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người, quyền trẻ em. Bài viết đánh giá tình hình tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán, chiếm đoạt trẻ em, kết quả hoạt động phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng, đồng thời nêu ra một số giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm này.

Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em - Thực trạng và giải pháp

Trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, song nói riêng về tình hình an ninh và trật tự, an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó nạn mua bán người (MBN) và mua bán, chiếm đoạt trẻ em (MBCĐTE) đang nổi lên không chỉ xâm hại những quyền cơ bản nhất của con người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, dân tộc (trẻ em chiếm trên 30% tổng dân số cả nước).

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Đánh giá tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi với quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

1. Tình hình tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em

Tội phạm mua bán người nói chung

Theo ước tính của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), mỗi năm lợi nhuận thu được từ MBN trên thế giới khoảng từ 30 – 40 tỷ USD/năm. Chính lợi nhuận khổng lồ đã khiến các đường dây MBN mở rộng ra khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết năm 2016 có 40 triệu người trên toàn thế giới là nạn nhân của các hình thức nô lệ thời hiện đại, 152 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 17 tuổi bị bóc lột sức lao động. Tổ chức Interpol và Châu Âu đánh giá, cứ 10 người di cư vào Châu Âu thì có 9 người là nạn nhân của các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016 có trên 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi cùng đã bị mất tích sau khi đến Châu Âu, có thể rơi vào tay các tổ chức tội phạm mua bán người. Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm mua bán người.

Riêng khu vực các nước tiểu vùng sông Mê Kông được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm nóng về tội phạm mua bán người với các đường dây hoạt động xuyên quốc gia và khu vực (Thái Lan mở phiên tòa xét xử 88 bị cáo trong đó có 2 sĩ quan cảnh sát với 500 nhân chứng liên quan vụ MBN; An ninh Malaysia bắt giữ 19 đối tượng MBN và làm giả hộ chiếu cho gần 500 người nhập cư; Bộ Nội vụ Đức điều tra vụ liên quan đến 550 trẻ em dưới 14 tuổi là nạn nhân của các vụ di cư bị bán cho tổ chức tội phạm MBN; Công an tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) trong 5 năm (2011 – 2015) đã bắt, xử lý hơn 1500 vụ có đối tượng và nạn nhân liên quan đến người Việt Nam. UNODC đã thu thập thông tin liên quan đến nạn nhân của tội phạm MBN ở 124 quốc gia và có 152 quốc tịch khác nhau.2 Điều đó khẳng định, MBN không chỉ là vấn nạn của mỗi quốc gia riêng lẻ mà là vấn đề mang tính toàn cầu.

Tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em

Về số lượng

Trong giai đoạn 2004 – 2010 cả nước có 291 vụ mua bán trẻ em với 554 bị cáo phạm tội và từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2020 toàn quốc phát hiện 16.152 vụ trẻ em bị xâm hại với 16.908 trẻ em bị xâm xâm hại, trong đó có 314 vụ (=1,94%) với 377 trẻ em bị mua bán chiếm đoạt (=2,22%), 546 đối tượng phạm tội (=3,03%); cao điểm nhất là năm 2014 với 48 vụ, 69 đối tượng phạm tội và 60 trẻ em bị mua bán, chiếm đoạt.

Chỉ tính riêng năm 2018, toàn quốc phát hiện 211 vụ mua bán người với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân; cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố 200 vụ/261 đối tượng. Cũng năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã khởi tố, điều tra 127 vụ/228 bị can (trong đó: 87 vụ/143 bị can về tội mua bán người, 40 vụ/85 bị can về tội mua bán người dưới 16 tuổi). Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 140 vụ/253 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 152 vụ/271 bị cáo (gồm 113 vụ/195 bị cáo về tội mua bán người, 39 vụ/76 bị cáo về tội mua bán người dưới 16 tuổi)3. Năm 2019, toàn quốc xảy ra 192 vụ MBN, liên quan đến 256 đối tượng, lừa bán 309 nạn nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 10 vụ với 63 trẻ em bị mua bán, chiếm đoạt4.

Mặc dù số lượng tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em trên tổng số vụ phạm pháp hình sự thì tỷ lệ không cao, chiếm 0,06% (314 vụ án mua bán chiếm đoạt trẻ em/510.785 vụ phạm pháp hình sự) và chiếm 1,94% (314 vụ án mua bán chiếm đoạt trẻ em/16.152 vụ xâm hại trẻ em)5 nhưng đây là loại tội phạm nguy hiểm cần phải được kiểm soát, giảm thiểu ở mức thấp nhất, tiến tới loại trừ vì loại tội phạm này ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, an ninh xã hội, gây tâm lý bất an cho các bậc phụ huynh, gia đình, xã hội; gây ảnh hưởng lớn đến nòi giống tương lai của đất nước.

Về hình thức phạm tội

Các vụ mua bán, chiếm đoạt trẻ em xảy ra với hình thức tinh vi, diễn biến phức tạp với hình thức như: Bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để mua bán; đánh tráo, bắt cóc, mua bán trẻ sơ sinh; mua bán trẻ trong bào thai; mua bán trẻ dưới dạng cho, nhận con nuôi, đẻ thuê…

Núp dưới danh nghĩa trung tâm bảo trợ xã hội để thực hiện tội phạm hoặc tình nguyện làm một “mắt xích” trong đường dây buôn bán trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh, tội phạm còn gây dựng các đường dây mua bán, chiếm đoạt trẻ em với quy mô và cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động tinh vi, địa bàn hoạt động chủ yếu ở những nơi khó khăn, hẻo lánh hoặc ở những nơi công cộng như: Bệnh viện, trường học hoặc khu vui chơi… Nhức nhối hơn cả là hiện tượng một số cá nhân đã thoái hóa, biến chất, núp dưới danh nghĩa các Trung tâm bảo trợ xã hội để thực hiện tội phạm hoặc tình nguyện làm một “mắt xích” trong đường dây chuyên buôn bán trẻ sơ sinh. Tình hình trên đã gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đến đạo đức, lối sống, nòi giống của dân tộc, trực tiếp xâm phạm đến quyền con người. Chính vì vậy, việc kiên quyết đấu tranh phòng chống và từng bước hạn chế loại tội phạm này trở thành một vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

2. Một số giải pháp cơ bản phòng, chống mua bán, chiếm đoạt trẻ em thời gian qua

Về phía Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành: Trước những diễn biến trên, từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách lớn như: Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa vào thực tiễn như: Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2010 – 2015; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020.

Đáng chú ý, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan mua, bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Ngày 03/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.

Các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp đã ban hành nhiều văn bản có liên quan để phòng chống tội phạm mua bán người nói chung và mua bán, chiếm đoạt trẻ em nói riêng nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là làm an lòng các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Về phía lực lượng công an: Bộ Công an và công an các địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm MBCĐTE với các hành động cụ thể sau:

Thứ nhất, chỉ đạo việc lập chương trình kế hoạch và thực hiện các chương trình kế hoạch phòng chống tội phạm MBCĐTE.

Ý thức được sứ mệnh là lực lượng đi đầu trong hoạt động phòng ngừa tội phạm MBCĐTE nên khi xây dựng chương trình công tác hàng năm, lực lượng công an, trực tiếp là cảnh sát hình sự (CSHS) đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của từng năm, cụ thể, đầy đủ và phù hợp. Tiêu biểu như năm 2016, lực lượng CSHS các cấp đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Ban Giám đốc Công an các địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em như: (1) Kế hoạch số 167/BCA-C41 ngày 08/6/2016 của Bộ Công an về thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020; (2) Kế hoạch số 225/C45-P6 ngày 1/3/2016 của Cục C45 về thực hiện Chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em năm 2016; (3) Kế hoạch số 1721/C45-P6 ngày 11/10/2016 của Cục C45 về việc khảo sát tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, mua bán bắt cóc chiếm đoạt trẻ em tại một số địa phương trọng điểm. Cục C45 cũng đã đề xuất lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an đưa Dự án “Đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật” vào Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, các loại tội phạm và ma túy (Chương trình VI) của Bộ Công an giai đoạn 2016 – 2020, trình Chính phủ phê duyệt.

Lực lượng CSHS đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn về công tác bảo vệ trẻ em do các đơn vị, bộ ngành tổ chức. Chuẩn bị tài liệu, tham gia góp ý trả lời các văn bản về tội phạm liên quan trẻ em do các đơn vị có liên quan và lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ, đại biểu Quốc hội yêu cầu, chất vấn; xây dựng báo cáo kết quả tổng kết 04 năm thi hành Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, trong đó tập trung tổng kết công tác xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đề ra những giải pháp phòng chống cụ thể. Đặc biệt, Công an các địa phương đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương những biện pháp, chính sách phù hợp để quản lý nhà nước về an ninh trật tự; phối hợp với các ban, ngành, cơ quan truyền thông xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, liên quan đến hoạt động MBCĐTE với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng các kế hoạch tổ chức phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa tội phạm MBN. Riêng trong đợt cao điểm 06 tháng cuối năm 2018, lực lượng Công an các địa phương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn tổ chức 11.227 lượt tuyên truyền, với 459.489 người tham gia, tiến hành kiểm tra 7.051 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, xử lý 547 cơ sở vi phạm; xác lập đấu tranh, triệt phá 20 chuyên án về MBN, trong đó có 01 chuyên án MBCĐTE, bắt 07 đối tượng, giải cứu 09 nạn nhân6.

Lực lượng CSHS đã mở hồ sơ địa bàn, tuyến hoạt động liên tỉnh của tội phạm MBCĐTE trong nước và ra nước ngoài; xác định tuyến biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, diện đối tượng mà các đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoạt động; dựng sơ đồ đường dây, băng nhóm phạm tội; lập danh sách nạn nhân bị mua bán, số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, số người vắng mặt ở địa phương nghi bị mua bán… trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và có đối sách với những đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội MBCĐTE thường xuyên cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu 08 danh mục.

Cục CSHS và lực lượng CSHS các địa phương đã thống nhất chỉ đạo quán triệt bộ phận chuyên trách phải chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về xuất khẩu lao động, trung tâm bảo trợ xã hội nhằm hoạt động MBCĐTE; công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu được tăng cường phối hợp, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý dịch vụ Internet… không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội MBCĐTE.

Thứ hai, trong phối hợp giữa lực lượng CSHS các cấp, các địa phương.

Thực tiễn cho thấy, theo sự phân công, phân cấp, lực lượng CSHS các cấp đã có sự phối hợp hiệu quả trong hoạt động trinh sát để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBCĐTE trên các địa bàn. Về phía Cục CSHS (C02) đã chỉ đạo Phòng 5 (Phòng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm MBN) tiến hành phối hợp và chỉ đạo lực lượng CSHS Công an địa phương làm tốt các mặt công tác điều tra cơ bản, sưu tra, xác minh hiềm nghi, đấu tranh chuyên án, xây dựng cộng tác viên bí mật phục vụ phòng, chống tội phạm MBN nói chung, tội phạm MBCĐTE nói riêng. Phòng CSHS (PC02) Công an các tỉnh, thành phố và Đội CSHS Công an cấp huyện đã trực tiếp tiến hành đồng bộ các hoạt động trinh sát để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBN và MBCĐTE.

Trên địa bàn các tỉnh biên giới, hoạt động phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm MBCĐTE được giao cho các đơn vị CSHS Công an cấp tỉnh và cấp huyện đảm nhiệm có sự phối hợp hoạt động với lực lượng BĐBP. Cục CSHS chỉ tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp điều tra những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác nhau hoặc tội phạm MBCĐTE hoạt động xuyên quốc gia cần có sự chỉ đạo giải quyết… Lực lượng CSHS các cấp thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót và kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể đã có thành tích nhất là những thành tích đột xuất trong phòng ngừa tội phạm MBN nói chung, MBCĐTE nói riêng.

Thứ ba, trong việc triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các tụ điểm phức tạp liên quan tội phạm MBN, MBCĐTE.

Hàng năm, Công an các địa phương đều tổ chức ít nhất 01 đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm MBN. Với những địa phương có đường biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu hoặc những địa phương có tình hình tội phạm diễn biến phức tạp về tội phạm MBN, MBCĐTE như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai hoặc thành phố Hà Nội thì mỗi năm lực lượng CSHS tổ chức từ 01 đến 02 đợt cao điểm tấn công phòng, chống tội phạm MBN, MBCĐTE với thời gian từ 03 đến 06 tháng. Điển hình năm 2018, Cục C02 đã ban hành Kế hoạch số 1358/KH-C02-P5 ngày 30/5/2018 thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc với đợt cao điểm kéo dài trong 06 tháng (từ 01/7/2018 đến 31/12/2018). Bên cạnh đó, lực lượng Công an Việt Nam đã 01 đợt cao điểm 4 tháng với các nước láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, công tác lãnh đạo triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN, MBCĐTE trong thời gian qua có ý nghĩa thiết thực trong công tác phòng ngừa tội phạm này. Từ những đợt cao điểm này, tội phạm MBN, MBCĐTE cơ bản được kiềm chế. Điển hình trong 06 tháng triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN từ 01/7/2018 đến 31/12/2018, theo đề nghị từ phía Bộ Công an Trung Quốc và sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, lực lượng CSHS đã phối hợp thống nhất, kịp thời trao đổi thông tin về tội phạm, xác minh những đối tượng nghi phạm tội MBN, MBCĐTE. Đặc biệt, đã tập trung tuyên truyền giúp những người thuộc vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao trở thành nạn nhân MBN những thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn, hậu quả và các biện pháp phòng ngừa MBN. Kết quả sau 06 tháng thực hiện cho thấy, lực lượng CSHS đã phát hiện 104 vụ với 164 đối tượng, giải cứu 160 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 12 vụ với 24 đối tượng, giải cứu 15 nạn nhân là trẻ em bị mua bán, chiếm đoạt.

Thứ tư, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống tội phạm MBN và MBCĐTE.

Trong công tác phòng ngừa tội phạm MBN nói chung, MBCĐTE nói riêng cho thấy sau mỗi vụ án MBCĐTE xảy ra, các đơn vị đều chỉ đạo việc rút kinh nghiệm, đánh giá hạn chế, tồn tại, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những sơ hở thiếu sót trong chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà tội phạm MBCĐTE lợi dụng hoạt động phạm tội từ đó có cơ sở đề xuất biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện để chủ động phòng ngừa./.

CHÚ THÍCH

  1. Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an.
  2. Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Báo cáo thống kê năm 2016.
  3. Phòng thống kê hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thống kê tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em.
  4. Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Báo cáo sơ kết 06 tháng đầu năm 2020.
  5. Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Báo cáo tổng kết công tác năm từ năm 2011 đến năm 2019.
  6. Báo cáo tổng kết năm 2018 về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Đánh giá tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi với quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
Đánh giá tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi với quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
Thực tiễn bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ góc nhìn của Kiểm sát viên
Thực tiễn bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ góc nhìn của Kiểm sát viên
Một số vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Một số vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Một số vấn đề cần lưu ý khi tiến hành hỏi cung bị can trong vụ án tham nhũng
Một số vấn đề cần lưu ý khi tiến hành hỏi cung bị can trong vụ án tham nhũng
Pháp luật tố tụng Triều Nguyễn (1802 -1884) - Thành tựu, giá trị và bài học kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật tố tụng hiện nay
Pháp luật tố tụng Triều Nguyễn (1802 -1884) – Thành tựu, giá trị và bài học kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật tố tụng hiện nay
Bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên trong tố tụng hình sự hiện nay ở các nước trên thế giới
Bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên trong tố tụng hình sự hiện nay ở các nước trên thế giới

Chuyên mục: Hình sự/ Luật Hình sự - Phần các tội phạm Từ khóa: Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi/ Tội mua bán người dưới 16 tuổi

Previous Post: « Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về cai nghiện ma tuý ở Việt Nam
Next Post: Hoàn thiện chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng