Mục lục
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về cai nghiện ma tuý ở Việt Nam
Tác giả: Hoàng Văn Tú [1] & Nguyễn Thị Đức Hạnh [2]
TÓM TẮT
Hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy (CNMT) của Việt Nam hình thành cách đây hơn 30 năm trong Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng quan điểm về cai nghiện ma túy được đặt nền móng rõ ràng từ Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg. Đến nay, Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật về CNMT. Trong đó, Luật phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 đã đánh dấu sự thay đổi về nhận thức từ hình sự hóa việc sử dụng trái phép chất ma túy sang phi hình sự hóa. Bài viết tập trung phân tích về quá trình chuyển biến này cũng như chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của hệ thống pháp luật CNMT tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị chung về quan điểm pháp luật đối với vấn đề cai nghiện ma túy và các khuyến nghị cụ thể để bổ sung cho Dự thảo Luật phòng, chống ma túy sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Ma túy là một vấn nạn ở mọi quốc gia, một hiểm họa mang tính toàn cầu. Ma túy không chỉ tàn phá sức khỏe, gây nguy hại đến tính mạng của con người, mà còn kéo theo sự gia tăng của tình trạng tội phạm, bạo lực trong toàn xã hội, làm suy giảm đạo đức, nhân cách, phẩm giá con người, cũng như gây xói mòn văn hóa của các quốc gia. Vì thế, song song với nhiệm vụ ngăn chặn tình hình sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy, cần tập trung vào nhiệm vụ CNMT để giảm nhu cầu sử dụng và giảm tác hại của ma túy đối với người nghiện, gia đình người nghiện và đối với toàn xã hội.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về CNMT của Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, thể hiện qua số lượng văn bản và đặc biệt là chuyển biến về quan điểm đối với vấn đề nghiện ma túy và CNMT. Nhờ đó, việc quản lý, xử lý phòng, chống ma túy cũng như hiệu quả CNMT đã được cải thiện. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhiệm vụ CNMT, phòng, chống ma túy trong giai đoạn tới, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống ma túy năm 2008.
1. Quá trình thay đổi nhận thức trong pháp luật về cai nghiện ma tuý
Tính từ năm 2000 tới năm 2019, tức là sau khi có Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10, số lượng văn bản pháp luật nói chung về phòng, chống ma túy là 80 văn bản, số lượng các văn bản liên quan tới CNMT là 56 văn bản, chiếm 70% tổng số văn bản pháp luật3. Trong số 80 văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, có 6 Luật, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, 24 Nghị định của Chính phủ, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 1 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ ngành như: Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Các văn bản pháp luật qua từng giai đoạn đã thể hiện rõ sự thay đổi nhận thức pháp luật của Việt Nam đối với vấn đề CNMT.
Thực tiễn cho thấy, thay đổi nhận thức pháp luật về CNMT là một quá trình rất dài, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới. Điểm chung của hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều rất nghiêm khắc đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán chất ma túy nhưng lại có những quan điểm không giống nhau trong việc xử lý hành vi sử dụng ma túy của cá nhân người nghiện. Hiện nay, có quốc gia vẫn áp dụng hình phạt tù rất nặng đối với các cá nhân có hành vi sử dụng ma túy cho bản thân4. Trong khi đó, cũng có nhiều quốc gia khác đã lựa chọn một hướng tiếp cận khác, tương tự như Việt Nam sau một quá trình thay đổi nhận thức từ hình sự hóa về việc sử dụng trái phép chất ma túy sang không coi hành vi sử dụng ma túy là hành vi phạm tội hình sự.
1.1. Quan điểm xử lý hình sự việc sử dụng trái phép chất ma túy
Các quan điểm hình sự hóa về việc sử dụng chất ma túy đã có từ trước khi có Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999. Tuy nhiên, ở giai đoạn trước, tình hình ma túy diễn biến rất phức tạp; các quy định pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế, kể cả khi đã sửa đổi BLHS năm 1985 bằng một chương riêng trong BLHS sửa đổi, bổ sung năm 1997 vẫn không đảm bảo được sự đồng bộ, hoàn chỉnh5. Vì thế, ngày 21/12/1999, Quốc hội đã thông qua BLHS, trong đó Chương XVIII quy định các hành vi phạm tội liên quan tới ma túy gồm 10 điều. Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy như sau: “1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”6.
Các quan điểm về xử lý hình sự đối với các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong BLHS được thực thi trong một giai đoạn khá dài cho tới khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 được ban hành. Chuyển biến lớn nhất về quan điểm lập pháp là xác định người sử dụng ma túy không chỉ là người vi phạm pháp luật mà còn là nạn nhân của tệ nạn xã hội, là một người bệnh. Sự thay đổi về quan điểm này của Luật phòng, chống ma túy sửa đổi chính là cơ sở để năm 2009 khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 đã bãi bỏ Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma tuý, tạo ra một sự thay đổi lớn trong tư duy pháp luật đối với vấn đề CNMT.
Sau khi bãi bỏ Điều 199 của BLHS năm 1999, việc xử lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy được chuyển từ xử lý hình sự sang xử lý xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội7.
1.2. Quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh
Không dễ để thay đổi quan điểm đối với người sử dụng ma túy từ hình sự hóa sang quan điểm phi hình sự hóa, coi người nghiện ma túy là người bệnh. Tuy nhiên, việc bãi bỏ Điều 199 BLHS được coi là một bước đi phù hợp với lộ trình về hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan tới CNMT và phòng, chống ma túy như nhiều quốc gia khác trên thế giới như Bồ Đào Nha, Mexico, Hà Lan, Aghentina… Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn về quan điểm pháp luật này cũng thể hiện rõ tính nhân đạo trong việc xử lý đối với các hành vi về sử dụng ma túy cho mục đích cá nhân của người nghiện. Tiếp cận mới này cũng cho thấy, Việt Nam đã thay đổi quan điểm về phòng, chống ma túy. Việc đấu tranh với tội phạm ma túy tập trung vào các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển ma túy, những hành vi được coi là gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với các hành vi sử dụng ma túy của cá nhân được xác định là các hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội và cần phải được nhìn nhận đúng với bản chất của vấn đề. Mặt khác, kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, nếu vẫn tiếp tục coi người nghiện ma túy là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì chi phí xã hội để giải quyết vấn đề này rất tốn kém trong khi hiệu quả thực tiễn lại không cao. Về cơ bản ở giai đoạn trước, quan điểm pháp luật về ma túy của Việt Nam bao gồm 3 cách tiếp cận là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Các cách tiếp cận này đã rất phù hợp trong một giai đoạn nhất định, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ma túy và kìm chế tỷ lệ người nghiện ma túy.
Quan điểm pháp luật coi người nghiện ma túy là người bệnh đã được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật có liên quan. Đã là người bệnh, người nghiện ma túy cần được điều trị ở những nơi có điều kiện y tế. Đồng thời, không giống như bệnh lý thông thường, bệnh của người nghiện ma túy có liên quan tới các yếu tố về môi trường, xã hội xung quanh. Do đó, việc điều trị CNMT đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là phải cải thiện và nâng cao chất lượng của các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và cả yếu tố tâm lý có liên quan tới CNMT.
Tổ chức CNMT không đòi hỏi trình độ quá cao của đội ngũ y bác sĩ, nhất là khi Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị. Tuy nhiên, quá trình cai nghiện này lại đòi hỏi năng lực xã hội, tâm lý thấu hiểu và khả năng chia sẻ của đội ngũ y, bác sĩ đối với người nghiện. Do đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đã nhiều lần được quy định trong pháp luật về CNMT. Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH thể hiện rõ quan điểm này: “Hình thành thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp trong quá trình hỗ trợ người sử dụng ma túy và gia đình: tôn trọng, chấp nhận, thấu cảm với người nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy; Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp trong chăm sóc, hỗ trợ người nghiện ma túy”8.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định cụ thể đối với việc xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy của Tòa án nhân dân cấp huyện. Đồng thời, Luật xử lý vi phạm hành chính xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan như Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động, Tòa án nhân dân trong việc xử lý các vấn đề về vi phạm hành chính để tăng tính minh bạch trong quá trình này cũng như đảm bảo quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Các quy định pháp luật hiện hành cũng thể hiện quan điểm hỗ trợ đối với người nghiện ma túy như một nhóm đối tượng cần các hỗ trợ về tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau cai quan trọng không kém so với hoạt động cai nghiện bởi CNMT thì khó nhưng tái nghiện lại rất dễ. Vì thế vấn đề quản lý sau cai nghiện cũng được chú trọng trong hệ thống pháp luật về CNMT của Việt Nam9.
2. Đánh giá chung về hệ thống pháp luật Việt Nam về cai nghiện ma túy
2.1. Những ưu điểm
Thứ nhất, đã phần nào đảm bảo được tính đầy đủ và toàn diện. Hệ thống văn bản pháp luật từ luật đến các văn bản dưới luật đều đã cố gắng bao trùm các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực CNMT. Trong đó, ngoài các quy định chung tại Luật phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính, còn có hàng loạt các chính sách cụ thể về cơ sở cai nghiện, cán bộ cai nghiện, tài chính công tác cai nghiện, truyền thông về CNMT…
Thứ hai, đã liên tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với bối cảnh cụ thể. Sau 8 năm triển khai tại Luật phòng, chống ma túy năm 2000, Quốc hội đã thông qua tại Luật phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008. Trong Chương CNMT đã có 6/11 điều được sửa đổi, bổ sung (Điều 25, 26, 27, 31, 33 và 35), thêm 3 điều mới (Điều 26a, 32a và 34a). Từ sự thay đổi mang tính chất “đột phá” trong quan điểm lập pháp đối với hoạt động CNMT, nhiều văn bản pháp luật khác liên quan cũng đã được sửa đổi và ban hành: 5 Nghị định, 12 Thông tư và Thông tư liên tịch (cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của địa phương)10.
Thứ ba, hệ thống chính sách pháp luật về CNMT của Việt Nam luôn đảm bảo đầy đủ quyền công dân, quyền con người cho các đối tượng CNMT theo đúng quy định của hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Điển hình như trong các văn bản pháp luật về cai nghiện đều thể hiện rõ Nhà nước khuyến khích hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng. Nhà nước cũng luôn đảm bảo chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện, theo quy định pháp luật cả đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt buộc đều được nhận hỗ trợ của nhà nước.
Thứ tư, hệ thống pháp luật về CNMT của Việt Nam cơ bản phù hợp với pháp luật quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng như luôn tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm về ma túy; về CNMT và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện… Điều này cũng đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật của Việt Nam như tại Luật phòng, chống ma túy năm 2000, tại Luật phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008; Nghị định số 05/2003/NĐ-CP ngày 21/01/2013 về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy…
Thứ năm, pháp luật quy định quy trình CNMT đảm bảo đầy đủ đối với tất cả các nhóm đối tượng. Tất cả các nhóm đối tượng cả cai nghiện tại các cơ sở và cai nghiện tại cộng đồng và gia đình đều trải qua chu trình cai nghiện gồm 5 bước: (i) Phân loại người nghiện; (ii) Điều trị cắt cơn, giải độc; (iii) Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; (iv) Lao động trị liệu, học nghề và (v) Giai đoạn phòng chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng11. Ngoài việc chú trọng đến các liệu pháp về y tế, hoạt động cai nghiện theo quy định cũng chú trọng thêm cả các hỗ trợ về đào tạo nghề, dạy văn hóa, giáo dục… Các hỗ trợ này tạo cơ hội tốt giúp người nghiện cai nghiện thành công cũng như giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Thứ sáu, pháp luật ngày càng chú trọng đến công tác xã hội hóa hoạt động CNMT, huy động sự tham gia, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội trong công tác CNMT.
2.2. Một số tồn tại
Bên cạnh những ưu điểm, hệ thống pháp luật về CNMT tại Việt Nam trong quá trình vận hành trong thực tiễn cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần được xem xét và điều chỉnh. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với việc xây dựng và hoàn thiện khái niệm ma túy, CNMT trong hệ thống chính sách pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Cho đến nay đã có rất nhiều các định nghĩa, cách hiểu khác nhau về thuật ngữ ma túy, đặc biệt là sự lệch pha giữa quy định trong luật và danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành.
Thứ hai, quy định liên quan đến việc thống kê, xác định người nghiện ma túy chưa được thực thi có hiệu quả dù có rất nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan do các văn bản có sự chồng chéo trong xác định tình trạng nghiện cũng như sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới ngoài danh mục. Chẳng hạn như thiếu các hướng dẫn xác định tình trạng nghiện cần sa, cocaine hay chưa có sinh phẩm xét nghiệm để phát hiện người sử dụng một số loại ma túy mới như cỏ Mỹ, tem lưỡi… Ngay cả đối với tiêu chuẩn xác định nghiện chất Amphetamine và quy trình xác định nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BCA-BLĐTBXH cũng đang bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, quy định liên quan đến việc xử lý hành chính đối với hành vi nghiện ma túy chưa đủ sức răn đe khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử lý hành chính, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Thứ tư, quy định liên quan đến chính sách CNMT bắt buộc. Kết quả từ quá trình triển khai thực hiện các quy định về biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện cho thấy còn khá nhiều vướng mắc. Ngoài những bất cập như phân tích ở trên về việc xác định tình trạng nghiện của các nhóm đối tượng, việc xác định người không có nơi cư trú ổn định hay việc chuyển người nghiện về nơi cư trú để giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, quy định liên quan đến chính sách CNMT tự nguyện chưa hợp lý. Nhà nước khuyến khích CNMT tự nguyện, tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động CNMT tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng. Tuy nhiên các điểm cai nghiện tự nguyện thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực.
Thứ sáu, chính sách quản lý sau cai đang bất cập khi nặng về hành chính và chủ yếu do ngành công an thực hiện trong khi thiếu nhiều các hoạt động hỗ trợ về sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện dẫn tới nguy cơ tái nghiện cao.
Thứ bảy, quy định chính sách về công tác xã hội hóa hoạt động CNMT chưa đủ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư. Hiện nay, người cai nghiện tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện ngoài công lập không được nhận hỗ trợ nào từ ngân sách như tại Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở CNMT tự nguyện.
Thứ tám, tính chồng chéo, chưa thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật về CNMT. Việc liên tục được sửa đổi, bổ sung và có quá nhiều văn bản khác nhau liên tiếp được ban hành, nhiều văn bản chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn đã được thay thế… cũng đã khiến cho nhiều văn bản pháp luật bị chồng chéo hoặc không thống nhất với nhau, gây nhiều khó khăn cho quá trình thực thi chính sách, đặc biệt là giữa Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính.
3. Một số kiến nghị
3.1. Một số kiến nghị chung
Muốn nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về CNMT cần phải thực hiện song song nhiều giải pháp bao gồm sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy để hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như tiếp tục hoàn thiện quan điểm, nhận thức pháp luật về CNMT. Cụ thể:
– Về quan điểm ứng xử đối với người nghiện ma túy: Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy cần tiếp tục duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Có biện pháp quản lý tại cộng đồng đối với người nghiện ma túy.
– Về điều trị: Trong công tác CNMT thì phòng ngừa và dự phòng vẫn là chính. Để dự phòng nghiện hiệu quả, cần chú trọng đặc biệt tới các biện pháp can thiệp sớm bằng giáo dục đối với các hành vi sử dụng chất ma túy. Can thiệp bằng biện pháp giáo dục càng sớm sẽ càng giúp nâng cao nhận thức của người nghiện để họ sớm từ bỏ hành vi sử dụng ma túy. Hoạt động CNMT là quá trình triển khai tổng hợp các can thiệp về y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của người nghiện ma túy tự nguyện. Đa dạng hóa các hình thức CNMT, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng
– Về đầu tư: Đầu tư cho công tác can thiệp dự phòng nghiện ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện đối với các dịch vụ cơ bản cho người cai nghiện ma túy, các địa phương quan tâm bố trí ngân sách cho hoạt động này; cá nhân và gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, đóng góp.
– Về tiếp thu kinh nghiệm quốc tế: Nghiên cứu, cập nhật, bổ sung một số thuật ngữ, khái niệm12 để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao trách nhiệm của ngành y tế trong công tác dự phòng và điều trị nghiện ma tuý.
3.2. Một số kiến nghị cụ thể với Dự thảo Luật phòng, chống ma túy sửa đổi13
Dự thảo tại Luật phòng, chống ma túy sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2020. Dự thảo này đã có nhiều thay đổi quan trọng so với Luật phòng, chống ma túy năm 2008. Trong đó, Chương V (CNMT) gồm 20 điều (từ Điều 28 đến Điều 47). Các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Thứ nhất, thống nhất quy định về tạm giữ để xác định tình trạng nghiện: Điều 28 về xác định tình trạng nghiện ma túy trong Dự thảo Luật phòng, chống ma túy sửa đổi không quy định rõ vấn đề tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện trong khi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và quy định nơi tạm giữ.
Thứ hai, cần làm rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước về CNMT tại Khoản 5 Điều 29. Các chính sách này cần đồng bộ với quy định tại Điều 16 Luật đầu tư số 61/2020/QH14.
Thứ ba, ngoài các cơ sở cai nghiện công lập, cơ sở tư nhân còn có các các cơ sở y tế, cơ sở xã hội, cơ sở tôn giáo… tham gia cai nghiện ma túy vì vậy cần thiết kế Điều 32 theo hướng liệt kê các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và bổ sung các điều khoản riêng quy định về mô hình, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền… của từng loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện. Riêng đối với Điều 33, cần rà soát lại để thống nhất với các Điều 95, 96, 103, 104, 105 của Luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Thứ tư, cần có quy định cụ thể về thời gian tối thiểu đối với việc CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tại Điều 35. Nếu chỉ dựa vào việc cho phép thỏa thuận thời gian cai nghiện sẽ không thể đảm bảo được hiệu quả công tác cai nghiện. Cần phải có quy định thời gian tối thiểu tiến hành CNMT theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế để vừa đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện, vừa đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên.
Thứ năm, về trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Điều 37 cần quy định cụ thể trong Dự thảo luật các trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đồng thời, bổ sung quy định xác định tình trạng nghiện với mọi trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trừ các trường hợp đã tự thừa nhận nghiện ma túy.
Thứ sáu, về CNMT cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Điều 40 cần thống nhất với với các luật, quy định liên quan tới quyền của người chưa thành niên, trẻ em. Đồng thời, cần phải bổ sung quy định áp dụng cai nghiện bắt buộc đối người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã CNMT bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.
Thứ bảy, về hỗ trợ sai CNMT tại Điều 38 của Dự thảo bãi bỏ quy định quản lý sau cai nghiện cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Việc quản lý sau cai là cần thiết nhưng cần giảm các biện pháp hành chính và tăng các biện pháp hỗ trợ cho người nghiện hòa nhập cộng đồng ví dụ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm…
Thứ tám, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định về dự phòng nghiện ma túy trong Chương này.
Trải qua hơn 20 năm, hệ thống pháp luật về CNMT của Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển đa dạng, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn trong công tác CNMT gắn với đấu tranh phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế số lượng người nghiện ma túy vẫn đang ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa và phức tạp hơn về loại ma túy sử dụng, đặc biệt là đối với ma túy tổng hợp. Trong số các nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi công tác CNMT, không thể không nhắc đến sự bất cập của hệ thống chính sách. Vì thế, các bất cập này đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm xây dựng pháp luật về CNMT phù hợp với tình hình mới ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật mới về công tác cai nghiện, tăng cường các chính sách về xã hội hóa công tác cai nghiện, phát huy vai trò của khu vực tư nhân, cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ cai nghiện chất lượng tốt, giá rẻ, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi đối tượng trong xã hội… Việc khắc phục các bất cập trong hệ thống pháp luật về ma túy phải bắt nguồn từ sự thay đổi ngay trong Luật phòng, chống ma túy./.
CHÚ THÍCH
- Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Thạc sỹ, Vụ các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
- Bộ Công An (2019), Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống ma túy giai đoạn 2008-2018.
- Bùi Thị Xuân Mai chủ biên (2013), Giáo trình chất gây nghiện và xã hội, Nxb. Lao động Xã hội, tr. 107, 108.
- Hoàng Anh, Chính sách hình sự đối với tội phạm ma túy qua các thời kỳ, www.tiengchuong.vn, truy cập ngày – 07/10/2019.
- Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý số 16/2008/QH12 năm 2008.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút, tiêm chích, hít hoặc bằng các hình thức khác để sử dụng trái phép chất ma tuý.
- Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016 về Ban hành khung chương trình Đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma tuý.
- Theo Quyết định số 1001/QĐ – TTg ngày 27/6/2011 Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý sau cai; tăng cường quan hệ phối hợp giữa trung tâm quản lý sau cai nghiện với chính quyền xã, phường, thị trấn, nơi người nghiện cư trú.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Báo cáo Nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung của pháp luật dự phòng và điều trị nghiện ma túy.
- Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 Hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện & Nghị định số 1866/VBHN-BLĐTBXH ngày 15/5/2019 Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc & Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 Quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
- Người lệ thuộc vào ma túy thay vì người nghiện ma túy; tác hại do sử dụng ma túy thay vì tệ nạn ma túy; điều trị rối loạn do sử dụng ma túy thay vì cai nghiện ma túy…
- Góp ý đối với Dự thảo 5 Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hoàng Anh, Chính sách hình sự đối với tội phạm ma túy qua các thời kỳ, www.tiengchuong.vn, truy cập ngày 07/10/2019.
- Bộ Công An (2019), Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống ma túy giai đoạn 2008-2018.
Trả lời