Thời cận đại đã đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong lịch sử chuyển từ lao động sản xuất thủ công sang lao động sản xuất cơ khí và máy móc. Thế giới chuyển từ văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Các cuộc cách mạng tư sản thắng lợi, các nhà tư sản ra đời, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập thay thế cho quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời. Thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra bước đại nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng, đảm bảo cho ưu thế của chủ nghĩa tư bản so với chế độ phong kiến trước đó.
- Văn minh Ấn Độ
- Văn minh Lưỡng Hà cổ đại
- Văn minh Ai Cập cổ đại
- Văn minh Ả Rập
- Văn minh Trung Hoa
- Văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại
- Văn minh Tây Âu trung đại
- Văn minh thế giới thế kỷ XX
1. Điều kiện ra đời của nền văn minh Công nghiệp
1.1. Sự ra đời các quốc gia tư sản đầu tiên ở châu Âu và Bắc Mỹ (thế kỷ XVII-XVIII)
Nguyên nhân và mục tiêu của các cuộc cách mạng tư sản
Nguyên nhân sâu xa về kinh tế chính là mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất (LLSX) mới đang lên với quan hệ sản xuất (QHSX) cũ lỗi thời, lạc hậu kìm hãm. Nguyên nhân trực tiếp là sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến đã tạo ra những tiền đề chín muồi, dẫn đến xuất hiện tình thế cách mạng làm bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản.
Mục tiêu, nhiệm vụ của các cuộc cách mạng tư sản: Lật đổ chế độ phong kiến xác lập chế độ tư bản, đưa giai cấp tư sản lên nắm chính quyền, xác lập chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa (TBCN) về tư liệu sản xuất, tuyên bố các quyền tự do dân chủ.
Một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu
– Sự phát triển của công trường thủ công thúc đẩy tập trung sản xuất, mở rộng thị trường, không thỏa mãn nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng lên. Đó là thực tế khách quan chuyển công trường thủ công sang cơ chế tư bản chủ nghĩa.
– Thông qua hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản, các cuộc vận động thống nhất Đức, Italia, các cuộc cải cách ở Nga, ở Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản sẽ được xác lập và những mâu thuẫn trên sẽ được giải quyết.
– Ở Mêđeclan: Đây là cuộc cách mạng tư sản (CMTS) nổ ra đầu tiên trên thế giới, được lấy làm mốc mở đầu thời cận đại (1566-1579). Sau khi cách mạng thắng lợi, chính quyền ở Hà Lan thuộc về giai cấp tư sản (GCTS) và tầng lớp quý tộc, công thương nghiệp tiếp tục phát triển.
– Ở Anh: Trong thế kỷ XVII (1640-1689) cuộc CMTS bùng nổ ở Anh. Quốc hội Anh bao gồm đa số là quý tộc mới và tư sản đã đối đầu với chế độ quân chủ. Sau cách mạng, chế độ quân chủ lập hiến được hình thành ở Anh. Tuy có sự tồn tại của chế độ quân chủ lập hiến nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay quý tộc mới và tư sản.
– Ở Mỹ: (1774-1787) nhân dân các thuộc địa anh ở Bắc Mỹ đã nổi dậy chống lại chế độ thuộc địa Anh. Năm 1783, tại Vécxây (Pháp), bằng một hiệp ước hoàn chỉnh Anh công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ. Dân tộc Mỹ được hình thành với sự ra đời của hợp chủng quốc châu Mỹ (Hoa Kỳ ). Hiến pháp 1787 ra đời, xác nhận Mỹ là nước cộng hòa liên bang.
– Ở Pháp: (1789-1799), CMTS bùng nổ và thắng lợi, chế độ cộng hòa được xác lập. Cho dù về sau, Napôlêông bằng cuộc đảo chính ngày 09/1/1799 đã thiết lập chế độ độc tài quân sự thì những thành quả mà cách mạng Pháp đã giành được không gì có thể xóa bỏ. Cách mạng đã lật đổ chế độ chuyên chế, mở đường cho CNTB phát triển. Lênin gọi cách mạng Pháp là cuộc cách mạng vĩ đại.
– Ở Nhật (1868): Cách mạng Minh Trị Duy Tân là sự thắng lợi của giai cấp tư sản về mặt kinh tế khi đã biết điều hòa các yếu tố phong kiến.
1.2. Vai trò của CMTS đối với sự ra đời của nền Văn minh công nghiệp
– CMTS diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau vô cùng gay go và quyết liệt đã lật đổ chế độ phong kiến xác lập các quốc gia dân tộc tư sản, xác lập địa vị của CNTB trên phạm vi thế giới. Đưa loài người tiến bước vào một nền văn minh mới: Văn minh công nghiệp.
– CMTS đã thiết lập thể chế dân chủ tư sản (DCTS) với những nguyên tắc, thể chế tiến bộ, dân chủ, ưu việt hơn hẳn chế độ phong kiến. Những thành quả dân chủ ấy còn là cơ sở để sau này giai cấp vô sản kế thừa xây dựng nền dân chủ vô sản (DCVS).
– CMTS đã để lại những văn kiện nổi tiếng đó là các bản Tuyên ngôn (Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp) và các bản Hiến pháp của Mỹ, của Pháp…, những văn kiện ấy đã trở thành những tài sản quý giá trong kho tàng văn minh văn hóa của loài người.
– CMTS đã tạo lập môi trường chính trị thuận lợi cho việc tiến hành cách mạng công nghiệp, góp phần chiến thắng tuyệt đối chế độ phong kiến trên lĩnh vực chính trị, kinh tế đã đưa GCTS đi đến chiến thắng tuyệt đối giai cấp phong kiến.
– Gắn với các cuộc CMTS là những lãnh tụ kiệt xuất của GCTS, linh hồn của các cuộc cách mạng, mà khi thời đại CMTS càng lùi xa, vai trò và đóng góp của họ càng được nhận diện chân xác hơn: Ôlivơ Crômoen (linh hồn của CM Anh), Gioóc Oasinhtơn được mệnh danh Quốc phụ của Mỹ, Rôbetxpie, người được mệnh danh là vì sao sáng nhất trên bầu trời đầy sao của CM Pháp.
– Tuy nhiên, trên con đường phát triển CNTB vẫn còn những khiếm khuyết, vì thế CMTS chưa phải là cuộc cách mạng cuối cùng trong lịch sử và sớm hay muộn thì theo quy luật nó sẽ bị thay thế bởi cuộc cách mạng cao hơn – CMVS.
Tóm lại, thế kỉ XVII-XIX, CNTB thắng lợi ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ thúc đẩy khoa học phát triển. Chủ nghĩa thực dân không thể tồn tại mà không cải tiến khoa học kỹ thuật. Cuối trung đại, công trường thủ công tư bản chủ nghĩa xuất hiện. Đầu cận đại, máy móc xuất hiện đầu tiên ở Anh, sau đó sang Âu Mỹ, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp, cơ sở vật chất và kĩ thuật của chủ nghĩa tư bản, là nền công nghiệp lớn.
2. Cách mạng Công nghiệp
Cách mạng công nghiệp (CMCN) bắt đầu ở nước Anh (giữa TK XVIII), do nước Anh có đầy đủ những điều kiện: CMTS bùng nổ sớm, nhiều thuộc địa (vốn, nhân công, tài nguyên khoáng sản)…
2.1. Những tiến bộ về kĩ thuật
– Đầu thế kỷ XVIII, lao động thủ công vẫn chiếm ưu thế. Năm 1733, đã chế ra thoi bay, năng suất dệt tăng gấp 2 lần.
– Năm 1764-1765, Giêm Hagrivơ sáng chế ra chiếc xạ quay sợi Giêni, tăng năng suất lên 8 lần. Trước 1 cọc suốt lúc này tăng 16 lần nhưng vẫn làm bằng tay, thủ công.
– Năm 1769, Akrai dùng sức vật rồi dùng sức nước làm cho máy quay sợi chuyển động.
– Năm 1784, Giêm Oát đã phát minh ra máy hơi nước. Các Mác nhận xét: “Thiên tài vĩ đại của ông biểu hiện ở chỗ trong bằng phát minh nhằm những mục tiêu đặc biệt mà nó là động cơ vạn năng của nền công nghiệp lớn”.
2.2. Ý nghĩa của phát minh máy hơi nước
– Có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất, vì máy do con người khống chế, di chuyển được nên công nghiệp thoát khỏi sự lệ thuộc vào thiên nhiên, tạo điều kiện cho những công xưởng lớn ra đời.
– Giới tư bản Anh là những người mạnh dạn đi tiên phong trong việc trang bị máy hơi nước. Đầu tiên là những xưởng dệt, xưởng dập rèn… rồi dần dần cả những công trường thủ công đóng tàu, sàng lọc quặng, luyện kim…cũng theo nhau hiện đại hóa. Hằng năm, chỉ riêng nước Anh đã sản xuất thêm hàng trăm cổ mấy hơi nước mà vẫn chưa đủ yêu cầu.
– Tăng năng suất lao động lên gấp nhiều lần, tốc độ sản xuất nhanh.
– Máy hơi nước đi đến đâu mang theo sự biến đổi kỳ diệu về mọi mặt đến đó (trong tất cả các lĩnh vực).
Sau nước Anh CMCN lan rộng sang các nước khác: Đức, Mỹ và Pháp khỏang những năm 30-40 của thế kỷ XIX, Nga, Nhật khoảng năm 60 của thế kỷ XIX, tuy nhiên các nước đi sau chỉ non nửa thế kỷ đã bước vào giai đoạn hoàn thành, và sau đó tiến rất nhanh, thậm chí vượt qua cả nước Anh, phá vỡ địa vị độc quyền về công nghiệp của Anh.
3. Thành tựu khoa học kỹ thuật thế kỷ XIX đầu XX
3.1. Những thành tựu về khoa học tự nhiên
Vào khoảng 30 năm cuối thế kỉ XIX, lực lượng sản xuất ở các nước tư bản đạt đến trình độ phát triển cao. Nhờ những phát minh khoa học trong các lĩnh vực Vật lí, Hoá học, Sinh học…,
Vật lí, đầu thế kỉ XVIII tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn của Niutơn, nhờ đó hàng loạt vấn đề khoa học được đi sâu và làm sáng tỏ.
– Những phát minh về điện của các nhà bác học như Ghê-oóc Xi-môn Ôm (1789- 1854) người Đức, Mai-Cơn Pha-ra-đây (1791-1867) và Giêm Pre-xcốt Giun (1818-1889) người Anh, E-mi-li Khri-xchia-nô-vích Len-xơ (1804-1865) người Nga.
– Những phát hiện về hiện tượng phóng xạ của các nhà bác học người Pháp Hăng-ri Béc-cơ-ren (1852-1908), Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã đặt nền tảng cho việc tìm kiếm nguồn năng lượng hạt nhân;
– Phát minh của Vin-hem Rơn-ghen (1845 – 1923) về tia X vào năm 1895 đã giúp y học chẩn đoán chính xác bệnh tật.
Hoá học, định luật tuần hoàn của nhà bác học Nga Men-đê-lê-ép đã đặt cơ sở cho sự phân hạng các nguyên tố hoá học.
Sinh học cũng có nhiều tiến bộ lớn. Học thuyết Tiến hoá của Đác-uyn (Anh); phát minh của nhà bác học người Pháp Lu-i Paxtơ (1822 – 1895) giúp chế tạo thành công vắcxin chống bệnh chó dại; công trình của nhà sinh lí học người Nga Páp-lốp (1849 – 1936) với thí nghiệm về những phản xạ có điều kiện của hệ thần kinh cấp cao…
Toán học: Thế kỷ XIX, Lôbasépxki (Nga) đã phát minh ra hình học Ơclít.
3.2. Những thành tựu về khoa học xã hội
– Học thuyết về lịch sử: Ghidô, Chieri, Maine.
– Học thuyết Triết học cổ điển Đức: với các đại biểu xuất sắc Hê ghen và Phơ bách.
– Học thuyết Kinh tế chính trị học Anh: Ađam xmit và Ricácđô.
– Học thuyết Mác do Các Mác và Phri đrích Ăng Ghen soạn thảo.
3.3. Những tiến bộ về kỹ thuật
Kỹ thuật luyện kim của Betxơme, Máctanh (giữa thế kỷ XIX), Động cơ Điêzen (người Đức).
Về điện: phát minh ra pin Vônte (1799), pin khô (1800), bóng đèn điện (Êđixơn1884), bóng nêông (Claudơ -1898 ), rađiô( Pô pốp)…
Thông tin liên lạc: liên lạc bằng tín hiệu Móoc (Moóc xơ-1837), liên lạc bằng cáp ngầm xuyên Đại đương từ Mỹ qua châu Âu năm 1858, máy điện thoại Ben (1876).
Giao thông vận tải:
– Năm 1802: Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên ra đời. Năm 1814, xuất hiện đầu xe lửa cải tiến chạy trên đường sắt với tốc độ 6km/h. Năm 1825, tại Anh khánh thành đường xe lửa nối liền Xtốctơn và Bắcliutơn, kéo theo 33 toa do Xtêphănxen lái, mỗi giờ chạy 20km/h.
– Giao thông đường sắt liên tục phát triển nhanh chóng. Riêng ở châu Âu năm 1850 có 15.000km đường sắt, năm 1875 có 143.000km, năm 1900 có 283.000km.
– Tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên xuất hiện năm 1807 do Phintơn chế tạo, chạy được 240km. Tàu này vượt qua tất cả thuyền chèo thuyền buồm. Người ta có cảm tưởng rằng tất cả các thứ thuyền đó đều đứng yên bỏ neo.
– Năm 1819 tàu hơi nước đầu tiên đã vượt đại dương từ Mỹ đến Pêtécbua (Nga) vì không đủ than nó chạy buồm một quãng.
– Năm 1886, chiếc ô tô đầu tiên xuất hiện. Hai công trình kênh Xuyê và kênh Panama đã rút ngắn đường vận chuyển trên biển.
– Kênh Xuyê dài 130km, chảy qua Aicập, nối biển Địa Trung Hải với Hồng Hải, hoàn thành năm 1869. Kênh Panama dài 76,9km, cắt ngang eo biển Trung Mỹ, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, hoàn thành năm 1914.
– Năm 1903, hai anh em Roaitơ (người Anh) sáng chế ra động cơ máy bay và bay thử. Năm 1905, Phimke sáng chế ra máy bay bằng kim loại đầu tiên. Năm 1909 chuyến bay thử nghiệm thành công.
Quân sự: các loại súng, đại bác, thuốc nổ, tàu ngầm, tàu chiến, xe tăng, thiết giáp, may bay, ra đời nhanh chóng.
Năng lượng: Năm 1859-1860 dầu lửa được phát hiện ở Mỹ và Nga, được dùng để thắp sáng và dùng vào các động cơ. Năm 1850 sản lượng khai thác than trên thế giới là 90 triệu tấn, năm 1913 là 1340 triệu tấn. năm 1870 sản lượng khai thác dầu lửa trên thế giới là 0.9 triệu tấn, năm 1914 là 52 triệu tấn.
Thế kỷ XIX được gọi là thế kỷ của sắt, máy móc và động cơ hơi nước. Than trở thành nguồn nguyên liệu chính. Những nước có nhiều mỏ than thường chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất công nghiệp.
3.4. Tác động của khoa học và kỹ thuật đối với sự phát triển văn minh công nghiệp
Những tiến bộ của KHKT đã làm thay đổi hẳn cách thức lao động, năng suất lao động tăng lên chưa từng thấy. “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của các thế hệ trước kia gộp lại…”
Làm thay đổi các quy tắc của nền sản xuất, địa lý kinh tế, nếp sống sinh hoạt, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, cơ cấu giai cấp trong xã. Đáng lưu ý nhất là sự ra đời của vô sản công nghiệp và những cuộc đấu tranh đầu tiên của họ.
Quan hệ quốc tế cũng thay đổi nhanh chóng: giao lưu rộng mở giữa các vùng, quan hệ giữa các nước chuyển theo hướng đa dạng, đa phương, quan hệ hợp tác… Đồng thời nảy sinh quá trình bành trướng, tranh giành thuộc địa.
Nảy sinh những mặt trái như: ô nhiễm môi trường, việc khai thác cạn kiệt thiên nhiên, việc sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật (quân sự) với mục đích phi hòa bình.
4.Thành tựu văn học và nghệ thuật của văn minh công nghiệp
4.1. Thành tựu về văn học
Dòng văn học Ánh sáng nửa đầu thế kỷ XVIII mang tính chất phản phong sâu sắc, có các đại biểu tiêu biểu: Môngtexkiơ, Điđơrô, Vônte.
Dòng văn học lãng mạn nửa sau TK XVIII-XIX, phản ánh xã hội tư bản vừa mới hình thành, mô tả những tâm trạng khác nhau của những lớp người trong xã hội. Đại biểu xuất sắc: Vichto Huygô (Nhà thờ Đức bà Pari, những người khốn khổ), Lamáctin (Uy lực của Đạo Cơ đốc), Vinhi (cái chết của con chó sói), Grim ( truyện cổ Grim)…
Dòng văn học hiện thực, nảy sinh cuối TK XIX- đầu XX, khi CNTB đã hoàn thiện, và bộc lộ đầu đủ những mặt trái của nó, văn học đã khắc họa những nhân vật điển hình của xã hội với đủ mọi hạng người với những tính cách đa dạng và điển hình. Những đại biểu tiêu biểu: Ban zắc với Tấn trò đời, Xtăng đan với Đỏ và đen, Thác cơ ren với Hội chợ phù hoa, Mắcxim goocki với Người Mẹ, Trái tim Đan cô, Léptônxtôi với Chiến tranh và hòa bình, Đoàn Di gan lên trời,…
Dòng văn học Công xã Pari tuy tồn tại rất ngắn ngủi nhưng đã làm nên những kỳ tích: khai sinh ra một dòng văn học mới, văn học Cách mạng với những nhà thơ, nhà văn vừa là chiến sĩ.
4.2. Thành tựu về nghệ thuật
Âm nhạc: với những Thiên tài: Mô da ( Áo), Bét thô ven , Bách ( Đức), Sôpanh ( Ba lan), Traicôpxki ( Nga),…
Hội họa cũng phát triển theo hai xu hướng lãng mạn và hiện thực với những họa sĩ bậc thầy: Gôia (Tây Ban Nha), Đơclaroa, Cuốcbê (Pháp), Van Gốc (Hà Lan), Picasso (Tây ban nha), Rơnoa (Pháp)…
Kiến trúc và điêu khắc với những công trình hài hòa của các phong cách Đông-Tây, thể hiện sức mạnh của thời đại mới như các tòa nhà Quốc hội ở các nước, cổng Khải hoàn môn, cột đồng Văng đôm (ở Pháp), Tượng Thần tự do, Tháp Épphen,… Cung điện Vécxai (1708); Bảo tàng Anh; Bảo tàng Lu-vrơ (Pa-ri, Pháp)…
5. Những học thuyết Chính trị thời Cận đại
5.1. Học thuyết khai sáng
Cùng với sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, đời sống chính trị ở các nước phương Tây chuyển biến mạnh mẽ. Các trào lưu tư tưởng như Phục hưng, Triết học ánh sáng, Bách khoa toàn thư… đã tạo nên quan niệm và nguyên lý nền tảng của thể chế dân chủ tư sản.
– John Locke (1632-1704) là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ông là nhà triết học theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh trong lĩnh vực nhận thức luận. Ông cũng phát triển lý thuyết về khế ước xã hội, vai trò của nó tới chức năng và nguồn gốc nhà nước. Qua các tác phẩm của mình, J.Locke luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế và có những đóng góp lớn đối với chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân lẫn mặt thể chế. Về cá nhân, ông muốn con người dùng lý trí để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt hoặc được sinh ra bởi niềm tin mù quáng. Về mặt thể chế, cụ thể là nhà nước và nhà thờ, J.Locke tách biệt những chức năng chính đáng và không chính đáng của các thể chế này và từ đó mà có sự khác nhau trong việc sử dụng bạo lực của các thể chế này tương ứng với những chức năng của nó. Chính những khái niệm về quyền tự nhiên, khế ước xă hội và nhiều đóng góp khác đă khiến ông trở thành một nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng và có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
J.Locke có ảnh hưởng đến cả cuộc Cách mạng Mỹ lẫn Cách mạng Pháp. Ông có nhiều ảnh hưởng đến triết học, chính trị và đặc biệt là những cống hiến của ông cho chủ nghĩa tự do. J.Locke đóng góp cho nhân loại phương pháp thực nghiệm đi đến tri thức. Tư tưởng về chủ nghĩa tự do và khế ước xã hội của ông đã có ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nhà tư tưởng lớn, như Voltaire, Montesquieu và cả những người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như Alexander Hamilton, Jemes Madison và Thomas Jefferson. Tên tuổi của J.Locke được biết đến nhiều nhất qua cống hiến của ông cho chủ nghĩa tự do nói chung và ảnh hưởng với nước Mỹ nói riêng.
– Montesquieu (1689-1775): xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp. Ông đã dành 30 năm để viết tác phẩm chính là cuốn “Tinh thần pháp luật”. Tác phẩm ra đời được đông đảo độc giả lưu ý đến nổi trong 2 năm phải tái bản tới 22 lần.
Montesquieu phân biệt ba loại hình thức nhà nước: độc tài, quân chủ lập hiến, cộng hòa. Ông lên án chế độ độc tài là tàn bạo, cho rằng chế độ cộng hòa là tốt đẹp nhưng trong thực tế không thực hiện được. Theo ông thì chế độ chính trị tốt đẹp nhất là nhà nước quân chủ lập hiến giống như kiểu nhà nước Anh, Montesquieu lại chủ trương phân chia quyền lực giữa vua, nghị viện và quan tòa. Nhà vua giữ quyền hành pháp, nghị viện giữ quyền lập pháp, các quan tòa nắm quyền tư pháp.
Ba quyền đó không phụ thuộc vào nhau mà kiểm soát lẫn nhau. Trong khi chế độ quân chủ chuyên chế đang ngự trị một cách tàn bạo, quan điểm của Montesquieu có tác dụng tiến bộ vì lẽ đó đã chỉa mũi nhọn vào độc tài của nhà vua, đòi hạn chế quyền hành của những hoàng đế.
– Jean Jacques Rousseau (1712-1778) được biết đến không chỉ với tư cách nhà tư tưởng vĩ đại, nhà Khai sáng lỗi lạc của Triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Ông còn được biết đến với tư cách nhà chính trị học, nhà nghệ thuật học, nhà văn, nhà giáo dục học.
Ông phê phán gay gắt các quan hệ đẳng cấp phong kiến và chế độ chuyên chế, ủng hộ nền DCTS và các quyền tự do của công dân, tán thành sự bình đẳng của con người bất chấp nguồn gốc xuất thân;…
Trong các tác phẩm, Khế ước xã hội là tác phẩm phác họa trật tự chính trị hợp lý của ông. Xuất bản năm 1762, tác phẩm đã có nhiều ảnh hưởng tới triết học phương Tây. Mặc dù ông cho rằng chủ quyền phải thuộc về nhân dân, nhưng ông lại phân biệt chủ quyền và chính quyền. Chính quyền là người thực hiện chủ quyền, tức ý chí và nguyện vọng chung của quảng đại quần chúng.
– Rousseau có ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Pháp, mặc dù ý tưởng chủ quyền thuộc về toàn thể nhân dân được thực hiện qua hình thức đại diện thay vì trực tiếp. Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên phê phán thể chế tư hữu và được xem là bậc tiền bối của CNXH hiện đại và CNCS khoa học.
Ông cũng cho rằng nguyên tắc cơ bản của triết học chính trị là chính trị và đạo đức không được tách rời. Khi nhà nước không thực hiện đúng theo giá trị đạo đức thì cũng không thể thực hiện đúng các chức năng của mình và cũng không thể có quyền lực đối với một cá nhân được nữa. Nguyên tắc quan trọng thứ hai là tự do mà nhà nước được lập ra để gìn giữ.
Quan niệm về giáo dục của Rousseau mà trong đó đối tượng của giáo dục chính là những đứa trẻ mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần,… Các tác phẩm của Rousseau đều thể hiện rằng thiên nhiên giúp con người hình thành nên bản chất của mình, giúp con người thống nhất để vượt qua sự tù đày và giam cầm của xã hội.
5.2. Chủ nghĩa xã hội không tưởng
Trước khi có học thuyết Mác, giữa thế kỷ XIX do sự phát triển của CNTB đã đem lại đau khổ cho nhân dân lao động, trong hoàn cảnh đó một số nhà tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ đã nghĩ đến việc xây dựng một xã hội mới, không có chế độ tư hữu, không bốc lột, nhân dân làm chủ mọi phương tiện sản xuất. Nổi bật nhất là Xanh-xi-mông (1760-1825), Phuriê (1772-1837) ở Pháp, Ôoen (1771-1858) ở Anh.
Đây là trào lưu tư tưởng học thuyết chính trị. Lúc đầu mang tính không tưởng nên gọi là xã hội chủ nghĩa không tưởng. Họ ước mơ xây dựng một xã hội chủ nghĩa công bằng, bình đẳng, một xã hội trong đó con người không phải sống nghèo khổ và không biết đến chiến tranh, nhưng điều đó không thể thực hiện được vì họ dừng lại ở biện pháp giáo dục, tuyên truyền cải lương.
5.3. Học thuyết Mác
Những năm 40 của thế kỷ XIX, Mác và Ăngghen đã tiếp thu những yếu tố lý luận của CNXH không tưởng, xây dựng học thuyết CNXH trên quan điểm DVLS và lý luận về giá trị thặng dư, từ đó xác lập học thuyết về xã hội khoa học. Đây là cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng loài người. Tư tưởng của Mác- Ăng nghen và của Lênin về sau trở thành sức mạnh hiện thực trong phong trào công nhân và trong các thành quả của CNXH.
Bản chất của chủ nghĩa Mác:
– Là tổng hợp quy luật lịch sử đó để chứng minh rõ TBCN nhất định sẽ bị thay thế bởi chế độ XHCN, cũng như nó đã từng thay thế chế dộ phong kiến một cách hợp quy luật. Lịch sử tiếp tục vận dộng phát triển tự nhiên của lịch sử.
– Nó không rơi vào thái độ trực quan lịch sử mà từ sự nhận thức tất yếu lịch sử để chủ động tác dộng thúc đẩy lịch sử tiến lên bằng lý luận giải phóng: giải phóng giai cấp, giải 43 phóng xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng con người dựa trên “cái cốt vật chất”, “cái nền tảng kinh tế” là giải phóng lực lượng sản xuất.
– Bản chất cách mạng và bản chất khoa học luôn gắn liền với nhau như hình với bóng. Các bản chất khoa học đấy kế thừa và phát triển toàn bộ tri thức loài người đã đạt được vào đầu thế kỷ XIX mà tiêu biểu là định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, thuyết tế bào, định luật tiến hóa của các giống loài, các trào lưu triết học cổ điển Đức, học thuyết kinh tế Anh và lý luận xã hội không tưởng Pháp. Từ đó hình thành nên hệ thống lý luận mới vừa cách mạng vừa khoa học trên cả 3 bộ phận: triết học, kinh tế chính rị học, chủ nghĩa xã hội khoa học với một hệ thống các quy luật, nguyên lý và phạm trù có giá trị và ý nghĩa phổ biến về thế giới quan và về phương pháp luận khoa học không chỉ cho trước đây mà cho cả hiện nay.
Lênin là người phát triển học thuyết chủ nghĩa Mác trong giai đoạn mới (kể cả ba bộ phận). Ông làm phong phú thêm triết học Mác xít bằng nhiều tư tưởng mới. Lênin coi lý luận chủ nghĩa duy vật lịch sử là nền tảng khoa học để hiểu những quy luật phát triển xã hội và đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng xã hội mới./.
Nguồn: Luật sư Online – iluatsu.com
Trả lời