Bàn về miễn trách nhiệm hình sự theo luật hình sự việt nam trên nền tảng của nguyên tắc suy đoán vô tội
- Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 29 BLHS năm 2015 từ góc độ tư pháp phục hồi
- Bàn về quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp 1992
- Bàn về quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 và vấn đề sửa đổi một số quy định liên quan trong BLTTHS năm 2003
TỪ KHÓA: Miễn trách nhiệm hình sự, Nguyên tắc, Suy đoán vô tội,
TÓM TẮT
Bài viết chỉ ra những vướng mắc về mặt lý luận cũng như thực tiễn xoay quanh chế định miễn trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 chính thức ghi nhận suy đoán vô tội là một nguyên tắc. Dựa trên những phân tích này, bài viết đưa ra những đề xuất cho sự thay đổi đối với các quy định về miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo cách tiếp cận truyền thống, chế định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) thuộc hệ thống các chính sách miễn, giảm trong luật hình sự, thường được cho là phản ánh tính nhân đạo, khoan hồng và “tiết giảm sự tác động cưỡng chế hình sự” của Luật Hình sự Việt Nam.[1] Tuy nhiên, nền tảng lý luận của chế định miễn TNHS trong luật hình sự Việt Nam hiện còn bất cập do chế định này đang được quy định và áp dụng không dựa trên lý luận về TNHS.
Có thể thấy rằng chế định miễn TNHS trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng như trong các bản dự thảo sửa đổi BLHS năm 2015 là một tập hợp các trường hợp có chung tên gọi nhưng rất khác nhau về bản chất/ nền tảng lý luận cho việc áp dụng cũng như các điều kiện áp dụng. Việc hiểu và áp dụng các quy định này trở nên phức tạp hơn sau khi Hiến pháp năm 2013 chính thức ghi nhận “suy đoán vô tội” là một nguyên tắc hiến định. Nhằm đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ cũng như tính khả thi và hiệu quả trong việc áp dụng của các quy định về miễn TNHS nói chung,[2] bài viết giải quyết những mâu thuẫn cả về lý luận và pháp luật thực định xoay quanh các quy định này.
1. Quan niệm về trách nhiệm hình sự tại Việt Nam
Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại (ít nhất) hai cách hiểu về khái niệm TNHS. Cách hiểu thứ nhất, TNHS bao gồm toàn bộ các động thái của Nhà nước “khi có một hành vi phạm tội xảy ra”.[3] Theo quan điểm này thì TNHS bao gồm cả những tác động của hoạt động truy cứu TNHS. Chẳng hạn, TNHS là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu TNHS, bị kết tội, chịu các biện pháp cưỡng chế của TNHS (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích.[4] Cách hiểu thứ hai, nhìn nhận TNHS ở một phạm vi hẹp hơn. Theo đó, TNHS là một dạng trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện.[5]
Có thể nói rằng, các định nghĩa về TNHS hiện có tại Việt Nam khá chung chung và mơ hồ. Những câu hỏi cơ bản như “TNHS của một công dân được đặt ra khi nào?”, “Từ thời điểm nào TNHS bắt đầu được thực hiện?”, “Các biểu hiện cụ thể về hậu quả pháp lý bất lợi của TNHS chỉ bao gồm các biện pháp cưỡng chế được quy định trong pháp luật hình sự (gồm có hình phạt, biện pháp tư pháp và án tích) hay bao gồm cả các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự (gồm có các biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế)?”[6] đều chưa được làm rõ cả trong lý luận và pháp luật thực định.
Về mặt nguyên tắc, khái niệm miễn TNHS cũng xuất phát từ khái niệm TNHS, sẽ “không thể tồn tại khái niệm miễn TNHS nếu không có khái niệm TNHS”[7] và “cơ sở của miễn TNHS cũng được xuất phát từ cơ sở của TNHS”.[8] Do đó, sự không rõ ràng trong quan niệm về TNHS chắc chắn sẽ dẫn đến sự không rõ ràng, thiếu thống nhất về nội hàm của khái niệm và các quy định liên quan đến miễn TNHS.
2. Miễn trách nhiệm hình sự trước và sau sự thừa nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội”
Trên thực tế, có thể nhận xét rằng các quy định về miễn TNHS được xây dựng dựa trên nguyên tắc nhân đạo, yêu cầu về phân hóa TNHS và tiết giảm cưỡng chế hình sự hơn là dựa trên nguyên lý về TNHS. Điều dễ nhận thấy nhất là trong các BLHS trước đây cũng như trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các căn cứ miễn TNHS bao gồm nhiều trường hợp mà sự tha miễn dựa trên các lý do khác nhau.[9] Mặc dù lý do chung là các trường hợp miễn TNHS đều phản ánh rằng người (bị cho là hoặc được chứng minh là đã) thực hiện tội phạm cho thấy họ đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái hoặc do hoàn cảnh cá nhân của họ mà sự trừng trị/ giáo dục cải tạo chính thức của pháp luật với họ là không cần thiết nữa. Có thể liệt kê vào 4 nhóm lý do sau:
– Nhóm miễn TNHS vì bản thân hành vi đã thực hiện không còn (một cách không chính thức) bị coi là nguy hiểm cho xã hội nữa. Nhóm này gồm có căn cứ “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.[10]
– Nhóm miễn TNHS vì lý do nhân đạo đối với người (được cho là đã) thực hiện hành vi phạm tội, gồm có các căn cứ “khi có quyết định đại xá”;[11] “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm nữa”;[12] “người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”.[13]
– Nhóm miễn TNHS nhằm khuyến khích sự hợp tác của người (bị cho là) phạm tội với các cơ quan tiến hành tố tụng, gồm có “người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”,[14] “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”,[15]một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự liên quan đến các tội phạm cụ thể.[16]
– Nhóm miễn TNHS trên tinh thần tiết giảm cưỡng chế hình sự, xử lý chuyển hướng vì cho rằng việc áp dụng các biện pháp TNHS (theo kiểu truyền thống, như hình phạt, biện pháp tư pháp, án tích) là không cần thiết; với căn cứ “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hoà giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”;[17] “người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp (luật định) và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này”.[18]
Quan trọng hơn cả là các căn cứ này cho thấy nhà làm luật Việt Nam không quan tâm rằng vào thời điểm mà các điều kiện miễn TNHS xảy ra, hành vi (có dấu hiệu) phạm tội đã được chứng minh là một tội phạm một cách chính thức hay chưa, người (bị tình nghi) phạm tội đã được xác định là đã có hành vi thỏa mãn các dấu hiệu luật định để được coi là phạm tội và phải chịu hậu quả pháp lý hay chưa? Chỉ cần có một trong các điều kiện đó được (coi là) thỏa mãn thì họ sẽ ra khỏi vòng tố tụng. Nếu hiểu theo các quy định hiện hành về miễn TNHS thì TNHS được coi là tồn tại kể từ khi có hành vi (có dấu hiệu của hành vi) phạm tội được thực hiện và có sự “vào cuộc” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này lý giải tại sao nhà làm luật trao thẩm quyền miễn TNHS cho tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, gồm có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án[19] tùy thuộc vào việc cơ quan nào đang thụ lý vụ việc khi điều kiện miễn TNHS xảy ra hoặc được phát hiện ra. Nguyên lý này xem ra có lợi cho người (bị tình nghi) phạm tội khi họ có thể ra khỏi vòng tố tụng sớm nhất có thể. Tuy nhiên, một thực tế là việc miễn TNHS không phải là đã “hết chuyện”. Người được miễn TNHS về nguyên tắc vẫn được coi là người đã phạm tội và được miễn/ không phải chịu TNHS. Do đó, ho vẫn chịu “sự phản ứng” (lên án) từ phía Nhà nước và xã hội.[20] Họ không được bồi thường thiệt hại theo quy định của luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước,[21] dù việc họ có thực sự và chính thức bị coi là phạm tội hay không là một vấn đề hoàn toàn thiếu chắc chắn cả về pháp lý và thực tế.
Sự nhập nhằng, không rõ ràng trong quan niệm về TNHS và miễn TNHS càng trở nên phức tạp hơn khi Hiến pháp năm 2013 chính thức ghi nhận “suy đoán vô tội” là một nguyên tắc.[22] Theo đó, trên nền tảng hiến định, suy đoán vô tội đã được cụ thể hóa thành một nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đây là biểu hiện cụ thể, sinh động cho tố tụng hình sự tiến bộ, công bằng, dân chủ. Theo đó, nếu lỗi của người bị buộc tội không được chứng minh thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc khẳng định họ vô tội và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận vô tội.[23] Như vậy với nguyên tắc hiến định này, cơ sở của TNHS ở Điều 2 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) “chỉ người nào phạm một tội” sẽ phải được hiểu là người này đã được chứng minh (qua các hoạt động/thủ tục tố tụng một cách công khai, công bằng, kịp thời, vô tư, khách quan) rằng họ đã “phạm một tội được quy định trong BLHS”. Điều này có nghĩa là TNHS cần phải được hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ có thể phát sinh sau khi có một bản án chính thức của Tòa án kết tội (và bản án đó có hiệu lực pháp luật).[24] Cũng theo logic này, miễn TNHS sẽ chỉ đặt ra đối với những trường hợp đã được chứng minh là có tội và phải chịu TNHS[25] nhưng được miễn/ không phải chịu vì thỏa mãn (một trong) những điều kiện nhất định. Với cách nhìn nhận này thì thẩm quyền về miễn TNHS chỉ thuộc về Tòa án.[26]
Như vậy, sau nguyên tắc suy đoán vô tội, các trường hợp miễn TNHS phải thỏa mãn các yêu cầu (về mặt lý luận) sau:
– Đối tượng được áp dụng: chỉ những người đã được xác định là có tội và qua đó có TNHS mới thuộc trường hợp có thể được miễn TNHS (tất nhiên phải thỏa mãn các điều kiện luật định).
– Thẩm quyền áp dụng: chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền miễn TNHS sau khi hoàn tất việc chứng minh bị can /bị cáo là có tội và có TNHS.
– Miễn TNHS bao gồm miễn tất cả các hậu quả pháp lý bất lợi về mặt hình sự, gồm có hình phạt, các biện pháp tư pháp mang tính chất hình sự được quy định trong BLHS và án tích.
– Các hậu quả pháp lý khác sau khi được miễn TNHS: có thể bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục (do luật định khi cần thiết, chẳng hạn như sau khi được miễn TNHS do xử lý chuyển hướng) như là nghĩa vụ pháp lý đi kèm với miễn TNHS.[27]
Theo các tiêu chí vừa nêu thì trong số các căn cứ miễn TNHS đang được ghi nhận bởi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chỉ có các trường hợp sau thực sự là miễn TNHS (và cũng chỉ là miễn TNHS trong những trường hợp phải do Tòa án đánh giá hành vi phạm tội là thỏa mãn một tội phạm được luật định; đồng thời đánh giá cả việc điều kiện miễn TNHS được thỏa mãn). Đó là:
– Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận (điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017));
– Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm nữa, hoặc người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017));
– Các trường hợp miễn TNHS được quy định trong một số tội phạm cụ thể.[28]
Vậy thì các trường hợp miễn TNHS còn lại theo pháp luật hình sự hiện hành thì sẽ ra sao?
Trước tiên, các trường hợp[29] hiện đang thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực chất là các trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và chỉ là biện pháp miễn truy cứu TNHS. Theo đó, từ góc độ tố tụng hình sự, nên được gọi là “miễn truy cứu TNHS”.[30] Vì vậy, tác giả này đề xuất, ở các giai đoạn điều tra, truy tố (do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện) chỉ đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án khi có căn cứ để miễn truy cứu TNHS, còn ở giai đoạn xét xử, tòa án mới có quyền đình chỉ vụ án và miễn TNHS.[31] Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tương tự như sự mơ hồ của luật nội dung, khái niệm “đình chỉ vụ án” trong luật hình thức cũng đang tồn tại với một nội hàm rộng và khá mơ hồ về hậu quả pháp lý.[32] Như vậy, nếu gom chung các trường hợp miễn truy cứu TNHS vào nhóm “đình chỉ vụ án” sẽ rất khó phân định trường hợp không có tội với trường hợp không xác định tội phạm do không tiến hành truy cứu. Điều này dễ dẫn đến khả năng thực tế là người được đình chỉ vụ án phải chịu những tác động tiêu cực của việc đã liên quan đến vụ án hình sự/ chịu sự lên án của xã hội, cộng đồng dù cho thực tế họ có thể không phải người phạm tội, hoặc ít nhất chưa được khẳng định là có tội.[33]
Trong khi đó, những trường hợp miễn TNHS với lý do về “xử lý chuyển hướng” còn tỏ ra phức tạp hơn nhiều, không chỉ vì liên quan đến hai nhóm chủ thể của tội phạm là người đã thành niên[34] và người dưới 18 tuổi[35] với hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Sự phức tạp còn nằm ở chỗ trong những trường hợp này rất khó để xác định vào thời điểm các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp mang tính “xử lý chuyển hướng” thì đã xuất hiện cái gọi là “TNHS” hay chưa? Kéo theo đó là việc xác định các vấn đề về nội dung (phạm vi miễn, hậu quả pháp lý…) cũng như hình thức (trình tự thủ tục, cơ quan có thẩm quyền…).
3. Kết luận
Do tính bất ổn về mặt lý luận (như đã nêu ở trên) và thiếu khả thi về mặt thực tiễn, tác giả mạnh dạn đề nghị bỏ biện pháp miễn TNHS ra khỏi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)) cũng như lý luận luật hình sự Việt Nam.[36] Xét cho cùng biện pháp miễn TNHS như hiện nay đang “gánh vác” những chức năng nào? Nhìn từ góc độ nhân đạo, liệu rằng việc đưa những người như người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc các trường hợp khác khiến họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội[37] ra khỏi vòng tố tụng trong khi không rõ ràng về số phận pháp lý và những hậu quả xã hội có thể đi sau quyết định miễn TNHS có thực sự là nhân đạo?
Ngay cả trong những trường hợp việc thực hiện hành vi nguy hiểm là có những động cơ, lý do chính đáng (như trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết…) thì việc truy cứu TNHS và tiến hành xét xử vẫn là việc cần thiết để có thể đánh giá đầy đủ bản chất của hành vi,[38] thể hiện một cách chính thức phản ứng (sự lên án hay khuyến khích) của Nhà nước và xã hội đối với hành vi đó. Nên dù vì bất cứ lý do gì, ngoài lý do hành vi không đáng bị lên án hoặc hành vi nên được khuyến khích thực hiện, thì việc gạt bỏ hoàn toàn TNHS như là một sự phản ứng mang tính nguyên tắc của xã hội, dựa trên những cơ sở mập mờ và đòi hỏi quá nhiều sự cân nhắc quan trọng như cách quy định các căn cứ miễn TNHS như hiện nay thể hiện sự tuỳ tiện nhiều hơn là sự nhân đạo. Ngay cả trong những trường hợp thực sự có yêu cầu của sự nhân đạo (như khi người đã thực hiện hành vi mắc bệnh hiểm nghèo/(tỏ ra) không còn nguy hiểm cho xã hội) thì sự nhân đạo đó cũng chỉ nên dừng lại ở việc (tạm) đình chỉ truy cứu TNHS nếu người đó không đủ sức khỏe tham gia vào hoạt động tố tụng. Điều này không nên bị đánh đồng với việc người đó nhận được sự tha thứ bằng cách miễn TNHS đối với một hành vi đã gây ra và chưa bị lên án một cách chính thức qua hoạt động tố tụng chỉ vì họ không còn nguy hiểm trong tương lai. Xét cho cùng, TNHS vẫn phải là hậu quả pháp lý mà một người phải “trả giá” cho một tội phạm đã gây ra chứ không phải chỉ là sự phòng ngừa cho khả năng phạm tội trong tương lai. Trong khi đó, đối với các trường hợp đúng nghĩa miễn TNHS như trên đã chỉ ra, Tòa án hoàn toàn có thể tuyên việc miễn các hậu quả pháp lý cụ thể (như hình phạt, hay biện pháp tư pháp nào cụ thể, hoặc án tích) mà không cần dùng đến “miễn TNHS” một cách mơ hồ.
CHÚ THÍCH
[1] Nguyễn Thị Phương Hoa – Phan Anh Tuấn (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Hồng Đức; Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập ngày 19/5/2017.
[2] Mà không bao gồm các trường hợp miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội mà theo quan điểm của tác giả cần có góc độ tiếp cận khác.
[3] Võ Khánh Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Đại học Huế – Trung tâm đào tạo từ xa, Nxb. Công an nhân dân, 2002, tr. 110.
[4] Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự – Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr. 210; Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển Giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, 1999, tr. 126.
[5] Đỗ Ngọc Quang, Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong Luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 1997, tr. 14; Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr. 250.
[6] Xem Chương VII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[7] Lê Cảm – Trịnh Tiến Việt, “Về trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự”, Tạp chí Khoa học (chuyên san Kinh tế – Luật) số 2, 2005.
[8] Phạm Mạnh Hùng, Chế định trách nhiệm hình sự trong Luật Hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2004, tr. 47.
[9] Về hình thức được quy định rải rác trong các điều luật khác nhau, nằm cả ở phần chung và phần các tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các trường hợp này gồm có tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ở Điều 16, các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự ở Điều 29 và một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự liên quan đến các tội phạm cụ thể (được quy định tại các khoản 2 Điều 91 dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội; khoản 4 Điều 110 liên quan đến tội gián điệp; khoản 4 Điều 247 liên quan đến tội trồng cây thuốc phiện; khoản 7 Điều 364 liên quan đến tội đưa hối lộ; khoản 6 Điều 365 liên quan đến tội môi giới hối lộ và khoản 2 Điều 390 liên quan đến tội không tố giác tội phạm).
[10] Điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[11] Điểm b khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[12] Điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[13] Điểm b khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[14] Điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[15] Điều 16 BLHS năm 2015.
[16] Xem footnote số 12.
[17] Khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[18] Khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[19] Xem Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 230, 248 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[20] Có thể bao gồm “chịu sự tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và danh dự của mình và ở một chừng mực nhất định, họ đã bị “hạ thấp vị thế” trước cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng dân cư”. Xem thêm trong Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập tại http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/59, truy cập ngày 19/5/2017.
[21] Xem điểm a khoản 2 Luật Điều 32 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật số 10/2017QH14 ngày 20/6/2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018).
[22] Cũng như Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[23] Trần Thái Dương, “Quyền được suy đoán vô tội theo Hiến pháp và vấn đề bảo đảm thực thi ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Luật học, số 3, 2017.
[24] Và theo đó, “người phạm tội” và “người có tội” là hai thuật ngữ có nghĩa giống nhau. Nếu một người bị cho là đã thực hiện một tội phạm nhưng chưa được chứng minh thì phải gọi là người bị tình nghi, bị can hoặc bị cáo tùy vào từng giai đoạn tố tụng đã áp dụng với họ. Về quan điểm cho rằng cần phân biệt giữa “người phạm tội” và “người có tội” xin xem trong Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập tại http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/59,.truy cập ngày 19/5/2017.
[25] Hoặc có thể nói là “Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với người phạm tội thì miễn TNHS, miễn hậu quả pháp lý của việc phạm tội cũng chỉ có thể đặt ra đối với người phạm tội. Không thể áp dụng miễn Trách nhiệm hình sự đối với người không có hành vi thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm được quy định trong luật hình sự…” Xem Lê Thị Sơn, “Trách nhiệm hình sự và miễn Trách nhiệm hình sự”, Tạp chí Luật học, số 5, 1997.
[26] Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập tại http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/59, truy cập ngày 19/5/2017.
[27] Liên quan đến một số hậu quả pháp lý khác vẫn được áp dụng trong thực tế với những người được miễn TNHS, chẳng hạn “chịu các biện pháp cưỡng chế phi hình sự thuộc các ngành luật tương ứng, như bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam…) theo quy định của pháp luật TTHS; buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự; xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hành chính; bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật lao động…, tác giả cho rằng đây là những hậu quả pháp lý độc lập với vấn đề TNHS và miễn TNHS. Do đó sẽ phải được áp dụng theo các quy định về nội dung và hình thức trong các ngành luật tương ứng, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Những hậu quả này cũng không phải là “biện pháp hỗ trợ nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như thể hiện sự lên án hành vi phạm tội của họ”. Xem: Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập tại http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/59, truy cập ngày 19/5/2017.
[28] Xin xem thêm footnote số 18.
[29] Gồm có “khi tiến hành điều tra, truy tố do có sự thay đổi về chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”; “khi tiến hành điều tra, truy tố do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” hoặc “khi tiến hành điều tra, truy tố người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”; “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” và thậm chí cả trường hợp “do hết thời hiệu truy cứu TNHS”. Về quan điểm coi “hết thời hiệu truy cứu TNHS” là một trường hợp miễn TNHS xin xem Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr. 374.
[30] Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập ngày 19/5/2017.
[31] Trịnh Tiến Việt, “Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật”, truy cập ngày 19/5/2017.
[32] Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “đình chỉ vụ án” là một biện pháp tố tụng do Viện kiểm sát áp dụng “khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự”. Đó là các trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trong những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác… Như vậy, người được đình chỉ vụ án có thể là người không phạm tội (không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm) hoặc cũng có thể là người có hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng vì những lý do khách quan nhất định (như chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…) mà được đình chỉ các biện pháp tố tụng đối với hành vi mà họ đã thực hiện.
[33] Xem thêm footnote số 29.
[34] Là trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Quy định này được đưa vào BLHS vì theo lý giải của Ban soạn thảo, “qua tổng kết thi hành BLHS, nhiều trường hợp, mặc dù hành vi đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng giữa người phạm tội và người bị hại đã có sự thỏa thuận, thậm chí đến tại tòa xin cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự nhưng Tòa án cũng không chấp thuận vì không có căn cứ. Ví dụ như trường hợp giao cấu với trẻ em nhưng sau đó, họ thành vợ, thành chồng, sinh con, ăn ở với nhau hạnh phúc, khi có đủ căn cứ để khẳng định người chồng đã giao cấu với người vợ nhiều lần, nên Tòa án vẫn tuyên người chồng phạm tội giao cấu với trẻ em và buộc phải chấp hành hình phạt. Hay nhiều trường hợp giữa người phạm tội và người bị hại thỏa thuận với nhau về cách giải quyết vụ việc, đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị xin miễn truy cứu trách nhiệm, đặc biệt là trong những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý xâm phạm sức khỏe hoặc xâm phạm tài sản của người khác hoặc xâm phạm an toàn công cộng. Trong những trường hợp này, việc tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ gây tốn kém cả về nhân lực, vật lực mà hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng không cao”. Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) (2015), “Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi) tháng 4/2015”, tr. 11-12.
[35] Dự thảo BLHS sửa đổi năm 2015 ghi nhận “bổ sung các quy định về miễn TNHS và áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội” với quan điểm “việc đưa người chưa thành niên vào hệ thống xử lý chính thức chỉ khi không còn cách nào khác để đảm bảo an toàn của cộng đồng”. Theo đó, “các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và giao người chưa thành niên phạm tội cho gia đình, tổ chức tại cộng đồng thực hiện việc giám sát, giáo dục mà không cần tiếp tục xử lý hình sự.” Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) (2015), “Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi) tháng 4/2015”, tr. 31-32.
[36] Trong 03 trường hợp miễn TNHS hiện nay được quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hai trường hợp đầu tiên (gồm có “nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” và “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”), do chưa có văn bản hướng dẫn nên việc áp dụng quy định này để miễn TNHS cho người phạm tội gặp nhiều khó khăn do đó, tỷ lệ người bị đưa ra xét xử sau khi có quyết định khởi tố luôn chiếm tỷ lệ cao. Xem trong Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) (2015), “Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi) tháng 4/2015”, tr. 11.
[37] Nguyễn Thị Phương Hoa – Phan Anh Tuấn (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Hồng Đức, tr. 68.
[38] Về lý thuyết, miễn TNHS khác với “không có tội” và “loại trừ TNHS” ở chỗ: miễn TNHS là những trường hợp mà hành vi của một người (được chứng minh là) thỏa mãn các dấu hiệu khách quan và chủ quan của một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Và vì thỏa mãn thêm một số điều kiện nhất định đã được quy định trong luật nên được miễn – không phải chịu TNHS; không có tội là những trường hợp hành vi của một người được chứng minh là không thỏa mãn tất cả các dấu hiệu khách quan và chủ quan của một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS nên người đó không phải chịu TNHS; loại trừ TNHS là những trường hợp hành vi của một người được chứng minh là thỏa mãn tất cả các dấu hiệu khách quan và chủ quan của một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, nhưng hành vi đó lại có một lý do/ động cơ được nhà làm luật coi là hợp pháp, thậm chí có thể khuyến khích việc thực hiện và đã ghi nhận điều đó trong BLHS nên người đó được loại trừ – không phải chịu TNHS. Các trường hợp này thì dù không quy định rõ nhưng lại thường phải chứng minh, như các trường hợp phòng vệ chính đáng. Có thể thấy về bản chất hai nhóm “miễn TNHS” và “loại trừ TNHS” có hậu quả pháp lý khá gần nhau nhưng lại đang được hưởng hai chế độ xử lý/đối xử rất khác nhau trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam. Theo đó, các tình tiết loại trừ TNHS thường bị đánh giá khắt khe hơn, trong khi các trường hợp về miễn TNHS có vẻ đang được quy định về cách thức áp dụng dễ dàng hơn.
Tác giả: TS. Hoàng Thị Tuệ Phương
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2018 (116)/2018 – 2018, Trang 47-54
Trả lời