Mục lục
Sự tác động của nền kinh tế số đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Vinh Hưng [1] & Phan Quốc Nguyên [2]
TÓM TẮT
Cách mạng 4.0 ngày càng làm môi trường kinh doanh biến đổi, không chỉ đem lại thuận lợi, cơ hội trong kinh doanh mà còn là những khó khăn, thách thức trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bài viết nghiên cứu về sự tác động của môi trường công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế số và ảnh hưởng của thương mại điện tử đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, để từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển, trong đó, đặc biệt các thành tựu của khoa học công nghệ đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Mặt khác, hiện nay, đối với lĩnh vực kinh tế, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên nền tảng kinh tế số đã và đang rất phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với các thuận lợi mang lại, môi trường công nghệ và nền kinh tế số đã làm phát sinh không ít hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) và ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, bài viết nghiên cứu về sự tác động của nền kinh tế số, TMĐT dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật SHTT, qua đó đề xuất các kiến nghị.
1. Nền kinh tế số và sự vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay trước tác động của nền kinh tế số
Bên cạnh sự đóng góp cho việc phát triển kinh tế – xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của internet còn kéo theo nhiều thay đổi quan trọng và trong đó tồn tại không ít nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật SHTT. “Internet xuất hiện, hình thành một môi trường đặc biệt – môi trường kỹ thuật số, đã làm cho việc bảo hộ quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Bởi lẽ, môi trường kỹ thuật số giúp cho việc sao chép, tải về máy cá nhân một cách bất hợp pháp, cũng như việc sao chép, cắt dán các nhãn hiệu có danh tiếng, kiểu dáng công nghệ đang được bảo hộ dễ dàng hơn và thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu quyền vì vậy cũng nhiều hơn”3. Nói cách khác, môi trường công nghệ đang trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến các quy định của pháp luật SHTT. Bởi lẽ, những vấn đề như sao chép, nhân bản không giới hạn các tác phẩm, tài liệu hay việc sửa đổi, chỉnh sửa, cắt xén các tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm hoặc việc tự ý tải xuống (download) các tác phẩm, tài liệu nhưng chưa được sự cho phép của chủ sở hữu… đều gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm.
Từ thực tế cho thấy, vấn đề xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam ngày càng đa dạng, phức tạp với cách thức, thủ đoạn tinh vi, bài bản và khéo léo hơn trước.
Qua nghiên cứu về sự tác động của môi trường kinh tế số đến hành vi vi phạm pháp luật SHTT cho thấy, kinh tế số và TMĐT là một loại hình kinh tế mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng có sự liên quan và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ đồng thời phải hoạt động trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại. Khác với môi trường thương mại hàng hóa truyền thống, trong môi trường kinh tế số, giá trị hàng hóa được người mua và người bán tự do thỏa thuận trên môi trường các thiết bị truyền thông điện tử và không gian liên mạng. Có thể lấy ví dụ điển hình của nền kinh tế số là sự phổ biến của các trang TMĐT hàng đầu trên thế giới hiện nay như: amazon, alibaba, lazada… hay một số trang TMĐT uy tín có nguồn gốc tại Việt Nam như fptshop, thegioididong, hoanghamobile, sendo, shopee, viettelstore, tiki… Ở đó, tất cả các loại hàng hóa được trao đổi mua bán khá nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, thuận tiện vì chỉ cần thông qua vài bước giao dịch và đồng thời, nguồn lợi nhuận thu được cho các nhà bán hàng hoặc trung gian thương mại luôn rất lớn. Thậm chí, ngay cả trên các mạng xã hội nổi tiếng như facebook, zalo, twitter, viber, youtube… cũng đã và đang được khá nhiều người bán hàng khai thác triệt để nhằm mục đích quảng cáo và trực tiếp buôn bán các loại hàng hóa, sản phẩm của họ. Ngoài ra, cũng trong thời gian gần đây, kinh tế số cũng đã có những dấu hiệu phát triển lên tầm cao hơn thông qua việc khéo léo kêu gọi, phát huy nguồn lực và sức mạnh tham gia của nhiều người (những người có tư liệu sản xuất phù hợp với yêu cầu) ở khắp mọi nơi. Điển hình đó là việc xuất hiện những hình thức kinh tế chia sẻ (economic sharing) như uber, grab, beBike, airbnb, condotel, officetel… Thực chất, đây cũng là các hình thức của kinh tế số khi sử dụng mạng thông tin điện tử để kinh doanh các dịch vụ nhằm thu được lợi nhuận cho bên cung ứng dịch vụ cũng như bên thực hiện dịch vụ và khách hàng. Mặt khác, dấu hiệu của nền kinh tế số còn thể hiện qua việc mua, bán các loại hàng hóa, tài sản rất lớn mà vốn dĩ trước đây người mua và người bán phải gặp gỡ trực tiếp, hàng hóa trao tay nhưng đến nay có thể thực hiện hoàn toàn trên không gian mạng. Điển hình của loại hàng hóa này là thị trường vàng4, thị trường chứng khoán5 và đặc biệt là sự xuất hiện của các loại tiền ảo6 (hay còn được gọi là tiền kỹ thuật số – tiền công nghệ cao). Tuy nhiên, cho dù các loại hàng hóa, dịch vụ được giao dịch trên môi trường kinh tế số có thể diễn ra nhanh chóng, đơn giản thế nhưng chúng vẫn tồn tại các yếu tố của giao dịch dân sự, thương mại và phát sinh các nghĩa vụ đối với Nhà nước như nghĩa vụ về thuế hay đăng ký kinh doanh…
Trên thực tế, do nguồn lợi nhuận thu được từ kinh tế số rất lớn, thế nên việc ăn cắp, giả mạo hay nhái các nhãn hiệu (thương hiệu) nổi tiếng đang có sự tác động rất lớn đến vấn đề bảo vệ quyền SHTT. Có thể đơn cử như các trang TMĐT nổi tiếng của các tập đoàn lớn tại Việt Nam như Suzuki (suzuki.com.vn) hay Viettel (shop.viettel.vn)… hiện nay, đều phải có thêm phần phụ đề (title) để giải thích cho khách hàng biết đó mới chính là trang bán hàng chính thức (official) của các hãng này. Hoặc ngay cả với các website của các hãng thể thao nổi tiếng cũng phải có thêm phần phụ đề để giải thích cho khách hàng. Ví dụ, trên website của câu lạc bộ bóng đá Manchester United (manutd.com) phải có thêm phần (The Official Man Utd Website) hay hãng sản xuất đồ thể thao adidas (adidas.com) cũng có phần bổ sung thông tin giới thiệu (Official Website). Sở dĩ như vậy là vì không thiếu trường hợp nhiều người đã tìm mọi cách “giả mạo” các nhãn hiệu nổi tiếng của các hãng này để với mục đích như bán các sản phẩm “nhái” hoặc cần thu hút người tham gia ủng hộ, để sau đó có thể lợi dụng những người tham gia cho các mục đích khác… Như đã nói, bên cạnh các trang thông tin điện tử, hoạt động kinh doanh còn được thực hiện trên các trang mạng xã hội miễn phí thường được nhiều người sử dụng như facebook, zalo và dần hình thành nên những “chợ” buôn bán trực tuyến sôi động. Theo thông tin chính thức từ Cục SHTT, thị trường TMĐT của Việt Nam có quy mô khoảng 4 tỷ USD, khả năng phủ sóng viễn thông rộng và sự phổ biến của điện thoại thông minh sẽ nhanh chóng nâng tốc độ tăng trưởng của thị trường này lên tới 22% mỗi năm; trong vòng 5 năm tới, có thể đạt giá trị 10 tỷ USD. Dự báo này cũng đem lại nhiều lo lắng, thách thức cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hệ lụy của TMĐT, trong đó có vi phạm SHTT chủ yếu ở các nhóm như: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp trong môi trường TMĐT; hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền SHTT7.
Bên cạnh đó, việc tìm mọi cách phát sóng các chương trình truyền hình hấp dẫn, phim ảnh hay sự kiện thể thao “chui” cũng đang là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quyền SHTT của các nhà sản xuất hay đơn vị tổ chức8. Bởi hiện nay chỉ cần sử dụng các trang thông tin cá nhân miễn phí, các chủ thể vi phạm đã có thể dễ dàng tiếp sóng trực tiếp (livestream) của các chương trình truyền hình có bản quyền. Do đó, vấn đề sở hữu bản quyền hợp pháp và SHTT cũng đang là vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế số của nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam hiện nay.
Tương tự các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một hệ thống pháp luật để quản lý nền kinh tế số và TMĐT nhằm hoạt động hiệu quả, ổn định và tuân thủ pháp luật. Cụ thể, hệ thống pháp luật điều chỉnh nền kinh tế số và TMĐT của Việt Nam hiện nay bao gồm các đạo luật cơ bản như: Luật SHTT năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật công nghệ thông tin năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung bằng Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017), Luật giao dịch điện tử năm 2005… Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các văn bản pháp luật này đã được ban hành khá lâu và còn sơ sài nên chưa thể bao quát được những vấn đề mới phát sinh như các hành vi vi phạm pháp luật từ sự phát triển của môi trường công nghệ hay nền kinh tế số. Vì vậy, điều này gây rất nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền SHTT.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật trước tác động của nền kinh tế số
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, “hầu hết các nước trên thế giới đều có nền kinh tế mở. Nền kinh tế thế giới hiện đại ngày càng gắn kết chặt chẽ các quốc gia với nhau”9. Nghiên cứu khác cho thấy, “mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới ngày càng tăng”10. Bởi vậy, để hòa nhịp với xu hướng hội nhập và phát triển của kinh tế quốc tế, “Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế lớn trên thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO…”11 hay gần đây là CPTPP và tham gia khá nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà điển hình như EVFTA. Chính vì vậy, việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ môi trường công nghệ và nền kinh tế sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, để hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam có thể đáp ứng và phù hợp với tình hình phát triển của môi trường công nghệ và nền kinh tế số thì cần xem xét giải pháp sau:
Nhóm tác giả cho rằng, hệ thống quy định hiện nay của Luật SHTT năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) của Việt Nam là chưa đầy đủ và phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. Bởi lẽ, như đã phân tích, các giao dịch diễn ra trên môi trường công nghệ và nền kinh tế số rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Vì thế, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể sản xuất, cung cấp hay sử dụng dịch vụ, Luật SHTT năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cần phải tiếp tục đổi mới để kịp thời thích ứng với yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh phát triển của kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghiệp. Trong đó, Luật SHTT cần quy định chi tiết, đầy đủ, rõ ràng về các trường hợp người sử dụng được phép khai thác, sao chép hoặc tải xuống các tài nguyên từ các trang TMĐT hay các trang đã được đăng ký bản quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đồng thời, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập internet (Internet service provider – ISP) và các hãng cung cấp phần mềm cho người sử dụng, pháp luật SHTT cũng cần có sự điều chỉnh và quy định rõ ràng về trách nhiệm cũng như phạm vi giới hạn khi những chủ thể này cung cấp sản phẩm cho người sử dụng. Có như vậy, mới tránh trường hợp các hãng cung cấp phần mềm và ISP chỉ vì lợi nhuận mà gián tiếp thông đồng, hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng dẫn đến các vi phạm quyền SHTT của những cá nhân, tổ chức sản xuất, cung cấp các sản phẩm, tài liệu hợp pháp. Ngoài ra, Luật SHTT của Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để mở rộng thêm các quy định về các hình thức xử phạt và ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động sử dụng trang thông tin cá nhân gây thiệt hại đến quyền SHTT của các cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Còn về lâu dài, nhóm tác giả cho rằng, Việt Nam cần ký kết và gia nhập một số điều ước quốc tế có liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động TMĐT và nền kinh tế số trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Trong đó, các nhà làm luật Việt Nam cần nghiên cứu và nếu phù hợp thì có thể đề xuất gia nhập, ký kết các công ước quốc tế có liên quan đến việc bảo hộ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số Internet. Ví dụ, năm 1996, WIPO (World Intellectual Property Organization) đã thông qua hai Hiệp định rất quan trọng là “Hiệp định về Quyền tác giả” và “Hiệp định về Tín hiệu ghi âm và biểu diễn”, có đủ thành viên tham gia và đã có hiệu lực năm 2002. Có thể nói, các Hiệp định này điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh trong môi trường internet hiện nay và nhiều quốc gia đã chuyển tải các quy định của WIPO vào pháp luật của từng quốc gia như Mỹ, EU, Canađa…
Thiết nghĩ, có như vậy, các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực SHTT liên quan đến môi trường công nghệ và nền kinh tế số ở Việt Nam mới được hạn chế./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Thị Hải Vân (2016), Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số – nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng luật Hadopi của Cộng hòa Pháp, nguồn truy cập: http://www.agllaw.com.vn/bao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap-dung-luat-hadopi-cua-cong-hoa-phapbao-ho-quyen-tac-gia-trong- moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap-dung-luat/, truy cập 23/09/2019.
- Báo điện tử Dân trí (2018), Giá vàng bật tăng dữ dội, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-bat-tang-du-doi- 20180125134931512.htm, truy cập ngày 20/09/2019.
- Báo điện tử Zing.VN (2018), Chứng khoán tăng nóng đại gia Việt bỏ túi cả nghìn tỷ mỗi ngày, https://news.zing.vn/chung-khoan-tang-nong-dai-gia-viet-bo-tui-ca-nghin-ty-moi-ngay-post828087.html, truy cập ngày 20/09/2019.
- Báo điện tử VnEconomy (2018), Một sàn tiền ảo lớn sắp được mua lại, giá Bitcoin bật tăng, http://vneconomy.vn/mot-san-tien-ao-lon-sap-duoc-mua-lai-gia-bitcoin-bat-tang-2018040407014041.htm , truy cập ngày 24/09/2019.
- Hải Lâm, Ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, https://www.nhandan.com.vn/congnghe/item/36078802-ngan-chan-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong- mai-dien-tu.html ,truy cập ngày13/09/2019.
- Báo điện tử ICTnews (2017), VTVcab tính chuyện khởi kiện các trang báo điện tử vi phạm bản quyền cúp C1, http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/vtvcab-tinh-chuyen-khoi-kien-cac-trang-bao-dien-tu-vi-pham-ban- quyen-cup-c1-150317.ict , truy cập ngày 13/09/2019.
- Phạm Quang Vinh (2011), Giáo trình Kinh tế học Vĩ mô, Trường Đại học kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 135.
- Lê Danh Vĩnh (2009), Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 186.
- Nguyễn Vinh Hưng (2017), Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration, Journal of science – Hanoi open university, No. 32, 6/2017, p. 43.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo điện tử Dân trí (2018), Giá vàng bật tăng dữ dội, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-bat-tang-du-doi-20180125134931512.htm, truy cập ngày 20/09/2019
- Báo điện tử ICTnews (2017), VTVcab tính chuyện khởi kiện các trang báo điện tử vi phạm bản quyền cúp C1, http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa- truyen-hinh/vtvcab-tinh-chuyen-khoi-kien-cac-trang-bao-dien-tu-vi-pham-ban-quyen-cup-c1-150317.ict, truy cập ngày 13/09/2019.
- Báo điện tử VnEconomy (2018), Một sàn tiền ảo lớn sắp được mua lại, giá Bitcoin bật tăng, http://vneconomy.vn/mot-san-tien-ao-lon-sap-duoc- mua-lai-gia-bitcoin-bat-tang-2018040407014041.htm, truy cập ngày 24/09/2019.
- Báo điện tử Zing.VN (2018), Chứng khoán tăng nóng đại gia Việt bỏ túi cả nghìn tỷ mỗi ngày, https://news.zing.vn/chung-khoan-tang-nong-dai- gia-viet-bo-tui-ca-nghin-ty-moi-ngay- post828087.html, truy cập ngày 20/09/2019.
- Hải Lâm, Ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, https://www.nhandan.com.vn/congnghe/item/36078802-ngan-chan-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue- trong-thuong-mai-dien-tu.html, ngày truy cập 13/09/2019.
- Nguyễn Vinh Hưng (2017), Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration, Journal of science – Hanoi open university, No. 32, 06/2017.
- Phan Quốc Nguyên, Cyber law trong bối cảnh cách mạng 4.0 – một số vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ, Kỷ yếu Hội thảo “Hoàn thiện Pháp luật Cyber law trong bối cảnh cách mạng 4.0”,12/01/2018.
- Lê Danh Vĩnh (2009), Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia.
- Nguyễn Thị Hải Vân (2016), Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số – nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng luật Hadopi của Cộng hòa Pháp, http://www.agllaw.com.vn/bao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap-dung-luat-hadopi-cua-cong-hoa-phap-bao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-nghien-cuu-kinh-nghiem-ap- dung-luat/, truy cập 23/09/2019.
- Phạm Quang Vinh (2011), Giáo trình Kinh tế học Vĩ mô, Trường Đại học kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Vinh Hưng (2017), Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration, Journal of science – Hanoi open university, No. 32, 6/2017, p. 43.
Trả lời