Mục lục
Bàn về quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên mua nợ trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại
Tác giả: Trần Thị Thanh Thủy [1]
TÓM TẮT
Quyền xử lý tài sản bảo đảm là một trong những quyền quan trọng của bên mua nợ, được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trên thực tiễn áp dụng còn phát sinh một số bất cập ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản này của bên mua nợ. Bài viết này với mục đích làm rõ của quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên mua nợ trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại và đề xuất hướng hoàn thiện một số khía cạnh pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại là giao dịch dựa trên sự tự nguyện thoả thuận giữa bên bán nợ (ngân hàng thương mại) và bên mua nợ, với đối tượng trao đổi trong giao dịch này là quyền yêu cầu thanh toán khoản nợ của ngân hàng thương mại, một loại quyền tài sản, định giá được bằng tiền và có thể chuyển giao. Quyền yêu cầu thanh toán khoản nợ, loại quyền mà được đưa vào giao dịch mua, bán nợ này, được hình thành thông qua hợp đồng cho vay giữa ngân hàng thương mại và khách hàng vay, theo đó khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho ngân hàng theo các thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng cho vay.
Đối tượng của hoạt động mua, bán nợ, tức nợ của ngân hàng thương mại, thường mang trong mình tính rủi ro tín dụng. Cụ thể, rủi ro tín dụng được định nghĩa là nguy cơ mà khách hàng vay không đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ của mình đối với ngân hàng theo các điều khoản đã thỏa thuận2. Hiểu theo nghĩa rộng, rủi ro tín dụng là tất cả những khả năng mà theo đó, ngân hàng thương mại sẽ không thể thu hồi đầy đủ và đúng hạn các khoản tín dụng đã cấp.
Rủi ro tín dụng sẽ gây nên những thiệt hại đối với các ngân hàng, làm mất mát nguồn vốn, suy giảm khả năng chi trả và khả năng thanh toán các khoản nợ của ngân hàng3. Dưới góc độ pháp lý, rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với khoản nợ mà ngân hàng cho vay do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết4.
Với mục đích phòng ngừa rủi ro tín dụng, các giao dịch bảo đảm ra đời và ngày càng phát huy được vui trò của nó, nhằm bảo đảm cho việc thu hồi khoản tiền đã cho vay5. Để bảo đảm khả năng thu hồi nợ, ngân hàng thương mại thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản bảo đảm khi đi vay. Từ đó, cho vay có tài sản bảo đảm dần trở thành một thuật ngữ quen thuộc khi nhắc đến hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Đối với những khoản cho vay này, đúng như tên gọi của nó, ngân hàng thương mại sẽ yêu cầu khách hàng phải có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn của mình. Bởi vì khi đã thực hiện việc cho vay, ngân hàng thương mại không còn trực tiếp quản lý nguồn vốn của mình, từ đó có thể xảy ra nhiều rủi ro, nguy cơ không thể thu hồi vốn vay. Khi có tài sản bảo đảm, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nếu đến hạn mà khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy rằng hầu hết ngân hàng đều mong muốn việc bán tài sản bảo đảm ngoài thu hết nợ gốc, phải thu về được 30% lãi vay mà không được đáp ứng6. Tài sản bảo đảm vẫn luôn là quân bài chủ chốt cuối cùng khi mà những nghiệp vụ bảo đảm khả năng hoàn trả nợ khác không thể hiện được sự hiệu quả.
Trong giao dịch mua, bán nợ của ngân hàng thương mại, khi bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của khoản nợ được mua, bán, song song với việc chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán khoản nợ, ngân hàng thương mại bán nợ cũng đồng thời chuyển giao cho bên mua nợ các quyền và nghĩa vụ có liên quan khác đối với khoản nợ, bao gồm quyền xử lý tài sản bảo đảm đối với khoản nợ mất khả năng thanh toán theo thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng. Các giao dịch bảo đảm cung cấp cho chủ nợ quyền được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã mua. Việc xem xét coi trọng vấn đề bảo đảm khoản vay như hiện tại trong pháp luật Việt Nam là phù hợp với tầm nhìn của Uỷ ban Basel, khi mà khoản vay có biện pháp bảo đảm, có thể thông qua việc thế chấp tài sản hoặc được một bên thứ ba bảo lãnh, cũng là một phương pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng được Basel đề xuất7. Phát huy vai trò này, khi đến hạn mà con nợ không có khả năng hoàn trả nợ gốc và lãi, chủ nợ thường được quyền được xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ. Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là một giai đoạn của bảo đảm tiền vay bằng tài sản, giai đoạn thực hiện các biện pháp đối với tài sản bảo đảm nhằm thu hồi khoản nợ mà ngân hàng thương mại đã cho vay khi có sự vi phạm nghĩa vụ của khách hàng vay, bên bảo lãnh theo những cam kết tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh tiền vay8.
Với vai trò quan trọng như vậy, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm đòi hỏi cần có các quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ bên mua nợ của ngân hàng thương mại, giúp bên mua nợ, khi trở thành chủ nợ mới, có thể thực thi được quyền xử lý tài sản bảo đảm của mình đối với khoản nợ được mua. Điều này góp phần hạn chế rủi ro cho bên mua trong giao dịch mua, bán nợ, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nữa vào thị trường này, tạo điều kiện cho hoạt động mua, bán nợ ngày càng phát triển và phát huy được vai trò của nó đối với nền tài chính, kinh tế – xã hội.
1. Thực trạng hoạt động xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật
Trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại, trường hợp đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ là khoản nợ có tài sản bảo đảm thì việc xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vấn đề được đặt ra đối với bên mua nợ. Bên mua nợ có thể xử lý tài sản bảo đảm khi: (i) đến hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vay mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình theo Khoản 1, Điều 299, Bộ luật dân sự năm 20159, (ii) thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp tại Khoản 3, Điều 299, Bộ luật dân sự năm 201510, (iii) khi một tài sản được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ mà một nghĩa vụ đến hạn, nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng chưa đến hạn sẽ được xem là đến hạn và ngân hàng này được tham gia xử lý tài sản theo Khoản 3, Điều 296, Bộ luật dân sự năm 201511, hoặc (iv) trước khi tuyên bố bên đi vay phá sản theo Điểm b, khoản 1, Điều 53, Luật phá sản năm 201412.
Khi đó, bên mua nợ tức chủ nợ mới có quyền xử lý tài sản bảo đảm bằng các cách thức theo Điều 303, Bộ luật dân sự năm 2015, gồm bán đấu giá tài sản, tự bán tài sản, nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, hoặc phương thức khác dựa trên thoả thuận ban đầu giữa ngân hàng với bên đi vay, trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá13.
Quy định này cho thấy, Bộ luật dân sự năm 2015 đã công nhận quyền tự bán tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Cả Điều 195, Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 198, Bộ luật dân sự năm 2005 đều mang tinh thần người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật14, nếu như theo quy định cũ, ngân hàng không thể thực hiện việc bán tài sản bảo đảm nếu không được chủ sở hữu uỷ quyền vì pháp luật không có quy định nào khác trong trường hợp này, thì tại Điểm b, Khoản 1, Điều 303, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rõ “Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản”15, mở ra một ngoại lệ cho ngân hàng thương mại, là người không phải chủ sở hữu của tài sản bảo đảm, được tự bán tài sản bảo đảm.
Xử lý tài sản bảo đảm là một trong những quy định pháp luật được các bên trong giao dịch dân sự, nhất là trong hợp đồng tín dụng, đặc biệt quan tâm.Với những quy định khác nhau của pháp luật sẽ gây không ít khó khăn cho các bên.Vậy nên, để bảo đảm lợi ích thì các bên có thể phải thỏa thuận rõ nội dung, thời điểm cũng như phương thức xử lý tài sản đảm trong các hợp đồng tín dụng.
Trên thực tế, bên mua nợ trong các hợp đồng mua bán nợ sau khi giao kết hợp đồng mua bán nợ với các ngân hàng thương mại thì đã trở thành chủ nợ mới và sẽ thực hiện các hoạt động trong phạm vi cho phép nhằm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Một trong những trường hợp thu hồi nợ có giá trị lớn nhất của bên mua nợ phải kể đến đó là hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower để thu hồi nợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Cụ thể, ngày 21 tháng 08 năm 2017, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, đây là trường hợp tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm đầu tiên theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 06 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng của VAMC (Nghị quyết số 42/2017/QH14)16. Trước đó, khoản nợ này với giá trị 7.000 tỷ đồng của nhóm khách hàng Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower tại ngân hàng với tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được bán lại cho VAMC17, hợp đồng mua bán nợ này là cơ sở cho VAMC thực hiện quyền thu hồi nợ dưới tư cách là chủ nợ. Mặc dù khoản nợ đã hết hạn và được sự giám sát, nhắc nhở từ VAMC nhằm yêu cầu Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower thanh toán khoản nợ tuy nhiên Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower đã không thể đáp ứng được nghĩa vụ của mình, buộc VAMC phải thực hiện biện pháp xử lý tài sản bảo đảm nhằm để có thể hồi khoản nợ này.
VAMC đã yêu cầu Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm nhưng Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower đã không thực hiện việc bàn giao này. Do đó, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm theo trình tự thủ tục tại Điều 2 của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm này đã được thực hiện theo quy định của pháp luật và được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Đây là những khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt và thu nợ được từ khách hàng. Việc thu giữ tài sản bảo đảm nhằm thu hồi khoản nợ có giá trị lớn của VAMC nêu trên là một bước ngoặc đánh dấu sự triển khai và phát triển trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của VAMC nói riêng và của hoạt động cho vay nói chung.
2. Một số bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về việc xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại
Từ sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực và Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành, khung pháp lý để các bên mua nợ thực hiện xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ được mua về ngày càng trở nên hoàn thiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, các quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động mua, bán nợ của ngân hàng thương mại vẫn còn bộc lộ nhiều tồn đọng, việc xử lý tài sản bảo đảm thành công và hiệu quả như trường hợp VAMC thu hồi tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower không phải là việc thường xuyên diễn ra. Vì vậy, việc giải quyết, hoàn thiện các bất cập trong quy định pháp luật nhằm tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam lành mạnh luôn là nhiệm vụ và thách thức đối với các nhà làm luật.
Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể đối với thời hạn thông báo trước về việc xử lý tài sản bảo đảm.
Nghĩa vụ thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm đã được quy định rõ tại Điều 300, Bộ luật dân sự 201518, theo đó trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một “thời hạn hợp lý” về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác, trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, nghĩa vụ thông báo sẽ không cần xét đến “thời hạn hợp lý” nữa. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo theo quy định, bao gồm quy định về “thời hạn hợp lý”, mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, thời hạn như thế nào, có những yếu tố nào sẽ được xem là hợp lý thì lại chưa có giải thích cụ thể.
Vì vậy, pháp luật cần có hướng dẫn rõ ràng hơn, ban hành một số tiêu chí để dựa trên đó các bên xác định được đó là thời hạn thông báo trước hợp lý hay chưa. Việc quy định rõ ràng, cụ thể như vậy sẽ giúp bên xử lý tài sản chủ động, thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ hai, thống nhất các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.
Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm cũng được ghi nhận theo quy định pháp luật tại Điều 63, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) và Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14)19. Tuy nhiên ở đây lại có những điều kiện khác nhau về quyền được thu giữ tài sản này giữa pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành.
Việc đáp ứng các điều kiện để bên nhận bảo đảm được thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP là khá đơn giản, chỉ cần hết thời hạn thông báo của bên nhận bảo đảm mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm đó. Trong khi đó, các điều kiện để bên nhận bảo đảm được thu giữ tài sản bảo đảm tại Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là khá phức tạp20, đó là: (i) Xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định; (ii) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; (iii) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; (iv) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; (v) Bên nhận bảo đảm đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định pháp luật.
Pháp luật chung về dân sự, tức Bộ luật dân sự 2015, quy định trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp ngoại lệ là luật liên quan có quy định khác. Quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ được xem là thuộc ngoại lệ này, song những quy định trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP khó được xem là cũng thuộc ngoại lệ này bởi vì các quy định đó đã hết hiệu lực do Nghị định số 163/2006/NĐ-CP là Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ luật dân sự 2005, khi Bộ luật dân sự 2005 hết hiệu lực, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng được coi là hết hiệu lực thi hành21 theo quy định tại Khoản 4, Điều 154, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Tuy nhiên những quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ đặt ra đối với khoản nợ xấu, vậy thì các khoản nợ nhóm 1, nhóm 2 sẽ áp dụng theo quy định nào thì chưa rõ.
Trên thực tế, nhiều tổ chức vẫn căn cứ vào Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để xác lập, thực hiện và xử lý tài sản bảo đảm vì đây là văn bản quy định chi tiết về vấn đề này, trên sự lo ngại về hiệu lực thi hành của Nghị định này. Do đó, cần phải có văn bản thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để hướng dẫn chi tiết việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tạo sự thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh rủi ro pháp lý cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua, bán nợ và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày 15/08/2022 theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Nghị quyết số 42/2017/QH1422, động thái dự kiến ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP của các nhà làm luật được thể hiện rõ tại Điểm c, Khoản 3, Mục II, Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng23, vì vậy các quy định mới nhằm tạo ra sự tương thích trong các văn bản pháp luật cần được ban hành, cần mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế tự thu giữ tài sản bảo đảm không chỉ đối với các khoản nợ xấu như trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 mà đối với tất cả các khoản vay có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Nghị định mới này cũng cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế đăng ký tài sản, quản lý tài sản, cơ chế giải quyết thông qua tố tụng và thi hành án để bên nhận tài sản bảo đảm có thể xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng, giảm chi phí cho các bên khi thu hồi nợ, tránh kéo dài công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, quy định rõ về thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản bảo đảm
Liệu việc bên mua nợ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ thì có phải chịu thuế giá trị gia tăng hay không, vấn đề này hiện nay chưa được để cập trực tiếp trong các quy định pháp luật.
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, khi VAMC bán tài sản bảo đảm của khoản nợ mà mình sở hữu thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, vậy trong Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng được ban hành vào ngày 19/06/2013, chỉ xem VAMC là ngoại lệ trong khi các tổ chức mua, bán nợ khác không được xếp vào các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Mặc dù về bản chất hoạt động bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng chỉ là một hình thức thu hồi lại khoản nợ mà chủ nợ đã cho vay, loại hoạt động mà được pháp luật cho là không chịu thuế giá trị gia tăng. Pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng quy định việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
Bất cập này tưởng như đã được hủy bỏ khi mà Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, được ban hành vào ngày 18/12/2013, đã bổ sung việc “bán tài sản bảo đảm tiền vay” vào các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, dựa vào quy định này thì có thể hiểu tổ chức mua lại nợ khi bán tài sản bảo đảm cũng không thuộc đối tượng chịu thuế. Nhưng ngay sau đó, Khoản 8, Điều 4 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC, được ban hành vào ngày 31/12/2013, sau đó được sửa đổi bởi Điều 8, Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC, lại quy định rất cụ thể hoạt động bán tài sản bảo đảm nào thì không thuộc đối tượng chịu thuế, đó là trường hợp bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, hoàn toàn không đề cập đến tổ chức mua lại nợ của tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng.
Song song với đó, Khoản 2, Điều 14, Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định bên bán nợ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ bao gồm cả quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm khoản nợ đó24. Vậy câu hỏi đặt ra là, việc ngân hàng thương mại không phải nộp thuế giá trị gia tăng khi xử lý tài sản bảo đảm, một quyền được pháp luật công nhận, có được chuyển cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ hay không.
Vấn đề này cần được hiểu là bên mua nợ cũng cần được hưởng quyền lợi tương ứng ngân hàng thương mại. Điều này cũng bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ nợ trong thị trường, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này nhiều hơn. Thiết nghĩ, pháp luật cần có những quy định rõ ràng về vấn đề này để các chủ thể mua nợ khác có căn cứ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
3. Kết luận
Việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi bên mua nợ đã sở hữu khoản nợ cũng là một bài toán khó mà bên mua nợ cũng như các nhà làm luật cần giải đáp, để công cụ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thực sự phát huy được vai trò và tầm ảnh hưởng của mình. Các quy định pháp luật về vấn đề này đóng vai trò quan trọng, bảo đảm quyền lợi của bên mua nợ để bên mua nợ có thể xử lý được tài sản bảo khi không thu hồi được khoản nợ mà mình đã sở hữu. Mặc dù pháp luật đã có những ghi nhận nhất định về vấn đề này, song vẫn còn tồn tại một số điểm cần được hoàn thiện. Theo đó, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể đối với thời hạn thông báo trước về việc xử lý tài sản bảo đảm; thống nhất các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm; đồng thời cần quy định rõ về thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ./
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, NCS tại Học viện Khoa học xã hội.
- Uỷ ban giám sát ngân hàng Basel, Bank for International Settlements, Principles for the Management of Credit Risk, https://www.bis.org/publ/bcbs75.htm; truy cập ngày 15/02/2020.
- Trần Vũ Hải, Một số vấn đề pháp lý về quản lý rủi ro tín dụng, Đại học luật Hà Nội, https://luattaichinh.wordpress.com/2008/09/05/, truy cập ngày 25/03/2020.
- Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Viên Thế Giang, Pháp luật về giao dịch bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2015, tr. 22.
- Nguyễn Vũ, “VAMC cùng AMC của các tổ chức tín dụng chia sẻ giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả”, Thời báo Ngânhàng, https://thoibaonganhang.vn/vamc-cung-amc-cua-cac-to-chuc-tin-dung-chia-se-giai-phap-xlnx-hieu- qua-81452.html, truy cập ngày 04/04/2020.
- Mục 79, Basel Committee on Banking Supervision, The International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards – A Revised Framework (Basel II), 2006.
- Lê Thị Thu Thủy (chủ biên), Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản của các tổ chức tín dụng (Sách chuyên khảo), Nxb., Hà Nội, năm 2006, tr. 273.
- Khoản 1, Điều 299, Bộ luật dân sự năm 2015
- Khoản 3, Điều 299, Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép hai bên có quyền thoả thuận để xử lý tài sản bảo đảm.
- Khoản 3, Điều 296, Bộ luật dân sự 2015.
- Điểm b, khoản 1, Điều 53, Luật phá sản năm 2014.
- Điều 303, Bộ luật dân sự năm 2015.
- Điều 195, Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 198, Bộ luật dân sự năm 2005.
- Điểm b, Khoản 1, Điều 303, Bộ luật dân sự năm 2015.
- T.L, “VAMC bắt đầu xử lý nợ theo Nghị quyết 42: Sài Gòn One Tower bị thu giữ tài sản đảm bảo”, Báo Đầu tư, https://baodautu.vn/vamc-bat-dau-xu-ly-no-theo-nghi-quyet-42-sai-gon-one-tower-bi-thu-giu-tai-san-dam-bao- d68426.html, truy cập ngày 02/08/2020.
- Đoàn Văn Thắng, Từ những bước đột phá xử lý nợ xấu, https://sbvamc.vn/bai-viet/tu-nhung-buoc-ot-pha-xu-ly- no-xau-5413, truy cập ngày 10/08/2020.
- Điều 300, Bộ luật dân sự năm 2015.
- Điều 63, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14.
- Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14.
- Khoản 4, Điều 154, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Khoản 1, Điều 19, Nghị quyết số 42/2017/QH14.
- Điểm c, Khoản 3, Mục II, Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
- Khoản 2, Điều 14, Thông tư 09/2015/TT-NHNN.
Trả lời