Mục lục
Đảm bảo thực hiện quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đối với hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự
Tác giả: Phạm Xuân Việt [1]
TÓM TẮT
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự tuân thủ đúng quy định pháp luật, mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, cũng như tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ tập trung làm rõ nội dung quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và một số giải pháp đảm bảo thực thi quyền này đối với hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự.
1. Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự thế giới và Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu công bố tại một hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức vào năm 2015 cho thấy, các nhà khoa học thuộc hệ thống luật Common Law nhận định “quyền im lặng” có thể ra đời từ giữa thế kỷ XVII ở nước Anh, như sự phản kháng đối với Tòa án cung đình Star Chamberhay Tòa án giáo hội Court of High Commission, đặc biệt chống lại việc áp dụng cực hình hoặc ép buộc khai báo, xét xử bí mật, không có luật sư bào chữa hoặc luật sư chỉ có quyền bào chữa hạn chế. Còn các nhà khoa học thuộc hệ thống luật (Civil Law) thì cho rằng “quyền im lặng” bắt nguồn từ “quyền suy đoán vô tội”, nguyên tắc “ai buộc tội người đó chứng minh” của Luật La Mã cổ đại. Tuy nhiên, khi nhắc đến “quyền im lặng” hay được nhiều người biết đến rộng rãi bằng tên gọi “quyền Miranda” được bắt nguồn từ pháp luật Mỹ2. Đó là quyền của những người bị buộc tội xuất phát từ việc các cơ quan luật pháp Hoa Kỳ giải quyết vụ án Emesto Miranda. Năm 1963, Emesto Miranda (25 tuổi), bị bắt ở Phoenix, Arizona về tội bắt cóc và hiếp dâm. Sau khi bị bắt giữ bởi nạn nhân nhận dạng và tố cáo, Miranda đã thú tội và ký xác nhận vào biên bản trong một cuộc hỏi cung kéo dài hơn 2 giờ tại đồn Cảnh sát. Sau đó anh ta bị Toà án tối cao bang Arizona kết án 20 năm tù. Miranda lập tức kháng án, với lý do khi mới bị bắt, anh ta đã không hề được cảnh báo rằng bất cứ một lời khai nào của mình sau này có thể được sử dụng để chống lại chính mình, và rằng không biết mình có quyền có luật sư bào chữa có mặt trong cuộc hỏi cung.
Vụ án được Toà án tối cao liên bang Hoa Kỳ xét xử lại vào tháng 6/1965. Các luật sư bào chữa cho Miranda dựa vào lập luận rằng anh ta không tự nguyện nhận tội nên việc sử dụng lời khai của anh ta là sai. Tháng 6/1965, vụ án được chuyển lên tới Toà án tối cao Hoa Kỳ. Vị Chánh án đã đưa ra phán quyết sau tranh tụng, rằng: “Trước khi bị thẩm vấn, người bị tạm giam phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền im lặng và bất kỳ điều gì anh ta nói đều sẽ được sử dụng làm bằng chứng chống lại anh ta trước tòa. Anh ta phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tham vấn luật sư và quyền được có luật sư ở bên cạnh trong suốt quá trình thẩm vấn”. Do Miranda không được cho biết về những quyền của mình (quyền im lặng, quyền có luật sư), nên bản thú tội trước đó của anh ta trở thành vô giá trị, không được đưa ra làm bằng chứng nữa. Vậy là phán quyết trước đó của Tòa án cấp bang bị lật ngược. Từ đó, cái tên Miranda đã đi vào lịch sử ngành Tư pháp, khi mà từ câu chuyện của anh ta, Tòa án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng mọi bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự đều phải được thông báo về các quyền của mình, trong đó có “Quyền im lặng” và “Quyền được có luật sư”. Thông báo đó được gọi bằng cái tên “Thông báo Miranda”3.
Quyền im lặng hay quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đã trở thành một trong những quyền cơ bản của con người trong hệ thống tư pháp hình sự hiện đại, một phần nội dung của pháp luật quốc tế đã được quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên hợp quốc năm 1966 mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982. Theo đó, tại điểm g Khoản 3 Điều 14 có quy định trong xét xử một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những đảm bảo tối thiểu sau đây: “không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội”.
Đối với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, để thực thi những cam kết này, ngay tại Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đầu tiên năm 2003 đã đề cập tới một phần nội dung của quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, cụ thể tại Điều 10 đã quy định “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”, hay tại điểm c Khoản 2 Điều 48 và điểm c Khoản 2 Điều 49 của Bộ luật này cũng quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai”. Sau khi có hiệu lực, BLTTHS năm 2015 mặc dù trong các điều luật không quy định thế nào là“quyền im lặng”nhưng đã phát triển, cụ thể hóa rõ hơn BLTTHS năm 2003 bằng nhiều điều, khoản quy định về nội dung này. Cụ thể, tại điểm d Khoản 1 Điều 58 quy định về quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; điểm c Khoản 2 Điều 59 quy định về quyền của người bị tạm giữ; điểm d Khoản 2 Điều 60 quy định về quyền của bị can; điểm h Khoản 2 Điều 61 quy định về quyền của bị cáo. Với những điều luật cụ thể này, BLTTHS năm 2015 đã quy định người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
2. Đảm bảo thực hiện quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đối với hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự
Ở Việt Nam, quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội lần đầu tiên được quy định trực tiếp trong BLTTHS năm 2015. Việc quy định quyền này là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền con người, góp phần đảm bảo công bằng trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, từ việc được ghi nhận bằng quy định pháp luật đến quá trình thực thi trên thực tế có thể còn có một khoảng cách nhất định, do đó để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội theo luật định, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, bao gồm hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can, theo tác giả cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thiết phải nhận thức rõ một số vấn đề có liên quan dưới đây:
Thứ nhất, người bị buộc tội có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là nội hàm của quyền im lặng, là những vấn đề cụ thể, được thể hiện dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội. Quy định này có thể hiểu, người bị buộc tội có quyền chủ động, tự nguyện trong việc khai báo, họ có quyền không bắt buộc phải trả lời các câu hỏi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu như việc trả lời đó có khả năng gây bất lợi đến quyền, lơi ích cho chính bản thân họ, đồng thời người bị buộc tội cũng không buộc phải nhận mình có tội và được thực hiện quyền này trong suốt quá trình tiến hành tố tụng. Việc người buộc tội lựa chọn thái độ im lặng, từ chối khai báo không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc căn cứ định tội trong điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được sử dụng các biện pháp trái pháp luật để bắt buộc hoặc đề nghị họ phải chủ động khai báo.
Thứ hai, quyền im lặng không phải là tuyệt đối, người bị buộc tội không nên lạm dụng quyền này. Người bị buộc tội được tự nguyện trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Tức là không buộc phải khai báo về những thông tin, tài liệu để chứng minh bản thân có tội hay vô tội. Tuy nhiên, người bị buộc tội nên cân nhắc trước khi sử
dụng quyền này, nên lựa chọn vào những thời điểm, hoàn cảnh phù hợp, ví dụ trong trường hợp khi trạng thái tâm lý chưa ổn định hay nhận thấy quá trình điều tra chưa đảm bảo khách quan… Bởi vì, nếu người bị buộc tội quá lạm dụng hay lợi dụng quyền này để “im như thóc”, “đổ bê tông” (không nói gì, không trả lời bất cứ câu hỏi gì) hay“ba không” (không biết, không nói, không thấy), thì bản thân họ sẽ tự mình đánh mất cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, cụ thể là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.
Thứ ba, lời khai, lời cung của người bị buộc tội phải được thu thập trên cơ sở tự nguyện từ phía người bị buộc tội. Người bị buộc tội được quyền chủ động lựa chọn thái độ thành khẩn, tự nguyện khai báo. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được thực hiện bất kỳ hành vi ép buộc nào về cả thể xác và tinh thần để thu thập lời khai, lời cung đối với họ. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc tiến hành lấy lời khai, lời cung của người bị buộc tội trong quá trình tiến hành tố tụng nói chung trong đó có giai đoạn điều tra vụ án hình sự phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục mà BLTTHS năm 2015 đã luật định. Mọi lời khai, lời cung được thực hiện thông qua sự cưỡng ép, cưỡng bức, ép cung, nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào đều không được sử dụng làm chứng cứ chứng minh tội phạm hoặc lấy đó làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự.
Thứ tư, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội không có trách nhiệm chứng minh về sự có tội, vô tội của bản thân mình và họ có quyền này trong suốt các giai đoạn tố tụng của quá trình giải quyết vụ án. Do đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được dùng lời khai nhận tội của người bị buộc tội làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội trong quá trình điều tra cũng như khi đưa ra truy tố, xét xử. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đưa ra suy đoán có tội chỉ duy nhất từ việc người bị buộc tội thực hiện quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, từ chối khai báo những câu hỏi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà họ thấy sẽ bất lợi cho chính mình. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng tổng hợp các biện pháp theo trình tự, thủ tục mà BLTTHS năm 2015 đã quy định để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải đảm bảo khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ chứng minh tội phạm. Để làm rõ bị can, bị cáo có tội hay không có tội cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ dựa vào mỗi lời khai, lời cung của người bị bắt, người bị tam giữ, bị can, bị cáo mà phải xem xét tất cả chứng cứ, tài liệu khác có liên quan một cách khách quan, toàn diện và lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Mục đích của quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” là góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Điều 2 BLTTHS năm 2015 đã xác định: “Bộ luật tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” và cũng nhằm thực thi những cam kết về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở làm rõ nội hàm quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, tác giả đề xuất, kiến nghị một số giải pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện quyền này đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi tiến hành hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự như sau:
Một là, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng với các ngành, các cấp có liên quan cần làm tốt công tác phối hợp để chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm kịp thời tuyên truyền, giải thích cụ thể, phổ biến rộng rãi quy định pháp luật có liên quan đến quyền của người bị buộc tội khi họ tham gia vào quá trình tố tụng hình sự cũng như trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trong đảm bảo thực thi các quyền này. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, cơ quan thực thi cần đa dạng các hình thức phối hợp, trong đó cần coi trọng thông qua cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng internet, mạng xã hội có uy tín. Đồng thời, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, trước khi tiến hành lấy lời khai, lời cung cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải chú ý thông báo, giải thích ngay các quyền này cho người bị buộc tội biết, nội dung này phải được ghi vào biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị can theo quy định.
Hai là, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xác định được tầm quan trọng của biện pháp lấy lời khai, lời cung của người bị buộc tội trong quá trình điều tra, chứng minh vụ án hình sự. Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đối với người bị buộc tội nhưng không có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể bỏ qua hay xem nhẹ biện pháp này. Mà ở đây, cơ quan tiến hành tố tụng cần nhận thức được rằng: hoạt động lấy lời khai, lời cung của người bị buộc tội luôn là biện pháp điều tra công khai trực diện với người bị buộc tội, có ý nghĩa cần thiết, là nguồn chứng cứ rất quan trọng không thể thiếu trong quá trình xác định toàn bộ sự thật vụ án, làm rõ hành vi phạm tội. Việc người bị buộc tội lựa chọn thái độ “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” sẽ là một điều kiện bất lợi cho quá trình tiến hành tố tụng hình sự, đặc biệt trong giai đoạn điều tra hình sự. Để cởi trói nút thắt về thái độ khai báo này, chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự cần lưu ý: ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật về quy trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan điều tra cần làm tốt yêu cầu giáo dục, giải thích, tuyên truyền những mặt có lợi, bất lợi khi người bị buộc tội lựa chọn thái độ từ chối khai báo để người bị buộc tội tự tính toán, cân nhắc đến hai khả năng có thể gây bất lợi cho chính họ: thứ nhất, người buộc tội sẽ mất đi cơ hội tự bào chữa cho mình trong giai đoạn chứng minh hành vi phạm tội; thứ hai, người bị buộc tội mất đi cơ hội thành khẩn khai báo để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước như đã đề cập4. Ba là, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thiết phải nhận thức được việc BLTTHS năm 2015 cụ thể hóa quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đối với người bị buộc tội không phải nhằm mục đích cản trở, gây khó khăn cho quá trình phòng, chống tội phạm nói chung trong đó có hoạt động điều tra vụ án hình sự, mà nhằm vừa đảm bảo quyền con người đã được hiến định, vừa đồng thời bảo vệ chính cơ quan có thẩm tiến hành tố tụng, bởi quy định này sẽ góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm tố tụng như bức cung, nhục hình, bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Với mục đích này, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, nếu người bị buộc tội lựa chọn quyền trên, chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cần thiết phải nắm chắc và sử dụng linh hoạt, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của mình theo hướng áp dụng tổng hợp, đa dạng các biện pháp, phương pháp, chiến thuật khi tiến hành biện pháp điều tra, trong đó có hoạt động hỏi cung, ghi lời khai, đồng thời kết hợp vận dụng sáng tạo với các biện pháp thu thập chứng cứ khác, như công tác khám nghiệm hiện trường, giám định, lấy lời khai từ nhân chứng, bị hại, tìm kiếm các thông tin, tài liệu khác về người buộc tội… để tiến hành thu thập, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, thuyết phục nhất trong quá trình chứng minh tội phạm, người phạm tội.
Bốn là, trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, người bị buộc tội từ chối hay lựa chọn thái độ thành khẩn, tự nguyện khai báo là quyền của họ. Tức là người bị buộc tội có thể sử dụng quyền này và cũng có thể không là hoàn toàn hợp pháp trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Để nâng cao hiệu quả quá trình tiến hành tố tụng hình sự, trong đó có giai đoạn điều tra vụ án đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động lấy lời khai, lời cung cần tuân thủ đúng các quy định pháp luật tố tụng hình sự đồng thời cần đổi mới phương pháp, nội dung biện pháp điều tra cho phù hợp. Đồng thời, chủ thể tiến hành tố tụng hình sự phải luôn có bản lĩnh nghiệp vụ, có thần kinh thép, kiên trì, bền bỉ, luôn có niềm tin vững chắc về pháp luật để vừa đảm bảo quy định pháp luật vừa khiến người bị buộc tội tự nguyện, chủ động thay đổi, lựa chọn thái độ khai báo thành khẩn, cộng tác với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Như vậy, một trong những mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phải xây dựng cho được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, bảo vệ quyền con người. Trong đó, đảm bảo quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” của người bị buộc tội trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là một nhiệm vụ cơ bản, tất yếu./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Phạm Công Nguyên – Học viện Cảnh sát nhân dân, Hội thảo khoa học (2019), “Quyền im lặng” dưới góc nhìn khoa học Luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân, xem ngày 20/5/2021.
- Đào Trung Hiếu, ““Nhập khẩu” quyền im lặng và những hệ lụy”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 31/10/2015, http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Nhap-khau-quyen-im-lang-va-nhung-he-luy-370894/, truy cập ngày 25/4/2021.
- Nguyễn Ngọc Minh – Học viện Cảnh sát nhân dân, Hội thảo khoa học (2019), “Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay”, xem ngày 20/5/2021.
Trả lời