Mục lục
Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương
Tác giả: Tô Văn Hòa
Khác với phân quyền và phân cấp, Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 không xếp “ủy quyền” vào loại cơ chế nhằm phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền. Ủy quyền được quy định với tư cách một cơ chế mang tính kĩ thuật để bảo đảm thực hiện hiệu quả công việc trong lĩnh vực hành chính nhà nước. Tuy vậy, cùng với phân quyền và phân cấp, đây cũng là một trong những “nguồn” hình thành phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Chính quyền địa phương. Theo quy định tại Điều 14 Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, cơ chế ủy quyền có các nội dung sau.
Xem thêm bài viết về “Ủy quyền”
1. Về chủ thể ủy quyền
Khác với phân quyền và phân cấp, chủ thể ủy quyền chỉ có thể là cơ quan hành chính nhà nước cấp trên chứ không thể là Quốc hội hay một cấp Chính quyền địa phương nào đó.
Như vậy, chủ thể ủy quyền phải là cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống hành chính nhà nước, bao gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh, huyện và các cơ quan hành chính nhà nước khác có thể được Quốc hội hoặc Chính phủ thành lập. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước song đã là cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính nhà nước của quốc gia nên không thể là chủ thể ủy quyền.
2. Về chủ thể nhận ủy quyền
Có hai loại chủ thể có thể nhận ủy quyền, đó là Ủy ban nhân dân cấp dưới của chủ thể ủy quyền và cơ quan hoặc tổ chức khác. Quy định Ủy ban nhân dân cấp dưới là chủ thể nhận ủy quyền cho thấy Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 thực sự xem ủy quyền là cơ chế để cấp trên giao công việc cho cấp dưới trong hệ thống hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, việc quy định các cơ quan, tổ chức khác cũng có thể nhận ủy quyền là quy định tương đối mở. Có lẽ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 mở rộng cơ chế ủy quyền để cho phép các cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền ra bên ngoài hệ thống hành chính nhà nước, thậm chí bên ngoài bộ máy nhà nước để thực hiện các công việc vốn vẫn do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Luật năm 2015 cũng không quy định việc ủy quyền phải được thực hiện tuần tự theo cấp hành chính.
Vì vậy, không nhất thiết là cơ quan hành chính nhà nước cấp trên chỉ được ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới trực tiếp của mình. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn toàn có thể ủy quyền thẳng cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc một cơ quan, tổ chức nào đó mà không cần qua cấp huyện.
Xem thêm bài viết về “Cơ quan hành chính”
- Thực hiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn – TS. Trịnh Đức Thảo
- Chức vụ và thẩm quyền chức vụ trong cơ quan hành chính nhà nước – GS.TS. Phạm Hồng Thái
- Cơ chế pháp lý về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp – TS. Hoàng Minh Hội
- Cơ quan hành chính nhà nước là gì? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- [PHÂN BIỆT] và phân loại cơ quan hành chính nhà nước – Xóm Luật
3. Về nội dung của ủy quyền
Giống như đối với phân quyền và phân cấp, pháp luật hiện hành cũng không có quy định cụ thể nội dung công việc nào, nhiệm vụ, quyền hạn nào có thể được ủy quyền. Khoản 1 Điều 14 chỉ quy định cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền “trong trường hợp cần thiết”, song cũng không quy định rõ trường hợp cần thiết là những trường hợp nào.
Như vậy, có thể hiểu phạm vi ủy quyền có thể bao gồm bất cứ lĩnh vực nào chủ thể ủy quyền có lý do hợp lý để thực hiện việc ủy quyền.
4. Về cơ chế trách nhiệm
Cơ chế trách nhiệm đối với công việc được ủy quyền cũng là cơ chế song trùng giống cơ chế phân cấp. Theo đó, chủ thể ủy quyền, tức là cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, chịu trách nhiệm chính đối với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền. Chủ thể nhận ủy quyền, tức là người trực tiếp thực hiện công việc được ủy quyền, chỉ chịu trách nhiệm trước chủ thể đã ủy quyền công việc cho mình.
Như vậy, có thể hiểu chủ thể ủy quyền chịu trách nhiệm về việc công việc ủy quyền thực hiện xong có đem lại hiệu quả như mong muốn hay không, còn chủ thể nhận ủy quyền chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng nội dung công việc, nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền cho mình.
5. Về điều kiện tiến hành ủy quyền
Điều kiện để tiến hành ủy quyền có một số điểm giống nhau và khác nhau với điều kiện tiến hành phân cấp. Về điểm giống nhau, để tiến hành ủy quyền cũng đòi hỏi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền phải là nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật đã quy định cho chủ thể ủy quyền. Chủ thể ủy quyền không thể ủy quyền cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà ngay từ đầu đã không thuộc về mình. Bên cạnh đó, chủ thể ủy quyền phải bảo đảm các nguồn lực, điều kiện cần thiết khác đồng thời hướng dẫn, kiểm tra để chủ thể nhận ủy quyền thực hiện tốt công việc được ủy quyền. Việc ủy quyền cũng phải được thực hiện bằng văn bản do chủ thể ủy quyền ban hành.
Tuy nhiên, hình thức của văn bản ủy quyền không bắt buộc là văn bản quy phạm pháp luật như đối với phân quyền và phân cấp. Điều kiện thời gian là một điểm khác quan trọng của điều kiện tiến hành ủy quyền. Luật tổ chức Chính quyền địa phương quy định việc ủy quyền chỉ được thực hiện trong “khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể” Luật này không quy định rõ các điều kiện cụ thể là những điều kiện gì, song nhất thiết việc ủy quyền thực hiện công việc chỉ là có thời hạn và chủ thể ủy quyền phải chỉ rõ thời hạn đó trong văn bản ủy quyền.
Với điều kiện này, dường như Luật năm 2015 đã phân biệt các trường hợp áp dụng phân cấp và ủy quyền trong hệ thống hành chính nhà nước, theo đó phân cấp áp dụng khi giao công việc thực hiện một cách thường xuyên, liên tục còn ủy quyền được áp dụng khi giao công việc thực hiện có thời hạn.
Xem thêm bài viết về “Địa phương”
- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương tại Việt Nam: Tiếp cận dưới góc độ phân quyền – PGS.TS. Đặng Minh Tuấn & TS. Hoàng Thị Ái Quỳnh
- [SO SÁNH] Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương với địa phương – Xóm Luật
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay – Bài học từ nghiên cứu lịch sử và so sánh kinh nghiệm một số quốc gia Châu Âu – TS. Đào Bảo Ngọc
- Đề xuất xây dựng mô hình chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở Việt Nam – ThS. Đinh Thị Minh Thư
- Chế độ tự quản địa phương vùng nông thôn và vấn đề đổi mới chính quyền nông thôn Việt Nam – TS. Nguyễn Thị Thiện Trí
6. Về vấn đề ủy quyền tiếp
Pháp luật hiện hành quy định rất rõ chủ thể nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho chủ thể khác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được ủy quyền cho mình. Có thể hiểu là việc ủy quyền tiếp không được phép ngay cả khi chủ thể ủy quyền đồng ý với việc ủy quyền tiếp. Cơ chế ủy quyền, như vậy, xác định rõ “địa chỉ chịu trách nhiệm thực hiện công việc ủy quyền và đòi hỏi chủ thể ủy quyền phải chọn đúng cơ quan phù hợp với công việc đem ủy quyền.
Như vậy, qua các nội dung của ủy quyền trình bày trên đây, có thể định nghĩa khái quát ủy quyền là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên giao công việc thuộc trách nhiệm của mình cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện trong một thời hạn xác định theo cơ chế trách nhiệm song trùng./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời