• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam

Hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam

19/11/2021 19/11/2021 CTV. Đặng Thùy Trang Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái quát chung về đấu giá tài sản công
  • 2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam
    • Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công đưa ra đấu giá.
    • Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổ chức đấu giá tài sản công.
  • CHÚ THÍCH

Hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hồng [1]

TÓM TẮT

Đấu giá tài sản công là hình thức bán tài sản công khai, minh bạch nhằm khai thác hiệu quả các tài sản công, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản công ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều sai phạm, gây thất thoát tài sản công. Bài viết đề xuất những kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản ở Việt Nam.

Hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam

1. Khái quát chung về đấu giá tài sản công

Trên thế giới, đấu giá tài sản công đã xuất hiện từ rất sớm ở Hy Lạp cổ đại, được tổ chức bởi các quan chức công để bán đất công và các hàng hóa công cộng khác; hàng hóa bị tịch thu từ kẻ thù bị chinh phục, hàng hóa bị tịch thu từ những người nợ thuế chính phủ, những người lạm dụng hoặc chiếm dụng tài sản công và hàng hóa từ những người lưu vong và người bị kết án2. Ngày nay, đấu giá tài sản công vẫn là một trong những cách thức để nhà nước xử lý hiệu quả đối với tài sản quốc gia. Việc đấu giá tài sản công vẫn được thực hiện đối với hầu hết các tài sản nhà nước dư thừa, tài sản của cá nhân, tổ chức bị nhà nước tịch thu, di sản không có người thừa kế, tài sản bị bỏ rơi mà nhà nước đã xác lập quyền sở hữu, tài sản thanh lý của doanh nghiệp phá sản, đất của Chính phủ, tần số phát sóng,…3. Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đều có xu hướng lựa chọn hình thức đấu giá tài sản công để phân bổ các tài sản như: tần số điện thoại di động, tần số radio, cơ sở hạ tầng công cộng, đất,…4.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Hoàn thiện quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công ở Việt Nam
  • Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá - Một số bất cập và hướng hoàn thiện

Ở Việt Nam, hoạt động đấu giá tài sản đã hình thành từ thời Pháp thuộc5. Tuy nhiên, việc đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng chỉ bắt đầu phát triển từ những năm 1996, sau khi nhà nước ta ban hành Bộ luật dân sự năm 1995 và văn bản pháp luật chuyên ngành đầu tiên về đấu giá tài sản (Nghị định số 86/1996/CP ngày 19/12/1996 ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản). Sau Nghị định số 86/1996/CP, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật về đấu giá tài sản như: Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 86/1996/CP); Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ- CP). Đến nay, việc đấu giá tài sản công ở Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Nhìn chung, hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản công ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, song thực tiễn thời gian qua, việc đấu giá tài sản công vẫn còn nhiều sai phạm, gây lãng phí, thất thoát tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân, tác động tiêu cực đến lòng tin của nhân dân đối với chính sách pháp luật và công tác thực thi pháp luật6. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có liên quan đấu giá còn nhiều hạn chế, bất cập, còn thiếu những quy định cần thiết, chưa đồng bộ và chưa có chế tài tài đủ mạnh để công tác thi hành, áp dụng pháp luật trong đấu giá tài sản công được thực hiện đầy đủ, triệt để. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản công nhằm khắc phục những điểm còn bất cập, hạn chế, đồng thời thiết lập cơ chế đấu giá tài sản công khoa học, chặt chẽ, đảm bảo việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công đạt hiệu quả.

2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tài sản công đưa ra đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản công ở Việt Nam

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công đưa ra đấu giá.

Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công đưa ra đấu giá trong pháp luật về đấu giá tài sản.

Tài sản công có phạm vi rất rộng7. Trước đây, các luật được ban hành trước Luật quản lý, sử dụng tài sản công không sử dụng khái niệm “tài sản công” mà sử dụng các khái niệm khác nhau để quy định về loại tài sản này như: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 sử dụng khái niệm “tài sản nhà nước”; Bộ luật dân sự năm 2005 đưa ra khái niệm “hình thức sở hữu nhà nước”, “thuộc về Nhà nước”; Luật giáo dục đại học năm 2012 cũng sử dụng khái niệm “thuộc sở hữu Nhà nước”; Luật di sản văn hóa năm 2001 lại quy định “thuộc sở hữu toàn dân”,… Luật đấu giá tài sản được ban hành trước Luật quản lý, sử dụng tài sản công và cũng không sử dụng khái niệm “tài sản công”. Tên các tài sản công được liệt kê tại Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản được quy định theo các văn bản pháp luật chuyên ngành về từng loại tài sản công đưa ra đấu giá. Do vậy, khi Luật quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, tên một số loại tài sản công trong Luật đấu giá tài sản không thống nhất với quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, ví dụ như quy định về “Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản. Theo quy định tại Điều 49 và Điều 59 Luật đấu giá tài sản, đây là tài sản không được đấu giá khi chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Tên tài sản này đã được Luật đấu giá tài sản quy định theo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và tương ứng với nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Trước thời điểm Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực (01/01/2018), căn cứ các quy định tại Luật đấu giá tài sản và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì chỉ không đấu giá trong các trường hợp chỉ có một người theo quy định tại Điều 49 và Điều 59 Luật đấu giá tài sản đối với nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Một số loại tài sản công khác, ví dụ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu8 vẫn thực hiện việc đấu giá khi chỉ có một người theo quy định tại các Điều 49, Điều 59 Luật đấu giá tài sản và Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập, quyền sở hữu của Nhà nước. Từ thời điểm Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, tất cả các tài sản công phải bán thông quan đấu giá9 đều không được đấu giá trong trường hợp chỉ có một người trong trường hợp quy định tại Điều 49 Luật đấu giá tài sản. Do vậy, cần sửa đổi tên các tài sản đấu giá là tài sản công trong Luật đấu giá tài sản cho thống nhất với Luật quản lý, sử dụng tài sản công, tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng.

Mặt khác, ngoài những tài sản công đã được liệt kê tại Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản, đến nay, đã có thêm nhiều tài sản công được đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được quy định trong Luật đấu giá tài sản như: tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi10; tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải11; tài sản kết cấu hạ tầng hàng không12; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa13. Ngoài ra, một số Bộ ngành hiện cũng đang xây dựng các văn bản pháp luật để trình Chính phủ ban hành các quy định về quản lý, khai thác một số tài sản công qua đấu giá như: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông viễn, tên miền internet; Bộ Công an đang xây dựng đề án đấu giá biển số xe,… Như vậy tới đây sẽ có thêm một số tài sản công tiếp tục được đưa ra đấu giá. Mặc dù theo quy định tại điểm p Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản thì việc đấu giá tài sản sẽ áp dụng đối với tất cả những tài sản công mà pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá, tuy nhiên cách quy định theo hướng liệt kê như Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản đã phát sinh một số bất cập như đã nêu ở trên. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản theo hướng ngắn gọn nhưng bao quát được các loại tài sản công phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, như quy định: “tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công đưa ra đấu giá trong pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc xác định những tài sản công phải bán thông qua đấu giá do pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quy định. Hiện nay, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của Việt Nam mới chỉ quy định bắt buộc đấu giá đối với những tài sản thanh lý hoặc tài sản nhà nước không có nhu cầu sử dụng. Đây là hình thức đấu giá truyền thống và được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới (có một người bán và có nhiều người muốn mua). Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc mua sắm dịch vụ, tài sản công bằng hình thức đấu giá ngược (reverse auction) – hình thức đấu giá mà trong đó vai trò truyền thống của người bán và người mua bị đảo ngược (chỉ có một người mua và có nhiều người bán)14. Đấu giá ngược/hay đấu giá ngược điện tử (Electronic reverse auctions), đấu giá mua sắm dịch vụ, tài sản thông qua mạng internet là hình thức mua sắm phổ biến đối với các doanh nghiệp và Chính phủ một số nước như: Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Anh, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Estonia, Panama, Paraguay, Peru,… Mô hình mua sắm này giúp Chính phủ giảm đáng kể ngân sách mua sắm tài sản thông qua việc tập trung đầu mối mua sắm và sự cạnh tranh hạ giá giữa các nhà cung cấp15. Hình thức đấu giá này đã được nhiều tác giả nghiên cứu đề cập trong các công trình như: Major, C với công trình: “Reverse Auctions – A Suitable Procurement Tool for the WA Public Sector?”16; Singer, M., Konstantinidis, G., Roubik, E., & Beffermann, E. với công trình: “Does e- Procurement Save the State Money?”17;  Beall, S. et al. với công trình: “The Role of Reverse Auctions in Strategic Sourcing”18;  Christopher R. Yukin, Don Wallace Jr với “UNCITRAL Considers Electronic Reverse Auctions, as Comparative Public Procurement Comes of Age in the U.S”19. Năm 2007, Ngân hàng phát triển Châu Á đã tổ chức Hội thảo và xuất bản kỷ yếu với chủ đề: “Fighting Bribery in Public Procurement in Asia and the Pacific”20.

Ở Việt Nam, việc mua sắm tài sản công hiện đang thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, từ bất cập trong công tác đầu thầu mua sắm tài sản công, thời gian gần đây, một số địa phương đã giao cho các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện việc đấu thầu mua sắm tập trung như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đắk Nông, … Việc giao cho các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản – một đơn vị thứ ba độc lập, tách bạch khỏi chức năng quản lý nhà nước, tách bạch khỏi đơn vị trực tiếp có nhu cầu mua sắm tài sản thực hiện việc mua sắm tài sản như một số địa phương đang thực hiện gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và được kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực, thông đồng, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước từ việc giảm chi phí tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản cũng như giảm giá mua do các nhà cung cấp hạn giá bán để cạnh tranh. Do vậy, nếu mô hình “đấu giá ngược” được triển khai triệt để sẽ góp phần hạn chế vi phạm trong mua sắm tài sản công, mà điển hình gần đây là vụ vi phạm đấu thầu mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh Hà Nội21, gây bức xúc trong nhân dân22. Do vậy, cần nghiên cứu mô hình đấu giá ngược để xây dựng cơ chế mua sắm tài sản, dịch vụ công thông qua hình thức đấu giá ngược trong pháp luật về đấu giá tài sản nhằm đảm bảo việc mua sắm tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường sự minh bạch, khách quan, chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổ chức đấu giá tài sản công.

Một là, sửa đổi quy định về chức năng đấu giá tài sản của một số tổ chức, Hội đồng đấu giá.

Theo quy định của Luật đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản công nói riêng bao gồm (1) Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và (2) doanh nghiệp đấu giá tài sản23. Trường hợp không lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản hoặc luật có quy định việc đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì mới thành lập Hội đồng đấu giá tài sản để đấu giá tài sản24. Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn quy định một số tổ chức khác cũng có chức năng thực hiện việc đấu giá tài sản như:

– Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật đất đai. Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã quy định tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị được thực hiện dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất. Mặc dù từ thời điểm Luật đấu giá tài sản có hiệu lực đến nay, Tổ chức phát triển quỹ đất không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ đóng vai trò là người có tài sản đấu giá khi đấu giá quyền sử dụng đất để nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, nhưng tại một số địa phương, các tổ chức phát triển quỹ đất vẫn can thiệp sâu vào quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện. Ví dụ như tại Hà Nội, trong suốt thời gian qua và cho đến hiện nay, phần lớn các tổ chức phát triển quỹ đất tham gia vào việc bán, thu hồ sơ, thu tiền đặt trước. Trong một số trường hợp, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đã xảy ra hiện tượng hạn chế việc bán/thu hồ sơ tham gia đấu giá. Thậm chí, một số tổ chức phát triển quỹ đất còn ra thông báo đấu giá thay cho tổ chức đấu giá tài sản. Do vậy, cần sửa đổi Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP theo hướng hủy bỏ chức năng đấu giá tài sản của tổ chức phát triển quỹ đất cho phù hợp với quy định của Luật đấu giá tài sản.

– Sở giao dịch chứng khoán, Công ty chứng khoán trong bán đấu giá cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định việc tổ chức đấu giá cổ phần thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán; trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể xem xét, quyết định tổ chức đấu giá tại các Công ty chứng khoán hoặc tổ chức đấu giá tài sản. Tuy nhiên, việc bán cổ phần của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần là quy trình bán tài sản công. Khi bán cổ phần thông qua phương thức đấu giá phải thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản. Do vậy, cần bãi bỏ những quy định về chức năng đấu giá tài sản của Sở giao dịch chứng khoán, Công ty chứng khoán quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

– Hiện nay, hầu hết các luật về các loại tài sản công đưa ra đấu giá đều không quy định về việc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản. Tuy nhiên, một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật đó vẫn còn quy định về Hội đồng đấu giá như: Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT- BTP ngày 04/04/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ); Hội đồng đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng trong trường hợp Phòng công chứng có giá trị lớn và có nhiều công chứng viên khác đang hành nghề trên địa bàn có đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền nhận chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng,… Quy định về việc thành lập các Hội đồng đấu giá nêu trên không phù hợp với Luật đấu giá tài sản nên cần được bãi bỏ.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đấu giá tài sản về tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện việc đấu giá tài sản công.

Khác với các loại tài sản đấu giá khác, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước Việt Nam đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước giao cho các các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công. Như vậy, quyền sở hữu của chủ sở hữu và quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công không hoàn toàn gắn liền với nhau trong thực tế quản lý, sử dụng tài sản công ở nước ta25. Thực tế thời gian qua, nhiều tài sản công được xử lý bằng hình thức đấu giá có giá trị rất lớn, có tài sản có giá trị lớn đến hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, chỉ nên giao việc đấu giá tài sản công cho những tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín thực hiện.

Hiện nay, theo quy định của Luật đấu giá tài sản, tất cả các tổ chức đấu giá tài sản đều được thực hiện việc đấu giá tài sản công nếu được người có tài sản đấu giá lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công thời gian qua còn mang tính hình thức. Các hiện tượng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng thông đồng để lựa chọn doanh nghiệp đấu giá “sân sau” vẫn diễn ra. Các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật đấu giá tài sản còn chung chung, không rõ ràng, minh bạch và khó thực hiện. Tiêu chí về mức thù lao dịch vụ đấu giá là tiêu chí duy nhất có thể định lượng được nhưng lại dễ bị lạm dụng, tạo ra thông đồng trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công. Một số tổ chức đấu giá đã tìm mọi cách để được lựa chọn thực hiện việc đấu giá tài sản công và chấp nhận đưa ra mức thù lao dịch vụ đấu giá rất thấp, chỉ bằng mức tối thiểu mà pháp luật quy định (1 triệu đồng), thậm chí là thấp hơn (0 đồng) để được lựa chọn. Tuy nhiên, mức thù lao như vậy không đủ bù đắp chi phí mà tổ chức đấu giá tài sản phải bỏ ra26, trong khi trừ các Trung tâm dịch vụ đấu giá là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, còn lại các doanh nghiệp đấu giá là các tổ chức kinh tế hoạt động vì mục đích lợi nhuận nên rất dễ dẫn đến tiêu cực, trục lợi trong đấu giá tài sản công. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 29/05/2020, tại Hà Nội có 83 tổ chức đấu giá tài sản và 08 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản, trong đó có tới 41 doanh nghiệp và có 04 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ có 01 đấu giá viên, chiếm 51,72%. Doanh nghiệp đấu giá tài sản có 02 đấu giá viên là 25 doanh nghiệp, chiếm 28,74%. Doanh nghiệp đấu giá tài sản có 03 đấu giá viên là 10 doanh nghiệp, chiếm 11,49%. Chỉ có 02 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 04 đấu giá viên và 02 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 05 đấu giá viên, chiếm tỷ lệ tương ứng là 2,3%. Duy nhất chỉ có 01 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 08 đấu giá viên có 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản có 10 đấu giá viên, chiếm tỷ lệ 1,15%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 67 tổ chức đấu giá tài sản và 12 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản, trong đó có tới 31 doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ có 01 đấu giá viên, chiếm 46,27%. Số lượng doanh nghiệp đấu giá tài sản có 02 đấu giá viên là có 17 doanh nghiệp, chiếm 25,37%; có 11 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 03 đấu giá viên, chiếm 16,42%; 03 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 04 đấu giá viên, chiếm 4,48%; 02 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 05 đấu giá viên, chiếm 2,99%; chỉ có 01 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 06 đấu giá viên, 01 doanh nghiệp đấu giá tài sản có 07 đấu giá viên và có 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản có 8 đấu giá viên, chiếm tỷ lệ tương ứng là 1,49%27.

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá tài sản trong đấu giá tài sản công, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản công; xuất phát từ tính chất, đặt điểm của tài sản công đưa ra đấu giá; xuất phát từ thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật đấu giá tài sản theo hướng: ngoài các quy định chung, Luật đấu giá tài sản cần bổ sung thêm một mục để quy định riêng về đấu giá tài sản công, trong đó quy định bổ sung thêm các điều kiện mà tổ chức đấu giá tài sản cần đáp ứng khi muốn thực hiện việc đấu giá tài sản công như:

– Phải có tối thiểu từ 02 đấu giá viên trở lên; đối với doanh nghiệp đấu giá thành lập dưới hình thức Công ty hợp danh thì phải có ít nhất hai thành viên hợp danh là đấu giá viên;

– Có cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động đấu giá tài sản công: có trụ sở đăng ký cụ thể, rõ ràng, ổn định; có website và phải đưa lên website toàn bộ hồ sơ từng cuộc đấu giá tài sản công, đảm bảo những người nhu cầu tham gia đấu giá có thể truy cập để tham khảo hồ sơ hoặc download hồ sơ thay vì phải trực tiếp đến mua hồ sơ tại tổ chức đấu giá tài sản như hiện nay; có có cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho cuộc đấu giá;

– Đã thực hiện thành công ít nhất từ 10 hợp đồng dịch vụ đấu giá trở lên có giá trị chênh lệch từ trên 30% giữa giá khởi điểm và giá đấu giá thành của các cuộc đấu giá trước đó;

– Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản./.

CHÚ THÍCH

  1. Thạc sỹ, Giảng viên Học viện Tư pháp, NCS Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Auctions in ancient Greece, Wikipedia, https://en.m.wikipedia.org/wiki/Auctions_in_ancient_Greece;
  3. Government auctions, Wikipedia, the free encyclopedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Government_auctions; Police auction, Wikipedia, the free encyclopedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Police_auctions; Public auction, Wikipedia, the free encyclopedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Public_auction.
  4. Maarten Janssen, Analys and Alternativer (2004), “Auctioning Public Assets”, Cambridge University press
  5. Sắc lệnh ngày 02/9/1935 quy định về thể lệ hỗ giá viên, được bổ khuyết bởi các Sắc lệnh ngày 6/12/1936, ngày 12/5/1937, ngày 07/4/1938 và ngày 04/5/1938; Chiếu chỉ Nghị định ngày 02/8/1933 được sửa đổi do Nghị định ngày 02/8/1933 ấn định tiền lệ phí về việc bán đấu giá ở phòng và được sửa đổi bởi Nghị định ngày 31/01/1934.
  6. Bất thường trong đấu giá đất “vàng” (https://nld.com.vn/thoi-su/bat-thuong-trong-dau-gia-dat-vang- 20181111215930487.htm); Xã hội đen thao túng, “làm mưa làm gió” đấu giá đất ở Bắc Giang (https://www.baogiaothong.vn/xa-hoi-den-thao-tung-lam-mua-lam-gio-dau-gia-dat-o-bac-giang-d427559.html; Văn Lực Xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ): Có tiêu cực trong đấu giá đất? (http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=15&macmp=17&mabb=122011); Cả triệu tỷ đồng đang nằm trong kho “số đẹp” biển xe, điện thoại? (http://dantri.com.vn/bien-so-dep.tag/); Bình Định: Phê bình Ban GPMB để doanh nghiệp đấu giá thao túng (https://nld.com.vn/thoi-su/binh-dinh-phe-binh-ban-gpmb-de-doanh-nghiep- dau-gia-thao-tung-20180511111349269.htm); Cần minh bạch quy trình đấu giá đất công (https://tbck.vn/can-minh- bach-quy-trinh-dau-gia-dat-cong-25382.html); Cần sớm gỡ bỏ những bất cập trong định giá đất đai (http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2019-02-15/can-som-go-bo-nhung-bat-cap-trong-dinh- gia-dat-dai-67805.aspx); Chấn chỉnh nạn xã hội đen thao túng việc đấu giá ở Bình Thuận (https://plo.vn/an-ninh- trat-tu/chan-chinh-nan-xa-hoi-den-thao-tung-viec-dau-gia-o-binh-thuan-800282.html); Nhiều dấu hỏi trong vụ “bất thường đấu giá đất ở Bắc Giang, (https://www.baogiaothong.vn/nhieu-dau-hoi-trong-vu-bat-thuong-dau-gia-dat- o-bac-giang-d428152.html); Quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất công, (https://www.dag.vn/article/quan-xanh- quan-do-trong-dau-gia-dat-cong-4220-644761-763.da); Màn kịch đấu giá tài sản công, (http://vietstock.vn/2016/07/man-kich-dau-gia-tai-san-cong-768-483871.htm).
  7. Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
  8. Điểm e Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản.
  9. Bao gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng; Tài sản công tại doanh nghiệp; tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; đất đai, tài nguyên.
  10. Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
  11. Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
  12. Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
  13. Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
  14. Reverse auction, Wikipedia, the free encyclopedia, https://en.m.wikipedia.org/wiki/Reverse_auction.
  15. Moshe E. Shalev và Stee Asbjornsen (2010), “Electronic reverse auction and the public sector: factors of succes”, journal of public procuregment, volume 10, issue 3, tr. 428-452
  16. Major, C (2007) “Reverse Auctions – A Suitable Procurement Tool for the WA Public Sector?”, www.dtf.wa.gov.au/cms/uploadedFiles/CorneliaMajor_Reverse_Auction-A_Suitable_Procurement_Tool_for_the_WA_Public_Sector.
  17. Singer, M., Konstantinidis, G., Roubik, E., & Beffermann, E. (2009), “Does e-Procurement Save the State Money?”, Journal of Public Procurement, 9 (1): 58-78.
  18. Beall, S. et al. (2003), “The Role of Reverse Auctions in Strategic Sourcing”, http://lilgerry.com/beall2003ecom.pdf.
  19. Christopher R. Yukin, Don Wallace Jr (2005) “UNCITRAL Considers Electronic Reverse Auctions, as Comparative Public Procurement Comes of Age in the U.S”, https://pdfs.semanticscholar.org/5377/3d9018ad00f6a98c8c0b174c764067b078c5.pdf.
  20. Ngân hàng phát triển Châu Á, 2007, “Fighting Bribery in Public Procurement in Asia and the Pacific” (Proceedings of the 7th Regional Seminar on making international anti-corruption standards operational Held in Bali, Indonesia, 5–7 November 2007, and hosted by the Corruption Eradication Commission (KPK) Indonesia, https://www.oecd.org/site/adboecdanti-corruptioninitiative/40838411.pdf.
  21. Võ Hải (2020), Làm rõ dấu hiệu vi phạm khi mua máy xét nghiệm Covid-19, https://vnexpress.net/lam-ro-dau- hieu-vi-pham-khi-mua-may-xet-nghiem-covid-19-4086100.html; Thứ sáu, 17/4/2020, 12:24; Nguyễn Hưởng – Ngọc Dung (2020), Thổi giá thiết bị phòng dịch, giám đốc CDC Hà Nội bị bắt, https://nld.com.vn/thoi-su/thoi-gia- thiet-bi-phong-dich-giam-doc-cdc-ha-noi-bi-bat-20200422215049421.htm, 23/04/2020 – 06:49 AM
  22. Gia Nguyễn (2020), Loạn giá mua thiết bị phòng chống dịch Covid-19: Lỗ hổng từ đâu?, ttps://dantri.com.vn/kinh-doanh/loan-gia-mua-thiet-bi-phong-chong-dich-covid-19-lo-hong-tu-dau- 20200501062739105.htm; Thứ Sáu 01/05/2020 – 09:46; Thân Hoàng – Lan Anh 92020), Loạn giá mua máy xét nghiệm COVID-19: Nhiều gói thầu được “ưu ái” bất ngờ, https://tuoitre.vn/loan-gia-mua-may-xet-nghiem-covid- 19-nhieu-goi-thau-duoc-uu-ai-bat-ngo-20200429082033636.htm, 29/04/2020 08:30 GMT+7; Trần Thường (2020), Máy xét nghiệm Quảng Nam 7,23 tỉ: Công ty giảm xuống 4,8 tỉ, sở muốn trả lại máy, https://nld.com.vn/thoi- su/may-xet-nghiem-quang-nam-723-ti-cong-ty-giam-xuong-48-ti-so-muon-tra-lai-may-20200429163440883.htm, 29-04-2020 – 05:12 PM,…
  23. Khoản 12 Điều 5, các điều từ Điều 22 đến Điều 32 Luật đấu giá tài sản.
  24. Điều 60 Luật đấu giá tài sản.
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Hoàn thiện quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công ở Việt Nam
Hoàn thiện quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công ở Việt Nam
Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá - Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Bình luận các sai sót trong quá trình kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thi hành bản án, quyết định kinh doanh thương mại
Bình luận các sai sót trong quá trình kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thi hành bản án, quyết định kinh doanh thương mại
Một số tranh chấp phổ biến liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất từ thực tiễn giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao
Một số tranh chấp phổ biến liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất từ thực tiễn giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao
Hoàn thiện chế định đình chỉ thi hành án dân sự theo Pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam
Hoàn thiện chế định đình chỉ thi hành án dân sự theo Pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam
Xác định các căn cứ pháp lý để tính toán lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản
Xác định các căn cứ pháp lý để tính toán lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản

Chuyên mục: Dân sự/ Đấu giá Từ khóa: Bán đấu giá/ Tài sản công/ Tổ chức đấu giá

Previous Post: « Pháp luật tố tụng Triều Nguyễn (1802 -1884) – Thành tựu, giá trị và bài học kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật tố tụng hiện nay
Next Post: Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định tại Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014 trong hoạt động công chứng các giao dịch về nhà ở »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng