Mục lục
Xác định các căn cứ pháp lý để tính toán lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản
Tác giả: Phùng Văn Hải [1]
TÓM TẮT
Việc xác định thiệt hại về tài sản nói chung và tính toán thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút nói riêng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong quá trình giải quyết các vụ án có liên quan đến trách nhiệm dân sự do tài sản bị xâm phạm. Trong thực tiễn xét xử, việc xác định thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút thường gặp khó khăn, đặc biệt là khi tài sản bị thiệt hại chưa từng được sử dụng để khai thác lợi tức, tài sản bị thiệt hại đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh để hình thành các tài sản khác2, Bài viết phân tích các căn cứ pháp lý để tính toán thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản theo pháp luật dân sự.
1. Tài sản và lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản
Theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
(i) Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
(ii) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
(iii) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; và
(iv) Thiệt hại khác do luật quy định. Việc xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng có lẽ không gặp nhiều khó khăn nhờ có các quy định của pháp luật về định giá tài sản, thẩm định giá và nguyên tắc giá thị trường3. Tương tự, việc tính toán chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại có thể dựa trên các chí phí hợp lý thực tế đã thực hiện. Trường hợp thiệt hại chưa được khắc phục, có thể dựa vào kết quả giám định thiệt hại4 để tính toán chi phí hợp lý để có thể khắc phục thiệt hại đó.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là đề cập đến quyền sử dụng tài sản. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản (Điều 189 BLDS năm 2015). Chủ sở hữu và người được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật sau đây được gọi là “chủ thể có quyền”. Tài sản còn có thể được phân loại thành bất động sản và động sản (Điều 107 BLDS năm 2015); tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (Điều 108 BLDS năm 2015). Bất động sản hình thành trong tương lai ngày nay đã trở thành một thứ hàng hóa khá phổ biến được cung cấp bởi chủ đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại. Quá trình hình thành tài sản – sản phẩm cuối cùng (nhà ở thương mại để bán, cho thuê, kinh doanh) lại liên quan đến tiền và rất nhiều loại tài sản khác (còn gọi là chi phí đầu tư, chi phí sản xuất).
Để thỏa mãn các nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh, chủ thể có quyền có thể cho thuê, cho vay tài sản, mua bán tài sản, hoặc sử dụng tài sản vào quá trình sản xuất, kinh doanh để khai thác lợi tức. Đối với tài sản có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, chủ thể có quyền có thể khai thác lợi tức của tài sản bằng cách cho vay, cho thuê và lãi vay, tiền thuê theo các hợp đồng này, hợp đồng thuê chính là lợi tức mà chủ thể có quyền khai thác được. Theo quy định tại Điều 463 BLDS năm 2015 về hợp đồng vay tài sản, bên cho vay được hưởng lãi (lợi tức) theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật và được nhận lại tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng (tức là giá trị tài sản giữ nguyên hoặc hao mòn tự nhiên, trượt giá) sau khi hết thời hạn cho vay. Theo quy định tại Điều 472 BLDS về hợp đồng thuê tài sản, bên cho thuê được nhận tiền cho thuê (lợi tức) và được nhận lại tài sản cho thuê khi hết thời hạn thuê. Bên thuê có nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê (Điều 477 BLDS năm 2015). Tài sản là tiền và vật đang tồn tại dưới dạng hàng hóa, tài sản tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc là vật có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản thì chủ thể có quyền đều có thể khai thác lợi tức. Nhưng lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản không chỉ là lợi tức mà còn là những giá trị sử dụng khác có thể quy đổi thành tiền.
Thực tế là, không phải việc sử dụng, khai thác tài sản nào cũng mang lại lợi tức cho chủ thể có quyền. Do đó, khi tính toán thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm, trước hết cần phải xác định tài sản bị xâm phạm có phải là loại tài sản có thể mang lại lợi tức cho người sử dụng, khai thác nó hay không và có đang được sử dụng để khai thác lợi tức hay không.
2. Một số nhóm tình huống có thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản
Trong phạm vi bài viết, tác giả không nghiên cứu toàn diện, thấu đáo về tất cả các dạng thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản mà chỉ đề cập đến ba nhóm tình huống phổ biến, điển hình có thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản.
2.1. Khi tài sản bị xâm hại là tài sản đang được sử dụng để khai thác lợi tức
Đây là dạng thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản phổ biến và điển hình nhất, ít gây tranh cãi nhất. Một số người tiến hành tố tụng thậm chí còn cho rằng đây là dạng thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản duy nhất. Ví dụ, một chiếc xe ô tô 4 chỗ bị xâm hại (bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng…) vào thời điểm nó đang được cho thuê để mang về cho chủ thể có quyền số lợi tức là 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi bị xâm hại, hợp đồng cho thuê không thể tiếp tục vì chiếc xe không thể sử dụng được nữa. Số tiền 10 triệu đồng mỗi tháng phải được coi là thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là chiếc xe ô tô 4 chỗ cụ thể đó.
Hành vi gây thiệt hại tài sản thuộc nhóm tình huống này có thể là hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có nghĩa vụ trong hợp đồng (ví dụ: chậm trả lại tài sản thuê, mượn); hoặc hành vi của một bên thứ ba có tác động vật chất vào tài sản (hành vi hủy hoại hoại hoặc gây hư hỏng tài sản); hoặc hành vi tác động trực tiếp vào quá trình sử dụng, khai thác tài sản (ví dụ: hành vi bắt, giữ hoặc gây thương tích cho người có kỹ năng sử dụng tài sản (phi công, lái máy, …) mà chủ thể có quyền chưa kịp thay thế bằng người có kỹ năng sử dụng tài sản khác) dẫn đến việc sử dụng, khai thác tài sản bị gián đoạn.
Trường hợp tài sản đang được sử dụng để khai thác lợi tức bị kê biên, phong tỏa, cấm chuyển dịch theo quyết định của Tòa án khi có đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng sau đó yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó được xác định là không đúng thì hành vi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản cũng được coi là hành vi xâm hại tài sản.
2.2. Khi tài sản bị xâm hại là tài sản đang được sử dụng để khai thác công dụng
Khi tài sản đang được sử dụng để khai thác công dụng, mục đích của việc sử dụng là nhằm để thỏa mãn những nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân chủ thể có quyền. Mặc dù việc khai thác công dụng của tài sản không mang lại cho chủ thể có quyền lợi tức, nhưng nếu chủ thể có quyền phải trả tiền để tiếp tục được thỏa mãn những nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân tương tự như tài sản của họ trước khi bị xâm phạm mang lại thì số tiền họ phải chi trả đó cũng phải được coi là thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản.
Nếu một vật có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản bị xâm phạm, khiến cho chủ thể có quyền phải đi vay, đi thuê vật tương tự để thay thế, bù đắp cho nhu cầu sử dụng tài sản (khai thác công dụng) bị xâm phạm thì lãi vay, tiền thuê đó chính là thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị xâm phạm đó. Ví dụ, một người có một chiếc xe ô tô 4 chỗ để phục vụ nhu cầu đi lại, mặc dù không dùng chiếc ô tô đó để kinh doanh thu lợi tức nhưng do bị kẻ trộm lấy mất khiến cho người đó phải thuê một chiếc xe tương tự (hoặc thuê taxi) để đáp ứng nhu cầu đi lại tương đương với nhu cầu sử dụng chiếc xe trước khi bị lấy trộm. Như vậy, rõ ràng ngoài giá trị của chiếc xe bị lấy trộm, chủ xe còn chịu thiệt hại về số tiền thuê xe (tiền taxi) từ lúc chiếc xe bị mất cho đến khi anh ta được nhận lại chiếc xe hoặc giá trị của chiếc xe. Nói cách khác, quyền khai thác công dụng của tài sản cũng có thể tính toán được giá trị nếu tài sản đó có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản.
Hành vi gây thiệt hại tài sản thuộc nhóm tình huống này về cơ bản cũng tương tự như với nhóm tình huống tài sản đang được sử dụng để khai thác lợi tức, ngoại trừ hành vi vi phạm hợp đồng.
2.3. Khi quá trình sản xuất, lưu thông và mua bán hàng hóa bị gián đoạn
Nền kinh tế thị trường đã được pháp luật nước ta ghi nhận và bảo vệ5. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Các hoạt động sản xuất, lưu thông, mua bán hàng hóa đều có thể sinh lời. Trong sản xuất hàng hóa thì lợi nhuận là chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất. Lợi nhuận trong mua bán hàng hóa là chêch lệch giữa giá bán ra và giá mua vào cộng chi phí bán hàng. Riêng khâu lưu thông hàng hóa cũng có thể sinh lợi, được Mác gọi là “tư bản thương nghiệp”6.
Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đều hướng tới lợi nhuận, tức là một số tiền lớn hơn số tiền đã đầu tư ban đầu. Do đó, có thể thấy rằng, khi quá trình sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn một thời gian, sẽ gây ra một sự gián đoạn tương ứng đối với việc chủ thể có quyền nhận được kết quả đầu tư (là số tiền bán hàng – thông thường là lớn hơn số tiền đã đầu tư). Khi sản xuất bị gián đoạn, tài sản bị thiệt hại là toàn bộ chi phí sản xuất đã bỏ ra, thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụngtài sản đó là sự gián đoạn trong việc thu hồi kết quả đầu tư. Tương tự, khi lưu thông bị gián đoạn thì tài sản bị thiệt hại là tổng chi phí lưu thông đã bỏ ra. Còn khi mua bán hàng hóa bị gián đoạn thì tài sản bị thiệt hại là giá mua hàng và toàn bộ chi phí bán hàng đã bỏ ra. Thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụng các tài sản bị thiệt hại đó đều là sự gián đoạn trong việc thu hồi kết quả đầu tư – một số tiền.
Một ví dụ về gián đoạn trong quá trình sản xuất khá điển hình, đó là khi một dự án bất động sản có sản phẩm cuối cùng là nhà ở thương mại hoặc bất động sản để bán, cho thuê, kinh doanh bị gián đoạn trong giai đoạn thực hiện. Điều đó có nghĩa là thời gian cần thiết để tạo ra hàng hóa có thể sẵn sàng cho thực hiện giao dịch (sản phẩm là nhà ở hoặc bất động sản để bán, cho thuê, kinh doanh) sẽ phải kéo dài thêm đúng bằng thời gian gián đoạn đó và thời gian cần thiết để chủ đầu tư thu về tiền tiền bán nhà ở, tiền cho thuê nhà ở hoặc tiền kinh doanh nhà ở cũng sẽ phải kéo dài thêm đúng bằng thời gian gián đoạn đó. Trong ví dụ này, tài sản bị thiệt hại chính là toàn bộ số tiền vốn (gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) mà chủ đầu tư đã thực sự đã “rót” vào dự án dang dở đó. Vấn đề đặt ra là, nếu coi sự gián đoạn trong thời gian cần thiết để chủ đầu tư thu về kết quả của dự án (tiền bán nhà là sản phẩm của dự án) là thiệt hại thì việc tính toán thiệt hại đó sẽ phải dựa trên căn cứ quy định nào của pháp luật? Chúng ta sẽ bàn sâu về vấn đề này ở phần sau của bài viết.
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là tiền và căn cứ tính toán
Phương thức và hiệu quả sử dụng cùng một số tiền trong cùng một khoảng thời gian nhất định của mỗi người trên thực tế có thể khác nhau. Nhiều người sẽ sử dụng số tiền đó để cho người khác vay với mức lãi suất thỏa thuận khác nhau, hoặc cho vay không có lãi. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là tiền trước hết phụ thuộc vào số tiền khoảng thời gian được sử dụng. Lợi ích ấy sẽ bị ảnh hưởng (giảm sút hoặc mất đi) nếu số tiền hoặc khoảng thời gian được sử dụng bị giảm sút hoặc mất đi.
Khi tiền là tài sản trong hợp đồng vay, căn cứ Điều 463 BLDS năm 2015, bên vay tiền phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, có thể căn cứ vào hợp đồng vay để xác định lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là tiền cho vay trong thời hạn vay. Hết thời hạn cho vay tiền, việc tính toán lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác khoản tiền cho vay khi lợi ích này bị xâm phạm tùy thuộc vào việc cho vay trước đó có lãi hay không có lãi.
Thời gian bên vay (có lãi hoặc không có lãi) chậm trả lại khoản tiền cho vay chính là khoảng thời gian lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác khoản tiền cho vay bị mất đi. Căn cứ pháp lý để tính toán khoản thiệt hại này là Khoản 4 và điểm a Khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015. Theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn mà bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác. Theo Khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
– Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Quy định này cũng nhất quán với quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015, theo đó trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015. Chúng ta thấy rằng, khi một bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền sẽ khiến cho bên có quyền mất đi lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác khoản tiền bị chậm trả trong suốt khoảng thời gian chậm trả đó. Nếu trước đó các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất chậm trả thì không phụ thuộc vào mục đích sử dụng và hiệu quả khai thác lợi tức của các chủ thể khác nhau trên thực tế, BLDS năm 2015 đã ấn định mức lãi suất chậm trả (để tính thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác khoản tiền bị chậm trả) thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015 (10%/năm).
4. Căn cứ xác định lợi ích gắn liền với việc sử
dụng, khai thác tài sản là hàng hóa, vật có thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, vật được sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh
Trong phần này, chúng tôi sẽ tập trung vào tìm hiểu, xác định căn cứ pháp luật cho việc tính toán thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản theo ba nhóm tình huống phát sinh thiệt hại đã được thảo luận tại phần 2 của bài viết này.
Xác định lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản khi tài sản bị xâm hại là tài sản đang được sử dụng để khai thác lợi tức
Tương tự như đối với tiền đang cho vay theo hợp đồng, để tính toán thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc
sử dụng, khai thác những vật đã hoặc đang là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản cần căn cứ vào các hợp đồng cụ thể. Đó chính là thỏa thuận của các bên về “lãi vay” và “tiền thuê” trong hợp đồng đã ký trước đó.
Xác định lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản khi tài sản bị xâm phạm là tài sản đang được sử dụng để khai thác công dụng
Như đã phân tích tại tiểu mục 2.2. mục 2 nêu trên, đối với nhóm tài sản đang chỉ được sử dụng để khai thác công dụng (không đang khai thác lợi tức) mà bị xâm phạm, theo thông lệ và thực tiễn xét xử, chỉ coi là có thiệt hại lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác những tài sản khi tài sản bị xâm phạm là tài sản đang được sử dụng để khai thác công dụng nếu chủ thể có quyền đối với tài sản bị xâm phạm phải vay, thuê tài sản tương tự khác để tiếp tục được thỏa mãn những nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân tương tự như tài sản của họ trước khi bị xâm phạm mang lại. Trong trường hợp này, thiệt hại chính là số tiền chủ thể có quyền phải bỏ ra chi trả cho hợp đồng vay, thuê tài sản thay thế.
Xác định lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sảnkhi quá trình sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa bị gián đoạn
Như đã phân tích tại tiểu mục 2.3 mục 2 nêu trên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đều hướng tới lợi nhuận. Chủ thể có quyền hướng tới một số tiền thu về khi kết thúc chu trình sản xuất, kinh doanh. Thiệt hại là lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụng các tài sản tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh là sự gián đoạn trong việc thu hồi kết quả đầu tư, nói cách khác là chậm nhận được tiền bán hàng.
Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường được khái quát theo công thức T- H-T’ (trong đó, T là tiền đầu tư ban đầu; H là hàng; và T’ là tiền bán hàng và lớn hơn tiền đầu tư ban đầu). Như vậy, tiền và hàng hóa có thể được trao đổi lẫn nhau nhờ chức năng đặc biệt của tiền. Tiền được dùng làm trung gian trong quá trình trao đổi hàng hoá, hay còn được gọi là lưu thông hàng hoá. Ngoài loại tài sản đặc biệt là tiền như đã nêu ở mục 3 trên đây, có thể thấy rằng pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng để tính toán lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác các loại tài sản khác. Do tiền và hàng hóa đều là tài sản và có thể trao đổi cho nhau nên chúng ta có thể nghĩ ngay tới khả năng áp dụng tương tự các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật có đối tượng là tiền cho cho các quan hệ pháp luật có đối tượng là hàng hóa.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Tại Khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cũng ghi nhận, khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Lập luận bằng sự tương tự là việc rút ra những kết luận cụ thể từ những ví dụ cụ thể trên cơ sở những sự giống nhau giữa chúng- thực tế là chúng “tương tự” với nhau. Khi sử dụng lập luận tương tự, mục tiêu là nói những điều cụ thể về một vụ việc đang giải quyết dựa trên thực tế là vụ việc đó “giống” như các ví dụ khác theo một vài cách. Có thể thấy rằng cách lập luận này rất giống với lập luận để áp dụng án lệ trong xét xử7.
Lập luận tương tự có thể được thực hiện theo ba bước. Bước một, nhận biết các đặc điểm của một vụ việc cụ thể cần giải quyết, tại bước này, chúng ta phải phân tích các đặc tính, đặc trưng quan trọng quyết định bản chất của vụ việc. Đồng thời cũng phải nhận biết một số vụ việc trước đây mà có thể có chung một vài đặc điểm trong số các đặc điểm của vụ việc cần giải quyết đó. Bước hai, chúng ta phải định vị các ví dụ mà cùng có những đặc trưng quan trọng, có tính chất cốt yếu với vụ việc đang được xem xét. Kết quả của bước này là một tập hợp tạm thời các vụ việc tương tự, giống với một nguyên tắc chung trong lập luận quy nạp (inductive reasoning). Bước ba, trên cơ sở của những đặc điểm giống nhau, chúng ta giả định rằng vụ việc đang giải quyết có một số đặc trưng tương tự nữa với tập hợp các vụ việc tương tự, hoàn toàn có thể xếp vào cùng nhóm với tập hợp. Trong xét xử, các căn cứ pháp lý hoặc án lệ được áp dụng cho một quan hệ pháp luật dân sự cũng sẽ được áp dụng cho quan hệ dân sự có tính chất pháp lý tương tự với nó.
Kết quả của việc sử dụng lập luận bằng sự tương tự có vẻ thiếu sự chắc chắn hơn so với lập luận diễn dịch (deductive reasoning). Đôi khi nó được coi như một hình thức suy luận quy nạp (inductive reasoning), và nó không chắc chắn bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của chủ thể lập luận đối với vấn đề vụ việc nào trước đây được coi là tương tự như vụ việc đang giải quyết và tại sao.Việc đánh giá những đặc trưng nào là quan trọng, có tính chất quyết định đến tính chất pháp lý của một vụ việc, thế nào thì được coi là tương tự có thể khác nhau tùy vào từng chủ thể thực hiện việc đánh giá.Chủ thể đánh giá cũng có thể bỏ sót một vài đặc trưng quan trọng của vụ việc. Tóm lại, tính đúng đắn của kết luận trong lập luận theo sự tương tự hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và sự chính xác của những sự tương tự được rút ra.
Trở lại với cách xác định quan hệ pháp luật tương tự theo quy định của luật Việt Nam, theo định nghĩa tại Điều 1 BLDS năm 2015, các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm giữa các cá nhân, pháp nhân được gọi chung là “quan hệ dân sự”. Các thành phần của một quan hệ dân sự gồm: chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ dân sự. Trong đó, riêng khách thể của quan hệ pháp luật có thể chia thành năm nhóm sau:
(i) tài sản – bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105 BLDS 2015);
(ii) hành vi và các dịch vụ;
(iii) kết quả của hoạt động tinh thần sáng tạo;
(iv) các giá trị nhân thân; và
(v) quyền sử dụng đất8.
Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ đó.
Xét thấy tiền và một số loại tài sản cùng có thể là đối tượng của hợp đồng vay, hợp đồng thuê nên có tính chất tương tự nhau trong quan hệ khai thác lợi tức; tiền và hàng hóa có tính chất tương tự trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy rằng tính chất pháp lý của vụ việc dân sự về xác định thiệt hại của chủ thể có quyền khi chậm nhận được tiền bán hàng gây ra bởi người có hành vi xâm phạm tài sản làm gián đoạn quá trình sản xuất, kinh doanh của chủ thể có quyền có tính chất pháp lý tương tự với trường hợp xác định trách nhiệm dân sự một chủ thể khi họ chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho một chủ thể khác. Đối với vụ việc dân sự thứ hai, căn cứ pháp luật áp dụng để giải quyết là Điều 357 BLDS năm 2015 (quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền). Do đó, Điều 357 BLDS năm 2015 cũng có thể được áp dụng để giải quyết đối với vụ việc dân sự thứ nhất vì chúng là các quan hệ dân sự tương tự cả về chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ. Trong ví dụ đã nêu ở phần 2 về một dự án nhà ở thương mại hoặc dự án bất động sản có sản phẩm là nhà ở hoặc bất động sản để bán, cho thuê, kinh doanh bị gián đoạn trong giai đoạn thực hiện, sự gián đoạn trong giai đoạn thực hiện dự án khiến cho chủ đầu tư chậm nhận được tiền bán hàng, do đó, cũng có thể áp dụng tương tự pháp luật với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357 BLDS năm 2015), trong đó số tiền chậm nhận lại được là tổng số tiền mà chủ đầu tư đã “rót” vào dự án tính đến thời điểm dự án bắt đầu bị gián đoạn và thời gian chậm nhận lại được tiền (người có lỗi gây ra sự gián đoạn chậm trả) chính là tổng thời gian bị gián đoạn cộng dồn.
5. Kết luận, đề xuất
Việc phân tích, nhận định và xác định tính chất pháp lý của một vụ việc dân sự để phục vụ yêu cầu áp dụng tương tự pháp luật đối với các quan hệ dân sự tương tự không phải là một công việc đơn giản đối với bất cứ người tiến hành tố tụng nào vì các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành còn khá sơ khai. Bất cứ phân tích, nhận định nào về sự tương tự của các quan hệ dân sự, trong đó có các quan hệ dân sự về đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn với việc sử dụng, khai thác tài sản, cũng có thể gây tranh cãi ngay trong giới luật gia và giữa các cấp xét xử nếu không có một văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này…
Để thống nhất trong thực tiễn xét xử, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn thi hành một số quy định của BLDS năm 2015 về xác định lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác một số loại tài sản, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung liên quan như sau:
Thứ nhất, trường hợp tài sản bị xâm hại là tài sản đang được sử dụng để khai thác lợi tức,cần căn cứ vào các hợp đồng cụ thể mà tài sản bị xâm phạm đang là đối tượng cho vay hoặc cho thuê. Thỏa thuận của các bên về “lãi vay” và “tiền thuê” trong hợp đồng đã ký trước đó được coi là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản đang được cho vay, cho thuê.
Thứ hai, trường hợp tài sản bị xâm phạm là tài sản đang được sử dụng để khai thác công dụng, nếu chủ thể có quyền chứng minh được rằng họ đã phải vay, thuê tài sản khác, tương tự với tài sản bị xâm phạm để sử dụng nhằm tiếp tục thỏa mãn những nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân tương tự như tài sản của họ trước khi bị xâm phạm mang lại. Trong trường hợp này, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất chính là số tiền chủ thể có quyền phải bỏ ra chi trả cho hợp đồng vay, thuê tài sản thay thế.
Thứ ba, trường hợp quá trình sản xuất, lưu thông và mua bán hàng hóa bị gián đoạn thì tài sản bị xâm phạm được xác định là toàn bộ chi phí sản xuất, chi phí đầu tư đã thực chi tài thời điểm bắt đầu bị gián đoạn. Việc tính toán thiệt hại gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản cần áp dụng tương tự pháp luật như với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357 BLDS năm2015), trong đó số tiền chậm nhận lại được là tổng số tiền mà chủ đầu tư đã “rót” vào chi phí sản xuất, đầu tư dự án tính đến thời điểm dự án bắt đầu bị gián đoạn và thời gian chậm nhận lại được tiền chính là tổng thời gian bị gián đoạn cộng dồn./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ví dụ như trường hợp một dự án đầu tư bất động sản đang đầu tư dở dang (có sản phẩm cuối cùng là các căn nhà ở thương mại để bán, cho thuê, kinh doanh)bị đình trệ, gián đoạn.
- Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.”
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 102 BLTTDS, thì: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định”.
- Điều 51 Hiến pháp năm 2013.
- Giáo trình Kinh tế học Chính trị Mác – Lê nin (tái bản), Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2005.
- Mục 1.2.2, Week 4: Judicial reasoning, đăng trên https://www.open.edu/openlearn/ocw/mod/oucontent/view.php?id=68380§ion=1.2.2.
- Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 1, của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2005.
Trả lời