Chức năng bào chữa, buộc tội và xét xử trong các mô hình tố tụng hình sự trên thế giới
Tác giả: Cao Thị Ngọc Hà [1] & Cao Thị Huyền Nga [2]
TÓM TẮT
Trên thế giới tồn tại ba mô hình tố tụng hình sự (TTHS) là mô hình tố tụng tranh tụng, mô hình tố tụng thẩm vấn (TTTV) và mô hình tố tụng pha trộn. Sự tồn tại của chức năng bào chữa, buộc tội, xét xử ở ba mô hình này có những điểm khác biệt cơ bản. Mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự với mô hình tố tụng hình sự nhìn ở góc độ của phép duy vật biện chứng là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nhận thức và điều chỉnh một cách có ý thức mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự phù hợp với điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa, pháp lý và lợi ích của Nhà nước trong đấu tranh chống tội phạm ở mỗi quốc gia trong quá trình phát triển lịch sử của mình chính là cách thức hình thành mô hình tố tụng hình sự ở quốc gia đó. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ sự tồn tại của các chức năng này trong từng mô hình tố tụng hình sự cụ thể.
1. Chức năng bào chữa, buộc tội, xét xử trong mô hình tố tụng tranh tụng
Mô hình tố tụng tranh tụng là loại hình TTHS xuất hiện đầu tiên so với mô hình TTHS thẩm vấn hay pha trộn. Mô hình này ban đầu xuất hiện và áp dụng ở Hy Lạp cổ đại, sau đó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”. Mô hình tố tụng tranh tụng hoạt động theo nguyên tắc “không có tố cáo thì không có xét xử”. Cách thức mà mô hình tố tụng tranh tụng tìm đến sự thật khách quan của vụ án là tạo ra và bảo đảm thủ tục tố tụng, quy trình xét xử thực sự công bằng để các bên thực hiện nhiệm vụ của mình theo cách của mình trong suốt quá tình giải quyết vụ án. Công bằng ở đây là bảo đảm cho các bên tranh tụng có điều kiện, cơ hội, quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc chứng minh luận điểm của mình. Mô hình tố tụng tranh tụng ý thức rõ rệt và phân định rạch ròi về sự tồn tại 3 chức năng bào chữa, buộc tội và xét xử. Việc phân vai các chủ thể gắn chặt với sự tồn tại và vận hành của các chức năng này, theo đó: Chủ thể buộc tội bao gồm cơ quan điều tra, cơ quan công tố, bị hại. Chủ thể bào chữa bao gồm người bị tình nghi phạm tội, bị can, bị cáo và người bào chữa của họ. Chủ thể xét xử là Tòa án (thẩm phán, bồi thẩm đoàn). Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của bên buộc tội. Bên bào chữa được tạo điều kiện tối đa các điều kiện, quyền năng để thực hiện chức năng bào chữa, chứng minh sự vô tội, giảm nhẹ tội hoặc giảm hình phạt. Suốt quá trình tố tụng, bên buộc tội và bên bào chữa được bình đẳng với nhau trong việc sử dụng các nguồn lực và phương tiện pháp luật cho phép để thực hiện chức năng tố tụng của mình. Trong giai đoạn tiền xét xử, bên buộc tội và bên bào chữa đều có quyền lập hồ sơ gồm các chứng cứ và tài liệu mỗi bên thu được. Bộ tài liệu này chỉ phục vụ mục đích của từng bên trong tố tụng và chưa có giá trị chứng minh. Khi ra phiên tòa, chỉ có chứng cứ được trình bày và thẩm tra tại phiên tòa bằng lời nói mới có giá trị chứng minh. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn chỉ chứng minh luận điểm của mình về việc chấp nhận chứng cứ và quan điểm của bên buộc tội hay bên gỡ tội. Mô hình tố tụng tranh tụng có ưu điểm là đề cao tính công bằng và dân chủ trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, vai trò của thẩm phán, bồi thẩm đoàn thường thụ động (trong việc nghiên cứu chứng cứ…) và mô hình này quá đề cao lợi ích cá nhân nên chưa thấy hết được tầm quan trọng của lợi ích công cộng trong giải quyết vụ án hình sự. Ngoài ra, tố tụng tranh tụng dễ bỏ lọt tội phạm và là hình thức tố tụng tốn kém so với các hình thức tố tụng khác, kể cả tiền bạc và thời gian; bất lợi cho người nghèo do phải bỏ chi phí rất cao để thuê mướn luật sư; vai trò của các cơ quan tư pháp ít được phát huy so với hình thức tố tụng thẩm vấn…
Mô hình tranh tụng có những đặc điểm như: bên buộc tội và bên bào chữa là hai bên tranh tụng đối trọng nhau và hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị tố tụng. Tòa án giữ vai trò độc lập đối với các bên để đưa ra phán quyết cuối cùng. Đồng thời, Tòa án chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở yêu cầu của các bên chứ không tự ý giải quyết những gì ngoài yêu cầu của các bên. Mục đích của mô hình tố tụng tranh tụng là tìm ra sự thật khách quan của vụ án nhưng việc tìm ra sự thật chỉ bắt đầu từ giai đoạn xét xử. Mọi thông tin thu được trong quá trình điều tra đều chưa được xem xét cho đến khi được trình bày trước Tòa án. Mỗi bên đều trình bày “sự thật của phía mình” và thẩm phán cùng với bồi thẩm đoàn sẽ quyết định xem “sự thật” nào có tính thuyết phục hơn. Như vậy, từ sự phân tích trên có thể thấy, các chức năng tố tụng được phân định rất rõ ràng và cụ thể, các chức năng này độc lập với nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Chức năng bào chữa giữ vị trí rất quan trọng trong mô hình tố tụng tranh tụng, nó xuất hiện và tồn tại độc lập, bình đẳng với chức năng buộc tội. Các quyền năng của chủ thể thực hiện chức năng bào chữa được đảm bảo và ghi nhận bình đẳng với các quyền của chủ thể thực hiện chức năng buộc tội.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản, mô hình tố tụng tranh tụng còn có một số nhược điểm. Đó là người có nhiệm vụ xét xử tham gia một cách thụ động vào phiên tòa và là người “không chuyên nghiệp”, đó chính là thành viên đoàn bồi thẩm3. Trách nhiệm của bên công tố là buộc tội, bên bào chữa là gỡ tội. Cả hai bên chỉ dùng những chứng cứ có lợi cho việc thực hiện trách nhiệm của mình mà thôi. Điều này làm cho chứng cứ hay quan điểm riêng của một bên khi đưa ra tại phiên tòa không bao giờ phản ánh hoàn toàn sự thật của vụ án. Trong khi bồi thẩm đoàn là người dân không có kiến thức về pháp luật. Họ ra phán quyết về sự thật khách quan của vụ án chỉ thông qua việc nghe bên buộc tội và bên bào chữa xét hỏi nhân chứng và tranh luận theo quan điểm chủ quan của mình. Điều này hết sức rủi ro cho mục đích tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Bên cạnh đó, việc quá đề cao sự đối tụng giữa các lợi ích cá nhân làm cho mô hình tranh tụng không phản ánh được hết tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích công cộng trong các vụ án hình sự. Chính điều này dẫn đến việc áp dụng tràn lan hình thức đàm phán nhận tội dẫn đến khả năng bỏ lọt những tội phạm nghiêm trọng có tác động lớn tới trật tự xã hội. Ngoài ra, mô hình này cho thấy, năng lực của luật sư có vai trò quyết định tới phán quyết của đoàn bồi thẩm. Điều này dẫn đến tình trạng các luật sư giỏi sẽ được nhiều người muốn thuê và gây nên bất công cho người nghèo vì không có điều kiện thuê luật sư giỏi, vốn lấy chi phí rất cao. Do đó, mặc dù bảo vệ quyền công dân rất tốt song mô hình này cũng dễ gây ra sự bất công cho người nghèo so với người giàu.
2. Chức năng bào chữa, buộc tội, xét xử trong mô hình tố tụng thẩm vấn
Mô hình TTHS thẩm vấn là mô hình TTHS mà trong đó các chức năng cơ bản như chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử tập trung vào một cơ quan nhà nước. Mô hình này có các dấu hiệu đặc trưng như: Không có các bên độc lập vì hoạt động tích cực của các bên bị thay thế bởi hoạt động của cơ quan nhà nước trong TTHS – cơ quan tiến hành tố tụng; Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của những cơ quan này. Ở góc độ pháp lý, mô hình TTHS thẩm vấn chính là sự vận dụng phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh hành chính vào hoạt động TTHS.
Xuất phát từ mục tiêu của TTTV là tìm đến chân lý khách quan và xác định sự thật tuyệt đối của vụ án, vì vậy phương thức điều tra, thẩm vấn là phương thức chủ yếu được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Trong mô hình TTTV, mặc cả nhận tội là điều không tồn tại. Phiên tòa theo mô hình TTTV thực chất là sự tiếp tục của quá trình điều tra liên tục, nối tiếp chứ không phải là sự cạnh tranh giữa các bên đối trọng nhau và thời điểm mấu chốt là quá trình thẩm tra, xét hỏi tại Tòa án. Thẩm phán xét xử dựa trên việc nghiên cứu hồ sơ và chủ động đặt các câu hỏi để kiểm tra, xác minh lại các chứng cứ đã thu thập được. Trong mô hình TTTV, các chức năng bào chữa, buộc tội và xét xử không được phân biệt rạch ròi và một chủ thể có thể được giao thực hiện hai chức năng tố tụng. Cơ quan điều tra và cơ quan công tố là chủ thể buộc tội, cơ quan công tố giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn điều tra như trực tiếp tiến hành điều tra, chỉ đạo hoạt động điều tra… Tòa án cũng có thể chứng minh sự thật khách quan của vụ án bằng việc tự tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ.
Trong mô hình TTTV, chức năng bào chữa có xuất hiện nhưng rất mờ nhạt. Sự tham gia của luật sư bào chữa không mang tính bắt buộc trong mô hình tố tụng này. Trong quá trình tố tụng, luật sư có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải trình bày chứng cứ như trong mô hình tố tụng tranh tụng. Vai trò của luật sư được xem như là sự bổ sung cho việc đi tìm sự thật của Tòa án và để đảm bảo rằng các hoạt động tố tụng diễn ra đúng luật và quyền lợi của người bị buộc tội được bảo đảm. Như vậy, sự tham gia của luật sư trong mô hình TTTV rất “hình thức” và không được coi trọng. Ở hình thức tố tụng này, quyền của bị can, bị cáo hầu như bị tước đoạt; bị cáo không có quyền bào chữa, việc tra tấn là biện pháp thường xuyên để lấy cung. Mô hình TTTV nghiêng về chức năng buộc tội nhiều hơn và hoạt động của Tòa án, xét về một khía cạnh nào đó cũng là chủ thể thực hiện hoạt động buộc tội thông qua việc xét hỏi, thẩm tra tại Tòa.“Thẩm phán không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc tội và một phần nào đó chức năng bào chữa. Bị cáo bị hạn chế khả năng bào chữa, họ không được coi là chủ thể của quá trình tố tụng mà là đối tượng truy cứu của tố tụng”4.
Với bản chất không đặt nặng hình thức như tố tụng tranh tụng, tố tụng thẩm vấn coi sự thật sau cùng của vụ án là mục đích được mong chờ, do đó, những sai phạm không đáng kể trong thủ tục có thể được bỏ qua nếu mục đích chứng minh tội phạm vẫn được giải quyết. Thủ tục phiên tòa đơn giản, nhanh chóng. Việc xét xử không cần thiết phải có mặt đầy đủ những người tham gia tố tụng, chứng cứ thu thập chỉ cần thẩm tra lại tại phiên tòa và gánh nặng xét hỏi do Tòa án đảm nhận. Tuy nhiên, với việc thẩm phán luôn chiếm ưu thế nổi trội hơn trong suốt quá trình giải quyết vụ án nên giai đoạn xét xử tại phiên tòa chỉ đơn thuần là xác minh lại những gì đã được tìm thấy ở giai đoạn trước đó. Chứng cứ là do thẩm phán điều tra tập hợp nên việc thẩm vấn bị xem là đi ngược lại nguyên tắc vô tư, khách quan và việc tranh luận tại phiên tòa trở nên vô nghĩa. Trên thực tế, bị cáo có thể phải trải qua một thời gian bị giam giữ, thiếu thốn những điều kiện cần thiết cho việc bào chữa. Do đó, so với tố tụng tranh tụng, quyền bào chữa của người bị buộc tội ở tố tụng thẩm vấn thực chất chỉ là quyền mang tính hình thức, vai trò của người bào chữa bị coi nhẹ và quyền của người bị buộc tội không được bảo đảm.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, hình thức TTTV tiếp tục có những thay đổi theo hướng các chức năng dần dần được xác định cụ thể và rõ ràng hơn. Mặc dù không hoàn toàn giữ vai trò trọng tài, vị trí trung tâm nhưng chức năng xét xử đã có nhiều biểu hiện độc lập hơn so với chức năng buộc tội. Quyền dân chủ của bên bị buộc tội được quan tâm hơn; chức năng bào chữa ngày càng trở nên quan trọng và điều này cũng có nghĩa là phạm vi chức năng buộc tội ngày càng thu hẹp lại.
3. Chức năng bào chữa, buộc tội và xét xử trong mô hình tố tụng pha trộn
Trong quá trình tồn tại, vận động và phát triển, các mô hình TTHS đã có sự giao thoa, tiếp nhận những yếu tố tích cực của nhau, xuất hiện ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Qua nghiên cứu về mô hình TTHS cho thấy, hiện nay gần như không còn mô hình TTHS thuần túy là tranh tụng hay thẩm vấn. Tuy nhiên, mặc dù có sự tiếp thu các yếu tố tích cực của mô hình khác, song các quốc gia vẫn giữ lại những nội dung cơ bản nhất, đặc trưng nhất của TTHS ở quốc gia mình mà không chuyển hẳn sang mô hình TTHS khác. Như vậy, từ sự giao thoa, tiếp nhận các yếu tố tích cực, tiến bộ giữa các mô hình TTHS làm xuất hiện mô hình TTHS mới – mô hình TTHS pha trộn.
Ở mô hình này, vai trò của luật sư bào chữa không đến mức đối lập với bên buộc tội như trong mô hình tố tụng tranh tụng. Trong khi đó, một số quy định của mô hình tố tụng tranh tụng lại được áp dụng như quyền phản đối lời buộc tội, quyền giữ im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội. Ở giai đoạn trước xét xử (khởi tố và điều tra) các hoạt động tố tụng hầu như được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của bị can, người bào chữa… Mọi hoạt động tố tụng đều được ghi thành văn bản, bị can hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng. Tuy nhiên ở giai đoạn xét xử, phiên tòa được tiến hành công khai, quyền bình đẳng trước phiên tòa và quyền bào chữa của bị can, bị cáo được đảm bảo, các bên có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc đưa ra các chứng cứ và yêu cầu, lúc này Tòa án đóng vai trò là người trọng tài đảm bảo cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. “Nếu như kết hợp hai hình thức tố tụng này với nhau thì sẽ có một hình thức khác tốt hơn rất nhiều so với một hệ thống đứng riêng rẽ”5.
Như vậy, ở mô hình TTHS pha trộn, chức năng bào chữa cũng được coi trọng, thể hiện ở việc quy định về quyền của các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa. Mô hình này cũng áp dụng cơ chế thực hiện chức năng bào chữa là tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Quyền bào chữa của người bị buộc tội được ghi nhận.
Có thể thấy rằng, các mô hình TTHS đều giống nhau ở một điểm là đều tồn tại ba chức năng cơ bản của TTHS, nhưng điểm khác nhau là nhận thức về sự tồn tại ba chức năng đó, tổ chức vận hành các chức năng cơ bản, qua đó xác định địa vị pháp lý của các chủ thể thực hiện chức năng. Dù áp dụng mô hình TTHS nào thì trong TTHS cũng luôn tồn tại ba chức năng cơ bản: buộc tội, bào chữa và xét xử. Việc phân định hợp lý thẩm quyền của các chủ thể gắn với các chức năng cơ bản của TTHS là điều kiện quan trọng bảo đảm mục tiêu, hiệu quả của TTHS.
Giống với mô hình TTHS nhiều nước trên thế giới, trong TTHS Việt Nam cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội; chức năng bào chữa do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội và người bào chữa của họ thực hiện; xét xử là chức năng thuộc về Tòa án. Song, trong các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục TTHS và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự ở nước ta đang thể hiện sự mâu thuẫn, chồng lấn giữa các chức năng cơ bản của TTHS; yêu cầu về sự bình đẳng giữa các bên trong việc thực thi các chức năng tố tụng của mình, nhất là sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội chưa được bảo đảm; Toà án là cơ quan xét xử, nhân danh công lý ra phán quyết về vụ án, song Toà án lại được giao cả những thẩm quyền khác thuộc chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội.
Ở Việt Nam hiện nay, mô hình TTHS là mô hình TTHS pha trộn, vì nó vừa có những đặc điểm của mô hình TTHS thẩm vấn, vừa có đặc điểm của mô hình TTHS tranh tụng. Cụ thể là sự hạn chế tranh tụng trong giai đoạn điều tra do có cách biệt về sự bình đẳng trong địa vị tố tụng của các bên, do hạn chế tính công khai của kết quả điều tra, kết quả điều tra được phản ánh trong hồ sơ chính thức và là cơ sở cho hoạt động xét xử của Tòa án. Toà án nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên toà xét xử và có vai trò tích cực trong quá trình xét hỏi (dấu hiệu của mô hình TTHS thẩm vấn). Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra tranh tụng công khai giữa các bên hoàn toàn bình đẳng về địa vị tố tụng trong hoạt động chứng minh trước Toà án. Các chức năng cơ bản trong TTHS do các chủ thể khác nhau thực hiện, sự tách bạch về chức năng này tương đối rõ ràng mặc dù chưa thật triệt để (dấu hiệu của mô hình TTHS tranh tụng). Lịch sử hình thành và phát triển TTHS ở nước ta cũng cho thấy quá trình này chịu sự ảnh hưởng to lớn của mô hình TTHS của Pháp và Xô viết mà hai mô hình này là hai mô hình TTHS lục địa đã tiếp thu nhân tố tích cực của mô hình tranh tụng nên được thừa nhận là mô hình pha trộn6. Thừa nhận mô hình TTHS Việt Nam hiện nay là mô hình pha trộn và định hướng hoàn thiện là xây dựng mô hình pha trộn thiên về tranh tụng là giải pháp cần thiết và đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay và phù hợp với trào lưu chung của lịch sử TTHS trên thế giới. Định hướng hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào các nội dung sau đây:
Một là: Tăng cường yếu tố tranh tụng, phân định rành mạch các chức năng cơ bản của TTHS (buộc tội, bào chữa, xét xử) và quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể theo sự phân chia các chức năng cơ bản này của TTHS, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Bên cạnh đó cần tạo lập cơ chế để bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc thực thi các chức năng buộc tội và bào chữa; đưa các chủ thể về đúng vị trí, vai trò tố tụng của mình. Bên bào chữa được tạo cơ hội bình đẳng như Viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng bào chữa, chứng minh bị can, bị cáo không phạm tội hoặc giảm tội, giảm mức hình phạt. Toà án thực hiện chức năng xét xử và phải thực sự là hiện thân của công lý, của sự khách quan, vô tư trong quá trình xét xử vụ án. Tất cả phải hướng vào công lý, bảo vệ quyền con người trong TTHS.
Hai là: Khi xét xử, Tòa án tìm hiểu sự thật, nhận thức sự thật chủ yếu thông qua việc nghe các bên hỏi, tranh luận, đối đáp. Trách nhiệm của Tòa án là kiểm tra sự thật thông qua việc tranh tụng của các bên chứ không phải là tự mình đi tìm sự thật thông qua việc xét hỏi. Tòa án không phải là bên tranh tụng nên không tham gia xét hỏi vào nội dung vụ án mà chỉ là người điều khiển quá trình xét hỏi. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, tôn trọng và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, ra phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Do vậy, cần xem xét thêm về những thẩm quyền không thật sự phù hợp với chức năng xét xử như: khởi tố vụ án, thẩm quyền được xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật, quy định về nghĩa vụ chứng minh tội phạm của Tòa án…
Ba là: Quy định đầy đủ các quyền và xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người bị buộc tội trong TTHS, đề cao vai trò của người bào chữa, mở rộng những bảo đảm tố tụng cho chức năng bào chữa để bảo đảm hơn nữa quyền của các chủ thể này, mở rộng tính tranh tụng ngay từ giai đoạn điều tra./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Phó trưởng bộ môn, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
- Thạc sỹ, Giảng viên, Trường Đại học Lao động – Xã hội.
- https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201311/mo-hinh-to-tung-hinh-su-cua-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-mot- so-goi-mo-cho-viet-nam-trong-qua-trinh-sua-doi-bo-luat-to-tung-hinh-su-292909/.
- Lê Tiến Châu (2008), Chức năng xét xử trong TTHS Việt Nam, Luận án Tiến sỹ luật học, tr.47.
- Lê Tiến Châu (2008), Chức năng xét xử trong TTHS Việt Nam, Luận án Tiến sỹ luật học, tr.54.
- Nguyễn Thái Phúc (2015), Các chức năng của TTHS và vấn đề hoàn thiện mô hình TTHS ở Việt Nam hiện nay, Hội thảo khoa học Các chức năng của TTHS trong bối cảnh cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, Học viện Khoa học xã hội, tr. 28.
Trả lời