Một số vấn đề cần lưu ý khi tiến hành hỏi cung bị can trong vụ án tham nhũng
Tác giả: Lê Quang Thắng [1] & Trần Việt [2]
TÓM TẮT
Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra được sử dụng phổ biến trong quá trình điều tra các vụ án nói chung, điều tra các vụ án về tham nhũng nói riêng. Việc nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt biện pháp này giúp lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhanh chóng làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, sáng tỏ bản chất của vụ án. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số hạn chế trong quá trình tiến hành hoạt động hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Trên cơ sở đó chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới.
Ngày 21/08/2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”3. Nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị, quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là lực lượng Cảnh sát kinh tế) đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh mạnh với tội phạm tham nhũng và đã đạt được những kết quả tích cực. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng, trong đó nhiều vụ gây thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước đã được chỉ đạo điều tra khám phá và kịp thời đưa ra xử lý theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi tài sản cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế xã hội, không để tội phạm tham nhũng lợi dụng. Một số vụ án tham nhũng điển hình đã được phát hiện điều tra thời gian qua, được lãnh đạo các cấp, quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm như: Vụ Vũ Quốc Hảo tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; vụ Dương Chí Dũng tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn tham ô tài sản xảy ra tại ngân hàng Đại Dương (Oceanbank); vụ Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty AVG) đưa hối lộ số tiền 6,2 triệu USD (trong đó 02 bị can nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); vụ vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án mở rộng giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên…
Trong quá trình điều tra tội phạm tham nhũng, hỏi cung bị can là biện pháp luôn được lực lượng Cảnh sát kinh tế chú trọng khai thác nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án. “Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra do những người theo luật định tiến hành bằng cách thu thập, mô tả theo trình tự tố tụng hình sự, lời khai của bị can về vụ án, hành vi phạm tội của bị can và đồng bọn, cũng như những tin tức tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra và phòng ngừa tội phạm”4. Như vậy có thể thấy, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, chứng minh làm rõ sự thật khách quan của vụ án và tìm ra những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm để từ đó áp dụng biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Mặc dù vậy, phải thẳng thắn thừa nhận, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng luôn là một cuộc chiến đầy cam go, khó khăn, phức tạp. Phần lớn đối tượng phạm tội về tham nhũng là những đối tượng có trình độ hiểu biết, chính vì lẽ đó, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng được xem như “cuộc đấu trí cân não” giữa điều tra viên Cảnh sát kinh tế với bị can. Hoạt động hỏi cung đối với loại tội phạm này cũng có nhiều điểm khác biệt do tính chất đặc trưng của tội phạm.
1. Một số hạn chế trong công tác hỏi cung bị can tội phạm tham nhũng
Tổng kết từ thực tiễn cho thấy, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng Cảnh sát kinh tế thời gian qua còn một số điểm hạn chế như sau:
Một là, một số điều tra viên mới tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ nhằm mục đích chứng minh hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm, chưa chú trọng nghiên cứu tìm hiểu kỹ về đặc điểm tâm lý, đặc điểm nhân thân của bị can và đồng phạm.
Đây là những đặc điểm rất quan trọng, nếu được điều tra viên nắm bắt, tận dụng khai thác sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình hỏi cung. Bên cạnh đó, tâm lý của điều tra viên trong một số tình huống hỏi cung cụ thể còn nôn nóng, muốn nhanh chóng làm sáng tỏ sự thật vụ án, muốn bị can nhận tội nên chưa chú ý đến những tình tiết ngoài vụ án; cá biệt còn điều tra viên không hiểu sâu hoặc không quán triệt nguyên tắc “suy đoán vô tội” nên đã dễ dàng bỏ qua những tình tiết gỡ tội. Hạn chế này dẫn đến nhiều nội dung không được điều tra viên chú ý khai thác trong quá trình hỏi cung.
Hai là, quá trình hỏi cung bị can nói chung, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm về tham nhũng nói riêng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch chi tiết, dự liệu những tình huống có thể phát sinh trong quá trình hỏi cung. Tuy nhiên, đối với một số điều tra viên, việc lập kế hoạch hỏi cung chưa trở thành thói quen nghề nghiệp, có thể chỉ gạch đầu dòng những nội dung cần hỏi trong sổ tay điều tra viên. Trong những trường hợp như vậy, các câu hỏi điều tra viên sử dụng thường lan man, không đi đúng mục đích của buổi hỏi cung, đặt câu hỏi cho bị can không sắc sảo, đặt câu hỏi để bị can đoán được ý đồ của điều tra viên… Thậm chí, vì không chuẩn bị trước nên có tình huống điều tra viên bị động, lúng túng khi xử lý tình huống bất ngờ trong quá trình hỏi cung.
Ba là, như đã phân tích, phần lớn bị can trong các vụ án về tham nhũng có chức vụ quyền hạn, có trình độ hiểu biết về chuyên môn, pháp luật và kiến thức xã hội sâu rộng. Trong khi đó, một số điều tra viên chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hỏi cung những bị can như vậy dẫn tới hiệu quả của buổi hỏi cung chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cụ thể thể hiện ở một số vấn đề như: Một số điều tra viên chưa coi trọng vấn đề tiếp xúc tâm lý với bị can, tinh thần thái độ và phong cách làm việc chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao trong buổi hỏi cung; một số ít điều tra viên thể hiện thái độ coi thường bị can, gây bức xúc cho bị can dẫn tới bị can phản kháng, không hợp tác với điều tra viên…
Bốn là, việc lựa chọn, sử dụng các chiến thuật trong hỏi cung bị can có tác động rất nhiều đến hiệu quả của buổi hỏi cung, trong nhiều trường hợp yếu tố này còn quyết định đến việc thành, bại của buổi hỏi. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều buổi hỏi cung mà điều tra viên chưa lựa chọn đúng chiến thuật hỏi trong tình huống cụ thể, bị can cụ thể nên chưa đạt được mục đích của buổi hỏi, cá biệt có trường hợp buổi hỏi cung đi vào ngõ cụt, buộc phải kết thúc.
Năm là, xuất phát từ những đặc trưng riêng của loại án về tham nhũng thường liên quan đến nhiều người, địa bàn rộng, thời gian xảy ra lâu mới bị phát hiện, nội bộ cơ quan thường có sự bao che lẫn nhau, do vậy quá trình điều tra nhiều vụ án tham nhũng thường phải chia thành nhiều giai đoạn hoặc mở rộng điều tra cần lực lượng điều tra viên đông đảo. Điều này đã phát sinh một số vấn đề như sự phối kết hợp trong quá trình hỏi cung bị can còn chồng chéo, đan xen giữa các tội danh với nhau, ảnh hưởng đến chất lượng buổi hỏi cung, đặc biệt là hạn chế trong vấn đề xâu chuỗi hành vi, mối liên quan giữa các bị can, mối liên quan giữa các tội danh để có thể phát hiện tình tiết mới, mở rộng điều tra vụ án.
2. Nguyên nhân gây nên sự hạn chế của hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng
Những hạn chế của hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm về tham nhũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể khái quát một số nguyên nhân cơ bản sau:
– Một bộ phận điều tra viên chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hỏi cung bị can trong điều tra vụ án tham nhũng; chưa thấy được những khó khăn, vướng mắc khi hỏi cung với những đối tượng có trình độ hiểu biết, có kiến thức xã hội, có tầm quan hệ và ảnh hưởng nhất định trong xã hội.
– Nguyên nhân tiếp theo thuộc vấn đề về năng lực còn hạn chế của một số điều tra viên được phân công hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng. Năng lực hạn chế này không chỉ về trình độ nghiệp vụ mà còn có cả những hạn chế cả về những kiến thức liên quan như: Kiến thức về kinh tế, tâm lý, hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống…
– Mặc dù thời gian qua, lực lượng điều tra đã được quan tâm, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác điều tra nói chung và hỏi cung bị can nói riêng. Tuy nhiên, thực tế phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của buổi hỏi cung. Các trang thiết bị phục vụ cho việc vận dụng các chiến thuật trong hỏi cung bị can còn hạn chế, ví dụ như phòng hỏi cung có trang bị kính một chiều để có thể theo dõi trực tiếp buổi hỏi từ phòng kế bên, camera có ghi hình ảnh kèm âm thanh…
– Số lượng điều tra viên ở nhiều đơn vị Cảnh sát kinh tế còn mỏng, đặc biệt hầu hết các đơn vị chưa có lực lượng điều tra viên chuyên trách điều tra các vụ án tham nhũng.
3. Giải pháp khắc phục hạn chế nâng cao chất lượng hỏi cung bị can tội phạm tham nhũng
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và năng lực hỏi cung bị can cho đội ngũ điều tra viên trong điều tra tội phạm tham nhũng. Đây được xem là yếu tố then chốt quyết định chất lượng buổi hỏi cung bị can. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của điều tra viên về phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ pháp luật. Điều tra viên cần phải nghiên cứu, nắm vững các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và những văn bản pháp luật có liên quan, trên cơ sở đó vận dụng một cách linh hoạt, đúng đắn, đầy đủ trong hoạt động hỏi cung bị can. Bên cạnh đó, điều tra viên cần phải nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng; đánh giá được đầy đủ những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành hỏi cung bị can phạm tội về tham nhũng; ý thức được trách nhiệm khi được phân công tiến hành hỏi cung bị can phạm tội về tham nhũng. Cùng với đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng năng lực chuyên sâu cho điều tra viên về kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành cũng như kiến thức về nghiệp vụ kinh tế.
Thứ hai, điều tra viên cần phải hình thành thói quen nghiên cứu thật kỹ lưỡng hồ sơ vụ án và những vấn đề có liên quan, xây dựng kế hoạch hỏi cung chi tiết. Để buổi hỏi cung bị can đạt được hiệu quả đề ra, trước mỗi buổi hỏi cung, điều tra viên cần phải nghiên cứu thật kỹ những vấn đề như: những tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động phạm tội của bị can và đồng phạm đã thu thập được qua tiến hành các biện pháp điều tra; những tài liệu có liên quan đến bị can trước đây như: trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ các vụ án trước đây bị can có tham gia…; những thông tin, tài liệu liên quan khác như: đặc điểm tâm lý, tính cách, thói quen, sở trường, quan hệ xã hội… của bị can. Những thông tin, tài liệu này không chỉ có giá trị trong việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, làm rõ bản chất sự thật của vụ án mà trong nhiều trường hợp còn có thể “hạ gục tâm lý cự cung” của bị can. Trên cơ sở những thông tin, tài liệu trên, điều tra viên cần xây dựng kế hoạch hỏi cung đảm bảo tính chủ động, sáng tạo, khoa học, chi tiết.
Thứ ba, cần nghiên cứu cơ chế để “giảm tải” cho các điều tra viên, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên. Đội ngũ điều tra viên trong điều tra tội phạm tham nhũng đang bị quá tải ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tế của các tội phạm về tham nhũng hiện nay đang diễn biến phức tạp, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Do vậy, cần thiết phải có lực lượng chuyên trách điều tra loại tội phạm này. Để nâng cao chất lượng công tác hỏi cung bị can trong điều tra vụ án tham nhũng, đã đến lúc lực lượng Cảnh sát điều tra cần thiết lập bộ phận chuyên trách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng có biện pháp nâng cao trình độ về mọi mặt cho điều tra viên theo những hướng cơ bản như: Trong các nhà trường đào tạo chuyên ngành Cảnh sát kinh tế cần bổ sung những kiến thực chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý kinh tế, tài chính; các đơn vị trực tiếp chiến đấu sắp xếp, dành thời gian nhất định để tổ chức cho các điều tra viên tham gia các lớp học về nghiệp vụ quản lý kinh tế – tài chính; đặc biệt, bản thân mỗi điều tra viên phải tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên học tập nâng cao trình độ qua trường lớp, thực tiễn công tác và học tập qua đồng nghiệp…
Thứ tư, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ cho hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng như: Phòng hỏi cung có trang bị kính một chiều để các lãnh đạo có thể theo dõi trực tiếp buổi hỏi cung từ phòng kế bên; camera ghi hình ảnh kèm âm thanh… Bên cạnh yếu tố con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện đóng vai trò quan trọng hỗ trợ điều tra viên triển khai các chiến thuật hỏi cung bị can phù hợp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với những yêu cầu ngày càng cao của quyền con người, việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh… càng đặt ra đòi hỏi bức thiết trang bị phòng hỏi cung đủ số lượng, đảm bảo những tiêu chuẩn để buổi hỏi cung bị can đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan lực lượng liên quan, đặc biệt là với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, với Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Điều tra tội phạm tham nhũng nói chung, hỏi cung bị can trong điều tra tội phạm tham nhũng nói riêng là hoạt động phức tạp, “nhạy cảm”. Quá trình tiến hành hỏi cung bị can trong các vụ án về tham nhũng, lực lượng Cảnh sát kinh tế chủ động phối hợp trao đổi thông tin tài liệu với những cơ quan này nhằm nghiên cứu, khai thác, sử dụng hiệu quả đặc điểm nhân thân của các bị can, cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý cán bộ là Đảng viên. Ngoài ra, cần phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi về những tình tiết mới phát sinh trong quá trình hỏi cung cũng như thảo luận, định hướng những nội dung cần hỏi trong buổi hỏi cung tiếp theo nhằm đảm bảo tính thống nhất, tập trung trí tuệ đấu tranh với tội phạm tham nhũng./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Thạc sỹ, Phòng Tổ chức cán bộ, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2006), Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Nguyễn Xuân Yêm (2013), Sách chuyên khảo Khoa học hình sự Việt Nam – Tập 3, Nxb. Công an nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cục Cảnh sát kinh tế (2017-2019), Báo cáo tổng kết công tác từ năm 2017 đến hết năm 2019.
- Học viện Cảnh sát nhân dân (2002), Giáo trình Phương pháp điều tra các tội phạm cụ thể, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Mai Trọng Thắng (2019), Hỏi cung bị can trong điều tra vụ án về tham nhũng của lực lượng Cảnh sát kinh tế, Luận án tiến sĩ, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Nguyễn Xuân Yêm (2013), Sách chuyên khảo Khoa học hình sự Việt Nam – Tập 3, Nxb Công an nhân dân.
Trả lời