Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc về bảo đảm quyền con người, hiểu một cách đơn giản nhất nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội là: Một người sẽ không bị coi là có tội nếu họ không bị kết án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cũng như luật sư tham gia phiên tòa phải luôn quán triệt và tuân thủ triệt để nguyên tắc này trên thực tiễn, nhằm tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động bào chữa của luật sư cho thấy còn nhiều hoạt động của luật sư bào chữa cho người bị buộc tội đã không được các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tôn trọng và bảo đảm, theo đó nguyên tắc suy đoán vô tội thực sự chưa được đảm bảo.
Chức năng bào chữa
Chức năng bào chữa, buộc tội và xét xử trong các mô hình tố tụng hình sự trên thế giới
Trên thế giới tồn tại ba mô hình tố tụng hình sự (TTHS) là mô hình tố tụng tranh tụng, mô hình tố tụng thẩm vấn (TTTV) và mô hình tố tụng pha trộn. Sự tồn tại của chức năng bào chữa, buộc tội, xét xử ở ba mô hình này có những điểm khác biệt cơ bản. Mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự với mô hình tố tụng hình sự nhìn ở góc độ của phép duy vật biện chứng là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nhận thức và điều chỉnh một cách có ý thức mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự phù hợp với điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa, pháp lý và lợi ích của Nhà nước trong đấu tranh chống tội phạm ở mỗi quốc gia trong quá trình phát triển lịch sử của mình chính là cách thức hình thành mô hình tố tụng hình sự ở quốc gia đó. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ sự tồn tại của các chức năng này trong từng mô hình tố tụng hình sự cụ thể.