Mục lục
Kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của một số nước trên thế giới và một vài khuyến nghị cho Việt Nam
Tác giả: Vũ Đặng Phúc [1]
TÓM TẮT
Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể chủ yếu, thực hiện quyền hành pháp và luôn đứng trước nguy cơ lạm quyền, tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong quản lý. Thông thường, việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp được thực hiện qua hai kênh: kiểm soát của cơ quan nhà nước (kiểm soát bên trong) và kiểm soát của các thiết chế xã hội (Kiểm soát bên ngoài). So sánh việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở các nước và đề xuất các khuyến nghị cho Việt Nam là một công việc cần thiết.
1. Kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở một số nước trên thế giới
1.1. Lập pháp kiểm soát việc thực hiện quyền quyền hành pháp
Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện chủ quyền của mình thông qua đại diện. Tổng thống Pháp do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng được đề cử bởi đa số trong Nghị viện và được Tổng thống bổ nhiệm. Trên thực tế, Nội các thường gồm các thành viên của đảng cầm quyền ở Hạ viện. Vì vậy, Nội các phải chịu trách nhiệm trước Hạ viện. Nghị viện giám sát hoạt động của Nội các. Hạ viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, yêu cầu Nội các từ chức. Hoạt động chất vấn là một hình thức kiểm soát có ý nghĩa quan trọng của nghị viện đối với hành pháp. Trong vòng 4 tuần làm việc của Nghị viện Pháp lại có một tuần trong đó ưu tiên dành cho việc xem xét hoạt động của Chính phủ. Mỗi tuần ít nhất Nghị viện phải ưu tiên dành một buổi họp để các nghị sĩ chất vấn các thành viên Chính phủ. Các bộ trưởng của Chính phủ có nghĩa vụ trả lời chất vấn của thành viên Nghị viện, đồng thời phải có trách nhiệm tham dự các phiên họp khi Nghị viện thảo luận về các dự án luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Ở Anh, Hạ viện do nhân dân trực tiếp bầu ra, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Công dân Anh từ 18 tuổi trở lên, trừ thượng nghị sỹ, những người bị bệnh tâm thần, đang bị phạt tù, những người tham ô hoặc gian lận trong bầu cử năm năm gần nhất, thì đều có quyền bầu cử. Sau khi Hạ viện được thành lập, Nữ hoàng Anh bổ nhiệm người đứng đầu đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện làm Thủ tướng. Nếu không có đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ viện thì Nữ hoàng sẽ bổ nhiệm Thủ tướng sau khi thương lượng với những người đứng đầu các đảng trong Hạ viện. Như vậy, về nguyên tắc, chức vụ Thủ tướng được lập ra từ Nghị viện nên phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Nghị viện có quyền giám sát Chính phủ. Sự tồn tại của Chính phủ liên quan mật thiết với sự ủng hộ của đa số các thành viên Nghị viện. Trong hoạt động giám sát, Hạ viện thành lập Chính phủ và có thể giải tán Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hạ viện thực hiện quyền giám sát của mình đối với tổ chức của Chính phủ bằng việc buộc Chính phủ phải từ chức thông qua một nghị quyết về việc “bất tín nhiệm”. Nhìn nhận ở khía cạnh truyền thống văn hóa, chính trị của người Anh, kỷ luật đảng rất được coi trọng. Thủ tướng là người đứng đầu đảng chính trị có đa số ghế trong Hạ viện nên sự kiểm soát của Nghị viện đối với hành pháp có sự mềm dẻo nhất định. Nghị viện Anh chất vấn Chính phủ vào các ngày đã được quy định, khi đó, các nghị sĩ đặt câu hỏi đối với các thành viên Chính phủ và các thành viên này phải có trách nhiệm trả lời. Mọi câu hỏi chất vấn đều do các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập chiếm số ít trong Nghị viện đưa ra. Do đó, sự kiểm soát này không phát huy tác dụng do phe đa số luôn có đủ khả năng, biện pháp để bảo vệ Chính phủ, tức bảo vệ người của đảng mình. Nghị viện Anh có thể luận tội các quan chức cấp cao của bộ máy hành pháp, có thể truy tố các bộ trưởng về hoạt động, hành vi của họ. Hạ viện tiến hành các thủ tục truy tố, Thượng viện xét xử và kết tội. Thủ tục này có thể buộc các quan chức phải chịu các hình phạt giam giữ, thậm chí là tử hình. Ngoài ra, các ủy ban của Hạ viện cũng có quyền điều tra một hoạt động, lĩnh vực cụ thể của Chính phủ. Các ủy ban này có quyền thu thập bằng chứng và triệu tập nhân chứng để phục vụ điều tra. Hạ viện Anh có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ, buộc Chính phủ phải từ chức. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm không cần phải Thượng viện hay Nữ hoàng phê chuẩn. Nếu bị Hạ viện bất tín nhiệm, hoặc Chính phủ Anh sẽ bị lật đổ hoặc Hạ viện có thể bị giải tán để bầu cử một Hạ viện mới, từ đó hình thành nên một Chính phủ mới.
Hiến pháp Nhật Bản quy định Nghị viện Nhật Bản là cơ quan quyền lực tối cao (Điều 41, Hiến pháp Nhật Bản năm 1947). Nghị viện được cấu thành bởi Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Cả hai viện đều được cấu thành bởi các đại biểu đại diện cho quốc dân. Hạ viện đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của quốc dân. Thượng viện giám sát quyền lực và sự phán quyết của Hạ viện. Hạ viện có quyền lập ra Chính phủ nhưng có thể bị giải tán trước nhiệm kỳ. Ngoài ra, hai viện của Quốc hội còn có quyền biểu quyết ngân sách thông qua cơ chế:
(i) Hạ viện biểu quyết vấn đề ngân sách trước;
(ii) Khi thảo luận vấn đề trên, nếu Thượng nghị viện không đồng ý với Hạ nghị viện và nếu Ủy ban đại diện của cả hai viện cũng không có được sự nhất trí hay Thượng nghị viện không thể đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày sau khi Hạ nghị viện thông qua thì quyết định của Hạ nghị viện là quyết định cuối cùng của Quốc hội. Ngoài ra, mỗi Viện có thể mở cuộc điều tra của Chính phủ, hỏi cung nhân chứng và kiểm tra các tài liệu.
Tại Hoa Kỳ, Nghị viện thường xuyên tiến hành hoạt động điều trần đối với cơ quan hành pháp. Việc điều trần được thực hiện để thu thập ý kiến về một dự luật, điều tra về một vấn đề hoặc giám sát, đánh giá hoạt động của Chính phủ. Không giống hoạt động chất vấn thường tiến hành tại các kỳ họp toàn thể của nghị viện các nước, hoạt động điều trần ở Mỹ được thực hiện tại các ủy ban, tiểu ban của Nghị viện, thậm chí một nhóm nghị sĩ cũng có thể tổ chức điều trần và được tiến hành ngay khi nảy sinh các vấn đề kinh tế, xã hội cấp thiết. Bởi vậy, điều trần giúp cơ quan lập pháp thu thập được thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Giới hành pháp sẽ phải giải trình, đưa ra giải pháp một cách thuyết phục về vấn đề liên quan. Các phiên điều trần là dịp để Nghị viện đặt ra các câu hỏi cho ngành hành pháp. Trên thực tế, do điều trần là một hoạt động mang tính công khai, có sự tham gia của giới truyền thông, nên Chính phủ thường phải chuẩn bị tài liệu, chứng cứ rất kỹ càng.
Hiến pháp Hoa kỳ quy định, Thượng viện là nơi duy nhất có quyền thực hiện các cuộc luận tội. Khi nhóm họp để thực hiện nhiệm vụ này, các thượng nghị sĩ sẽ phải tiến hành tuyên thệ hoặc hoặc thề nguyện. Trong trường hợp luận tội Tổng thống, Chánh án Tòa án tối cao sẽ chủ tọa phiên họp. Không một ai bị xem là có tội nếu không có sự đồng ý của hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt. Phán quyết áp dụng trong những cuộc luận tội này không vượt quá hình thức cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận một chức tước danh dự có lợi tức hoặc lợi lộc trong chính quyền Hợp chúng quốc.
Tương tự, Tổng thống Liên bang Nga có thể bị Hội đồng Liên bang buộc từ chức khi có cáo buộc của Đuma Quốc gia về phản bội Tổ quốc hoặc phạm trọng tội khác. Cáo buộc này phải được Tối cao Liên bang Nga xác nhận có các dấu hiệu phạm tội trong hành vi của Tổng thống Liên bang Nga và phải được Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga kết luận đã tuân thủ thủ tục đàn hạch. Quyết định của Đuma Quốc gia về việc buộc tội Tổng thống và Quyết định của Hội đồng Liên bang Nga về việc buộc thôi làm Tổng thống phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu mỗi viện tán thành theo đề nghị của ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, và phải có kết luận của một Ủy ban đặc biệt do Đuma thành lập. Quyết định của Hội đồng Liên bang về việc buộc Tổng thống từ chức phải được thông qua không muộn hơn ba tháng kể từ khi Đuma Quốc gia buộc tội Tổng thống. Nếu trong thời hạn đó Hội đồng Liên bang không thông qua quyết định, lời buộc tội coi như bị bãi bỏ.
1.2. Tư pháp kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp
Hệ thống Tòa án Pháp được chia thành ba hệ thống là: Tòa án tư pháp, Tòa án hành chính và Tòa án Hiến pháp (Hội đồng bảo hiến). Tòa án hành chính chuyên xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực hành chính và được chia thành hai nhóm là Tòa án hành chính có thẩm quyền chung và Tòa án hành chính có thẩm quyền chuyên biệt. Tòa án hành chính thẩm quyền chung có thẩm quyền xét xử chung trong lĩnh vực hành chính và được chia thành ba cấp: Tòa án hành chính sơ thẩm, Tòa hành chính phúc thẩm và Tham chính viện. Tòa án hành chính sơ thẩm (Tribunal Administratif) chuyên xét xử sơ thẩm mọi vụ việc hành chính, trừ một số trường hợp ngoại lệ khác theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc lãnh thổ. Tòa hành chính phúc thẩm (Tribunal Administratif d’ Appel) được thành lập ở một số thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Marseil, Lyon và một số thành phố trung tâm khác để xem xét lại các bản án của Tòa sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm. Tham chính viện (Conseil d’ Elat) là Tòa án hành chính tối cao của pháp và là cơ quan tham mưu của Chính phủ Pháp, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan hành chính như: (1) Khiếu kiện đối với Nghị định và pháp lệnh của Chính phủ; (2) Khiếu kiện đối với các quyết định là văn bản quy phạm pháp luật của các bộ trưởng cũng như các văn bản áp dụng pháp luật; (3) Khiếu kiện các văn bản hành chính có phạm vi áp dụng vượt ra ngoài quản hạt của một tòa án hành chính cấp sơ thẩm; (4) Khiếu kiện đối với những Quyết định hành chính của cơ quan đại diện Pháp ở nước ngoài; (5) Khiếu kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản hành chính; (6) Khiếu kiện về sự xâm hại của quyết định xử phạt hành chính của cơ quan hành chính độc lập ban hành; (7) Khiếu kiện các quyết định bầu cử đại biểu vùng… Ngoài ra, tham chính viện còn có thẩm quyền hướng dẫn xét xử cho toà án hành chính cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm2.
Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định về việc cơ quan tư pháp kiểm soát hành pháp: khi xét xử, nếu thấy một văn bản nào của Chính phủ hoặc các cơ quan khác bất hợp pháp thì tòa án sẽ ra quyết định theo quy định của luật.
Hoa Kỳ có hai hệ thống Tòa án hoạt động song song là Tòa án Liên bang và Tòa án các bang. Tòa án Liên bang (The federal judiciary) gồm các Tòa án quận (United States District Courts), các Tòa phúc thẩm Liên bang (United States Courts of Appeal) và Tòa án tối cao liên bang (United states Supreme Court). Trong đó, các Tòa án quận và Tòa phúc thẩm Liên bang có thẩm quyền “kiểm tra và cưỡng chế thực hiện các mệnh lệnh và quyết định của các bộ và cơ quan hành chính”. Thẩm quyền xét xử của Tòa án trong các vụ án hành chính được quy định trong Luật Thủ tục hành chính (APA) năm 1946. Luật APA (Khoản 10) quy định về quyền được yêu cầu xem xét lại: Bất kỳ ai bị xâm hại trái luật bởi hoạt động của một cơ quan, hoặc bị ảnh hưởng bất lợi hoặc bị ảnh hưởng bởi hành động đó theo quy định bất kỳ đạo luật có liên quan nào, sẽ được xem xét tư pháp3. Tòa án đưa ra quyết định dựa trên các câu hỏi có liên quan đến pháp luật, giải thích Hiến pháp và các điều khoản của các văn bản luật và xác định ý nghĩa của việc áp dụng các quy định cho bất kỳ hành động nào của cơ quan. Tòa án có thể buộc cơ quan rút lại các hành động/quyết định trái luật hoặc có sự trì hoãn không hợp lý; và có thể đưa ra các yêu cầu về đình chỉ các hoạt động trái luật, các phát hiện và các khuyến nghị được phát hiện là
(1) Tùy tiện, bất thường, lạm dụng tùy ý, hoặc không tuân theo luật;
(2) Trái với quy định của Hiến pháp về quyền, quyền lực, đặc quyền hoặc miễn trừ;
(3) Vượt quá thẩm quyền, thẩm quyền hoặc hạn chế theo luật định, hoặc thiếu quy định về quyền;
(4) Không tuân thủ các thủ tục theo quy định của pháp luật;
(5) Không được hỗ trợ bởi các bằng chứng cần thiết theo quy định;
(6) Không được bảo đảm bởi các sự kiện thực tế là đối tượng để Tòa án xem xét lại. Khi đưa ra các quyết định nêu trên, Tòa án sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ hoặc các bằng chứng được đưa ra bởi các bên và theo trách nhiệm phải thực hiện theo quy định của pháp luật4. Tòa án có quyền xem xét lại (judicial review) các loại quyết định giải thích pháp luật; quyết định giải quyết vụ việc thực tế (quyết định hành chính cá biệt) và quyết định chính sách dựa trên các tiêu chuẩn bao gồm: tính hợp lý của quyết định; bằng chứng làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ việc thực tế; và lý do của quá trình ban hành, các giải pháp lựa chọn có đảm bảo tính hợp lý không5. Như vậy, tiêu chí để xem xét lại các quyết định hành chính của Tòa án không chỉ là tính hợp pháp mà còn bao gồm cả tính hợp lý của các quyết định.
1.3. Nhân dân và các thiết chế bên ngoài nhà nước kiểm soát thực hiện quyền hành pháp
Hoạt động của các đảng phái kiểm soát thực hiện quyền hành pháp.
Ở Hoa Kỳ, các đảng phái chính trị vẫn tồn tại và hoạt động. Hai đảng tồn tại lâu dài trong lịch sử là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Ngoài hai đảng lớn này, các đảng phái khác cũng có hoạt động tích cực ở cấp liên bang và địa phương như đảng Tự do, đảng Xanh. Mọi đảng phải chính trị, kể cả đảng cầm quyền, các nhóm lợi ích… trong hoạt động tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ của cử tri đều phải trong khuôn khổ của hiến pháp, pháp luật, của “luật chơi” đã thỏa thuận. Hoạt động đảng phái chính trị rộng rãi, cạnh tranh theo luật cùng với cơ chế bầu cử.
Ở Cộng hòa Pháp, các đảng phái và các tổ chức chính trị giành quyền lực nhà nước qua kết quả bầu cử. Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ. Nguyên tắc đa nguyên chính trị được Hiến pháp cộng hòa Pháp 1958 quy định: “Các đảng phái và các nhóm chính trị dành quyền lực qua kết quả bầu cử. Các đảng phái và các tổ chức chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ”6. Nguyên tắc đa nguyên chính trị cho phép công dân có quyền tự do chính kiến; công dân có quyền chỉ trách đường lối chính trị của chính phủ và công khai thể hiện quan điểm của mình mà không bị coi là phạm pháp; cho phép sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị. Các đảng phái chính trị tự do tranh cử trong các cuộc bầu cử Nghị viện, Tổng thống. Do tồn tại chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng nên các nhà nước tư sản thừa nhận có đảng cầm quyền và đảng đối lập. Đảng đối lập hôm nay có thể trở thành đảng cầm quyền ngày mai và ngược lại. Chế độ đa đảng và cơ chế tồn tại các đảng đối lập bên cạnh đảng cầm quyền trên chính trường quốc gia khiến cho chính đảng cầm quyền muốn giữ được chính quyền lâu dài thì phải luôn cảnh giác với những sai lầm, trì trệ, tham nhũng… vì đảng đối lập luôn luôn coi đó là cơ hội tốt để thay đổi vị thế chính trị của mình.
Nhân dân và xã hội dân sự kiểm soát thực hiện quyền hành pháp.
Quyền bầu cử của công dân.
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định cụ thể về quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế, dựa vào lý do:
(i) Chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây;
(ii) Không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính;
(iii) Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ trong các vòng bầu cử sơ bộ, hoặc trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Phó Tổng thống, cuộc bầu đại cử tri để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ trong Nghị viên Liên bang, sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hay một tiểu bang nào với lý do không có nộp thuế thân hoặc thuế khác;
(iv) Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên sẽ không bị tước bỏ hoặc hạn chế bởi Liên bang hay bất cứ bang nào với lý do tuổi tác.
Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga quy định, công dân Liên bang Nga có thể tự mình thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của mình từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, công dân Nhật Bản từ 20 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Hạ viện và từ 30 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Thượng viện.
Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 16 Hiến pháp Nhật Bản quy định, mọi công dân đều có quyền khiếu nại để đòi bồi thường thiệt hại, cách chức các công chức, kiến nghị áp dụng, hủy bỏ, sửa chữa đạo luật, quy tắc hành chính hay khiếu nại trong các lĩnh vực khác; không người nào bị phân biệt đối xử vì ủng hộ các kiến nghị này. Mọi công dân khi bị thiệt hại vì bất kỳ hành vi bất hợp pháp của công chức đều có quyền đòi Chính phủ bồi thường theo pháp luật.
Cùng với nội dung trên, Hiến pháp Cộng hòa Pháp cũng khẳng định, người nào bị thiệt hại do hành vi phạm tội của thành viên Chính phủ gây ra trong khi thi hành công vụ có quyền gửi đơn kiện lên một Ủy ban giải quyết đơn thư khiếu nại. Ủy ban này có quyền quyết định đình chỉ vụ việc hoặc chuyển hồ sơ sang bên Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án để khởi tố trước Tòa Công lý Cộng hòa.
Ngoài quyền khiếu nại, Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa còn quy định về quyền phê bình, kiến nghị, tố cáo và những biện pháp bảo vệ công dân, cũng như nghĩa vụ của công dân khi thực hiện quyền của mình, bao gồm các nội dung:
(i) Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và kiến nghị đối với bất kỳ cơ quan nhà nước hoặc nhân viên của cơ quan nhà nước;
(ii) Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc tố giác bất kỳ hành vi không làm tròn trách nhiệm, trái pháp luật của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên cơ quan nhà nước, nhưng không được phép bịa đặt hoặc bẻ cong sự thật để vu cáo hãm hại;
(iii) Đối với khiếu nại, khiếu tố hoặc tố giác của công dân, cơ quan có liên quan phải điều tra rõ sự việc, có trách nhiệm xử lý;
(iv) Nghiêm cấm mọi hành vi khống chế, đả kích, báo thù. Những người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước hoặc người công tác trong cơ quan nhà nước gây ra có quyền đòi bồi thường theo các quy định pháp luật7.
Quyền tham gia trưng cầu ý dân.
Các quốc gia đều đưa nội dung này vào Hiến pháp như Cộng hòa Pháp quy định, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện chủ quyền của mình thông qua đại diện và thông qua con đường trưng cầu ý kiến nhân dân.
Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga cũng khẳng định, công dân Liên bang Nga có quyền bầu và được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, cũng như tham gia trưng cầu ý dân,…
Ở các nước trên thế giới, xã hội dân sự có vai trò đặc biệt trong việc kiểm soát quyền lực hành pháp. Xã hội dân sự, bao gồm tất cả các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện vai trò bảo vệ các quyền và tự do của các thành viên trong xã hội. Xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đối với thực hiện quyền lực hành pháp nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên thông qua nhiều hình thức, như tham gia thảo luận, góp ý và quyết định các vấn đề của nhà nước, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, thành lập các hội, nhóm lợi ích, tự do biểu tình, tự do xuất bản, tự do ngôn luận về các vấn đề liên quan đến chính sách hành pháp, tiếp cận các thông tin của nhà nước.
Thông qua các cơ quan truyền thông kiểm soát thực hiện quyền hành pháp.
Ở Hoa Kỳ, các cơ quan truyền thông đại chúng rất đa dạng và phần lớn thuộc về sở hữu tư nhân. Nó vừa có mục đích kinh doanh vừa có mục đích chính trị và được coi là “quyền lực thứ tư” sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các phương tiện truyền thông đại chúng luôn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị, xã hội của nước Mỹ, có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến cả chính quyền và người dân, đặc biệt, nó là công cụ xã hội có quyền lực mà các chủ thể chính trị phải kiêng dè. Mặc dù, không thực hiện quyền lực theo sự phân công của hiến pháp nhưng các cơ quan truyền thông có thể định hướng được công chúng và điều này khiến nó trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của nước Mỹ8. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định, Nghị viện không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, ngôn luận, báo chí, quyền của dân chúng được hội họp hòa bình và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Ở Cộng hòa Pháp, báo chí là sản phẩm ra đời sớm, phát triển mạnh và đa dạng. báo của các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các ngành, giới, hội, hiệp hội được hoạt động tự do nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm, đường lối công chúng. Tất cả các tờ báo lớn đều có đài phát thanh riêng. Các cơ quan truyền thông của Pháp rất phong phú về thể loại với quy mô và sở hữu khác nhau. Điều khác biệt với cơ quan truyền thông của các nước Anh – Mỹ (sở hữu tư nhân là chủ yếu) thì là ở Pháp, nhà nước trực tiếp quản lý một số hãng thông tấn, cơ quan báo chí và chi phối thông tin trên cả nước.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Mọi công dân đều có quyền tự do tư tưởng” (Điều 19); hoặc “Mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp và lập hội” (Điều 21). Nguyên tắc tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản mặc dù không liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy nhà nước nhưng lại liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhà nước. Nguyên tắc này trên thực tế buộc chính phủ không được phép thiết lập bất kỳ một hệ tư tưởng nào là hệ tư tưởng thống soái trong xã hội, không được can thiệp vào hoạt động báo chí, xuất bản; tạo cho báo chí, công luận khả năng phê phán chính phủ khi chính phủ có những quyết sách sai lầm, để xảy ra tham nhũng hoặc bê bối. Ở Nga, Điều 29 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga khẳng định, tự do báo chí được bảo đảm “Cấm kiểm duyệt”9. Tương tự như vậy, Hiến pháp Nhật Bản ghi nhận quyền tự do tụ họp, ngôn luận, báo chí và mọi hình thức biểu đạt ý kiến đều được chấp nhận. Không có sự kiểm duyệt và sự tối mật trong các cách thức truyền đạt thông tin được bảo đảm10.
2. Một vài khuyến nghị cho Việt Nam qua nghiên cứu kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của một số nước trên thế giới
Thứ nhất, qua nghiên cứu cho thấy, các quốc gia đều quy định Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và đề cao chủ thể Nhân dân trong kiểm soát quyền hành pháp thể hiện trong các bản Hiến pháp của mình. Vì thế ở các nước dân chủ và pháp quyền đều ra đời thiết chế bảo vệ Hiến pháp chuyên trách như Hội đồng bảo hiến hay Toà án Hiến pháp, hoặc giao cho Tòa án tối cao để phán xét các văn bản hoặc hành vi của cá nhân người đứng đầu cơ quan hành pháp vi phạm Hiến pháp, luật.
Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã quy định việc xử lý vi phạm Hiến pháp tại Điều 119. Tuy nhiên, cơ chế xử lý văn bản Luật trái Hiến pháp vẫn chưa được làm rõ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc kế thừa những nội dung đã từng được thảo luận đối với việc thành lập cơ quan bảo vệ hiến pháp cần được tiếp tục nghiên cứu, nhằm xử lý những văn bản luật có liên quan đến quyền hành pháp không phù hợp với Hiến pháp theo nội dung các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
Thứ hai, cần thể chế hóa các quyền Hiến định về dân chủ trực tiếp của Nhân dân như một số nước trên thế giới đã làm. Gần đây, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật trưng cầu ý dân đã được thông qua năm 2015, song vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Thứ ba, cần nghiên cứu việc phát huy vai trò của đảng cầm quyền trong việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp song song với việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội với tư cách là một tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của nhân dân.
Thứ tư, kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở các nước coi trọng quyền kiểm soát hành pháp của nghị viện tại nghị trường bằng các phương thức chất vấn, đàn hạch, điều trần, bỏ phiếu bất tín nhiệm… Ở nước ta, kiểm soát thực hiện quyền hành pháp không sử dụng kiềm chế và đối trọng giữa lập pháp và hành pháp thì cần phải tăng cường các hoạt động giám sát tối cao Quốc hội tại các kỳ họp như chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm, giám sát tối cao theo chuyên đề.
Thứ năm, kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở các nước coi trọng vai trò của Tòa án. Ở nước ta, mặc dù Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã thực hiện cải cách về thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính thông qua việc tăng cường tính độc lập của thẩm phán trong xét xử vụ án hành chính. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát thực hiện quyền hành pháp một cách hiệu quả hơn thông qua hoạt động xét xử của Tòa án, cần thực hiện một số giải pháp như mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vụ án hành chính, nghĩa là cần nghiên cứu quy định các quyết định chính sách (quyết định phê duyệt quy hoạch, quyết định thay cây xanh đô thị – những quyết định có liên quan đến nhiều người) cũng là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính; trao cho Tòa án nhân dân tối cao quyền xem xét và hủy bỏ hay đình chỉ thi hành các quyết định hành chính quy phạm trái với Hiến pháp, pháp luật do chính quyền địa phương ban hành; nghiên cứu bổ sung tiêu chí xem xét các quyết định hành chính/hành vi hành chính ngoài tính hợp pháp còn đảm bảo tính hợp lý để có thể bảo đảm các quyết định hành chính/hành vi hành chính được ban hành bởi các chủ thể phải đáp ứng cả tiêu chuẩn hợp lý (tính khả thi, chi phí thực hiện, điều kiện thực hiện, các giải pháp lựa chọn trong quyết định hay thực hiện hành vi)./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Nghiên cứu sinh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Thái Vĩnh Thắng (2010), Nhà nước và Pháp luật tư sản đương đại- lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 215.
- GS. Phạm Lệ Huyền (ĐH Texas A&M) (2017), Luật Hành chính của Hoa Kỳ: Cấu trúc và thách thức, Bài thuyết trình tại Hội thảo Luật Hành chính công.
- GS. Phạm Lệ Huyền (ĐH Texas A&M) (2017), Luật Hành chính của Hoa Kỳ: Cấu trúc và thách thức, Bài thuyết trình tại Hội thảo Luật Hành chính công (2017).
- GS. Phạm Lệ Huyền (ĐH Texas A&M), Luật Hành chính của Hoa Kỳ: Cấu trúc và thách thức, Bài thuyết trình tại Hội thảo Luật Hành chính công.
- Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (2013), Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.386.
- Trung tâm Thông tin Thư viện, Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.120.
- Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm) (2014), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 59.
- Trung tâm Thông tin Thư viện, Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr. 214-215.
- Trung tâm Thông tin Thư viện, Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội tr. 214-215.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Hoài An (2019), Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quyền hành pháp ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
- Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (2013), Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.386.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 126-127.
- Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm) (2014), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Hà Nội, tr.60.
- TS. Phan Thị Lan Hương (2019), Kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của tòa án Hoa Kỳ và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (393), tháng 8/2019.
- GS. Phạm Lệ Huyền (ĐH Texas A&M) (2017), Luật hành chính của Hoa Kỳ: Cấu trúc và thách thức, Bài thuyết trình tại Hội thảo Luật Hành chính công.
- Trung tâm Thông tin Thư viện, Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.120.
- Thái Vĩnh Thắng (2010), Nhà nước và Pháp luật tư sản đương đại – lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.215.
Trả lời