Mục lục
Giải quyết các yêu cầu về kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân – Những vấn đề cần sửa đổi của Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
TÓM TẮT
Bài viết này đề cập việc giải quyết các yêu cầu về kinh doanh thương mại được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011). Hiện nay do nhà làm luật chưa dự liệu hết các quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh cũng như các điều khoản mở chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến việc hiểu sai và vận dụng pháp luật một các tùy tiện. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày một số tình huống trong thực tiễn khi giải quyết tại Tòa án, tuy cùng một vụ việc nhưng lại có sự áp dụng pháp luật không thống nhất.
Xem thêm:
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng – những vấn đề cần sửa đổi của Bộ luật Tố tụng dân sự – ThS. Đỗ Quốc Đạt
- Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam – ThS. Trương Thị Hòa
- Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự – đúc kết từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc tại Tòa án nhân dân – Quách Hữu Thái
- Góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự về biện pháp khẩn cấp tạm thời – ThS. Đinh Bá Trung
- Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm bảo đảm quyền con người trong hoạt động của Tòa án nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Hoài Phương
Trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, Tòa án phải tuân thủ trình tự, thủ tục nhất định mà pháp luật đã quy định. Cụ thể đó là những nguyên tắc cơ bản, trình tự thủ tục khởi kiện, trình tự thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án, quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như của các cơ quan tổ chức có liên quan. Đây chính là thủ tục tố tụng tại Tòa án.
Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) (BLTTDS năm 2004) quy định trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là việc dân sự). Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập lĩnh vực “các yêu cầu về kinh doanh, thương mại” được quy định tại Điều 30 đối với yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
– Yêu cầu liên quan đến trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại (khoản 1);
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (khoản 2).;
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài (khoản 3);
– Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định (khoản 4).
Về thẩm quyền giải quyết, điểm b khoản 1 Điều 34 BLTTDS năm 2004 đã quy định những yêu cầu nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Vậy làm thế nào để phân biệt “những tranh chấp về kinh doanh, thương mại” và “những yêu cầu về kinh doanh, thương mại” để khi Tòa án thụ lý giải quyết đúng theo những quy định của BLTTDS năm 2004? Mặc dù trong BLTTDS năm 2004 không có khái niệm thế nào là tranh chấp nhưng Điều 311 BLTTDS năm 2014 quy định: “Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Từ quy định này, có thể hiểu những vụ có yêu cầu nhưng không tranh chấp thì được thụ lý là “việc dân sự”, còn những vụ có tranh chấp thì thụ lý là “vụ án dân sự”.
Khi ban hành các văn bản pháp luật, nhà làm luật không thể dự liệu hết các quan hệ xã hội cần thiết được pháp luật điều chỉnh. Thực trạng này tạo ra những “khoảng trống” trong pháp luật và dễ dàng dẫn đến việc vận dụng pháp luật một các tùy tiện, không thống nhất mặc dù khi ban hành các văn bản pháp luật luôn có những điều khoản mở kèm theo như “các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định”. Đây là quy định mà chúng tôi muốn đề cập, do trong quá trình giải quyết tại Tòa án, đã có những quan điểm không thống nhất dẫn đến việc áp dụng pháp luật khác nhau.
1. Việc giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông quy định tại Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005
Theo Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Việc khởi kiện quyết định nêu trên thường bị vướng mắc từ lâu, do có Tòa án xác định đây là vụ án kinh doanh, thương mại, có Tòa án lại xác định là việc kinh doanh, thương mại. Vậy trong trường hợp cụ thể nêu trên thì Tòa án thụ lý là vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS năm 2004 hay thụ lý việc dân sự theo quy định tại khoản 4 Điều 30 BLTTDS năm 2004?
Theo khoản 3 Điều 29 BLTTDS năm 2004: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty”. Khoản 4 Điều 30 BLTTDS năm 2004 đề cập: “Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định”.
Trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án, đối với trường hợp nêu trên đã tồn tại hai quan điểm:
– Quan điểm 1: Trường hợp này, nên thụ lý thành vụ án dân sự vì có sự tranh chấp của các cổ đông liên quan đến hoạt động công ty và quyền lợi của các cổ đông trong quyết định của Đại hội đồng cổ đông như: quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán hoặc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát mà họ là một trong những người bị miễn nhiệm, bãi nhiệm…
– Quan điểm 2: Trường hợp này, nên thụ lý thành việc dân sự vì đương sự chỉ yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nào phải có nghĩa vụ giải quyết quyền lợi cho bản thân người yêu cầu.
Thực tế cho thấy, cùng một vụ việc nêu trên nhưng các Tòa án khi áp dụng pháp luật để giải quyết lại không giống nhau. Cụ thể như sau: nếu thụ lý giải quyết là một vụ án dân sự thì khi mở phiên tòa để xét xử với thành phần tiến hành tố tụng là một Hội đồng xét xử gồm có Thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân, Viện Kiểm sát tham gia (nếu có thu thập chứng cứ), thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án và án phí không có giá ngạch là 2.000.000 đồng. Nếu thụ lý giải quyết là việc dân sự thì mở phiên họp và chỉ có một Thẩm phán và Viện kiểm sát tham gia phiên họp để giải quyết, thời hạn kháng cáo chỉ có 07 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, chỉ phải chịu lệ phí giải quyết việc dân sự là 200.000 đồng.
Một tham luận của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao cũng đã đề cập vấn đề này và dẫn chứng Quyết định giám đốc thẩm số 13/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 đối với trường hợp yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông được xác định là việc dân sự quy định tại khoản 4 Điều 30, Điều 311 BLTTDS năm 2004 và Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hiện nay pháp luật của Việt Nam chưa áp dụng chế định về án lệ nên không thể lấy dẫn chứng nêu trên làm căn cứ pháp luật để giải quyết đối với trường hợp yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Vì vậy, nếu xác định yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông là việc dân sự thì cần phải bổ sung một điều khoản cụ thể trong loại việc kinh doanh, thương mại và các điều khoản quy định về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự. Hiện nay, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông khá phổ biến nên việc quy định như vậy giúp pháp luật được áp dụng một cách thống nhất và đúng đắn trong quá trình giải quyết tại Tòa án.
2. Những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể
Ví dụ: Hai công ty (một bên là công ty nước ngoài, một bên là công ty Việt Nam) ký kết một hợp đồng kinh tế chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài với hội đồng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore theo quy tắc trọng tài của trung tâm này. Sau đó tranh chấp xảy ra, công ty nước ngoài với tư cách là nguyên đơn đã khởi kiện công ty Việt Nam tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore. Bị đơn đã nộp đơn đề nghị phản đối thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Một phiên họp của Hội đồng trọng tài được tổ chức tại Singapore đã bác đơn đề nghị của bị đơn và xác nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Sau khi quyết định thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được ban hành, bị đơn đã có thông báo cho Hội đồng Trọng tài và nguyên đơn biết rằng bị đơn sẽ ngừng tham gia vào vụ kiện trọng tài này.
Sau đó, bị đơn nộp đơn tại Tòa án Việt Nam yêu cầu tuyên bố điều khoản thỏa thuận về trọng tài là vô hiệu. Tòa án Việt Nam đã thụ lý yêu cầu là việc dân sự theo quy định tại Điều 30 BLTTDS năm 2004 nhưng không nêu khoản nào của Điều 30.
Vấn đề đặt ra là: trong trường hợp nêu trên thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết hay không? Nếu có thẩm quyền thì căn cứ quy định nào trong BLTTDS năm 2004? Nếu Tòa án đã thụ lý dựa theo Điều 30, tức đã xác định đây là việc dân sự, thì áp dụng khoản nào của Điều 30 trong khi Điều 30 có tới 4 khoản? Cụ thể khoản 2 và 3 không thể áp dụng cho thuộc trường hợp này, vậy khoản 1 và 4 của Điều 30 có thể áp dụng ?
Khoản 1 Điều 30 quy định: “yêu cầu liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại”. Quy định này đã thể hiện Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết yêu cầu liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp, còn yêu cầu nêu trên của bị đơn lại liên quan đến trọng tài nước ngoài không phải trọng tài Việt Nam. Từ đó, có thể loại trừ khả năng áp dụng khoản 1 Điều 30. Khoản 4 Điều 30 BLTTDS năm 2004 đề cập: “Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định”. Điều khoản mở này làm cho mỗi người sẽ có nhận thức khác nhau. Chính vì vậy, khi vận dụng rất khó để xác định các yêu cầu khác này có phải là yêu cầu phát sinh trong thực tiễn mà đương sự đang yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết hay không?
Trong trường hợp cụ thể nêu trên đã có các quan điểm như sau:
– Quan điểm 1: Các bên đã có tranh chấp, điều khoản trọng tài này đã được cơ quan trọng tài nước ngoài là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore giải quyết nên căn cứ Điều 311 BLTTDS năm 2004, đây không phải là giải quyết việc dân sự. Trong trường hợp không đồng ý với thẩm quyền trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore thì bị đơn có quyền khiếu nại theo quy tắc trọng tài của trung tâm này.
Quan điểm 2: Yêu cầu “tuyên bố điều khoản thỏa thuận trọng tài vô hiệu” nêu trên là việc dân sự và thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được căn cứ tại điểm d, e khoản 2 Điều 410 BLTTDS năm 2004 quy định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.[1]
Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 411 năm 2004 quy định những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam là: vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, từ những dẫn chiếu của pháp luật nêu trên đối chiếu yêu cầu “Tuyên bố điều khoản thỏa thuận trọng tài vô hiệu” thì không phải là cơ sở để xác định đây là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 30 BLTTDS năm 2004. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hiện nay cũng như góp phần sửa đổi bổ sung BLTTDS, theo chúng tôi về “yêu cầu về kinh doanh, thương mại” nên quy định cụ thể các trường hợp có thể xảy ra như đã nêu trên để tránh việc áp dụng điều khoản mở không thống nhất.
3. Những việc dân sự liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam cũng là một trong những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Những việc dân sự liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam cũng là một trong những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 340 BLTTDS năm 2004, bao gồm:
– Chỉ định thay đổi Trọng tài viên.
– Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Hủy quyết định trọng tài.
– Giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
– Thu thập chứng cứ.
– Triệu tập người làm chứng.
– Đăng ký phán quyết trọng tài.
– Các việc dân sự khác mà pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam có quy định.
Trong khi đó, Điều 44 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đề cập: “Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” và khoản 3 Điều 53 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Một bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”, nhưng quy định nêu tại Điều 340 BLTTDS năm 2004 về thẩm quyền của Tòa án không đầy đủ như quy định trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định Tòa án xem xét việc “Hủy phán quyết trọng tài”, không có quy định “Hủy quyết định trọng tài”. Vì vậy, để phù hợp Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nêu trên thì BLTTDS năm 2004 cũng cần phải quy định thêm các cụm từ “bổ sung” trong việc “áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”, cụm từ “không có thỏa thuận trọng tài” trong việc “giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” đồng thời thay đổi cụm từ “hủy quyết định trọng tài” thành “hủy phán quyết trọng tài”.
CHÚ THÍCH
* ThS, Thẩm phán, Phó Chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.
[1] “Điểm d đề cập vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài (điểm d)
Điểm e đề cập tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hay một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam (điểm e);”
- Tác giả: ThS. Ủ Thị Bạch Yến
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 53-56
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời