Hạn chế của điều kiện về quyền tài phán của tòa án nước ngoài trong việc công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
TÓM TẮT
Phần thứ bảy của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) (từ Điều 423 – 450) quy định về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án dân sự của Tòa án nước ngoài có một số sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS năm 2004) trong đó có điều kiện về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài tại khoản 4 Điều 439 và Điều 440. Bài viết phân tích điều kiện này và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Xem thêm về “Quyền tài phán“:
- Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật Biển năm 1982 về lĩnh vực đánh bắt hải sản và bảo vệ môi trường – TS. Trần Thăng Long
- Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984 – TS. Ngô Hữu Phước
- Nội luật hóa quy định của Công ước về chống tra tấn liên quan đến tài phán trong Bộ luật Hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài là một trong những điều kiện về công nhận bản án dân sự, thương mại của Tòa án nước ngoài.[1] Các quốc gia có thể quy định những tiêu chí khác nhau trong việc xem xét quyền tài phán của Tòa án nước ngoài. Thông thường có các loại tiêu chí được áp dụng đối với yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài như sau:
(i) áp dụng quy định yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa vào quy định của luật của Tòa án nước ngoài đó trừ những vụ việc thuộc quyền tài phán riêng biệt của quốc gia mình. Hình thức này có thể thấy trong quy định của Trung Quốc,[2] BLTTDS năm 2004 của Việt Nam[3] hoặc trong một số Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và một số nước.[4]
(ii) áp dụng quy định về quyền tài phán của Tòa án nước mình đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài (direct international jurisdition) để xem xét quyền tài phán của Tòa án nước ngoài trong các vụ việc tương tự. Cách này được gọi là áp dụng theo “nguyên tắc soi gương” (mirror-image principle). Ví dụ của hình thức này có thể thấy trong quy định của Đức,[5] Hàn Quốc,[6] Nhật Bản.[7]
(iii) áp dụng một quy định riêng về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài cho mục đích xem xét công nhận bản án của Tòa án nước ngoài (indirect international jurisdiction). Theo cách này, quốc gia xây dựng các cơ sở quyền tài phán được chấp nhận cho mục đích xem xét công nhận bản án của Tòa án nước ngoài. Các cơ sở quyền tài phán này được xây dựng không hoàn toàn tương tự như cơ sở quyền tài phán mà quốc gia đó áp dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án mình đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài (nghĩa là “indirect international jurisdiction” không hoàn toàn tương tự như “direct international jurisdiction”). Ví dụ cho hình thức này là Thụy Sĩ,[8] Pháp.[9]
(iv) áp dụng quy định về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa trên những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận rộng rãi trên thế giới (internationally accepted grounds of jurisdiction). Cách này tương tự như cách thứ (iii.) – tức quốc gia sẽ xây dựng riêng các cơ sở quyền tài phán được chấp nhận để xem xét việc công nhận bản án của Tòa án nước ngoài (indirect international jurisdiction). Tuy nhiên, các cơ sở quyền tài phán này được xây dựng dựa trên những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận rộng rãi trên thế giới thể hiện ở việc được nhiều quốc gia áp dụng trong pháp luật nước mình và trong nhiều điều ước quốc tế,[10] mặc dù các cơ sở quyền tài phán này có thể khác so với các cơ sở quyền tài phán mà chính quốc gia đó áp dụng cho Tòa án của mình trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Việc quy định yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa vào quy định của luật của Tòa án nước ngoài đó (trường hợp (i.)) ít được áp dụng mà chủ yếu áp dụng khi có điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Phần lớn quốc gia quy định yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa vào quy định của luật của quốc gia mình. Mục đích của yêu cầu về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài là nhằm xác lập những trường hợp mà theo quan điểm của quốc gia được yêu cầu công nhận, Tòa án nước ngoài có thẩm quyền xét xử vụ việc và bản án đó sẽ có thể được công nhận tại quốc gia được yêu cầu. Đương nhiên khi xét xử thì Tòa án nước ngoài đó chỉ dựa vào pháp luật nước mình để xác định quyền tài phán. Các quốc gia thường có xu hướng quy định quyền tài phán của nước mình rất rộng để bảo đảm quyền tài phán của Tòa án nước mình, hay nói cách khác là để bảo đảm thực thi chủ quyền quốc gia về mặt tư pháp. Vì vậy, có những cơ sở quyền tài phán có thể dẫn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết những vụ việc có mối liên hệ rất ít hoặc gần như không có với Tòa án của quốc gia đó. Thuật ngữ chuyên môn gọi những cơ sở quyền tài phán đó là “exorbitant jurisdiction” (quyền tài phán quá đáng). Ví dụ: quyền tài phán dựa trên quốc tịch hay nơi cư trú của nguyên đơn; quyền tài phán dựa trên nơi có hiện diện tài sản của bị đơn; quyền tài phán dựa trên sự có mặt của bị đơn ở quốc gia đó tại thời điểm tống đạt, mặt dù sự hiện diện có thể trong thời gian rất ngắn.
Nếu xây dựng điều kiện quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa trên quy định của luật của Tòa án nước ngoài đó, loại trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền tài phán riêng biệt của nước được yêu cầu công nhận, thì như vậy có thể sẽ có trường hợp công nhận những bản án của Tòa án nước ngoài mà Tòa án đó đã dựa trên cơ sở quyền tài phán quá đáng để xét xử vụ việc đó. Công ước Brussels năm 1968 và hiện nay là Brussels Regulation (Recast) năm 2012 về quyền tài phán và công nhận, thi hành bản án của Tòa án trong Liên minh châu Âu (EU) đã loại bỏ việc áp dụng các cơ sở quyền tài phán quá đáng đối với bị đơn là bên cư trú trong các thành viên của EU.[11] Nếu xây dựng điều kiện quyền tài phán của Tòa án nước ngoài dựa trên nguyên tắc áp dụng tương tự quyền tài phán mà Tòa án nước mình sẽ áp dụng trong cùng vụ việc tương tự (mirror-image principle) (trường hợp ii.) thì cũng sẽ xảy ra trường hợp có thể phải công nhận bản án của Tòa án nước ngoài dựa trên cơ sở quyền tài phán quá đáng.
Mục tiêu xây dựng các cơ sở quyền tài phán để Tòa án trong nước áp dụng để giải quyết các vụ việc (dù có yếu tố nước ngoài hay không có yếu tố nước ngoài) và mục tiêu xây dựng cơ sở quyền tài phán là điều kiện để công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là khác nhau. Đối với trường hợp thứ nhất, mục tiêu xây dựng các cơ sở quyền tài phán cho Tòa án trong nước là để bảo đảm thực thi chủ quyền quốc gia về mặt tư pháp và vì vậy thường có xu hướng mở rộng thẩm quyền. Trong khi đó, mục tiêu xây dựng các cơ sở quyền tài phán là điều kiện để công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là nhằm bảo đảm cho bị đơn khỏi bị xét xử bởi Tòa án có rất ít mối liên hệ hoặc hoàn toàn không có mối liên hệ với vụ việc xét xử. Vì vậy, những cơ sở quyền tài phán thể hiện mối liên hệ hợp lý giữa Tòa án của quốc gia xét xử, bị đơn và nội dung vụ kiện thường được chấp nhận trên thế giới thể hiện ở việc được nhiều quốc gia áp dụng trong pháp luật nước mình và trong điều ước quốc tế là những cơ sở quyền tài phán có thể được cân nhắc để xây dựng điều kiện về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài trong việc xem xét công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó.
Những cơ sở quyền tài phán này có thể tham khảo trong Luật của Liên minh châu Âu (EU) số 1215/2012 về quyền tài phán và công nhận, thi hành bản án của Tòa án trong Liên minh châu Âu[12] hay có thể thấy khá tương tự trong bản dự thảo Công ước the Hague (La Haye) về Công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại dự kiến được trình ra Hội nghị ngoại giao lần thứ 22 vào ngày 18/06-2/7/2019.[13] Có thể liệt kê tóm tắt các cơ sở quyền tài phán của Tòa án nước ngoài được chấp nhận trong việc xem xét công nhận, thi hành bản án nước ngoài đó như sau:
– Quyền tài phán dựa trên nơi cư trú của bị đơn;
– Quyền tài phán dựa trên nơi bị đơn là cá nhân có hoạt động thương mại chính và vụ việc phát sinh từ hoạt động thương mại đó;
– Quyền tài phán dựa trên nơi bị đơn có chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc các hình thức đại diện khác và vụ việc phát sinh từ hoạt động của các bộ phận này;
– Quyền tài phán dựa trên sự thỏa thuận chọn Tòa án của đương sự;
– Quyền tài phán dựa trên sự xuất hiện của bị đơn tại Tòa án nước ngoài để thực hiện quyền tự bảo vệ của mình mà không phản đối quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đó;
– Quyền tài phán dựa trên nơi thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng;
– Quyền tài phán dựa trên nơi tọa lạc của bất động sản trong vụ việc liên quan đến quyền đối với bất động sản đó hoặc về hợp đồng thuê bất động sản đó;
– Quyền tài phán đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng gây thiệt hại về tính mạng, thể chất con người, thiệt hại hoặc hao tổn đối với tài sản hữu hình, dựa trên nơi hành vi gây thiệt hại xảy ra (hoặc nơi có thiệt hại thực tế xảy ra);
– Tòa án đang thụ lý vụ kiện có quyền tài phán đối với yêu cầu phản tố (counterclaim);
– Tòa án có quyền tài phán đối với bị đơn dựa trên nơi cư trú của bị đơn có quyền tài phán đối với đồng bị đơn;
– Tòa án có quyền tài phán đối với vụ kiện chính dựa trên các cơ sở quyền tài phán được chấp nhận nêu trên có quyền tài phán đối với bên thứ ba có liên quan (như bên bảo hiểm, bảo lãnh);
– Quyền tài phán bảo vệ bên yếu thế như người tiêu dùng, người lao động cá nhân, người được bảo hiểm.
Trong số các cơ sở quyền tài phán nêu trên thì các cơ sở quyền tài phán: dựa trên nơi cư trú của bị đơn; dựa trên sự thỏa thuận chọn Tòa án của đương sự; dựa trên sự xuất hiện của bị đơn tại Tòa án nước ngoài để thực hiện quyền tự bảo vệ của mình mà không phản đối quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đó; quyền tài phán đối với yêu cầu phản tố là những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận rộng rãi và phổ biến nhất.[14]
Theo khoản 3 Điều 356 BLTTDS năm 2004, một trong những điều kiện để bản án của Tòa án nước ngoài không được công nhận, thi hành ở Việt Nam đó là “vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Việt Nam”. Như vậy, theo điều kiện này thì bản án của Tòa án nước ngoài có thể được công nhận, thi hành tại Việt Nam nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, bất kể Tòa án nước ngoài đã thụ lý vụ việc dựa trên cơ sở quyền tài phán gì. Nói cách khác, đây là điều kiện về quyền tài phán theo pháp luật nước ngoài như trường hợp (i) nêu trên. Vì vậy, điều kiện này sẽ có hạn chế về mặt kiểm soát quyền tài phán quá đáng của Tòa án nước ngoài.
BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi điều kiện này. Theo đó, tại khoản 4 Điều 439 quy định một trong những điều kiện để bản án của Tòa án nước ngoài không được công nhận, thi hành ở Việt Nam đó là “Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định tại Điều 440 của Bộ luật này”. Cụ thể Điều 440 quy định: “Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó đang được xem xét để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó trong những trường hợp sau đây:
1. Vụ việc dân sự không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật này;
2. Vụ việc dân sự quy định tại Điều 469 của Bộ luật này nhưng có một trong các điều kiện sau đây:
a) Bị đơn tham gia tranh tụng mà không có ý kiến phản đối thẩm quyền của Tòa án nước ngoài đó;
b) Vụ việc dân sự này chưa có bản án, quyết định của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành;
c) Vụ việc dân sự này đã được Tòa án nước ngoài thụ lý trước khi Tòa án Việt Nam thụ lý”.
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam mặc dù có quy định về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài tại Điều 469 BLTTDS năm 2015, nhưng không áp dụng tương tự các cơ sở quyền tài phán đó cho việc xem xét về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài cho mục đích công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó. Nói cách khác, pháp luật Việt Nam không áp dụng “nguyên tắc soi gương” (mirror-image principle) như trường hợp (ii) nêu trên mà quy định riêng những cơ sở quyền tài phán của Tòa án nước ngoài là điều kiện được xem xét công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó. Điều này là hợp lý vì như trên đã trình bày mục tiêu của việc quy định các cơ sở quyền tài phán có yếu tố nước ngoài cho Tòa án Việt Nam (direct international jurisdiction) và mục tiêu quy định các cơ sở quyền tài phán của Tòa án nước ngoài cho mục đích xem xét công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó tại Việt Nam (indirect international jurisdiction) là khác nhau.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam loại trừ việc Tòa án nước ngoài có thẩm quyền đối với các vụ việc thuộc quyền tài phán riêng biệt của Việt Nam. Việc loại trừ quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đối với những vụ việc thuộc quyền tài phán mà quốc gia cho rằng thuộc thẩm quyền riêng biệt của mình là thông lệ khá phổ biến.[15] Trong số các quyền tài phán riêng biệt của Việt Nam được tuyên bố trong Điều 470 BLTTDS năm 2015, trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 về quyền tài phán đối với các vụ việc mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có quyền tài phán riêng biệt là chưa hợp lý. Khi các bên đã thể hiện rõ chỉ duy nhất chọn Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó thì khi đó vụ việc đó có thể được xem là thuộc quyền tài phán riêng biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Tòa án Việt Nam chỉ là một trong số các lựa chọn Tòa án khác thì trong trường hợp này vụ việc không nên được xem là chỉ thuộc quyền tài phán riêng biệt của Tòa án Việt Nam, mà Tòa án Việt Nam chỉ là một trong những Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc đó. Cần lưu ý rằng, việc một quốc gia tuyên bố các cơ sở quyền tài phán riêng biệt của mình (một cách đơn phương trong văn bản luật quốc gia đó) không có nghĩa là những Tòa án của quốc gia khác sẽ không có quyền thụ lý vụ việc đó (trừ khi có điều ước thỏa thuận về việc đó giữa các quốc gia thành viên). Việc tuyên bố quyền tài phán riêng biệt đơn phương đó chỉ có ý nghĩa là quốc gia đó không thừa nhận quyền tài phán của bất kỳ Tòa án của quốc gia khác đối với vụ việc đó và vì vậy sẽ không công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài về vụ việc đó tại quốc gia mình. Nếu Tòa án Việt Nam chỉ là một trong những lựa chọn của các bên thì việc Tòa án Việt Nam bác bỏ quyền tài phán của Tòa án được lựa chọn khác và từ chối công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó là không hợp lý. Vì vậy, điểm c khoản 1 Điều 470 BLTTDS năm 2015 nên được sửa đổi là “Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn duy nhất Tòa án Việt Nam”. “Duy nhất” ở đây cần được giải thích, đó có thể là các bên chỉ thỏa thuận chọn Tòa án Việt Nam mà không nêu ra các lựa chọn khác, hoặc các bên nêu rõ Tòa án Việt Nam có thẩm quyền “duy nhất” hay “riêng biệt” (exclusive jurisdiction).
Thứ ba, Tòa án nước ngoài chỉ có thẩm quyền trong những vụ việc được giới hạn trong phạm vi khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 và thỏa mãn một trong ba điều kiện: (a) bị đơn tham gia tranh tụng mà không có ý kiến phản đối thẩm quyền của Tòa án nước ngoài đó; (b) vụ việc dân sự này chưa có bản án, quyết định của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành; (c) vụ việc dân sự này đã được Tòa án nước ngoài thụ lý trước khi Tòa án Việt Nam thụ lý. Khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 liệt kê các vụ việc có yếu tố nước ngoài có liên quan đến Việt Nam như bị đơn có nơi cư trú tại Việt Nam; nơi xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam; vụ việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam, hoặc bị đơn có tài sản tại Việt Nam. Như vậy, đối với những vụ việc ngoài những trường hợp nêu trong Khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 thì sẽ không thuộc phạm vi xem xét điều kiện về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài và vì vậy bản án của Tòa án nước ngoài đó sẽ không đủ điều kiện để được công nhận, thi hành tại Việt Nam.
Ví dụ: nếu hai bên đơn sự A và B đều là công dân nước ngoài và cư trú tại nước ngoài đó có tranh chấp về xác định quyền sở hữu đối với tài sản là động sản, Tòa án nước ngoài tuyên quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về A. A sau đó ký hợp đồng bán động sản đó cho một bên Việt Nam, bên Việt Nam sau đó yêu cầu Tòa án Việt Nam tuyên hợp đồng vô hiệu do bên Việt Nam cho rằng mình bị nhầm lẫn về quyền sở hữu của A đối với động sản đó, giả sử động sản đó vẫn chưa được chuyển về Việt Nam. Bên A có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận bản án của Tòa án nước mình về quyền sở hữu của A đối với động sản đó. Như vậy, trong trường hợp này, nếu căn cứ theo khoản 4 Điều 439, Điều 440, Điều 469, Điều 470 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận bản án của Tòa án nước ngoài đó do vụ kiện giữa A và B nêu trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, điều này rõ ràng là không thuyết phục. Thực tế trong luật quốc gia và trong công ước quốc tế không có quy định về giới hạn này.[16]
Thứ tư, trong các vụ việc thuộc phạm vi của khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án nước ngoài được cho là có quyền tài phán nếu thuộc một trong ba trường hợp. Trường hợp (a.) bị đơn tham gia tranh tụng mà không có ý kiến phản đối thẩm quyền của Tòa án nước ngoài đó. Đây là trường hợp mà bất kể Tòa án nước ngoài đã dựa trên cơ sở quyền tài phán nào nhưng nếu bị đơn tham gia tranh tụng nội dung vụ kiện mà không phản đối quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đó, thì Tòa án đó được xem là có quyền tài phán cho mục đích xem xét việc công nhận, thi hành bản án đó. Đây cũng là một trong những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận tại các nước theo thông luật,[17] Thụy Sĩ,[18] trong Luật của Liên minh châu Âu (EU) số 1215/2012,[19] trong bản dự thảo Công ước The Hague (La Haye)[20], vì khi đó bị đơn được cho rằng đã tự nguyện đệ trình đến quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đó. Trường hợp (b) vụ việc dân sự này chưa có bản án, quyết định của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành. Đây thật ra không phải là điều kiện về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài mà đúng ra là một điều kiện về việc không công nhận bản án của Tòa án nước ngoài nếu đã có bản án của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành như đã được quy định tại khoản 5 Điều 439 BLTTDS năm 2015. Do đó, trường hợp (b) này là thừa. Trường hợp (c.) vụ việc dân sự này đã được Tòa án nước ngoài thụ lý trước khi Tòa án Việt Nam thụ lý. Đây là một quy định mang tính cấp tiến, thể hiện tinh thần hợp tác cao trong tương trợ tư pháp với các nước. Trong trường hợp đã có Tòa án nước ngoài thụ lý vụ việc trước mà vụ việc đó không thuộc quyền tài phán riêng biệt của Việt Nam thì Tòa án nước ngoài đó có quyền tài phán được Việt Nam công nhận. Điều này tránh được việc cùng một vụ việc có cùng lúc hai Tòa án của hai quốc gia thụ lý giải quyết và có thể dẫn đến hai kết quả giải quyết khác nhau hoặc xung đột nhau. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện quá “hào phóng” với Tòa án nước ngoài và không bảo đảm được việc bảo vệ bị đơn (trong đó có bị đơn là công dân, pháp nhân Việt Nam) khỏi việc bị xét xử bởi Tòa án nước ngoài trong trường hợp áp dụng quyền tài phán quá đáng theo luật của quốc gia của Tòa án đó như dựa trên cơ sở quốc tịch hoặc nơi cư trú của nguyên đơn; nơi có tài sản của bị đơn; nơi bị đơn hiện diện khi được tống đạt mặt dù chỉ là hiện diện trong thời gian ngắn. Tuy Luật Liên minh châu Âu (EU) số 1215/2012 có quy định về quyền ưu tiên cho Tòa án đã thụ lý vụ việc trước[21] nếu Tòa án đó căn cứ theo các cơ sở quyền tài phán được quy định trong Luật đó nhưng Luật này loại trừ việc Tòa án áp dụng cơ sở quyền tài phán “quá đáng” đối với cá nhân, pháp nhân là bên cư trú ở bất kỳ nước thành viên nào.[22]
Việc quy định điều kiện quyền tài phán của Tòa án nước ngoài trong việc xem xét công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của Tòa án nước ngoài đó là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quy định tại Điều 440 BLTTDS năm 2015 về những trường hợp Tòa án nước ngoài có thẩm quyền là còn hạn chế nên cần được sửa đổi, cụ thể như sau:
– Các trường hợp Tòa án nước ngoài có thẩm quyền được công nhận nên được xây dựng riêng theo tiêu chí (iv) tức là sẽ xây dựng các cơ sở quyền tài phán của Tòa án nước ngoài để xem xét việc công nhận bản án của Tòa án nước ngoài đó (indirect international jurisdiction) dựa trên những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Điều này cần được nghiên cứu chi tiết hơn về việc cân nhắc lựa chọn những cơ sở quyền tài phán nào. Trước tiên có thể chọn lọc những cơ sở quyền tài phán được chấp nhận phổ biến như: dựa trên nơi cư trú của bị đơn; dựa trên sự thỏa thuận chọn Tòa án của đương sự; dựa trên sự xuất hiện của bị đơn tại Tòa án nước ngoài để thực hiện quyền tự vệ của mình mà không phản đối quyền tài phán của Tòa án nước ngoài đó; quyền tài phán đối với yêu cầu phản tố.
– Việc xây dựng điều kiện về quyền tài phán của Tòa án nước ngoài theo tiêu chí đó cũng đồng thời loại bỏ nội dung được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 440 BLTTDS năm 2015 được cho là thừa, điểm c khoản 2 Điều 440 BLTTDS năm 2015 được cho là quá “hào phóng” với tòa án nước ngoài.
– Không giới hạn những cơ sở quyền tài phán này đối với vụ việc có liên quan đến Việt Nam mà chỉ cần Tòa án nước ngoài thỏa mãn điều kiện về quyền tài phán đối với vụ việc đó (bất kể có liên quan đến Việt Nam tại thời điểm Tòa án nước ngoài thụ lý vụ việc đó hay không).
– Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 470 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn duy nhất Tòa án Việt Nam”. “Duy nhất” có thể là các bên chỉ thỏa thuận chọn Tòa án Việt Nam mà không nêu ra các lựa chọn khác, hoặc các bên nêu rõ Tòa án Việt Nam có thẩm quyền “duy nhất” hay “riêng biệt” (exclusive jurisdiction).
CHÚ THÍCH
[1] Xem báo cáo của 15 quốc gia gồm các nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc trong “Recognition and enforcement of foreign judgments in Asia”, (nhiều tác giả), xuất bản bởi The Asian Business Law Institute, 2017, ISBN: 978-981-11-5346-4. Xem Điều 328 Bộ luật tố tụng dân sự của Đức, bản dịch tiếng Anh, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_zpo/englisch_zpo.html, truy cập ngày 29/03/2019; Xem Điều 26 Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ, https://www.umbricht.ch/fileadmin/downloads/Swiss_Federal_Code_on_Private_International_Law_CPIL_2017.pdf, truy cập ngày 16/05/2019.
[2] Yujun Guo, “Country report of China” trong “Recognition and enforcement of foreign judgments in Asia”, (nhiều tác giả), xuất bản bởi The Asian Business Law Institute, 2017, ISBN: 978-981-11-5346-4, tr. 61.
[3] Khoản 3 Điều 356 BLTTDS năm 2004.
[4] Ví dụ: Điều 44(3) Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Ukraina; Điều 53(2) Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nga.
[5] Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự của Đức, bản dịch tiếng Anh, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_zpo/englisch_zpo.html, truy cập ngày 29/03/2019.
[6] Kwang Huyn Suk “Country report of South Korea” trong “Recognition and enforcement of foreign judgments in Asia”, (nhiều tác giả), xuất bản bởi The Asian Business Law Institute, 2017, ISBN: 978-981-11-5346-4, tr. 183 – 184.
[7] Toshiyuki Kono, “Country report of Japan”, trong “Recognition and enforcement of foreign judgments in Asia”, (nhiều tác giả), xuất bản bởi The Asian Business Law Institute, 2017, ISBN: 978-981-11-5346-4, tr. 108 -109.
[8] Điều 26 Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ, https://www.umbricht.ch/fileadmin/downloads/Swiss_Federal_Code_on_Private_International_Law_CPIL_2017.pdf, truy cập ngày 16/05/2019.
[9] Norel Rosner, “Cross-border recognition and enforcement of foreign money judgments in civil and commercial matters”, Ulrik Huber Institute for Private International Law, 2004, tr. 231 – 233.
[10] Xem các Điều 4 – 26, Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019; Dư Ngọc Bích, Quyền tài phán và công nhận thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án trong liên minh châu Âu: Những tác động đối với công dân, pháp nhân Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2017, Draft Convention on the recognition and enforcement of foreign judgments in civil and commercial matters, https://www.hcch.net/en/projects/legislative-projects/judgments/22nd-diplomatic-session, truy cập ngày 2/5/2019.
[11] Điều 5, Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019.
[12] Điều 4 – 26 của Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019.
[13] Điều 5 – 6 của Draft Convention on the recognition and enforcement of foreign judgments in civil and commercial matters, được đăng tải, https://www.hcch.net/en/projects/legislative-projects/judgments/22nd-diplomatic-session, truy cập ngày 2/5/2019.
[14] Xung đột về quan điểm đối với quyền tài phán giữa đại diện các nước theo dân luật và theo thông luật có thể thấy qua sự thất bại trong việc thông qua dự thảo công ước The Hague về quyền tài phán và bản án Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại 1999 (the Preliminary draft Convention on Jurisdiction and Foreign Judgments in Civil and Commercial Matters 1999). Xem các bài viết nhiều tác giả trong “A Global Law of Jurisdiction and Judgment: Lessons from the Hague”, edited by John J. Barcelo III and Keven M. Clermont, Kluwer Law International, 2002.
[15] Ví dụ: Nhật Bản, xem Toshiyuki Kono, tlđd, tr. 109-110; Tại Pháp, xem: Norel Rosner, tlđd, tr. 234 – 239; Điều 24, Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019.
[16] Ví dụ: Xem Điều 25 – 27 Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ, https://www.umbricht.ch/fileadmin/downloads/Swiss_Federal_Code_on_Private_International_Law_CPIL_2017.pdf, truy cập ngày 16/05/2019; Luật của Singapore, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… trong “Recognition and enforcement of foreign judgments in Asia”, (nhiều tác giả), xuất bản bởi The Asian Business Law Institute, 2017, ISBN: 978-981-11-5346-4; Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019; Bản dự thảo của the Hague Convention, https://www.hcch.net/en/projects/legislative-projects/judgments/22nd-diplomatic-session, truy cập ngày 2/5/2019.
[17] Ví dụ: luật của Úc, xem: P. E. Nygh, Martin Davies, “Conflict of laws in Australia”, 7th edition, Lexis Butterworths, 2002, tr. 172.
[18] Điều 26 Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ, https://www.umbricht.ch/fileadmin/downloads/Swiss_Federal_Code_on_Private_International_Law_CPIL_2017.pdf, truy cập ngày 16/05/2019.
[19] Điều 26(1) của Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF truy cập ngày 26/4/2019.
[20] Điều 5(1)(f) của bản Dự thảo, https://www.hcch.net/en/projects/legislative-projects/judgments/22nd-diplomatic-session, truy cập ngày 2/5/2019.
[21] Điều 29, Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019.
[22] Điều 5(2), Regulation (EU) No 1215/2012 of the European Parliament and of the Council of 12 December 2012 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters, https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:351:0001:0032:en:PDF, truy cập ngày 26/4/2019.
- Tác giả: ThS. Dư Ngọc Bích
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(128)/2019 – 2019, Trang 26-36
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời