Mục lục
Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo Pháp luật Việt Nam và các nước
TÓM TẮT
Việc giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường nói chung, tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài nói riêng tương đối phức tạp vì mức độ ảnh hưởng và phạm vi tác động của nó rất lớn. Bài viết tập trung nghiên cứu và phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam, trong tương quan so sánh với pháp luật Liên minh châu Âu và một số quốc gia tiên tiến, điển hình như Hoa Kỳ và Trung Quốc, liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về môi trường có yếu tố nước ngoài dưới góc độ tư pháp quốc tế.
Xem thêm:
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp đầu tư quốc tế – ThS. Phạm Thị Hiền
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín
- Phân loại quan hệ có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế – ThS. Nguyễn Thị Hồng Trinh
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới – TS. Trần Việt Dũng
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Bồi thường thiệt hại, Giải quyết tranh chấp, Quan hệ có yếu tố nước ngoài,
Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên toàn cầu ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng bởi sự can thiệp của con người, đặc biệt là từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Các hoạt động này không chỉ xâm hại và đe dọa sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra những tác động xấu cho nền kinh tế, cho môi trường và cho sức khỏe, tài sản và thậm chí là tính mạng của con người. Cũng từ đây, phát sinh các tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại (BTTH) về môi trường nói chung và BTTH về môi trường có yếu tố nước ngoài (YTNN) nói riêng. Để giải quyết các tranh chấp này, pháp luật các nước đều xây dựng những biện pháp khác nhau, từ các biện pháp về hành chính, dân sự đến hình sự, trong đó, tư pháp quốc tế (TPQT) của các nước cũng đưa ra những quy định, những nguyên tắc riêng nhằm giải quyết tranh chấp (GQTC) về môi trường có YTNN bằng tòa án.[1]
Nội dung bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam, trong tương quan so sánh với pháp luật một số nước trong GQTC BTTH về môi trường có YTNN; trong đó, hai vấn đề quan trọng sẽ được nghiên cứu là: (i) xác định thẩm quyền của tòa án và (ii) xác định luật áp dụng cho việc GQTC về môi trường có YTNN tại tòa án Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, vấn đề thỏa thuận chọn tòa án và thỏa thuận chọn luật áp dụng sẽ không được nghiên cứu chuyên sâu.
1. Khái niệm, đặc điểm của tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài
Pháp luật Việt Nam không quy định khái niệm tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN. Do đó, để xác định được khái niệm này cần căn cứ vào các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành khác nhau như Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Luật BVMT năm 2014)… Theo quy định tại các văn bản này, một tranh chấp được xem là tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN phải thỏa mãn hai điều kiện: (i) là các tranh chấp BTTH về môi trường và (ii) các tranh chấp đó phải có YTNN.
Luật BVMT năm 2014 không đưa ra khái niệm thế nào là tranh chấp về môi trường nói chung, cũng như tranh chấp BTTH về môi trường nói riêng, mà chỉ liệt kê các loại tranh chấp cụ thể về môi trường (Điều 161). Từ đây, có thể hiểu tranh chấp BTTH về môi trường là các tranh chấp ngoài hợp đồng,[2] phát sinh từ những mâu thuẫn, bất đồng về quyền, nghĩa vụ và các lợi ích gắn với trách nhiệm BTTH do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường tại Việt Nam. Là một dạng tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng, tranh chấp này phải thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện cơ bản: (i) phải có hành vi gây ra thiệt hại; (ii) phải có thiệt hại xảy ra; (iii) phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra; (iv) người gây thiệt hại có lỗi.
YTNN của tranh chấp BTTH do ô nhiễm môi trường được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 663 BLDS năm 2015 và khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015 dựa trên ba tiêu chí: chủ thể, sự kiện pháp lý và đối tượng của quan hệ đó. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, các tranh chấp này có thể mở rộng đến một hoặc một số quốc gia khi hành vi gây thiệt hại xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài, nhưng gây ra thiệt hại trên lãnh thổ Việt Nam hoặc hành vi gây thiệt hại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có thiệt hại phát sinh tại một hoặc nhiều quốc gia khác.
Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra khái niệm tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN như sau: Tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN là tranh chấp ngoài hợp đồng phát sinh giữa các bên trong đó một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; hoặc là các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; hoặc là các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài và nội dung tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và các lợi ích gắn với trách nhiệm BTTH do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường tại Việt Nam.
Ngoài các đặc điểm trên đây, so với các loại tranh chấp khác, tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN còn có 2 đặc điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, thiệt hại về môi trường.
Thiệt hại về môi trường bao gồm hai loại thiệt hại là thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của con người do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Trong đó, thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là loại thiệt hại rất khó định lượng do việc lượng hóa sự suy giảm chức năng cũng như sự suy giảm tính hữu ích của môi trường thường phức tạp, khó đo lường vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan mà đôi khi con người cũng chưa thể xác định được. Ngoài ra, việc đánh giá sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường đòi hỏi phải có thời gian vì cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương cũng như ở địa phương nơi môi trường bị thiệt hại và loại thiệt hại này thường rất lớn. Tương tự như vậy, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của con người do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra cũng là loại thiệt hại đặc biệt vì nó không chỉ liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của một cá nhân hay tổ chức mà nó thường là ảnh hưởng đến số đông.
Thứ hai, chủ thể có quyền khởi kiện.Chủ thể có quyền khởi kiện đòi BTTH được chia thành hai nhóm phụ thuộc vào đặc điểm của hai loại thiệt hại nêu trên. Đó là:
– Đối với các tranh chấp liên quan đến việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, chủ thể có quyền khởi kiện là Nhà nước. Vì theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, Điều 197 BLDS năm 2015, các thành phần chủ yếu của môi trường thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và chức năng, tính hữu ích của môi trường là một lợi ích công cộng mà người đảm bảo cho lợi ích này cũng là Nhà nước.[3]
Tuy nhiên, có một điểm bất cập là pháp luật vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về cơ quan nhà nước nào. Trước đây, theo quy định tại Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/05/2006 thì “Cơ quan Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)” sẽ là chủ thể có quyền khởi kiện đòi BTTH liên quan đến việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Song, Nghị quyết chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ quan TN-MT. Trong thực tế, nếu theo nhiệm vụ chuyên môn thì cơ quan có thẩm quyền khởi kiện sẽ là Bộ TN-MT hoặc Sở TN-MT nhưng nếu xét theo phương diện quản lý thì cơ quan có thẩm quyền lại là UBND các cấp, nơi có thiệt hại về môi trường. Bất cập này có thể gây khó khăn trong quá trình GQTC BTTH về môi trường có YTNN tại Việt Nam.
Để loại bỏ bất cập này, chúng tôi đề xuất giải pháp là pháp luật cần quy định cụ thể về chủ thể được quyền khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan đến việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và kiến nghị là nên trao cho cả Bộ TN-MT và Ủy ban nhân dân các cấp, nơi có thiệt hại về môi trường, cùng là cơ quan của Nhà nước được quyền khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan đến việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
– Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của con người thì chủ thể có quyền khởi kiện đòi BTTH là các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.Về nguyên tắc, Tòa án Việt Nam chỉ thụ lý GQTC khi có đơn khởi kiện, của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện đó.[4] Điều này có nghĩa là, khi có thiệt hại về môi trường thì mỗi cá nhân, tổ chức bị thiệt hại phải tự mình đứng đơn khởi kiện để đòi BTTH. Tuy nhiên, khác với các tranh chấp dân sự khác, tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN thường có quy mô rộng, thiệt hại liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức. Do đó, với việc yêu cầu từng nguyên đơn phải có đơn khởi kiện riêng khiến cho việc GQTC trở nên phức tạp, bởi vì với cùng một hành vi gây thiệt hại về môi trường, tòa án phải giải quyết từng ấy các tranh chấp khác nhau nếu thời điểm nộp đơn khởi kiện của các nguyên đơn khác nhau. Chính vì thế, cần có quy định về vấn đề khởi kiện tập thể cho loại tranh chấp phức tạp này. Về vấn đề này, Hội đồng châu Âu (EC) đã ban hành Chỉ thị số 98/27/EC ngày 19/5/1998 về việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phép bên bị thiệt hại có thể khởi kiện riêng lẻ hoặc khởi kiện tập thể; pháp luật Hoa Kỳ cũng cho phép khởi kiện tập thể, điển hình như vụ kiện của Nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam (Dioxin) đối với 37 công ty sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ vào năm 2009 tại tòa án Quận Brooklyn và Tòa Phúc thẩm số 2 tại New York…
2. Vấn đề xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam
Tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN tại Việt Nam, thông thường, đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam dựa trên các nguyên tắc của TPQT Việt Nam. Cụ thể, khoản 1(đ) Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp khi việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, về nguyên tắc, các tranh chấp BTTH về môi trường tại Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, khoản 1(c) Điều 470 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam dựa trên sự lựa chọn của các bên tranh chấp. Điều này có nghĩa là nếu các bên tranh chấp lựa chọn Tòa án Việt Nam là cơ quan GQTC thì Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền GQTC BTTH về môi trường có YTNN nhưng nếu các bên tranh chấp lựa chọn tòa án nước ngoài thì lúc này, Tòa án Việt Nam sẽ không có thẩm quyền.
Việc quy định về thẩm quyền riêng biệt nêu trên là chưa hợp lý. Bởi vì, với quy định này phán quyết của tòa án nước ngoài có thể không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (theo khoản 4 Điều 439 và khoản 1 Điều 440 BLTTDS năm 2015). Điều này gây khó khăn cho tòa án nước ngoài được các bên lựa chọn trong việc xét xử khi sự kết nối giữa tranh chấp và yếu tố lãnh thổ có thể rất ít hoặc thậm chí là không có, đặc biệt là khó khăn do tính chất phức tạp của tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN. Ngoài ra, quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho việc công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối với các tranh chấp mà phán quyết được tuyên bởi tòa án của quốc gia không thừa nhận tranh chấp có thoả thuận lựa chọn tòa án là tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt.
Ví dụ, công ty A của nước Anh có chi nhánh tại Việt Nam, có hành vi xâm hại đến môi trường và gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức khác tại Việt Nam, trong đó có B là công dân của nước Anh, đang tạm trú tại Việt Nam. Các bên thỏa thuận mọi tranh chấp phát sinh sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, khi tranh chấp phát sinh, B khởi kiện A ra tòa án Anh. Nếu A phản đối vì cho rằng giữa hai bên đã có thoả thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam, tòa án Anh có thể dựa trên học thuyết forum non conveniens và án lệ Boys v Chaplin[5] để bác yêu cầu của B khi cho rằng, tòa án Anh được cho là hợp lý và công bằng nhất để GQTC này. Tuy nhiên, với quy định trên, khi B yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Anh tại Việt Nam thì chắc chắn phán quyết đó sẽ không được công nhận và cho thi hành vì nó thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.[6]
Do đó, chúng tôi cho rằng, cần phải sửa đổi khoản 1(c) Điều 470 BLTTDS năm 2015 quy định về tính ưu tiên cho thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo sự thỏa thuận lựa chọn tòa án hợp pháp của các bên trong tranh chấp hơn là quy định để xác lập thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Việc sửa đổi này sẽ phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014, theo đó nhấn mạnh rằng tranh chấp môi trường trên lãnh thổ Việt Nam phải do Tòa án Việt Nam giải quyết.[7]
Tìm hiểu kinh nghiệm của các nước, có thể thấy pháp luật các nước thường quy định căn cứ xác định thẩm quyền đối với các tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng có YTNN trong lĩnh vực môi trường dựa trên hai nguyên tắc: Nguyên tắc chung cho việc xác định thẩm quyền tố tụng (dân sự, thương mại) quốc tế của tòa án quốc gia và nguyên tắc mang tính ngoại lệ cho việc xác định thẩm quyền đối với tranh chấp đặc thù trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, nguyên đơn được toàn quyền quyết định trong việc tiến hành khởi kiện theo một trong hai căn cứ trên dựa trên sự phân tích những lợi ích tối đa mà nguyên đơn có thể nhận được.
Theo pháp luật EU, nguyên tắc chung cho việc xác định thẩm quyền được quy định tại Điều 4 Nghị định Brussels I Recast,[8] dựa trên nơi cư trú nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu bị đơn là tổ chức. Ngoại lệ cho nguyên tắc chung trong việc xác định thẩm quyền GQTC BTTH ngoài hợp đồng được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, theo đó, các tranh chấp này sẽ được giải quyết bởi tòa án nơi có hoặc có thể có sự kiện gây thiệt hại. Theo giải thích của tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice – ECJ), nơi này có thể bao gồm nơi hành vi gây thiệt hại được thực hiện hoặc nơi thiệt hại xảy ra hoặc có thể xảy ra.[9] Việc khởi kiện theo nguyên tắc chung tại Điều 4 hay ngoại lệ theo Điều 7 của Nghị định là quyền của nguyên đơn dựa trên sự cân nhắc đến tính thuận tiện và những lợi ích mà nguyên đơn cho rằng mình có thể đạt được một cách tối ưu nhất.[10] Cách quy định tương tự như EU về xác định thẩm quyền của tòa án trong GQTC BTTH về môi trường có YTNN cũng được tìm thấy trong pháp luật của đa số các quốc gia thành viên EU, điển hình như Đức,[11] Pháp,[12] Bỉ…[13]
Đối với các quốc gia theo thông luật như Hoa Kỳ, hầu như không tồn tại những đạo luật riêng điều chỉnh về vấn đề này, cũng như không áp dụng theo hướng xây dựng nguyên tắc chung và ngoại lệ cho việc xác định thẩm quyền hay luật áp dụng cho việc GQTC BTTH có YTNN. Theo đó, việc giải quyết vấn đề thẩm quyền hay luật áp dụng sẽ dựa trên các nguyên tắc mang tính tiền lệ được hình thành từ các án lệ trước đó hoặc các học thuyết được ra đời từ sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nhà nghiên cứu. Việc xác định thẩm quyền của tòa án Hoa Kỳ đối với các tranh chấp BTTH về môi trường có YTNN dựa trên nguyên tắc in personam jurisdiction (tạm dịch là thẩm quyền dựa trên mối liên hệ cá nhân)[14] cũng như dựa trên học thuyết forum non conveniens để xác định tính thuận tiện cho việc xét xử của tòa án khi GQTC. Pháp luật Trung Quốc không có quy định riêng cho việc giải quyết vấn đề xác định thẩm quyền lẫn luật áp dụng cho việc GQTC BTTH về môi trường có YTNN mà vấn đề này sẽ được giải quyết tương tự như các tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng có YTNN khác. Điều 28 Luật TTDS năm 2012[15] quy định tòa án Trung Quốc có thẩm quyền đối với các tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng dựa trên căn cứ về nơi có hành vi vi phạm hoặc nơi cư trú của bị đơn theo quy định tại Điều 21.[16] Như vậy, tương tự như cách giải quyết của EU, Trung Quốc cho phép nguyên đơn tiến hành lựa chọn khởi kiện tại tòa án nơi có thẩm quyền theo căn cứ của nguyên tắc chung (nơi cư trú của bị đơn) hoặc tòa án có thẩm quyền theo căn cứ mang tính ngoại lệ dựa trên sự cân nhắc về những lợi ích mà mình có thể nhận được nhiều nhất.[17]
3. Vấn đề luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại tòa án Việt Nam
Theo quy định tại khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 thì:“Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Với quy định này, có thể hiểu rằng, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Nghĩa là, sẽ chỉ ưu tiên áp dụng các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về GQTC môi trường nếu nội dung của điều ước quốc tế đó có quy định khác với pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam cho việc GQTC.
Tuy nhiên, nội dung của quy định trên chưa cho thấy rõ áp dụng pháp luật Việt Nam cho việc GQTC về môi trường là bao gồm cả luật nội dung và luật hình thức hay chỉ là luật nội dung. Có quan điểm cho rằng, với quy định trên phải hiểu bao gồm cả luật hình thức và cả luật nội dung của Việt Nam[18]. Chúng tôi cho rằng, về mặt ngữ nghĩa, điều khoản trên sẽ được hiểu như thế và nếu hiểu như vậy thì quy định trên được xem là sự tuyên bố gián tiếp về quyền tài phán riêng biệt cho Tòa án Việt Nam. Cách hiểu này là không hợp lý và không phù hợp với các quy định trong pháp luật Việt Nam, cụ thể là không phù hợp với BLDS năm 2015, BLTTDS năm 2015 lẫn thông lệ chung của các nước.
Theo quy định tại Điều 687 BLDS năm 2015, đối với tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận chọn luật, pháp luật áp dụng cho tranh chấp sẽ là luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại (lex loci damni). Trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú đối với cá nhân hoặc cùng nơi thành lập đối với pháp nhân thì pháp luật của nước đó được áp dụng. Quy định này cho thấy, nếu thiệt hại xảy ra ở đâu thì pháp luật của quốc gia đó sẽ được áp dụng, trừ trường hợp các bên có nơi cư trú hoặc được thành lập tại cùng một quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc, trong trường hợp thiệt hại xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhau, luật của từng quốc gia đó sẽ phải được áp dụng. Hơn nữa, phạm vi thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp lại không bị giới hạn bởi tranh chấp chỉ liên quan đến thiệt hại tại Việt Nam. Do đó, quy định tại khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 vô hình trung đã tạo nên sự “độc quyền” của pháp luật Việt Nam khi GQTC BTTH về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam sẽ có thể dẫn đến việc từ chối áp dụng luật nước ngoài như quy định của Điều 687 BLDS năm 2015. Ngoài ra, quy định tại khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 cũng dễ bị coi là trái với nguyên tắc áp dụng BLDS và có thể bị loại bỏ không áp dụng, như khoản 2 Điều 4 BLDS năm 2015 nhấn mạnh “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc có bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này” và khoản 3 khẳng định “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”.
Tìm hiểu kinh nghiệm của các nước có thể thấy, theo pháp luật EU, như quy định tại Điều 7 của Nghị định Rome II, để xác định luật áp dụng đối với tranh chấp BTTH về môi trường, nguyên đơn có thể tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường theo pháp luật dựa trên nguyên tắc chung cho việc giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực BTTH ngoài hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này. Ngoài ra, nguyên đơn vẫn có thể tìm kiếm việc BTTH về môi trường theo pháp luật nơi có sự kiện gây thiệt hại, tức là luật của nước nơi thực hiện hành vi gây thiệt hại (lex loci delictus). Việc lựa chọn luật áp dụng theo nguyên tắc chung tại khoản 1 Điều 4 hay ngoại lệ tại Điều 7 là quyền của nguyên đơn. Khoản 1 Điều 4 Nghị định Rome II[19] quy định: “Trừ trường hợp Nghị định này có quy định khác, pháp luật áp dụng đối với nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng là pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại bất kể quốc gia nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại và các quốc gia chịu hậu quả gián tiếp từ hành vi gây thiệt hại đó”. Điều đó có nghĩa là luật áp dụng cho việc GQTC BTTH về môi trường là luật của nước nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại, tức luật của nước nơi thiệt hại xảy ra.[20] Quy định này dựa trên mục tiêu của chính sách bảo vệ môi trường chung tại EU, tăng cường trách nhiệm pháp lý cho người gây ô nhiễm cũng như hướng đến mục tiêu phòng ngừa những trường hợp các nhà khai thác môi trường lựa chọn các quốc gia có mức độ bảo vệ môi trường thấp để thiết lập hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường.[21]
Tuy nhiên, việc chỉ dùng một kiểu hệ thuộc để xác định luật áp dụng cho GQTC BTTH về môi trường có thể phù hợp với chính sách môi trường chung của EU nhưng các nạn nhân ở các quốc gia có chế độ bảo vệ môi trường thấp lại không được hưởng lợi ích tương tự như tại các quốc gia có chế độ bảo vệ cao. Chính vì vậy, ngoại lệ quy định tại Điều 7 ra đời, theo đó quy định luật áp dụng có thể là luật nơi thực hiện hành vi gây thiệt hại dựa trên cơ sở lựa chọn của bên bị thiệt hại. Quy định này là nhằm đảm bảo sự thực thi của một nguyên tắc cơ bản trong luật môi trường, đó là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.[22] Điều này có nghĩa là luật được áp dụng cho tranh chấp phải gắn với việc thực hiện hành vi của người gây ô nhiễm. Hơn nữa, quy định này còn nhằm tạo sự cân bằng giữa lợi ích của bị đơn so với nguyên đơn khi tham gia vào hoạt động tố tụng tại tòa án, vì hơn hết, nguồn luật này phải được bên gây thiệt hại hiểu rõ nhất.
Ngoài ra, nếu tòa án xác định có sự tồn tại một nguồn luật của một quốc gia khác có mối liên hệ chặt chẽ hơn đối với tranh chấp giữa các bên thì tòa án sẽ áp dụng nguồn luật đó để GQTC. Nội dung này được quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định Rome II, và thường được gọi với tên gọi là điều khoản loại trừ hay điều khoản giải thoát (escape clause). Mối liên hệ chặt chẽ có thể được xác định dựa trên những mối quan hệ đặc biệt tồn tại trước khi quan hệ BTTH xảy ra, ví dụ như giữa các bên đã tồn tại một quan hệ hợp đồng trước đó. Thực tế cho thấy, những tiêu chí có thể được sử dụng để xác định mối liên hệ gắn bó bao gồm: mối liên hệ gắn kết về lãnh thổ của nguyên đơn và bị đơn; nơi nguyên đơn bị xâm hại về lợi ích hoặc nơi bị đơn thực hiện hành vi xâm hại.[23]
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên lại có quy định khác so với EU, dù rằng những quy định khác này sẽ chỉ được áp dụng cho các tranh chấp có liên quan đến quốc gia thứ ba, ngoài EU. Điển hình như Bỉ, Điều 99 Bộ luật TPQT năm 2004 quy định: Nguyên tắc chung được ghi nhận khi xác định luật áp dụng trong GQTC về BTTH về môi trường là luật của nước nơi bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại cư trú thường xuyên tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Nếu các bên không có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật của nước nơi phát sinh thiệt hại. Trong các trường hợp khác thì áp dụng pháp luật của nước nơi có mối liên hệ gắn bó mật thiết nhất. Hoặc, Điều 50 Luật Xung đột pháp luật năm 2002 (sửa đổi bổ sung năm 2016) của Estonia quy định: đối với vấn đề BTTH từ các hành vi trái pháp luật sẽ áp dụng pháp luật của nước nơi hành vi đó được thực hiện hoặc sự kiện gây thiệt hại xuất hiện. Nếu hậu quả của nó không trở nên rõ ràng hơn tại nơi đó thì pháp luật của quốc gia nơi có hậu quả rõ ràng sẽ được áp dụng theo yêu cầu của bên bị thiệt hại.
Ở Hoa Kỳ, về việc xác định luật áp dụng trong GQTC BTTH về môi trường có YTNN dựa trên học thuyết mối liên hệ gắn bó.[24] Cần lưu ý rằng, trước khi The Second Restatement[25] đưa ra cách tiếp cận mới về việc giải quyết xung đột pháp lý trong lĩnh vực này, nguyên tắc được hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ áp dụng là luật nơi thực hiện hành vi (lex loci delictus). [26] Có ba lý do chính để dẫn đến sự thay đổi này: Thứ nhất, nguyên tắc lex loci delictus chỉ dựa trên một sự kết nối đơn nhất là nơi thực hiện hành vi hoặc nơi gây thiệt hại. Trong khi nguyên tắc mới lại dựa trên nhiều sự kết nối khác nhau với tranh chấp để xác định nguồn luật mang tính hợp lý nhất, bao gồm nơi cư trú, thường trú của các bên; nơi tồn tại mối quan hệ trước đó của các bên (nếu có); nơi thực hiện hành vi; nơi thiệt hại xảy ra… Thứ hai, khi dựa trên nguyên tắc lex loci delictus, tòa án thường chỉ quan tâm đến khía cạnh quốc gia nào sẽ có luật được áp dụng, còn với nguyên tắc mới, tòa án phải cân nhắc cụ thể đến nội dung pháp luật của quốc gia có mối liên hệ gắn bó với tranh chấp, phải tính toán đến nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề gắn với lợi ích quốc gia và quốc tế.[27] Thứ ba, dựa trên bản chất của quan hệ BTTH ngoài hợp đồng, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được thiết lập dựa trên mục đích ngăn ngừa và định hướng hành vi gây thiệt hại và chia sẻ những tổn thất đã gây ra cho bên bị thiệt hại. Nếu chỉ dựa trên nguyên tắc lex loci delictus, mục đích ngăn ngừa và định hướng hành vi gây thiệt hại được đảm bảo vì nguyên tắc này gắn liền với yếu tố lãnh thổ nơi thực hiện hành vi nhưng mục đích thứ hai lại không được đảm bảo bởi vì việc tính toán lợi ích kinh tế – xã hội, các tổn thất bị thiệt hại đôi khi lại không dựa trên yếu tố lãnh thổ này, nó lại được xác định dựa trên các yếu tố khác như nơi cư trú, thường trú của các bên, nơi lợi ích chính được hướng tới của bên bị thiệt hại.[28]
Việc thay đổi này cũng đã làm gia tăng đáng kể sự phức tạp trong việc đánh giá về sự gắn bó của các yếu tố mang tính kết nối. Tuy nhiên, bằng phương pháp luận cụ thể dựa trên sự đánh giá về tương quan về lợi ích giữa bốn yếu tố: nơi cư trú của nguyên đơn, nơi thiệt hại xảy ra, nơi thực hiện hành vi gây hại và nơi cư trú của bị đơn nên hầu như kết quả giải quyết của tòa án thường có sự thống nhất cao.[29][30] Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm chỉ trích cho rằng quy định tại khoản 1 Section 145 của The Second Restatement cho thấy pháp luật đã thiếu đi tính pháp lý cụ thể và sự chắc chắn, điều này có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không nhất quán, không mang lại lẽ công bằng cho các bên tranh chấp.[31] Tuy nhiên, nguyên tắc xác định thẩm quyền dựa trên học thuyết về mối liên hệ gắn bó vẫn tiếp tục được sử dụng tại các tòa án ở Hoa Kỳ với hơn 86% các vụ việc dựa được xét xử dựa trên nguyên tắc này. Bởi lẽ, Hoa Kỳ là quốc gia coi án lệ là hình thức pháp luật chủ yếu, do đó, tính linh hoạt cần phải được đảm bảo cho thẩm phán trong quá trình xét xử đối với từng vụ việc cụ thể. Hơn nữa, con đường hình thành nên pháp luật của Hoa Kỳ cũng có sự khác biệt: pháp luật không được dự đoán trước mà pháp luật được hình thành từ thực tiễn xét xử của tòa án, qua quá trình phát triển, các nguyên tắc này sẽ được nâng lên trở thành các nguyên tắc pháp lý chung.[32]Tại Trung Quốc, sau khi tranh chấp xảy ra, nếu các bên không có thỏa thuận chọn luật áp dụng, việc xác định pháp luật áp dụng cho việc BTTH ngoài hợp đồng có YTNN được xác định theo luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại, bao gồm luật nơi thực hiện hành vi và luật nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại (tức là dựa trên kiểu hệ thuộc lex loci delictus). [33] Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc cũng có cách thức quy định tương tự như EU và một số nước thành viên về việc nếu các bên tranh chấp có chung nơi cư trú thường xuyên, thì pháp luật của nơi đó sẽ được áp dụng. Bên cạnh đó, với việc quy định dựa trên kiểu hệ lex loci delictus bao gồm nơi thực hiện hành vi gây thiệt hại và nơi xảy ra thiệt hại do hành vi gây hại gây ra, nhưng lại không xác định thứ tự ưu tiên đã tạo nên tính linh hoạt quá mức cho điều khoản với việc trao quyền quyết định thuộc về thẩm phán. Do đó, nhiều kiến nghị cho rằng nên thay đổi cách quy định này theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ: nếu nơi thực hiện hành vi và nơi thiệt hại xảy ra không đồng nhất, quyền quyết định chọn luật áp dụng sẽ thuộc về nguyên đơn, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho bên bị thiệt hại.[34]Từ những phân tích trên cho thấy, với nội dung quy định của khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 cũng như nội dung được quy định trong BLDS năm 2015, BLTTDS năm 2015 về việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam và luật áp dụng cho việc GQTC BTTH về môi trường có YTNN tại Việt Nam vẫn còn những bất cập. Bất cập nổi cộm nhất là quy định về mối quan hệ giữa luật chuyên ngành và luật chung, cụ thể trong trường hợp này, là vấn đề giải quyết thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định có liên quan trong Luật BVMT năm 2014 và trong BLTTDS năm 2015, BLDS năm 2015. Chúng tôi cho rằng, giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này và cũng nhận được nhiều quan điểm đồng tình từ các học giả[35] là loại bỏ quy định về xác định thẩm quyền GQTC BTTH về môi trường có YTNN trong Luật BVMT năm 2014, thống nhất việc quy định về GQTC dân sự có YTNN nói chung cho BLTTDS và sử dụng giải pháp GQTC theo các quy định của BLTTDS năm 2015, với một số điều chỉnh như kiến nghị trên, vì cách tiếp cận và hướng giải quyết vấn đề tương tự như cách quy định trong pháp luật của đa số các nước, đặc biệt là các nước theo dân luật. Điều này có nghĩa là phạm vi điều chỉnh của khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 chỉ liên quan đến vấn đề giải quyết xung đột pháp luật, tức là luật áp dụng cho việc GQTC về BTTH về môi trường có YTNN.
Tuy nhiên, đối với loại hình tranh chấp đặc thù này, theo kinh nghiệm các nước, khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 cần phải được sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc chung cho việc xác định luật áp dụng như quy định tại khoản 1 Điều 687 BLDS năm 2015, dựa trên nguyên tắc pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật cũng nên cho phép bên bị thiệt hại được quyền khởi kiện đòi bồi thường theo luật của nước nơi thực hiện hành vi gây hại, nhằm đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong luật môi trường, cũng như hướng đến mục đích ngăn ngừa thiệt hại xảy ra, bởi vì nơi thực hiện hành vi gây thiệt hại về môi trường thường gắn liền với nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi thành lập của pháp nhân, người gây thiệt hại thường phải hiểu rõ về những yêu cầu của pháp luật về môi trường tại đó, do đó, khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, họ phải có sự cân nhắc và đề phòng những rủi ro có thể gặp trên thực tế.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi nội dung khoản 4 Điều 161 Luật BVMT năm 2014 như sau:“1. Tranh chấp BTTH về môi trường mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật do các bên thỏa thuận; 2. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật được áp dụng là luật nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại cho môi trường; 3. Trong trường hợp xác định tranh chấp đó có mối liên hệ gắn bó hơn với một quốc gia khác thì pháp luật của quốc gia khác đó sẽ được áp dụng; 4. Các quy định trên sẽ không được áp dụng nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
Vấn đề GQTC BTTH về môi trường có YTNN tại Việt Nam là vấn đề không đơn giản. Các quy định về xác định thẩm quyền của tòa án và luật áp dụng vẫn còn bất cập, không thật sự phù hợp với thực tế của loại hình tranh chấp này, đặc biệt là vấn đề luật áp dụng cho việc giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên. Điều này xuất phát từ tính chất phức tạp, quy mô và mối liên hệ gắn kết giữa tranh chấp với hơn hai hoặc nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật của EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng vì cung cấp một cách tiếp cận khách quan trong việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam..
CHÚ THÍCH
[1] Katia Fach Gomez, “Law applicable to cross-border environmental damage: from the European autonomous systems to Rome II”, Swiss Yearbook of Private International Law, Vol.6, 2004, p. 291-292.
[2] Theo khoản 3 Điều 161 Luật BVMT năm 2014; Vũ Thu Hạnh,“Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 3, 2007, tr. 30 – 38.
[3] Nguyễn Văn Phương, “Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường qua “vụ việc Vedan”, http://www.vacne.org.vn/mot-so-van-de-phap-ly-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-qua-%E2%80%9Cvu-viec-vedan%E2%80%9D/23787.html, 2010, truy cập ngày 17/5/2017.
[4] Theo khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015.
[5] Học thuyết forum non conveniens là học thuyết có lịch sử khá lâu đời tại Hoa Kỳ, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 19, với sự cho phép quyền từ chối thụ lý của tòa án, mặc dù dựa trên nguyên tắc lãnh thổ, tòa án đó hoàn toàn có thẩm quyền để thụ lý. Lý do chính yếu để tòa án từ chối thẩm quyền là “sự không thuận lợi” cho quá trình thụ lý. Học thuyết này được chính thức đề cập trong bài viết đánh giá pháp luật vào năm 1929 bởi Paxton Blair trên Tạp chí Columbia Law Review và chính thức có định nghĩa mang tính cụ thể trong phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1947. Xem: C.M.V Clarkson & Jonathan Hill, The Conflict of Laws, Oxford University Press, 4th ed., 2011, p. 292 – 293.
[6] Theo khoản 4 Điều 439 và khoản 1 Điều 440 BLTTDS năm 2015.
[7] Theo khoản 8 Điều 439 BLTTDS năm 2015.
[8] Nghị định số 1215/2012 của Liên minh châu Âu về thẩm quyền và công nhận, cho thi hành phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại, thay thế cho Nghị định số 44/2001 từ ngày 10/01/2015.
[9] Handelskwekerij G. J. Bier BV v Mines de potasse d’Alsace SA, Case 21-76, [1976] ECR 1735. Xem: http://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?&num=21/76, truy cập ngày 16/5/2017; Xem: Michael Bogdan, Concise Introduction to EU Private International Law, Europa Law Publishing, 2nd ed., 2012, p. 48; C.M.V Clarkson & Jonathan Hill, The Conflict of Laws, Oxford University Press, 4th ed., 2011, p. 90 – 91.
[10] Michael Bogdan, Tlđd, tr. 43; C.M.V Clarkson & Jonathan Hill, Tlđd, tr. 81 – 82.
[11] Nguyên tắc chung trong việc xác định thẩm quyền của Đức là dựa trên nguyên tắc nơi bị đơn cư trú, nếu người nước ngoài không cư trú tại Đức thì tòa án Đức cũng có thể có thẩm quyền theo nguyên tắc nơi có tài sản theo Điều 23 BLTTDS năm 2005 của Đức.
[12] BLTTDS Pháp không đưa ra nguyên tắc chung cho việc xác định thẩm quyền của toà án Pháp mà nội dung này sẽ được xác định theo Điều 14 và 15 của BLDS quy định về quyền khởi kiện của nguyên đơn là người Pháp hoặc nguyên đơn là người nước ngoài ra tòa án của Pháp theo nguyên tắc quốc tịch. Tuy nhiên, khi xác định được quyền khởi kiện, sẽ quy dẫn đến Điều 42 của BLTTDS để xác định thẩm quyền theo nguyên tắc chung actor sequitur forum rei – nguyên đơn phải theo tòa án của bị đơn, tức là thẩm quyền sẽ phát sinh trên cơ sở nơi bị đơn sinh sống (với nghĩa tương tự như nơi cư trú – domicile). Điều này cũng có nghĩa là cho dù BLDS đưa ra tiêu chí về quốc tịch của các bên nhưng với sự quy định dẫn đến Điều 42 của BLTTDS thì cuối cùng thẩm quyền của tòa án cũng được xác định dựa trên nguyên tắc nơi bị đơn cư trú.
[13] Nguyên tắc chung xác định thẩm quyền của Tòa án Bỉ được quy định tại Điều 5 Bộ luật TPQT năm 2004, ngoại lệ cho việc xác định thẩm quyền đối với tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 96.
[14] Nguyên tắc này được du nhập từ Anh và được Tòa án tối cao Hoa Kỳ đưa ra quyết định chính thức lần đầu tiên trong vụ Pennoyer v. Neff vào năm 1878. Theo đó, một nguyên tắc mang tính tiền lệ đã được hình thành và được áp dụng cho đến ngày hôm nay: Không một tòa án nào có thể có thẩm quyền để xét xử đối với một cá nhân không phải là công dân của tiểu bang trừ khi người đó có nơi cư trú tại tiểu bang ở thời điểm vụ kiện diễn ra (còn gọi là nguyên tắc in personam jurisdiction). Xem: https://supreme.justia.com/cases/federal/us/95/714/case.html, truy cập ngày 11/5/2017.
[15] Được ban hành năm 1991, sửa đổi bổ sung vào ngày 28/10/2007 và ngày 31/8/2012.
[16] Nội dung quy định này được áp dụng chung cho cả các tranh chấp nội địa lẫn các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
[17] Phan Hoài Nam, “Thẩm quyền của tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7/2016, tr. 64, 65.
[18] Lê Mạnh Hùng, “Thực tiễn xét xử của tòa án và trọng tài đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, tập trung vào việc xem xét áp dụng pháp luật nước ngoài và xác định thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam”, Nguyễn Khánh Ngọc & một số tác giả, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Tư pháp quốc tế, Đề tài NCKH cấp Bộ, Bộ Tư pháp, 2016, tr. 213.
[19] Nghị định số 864/2007 của Liên minh châu Âu về luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng.
[20] Cách quy định trên bị một số chỉ trích khi cho rằng quyền lợi của bên gây thiệt hại chưa được bảo vệ một cách thỏa đáng và kiến nghị việc sử dụng kiểu hệ thuộc này nên được sử dụng như là ngoại lệ cho nguyên tắc xác định luật áp dụng dựa trên nguyên tắc chung là luật nơi thực hiện hành vi. Ngoài ra, kiểu hệ thuộc này khi được sử dụng cũng gây nên một số khó khăn, đặc biệt trong trường hợp thiệt hại lại xảy ra ở nhiều nước khác nhau. Điều này có nghĩa là thiệt hại xảy ra tại đâu, tòa án có thẩm quyền phải dùng luật của quốc gia đó để giải quyết. Nói một cách khác, toà án của quốc gia thành viên có thể phải áp dụng nhiều nguồn luật của các quốc gia khác nhau cho các phần khác nhau của thiệt hại đã xảy ra tại các nước khác nhau đó. Xem thêm: Symeon Symeonides, “Rome II and Tort Conflicts – A Missed Opportunity”, American Journal of Comparative Law, Vol. 56, 2008, p. 19; C.M.V Clarkson & Jonathan Hill, The Conflict of Laws, Oxford University Press, 4th ed., 2011, p. 266; Michael Bogdan, Concise Introduction to EU Private International Law¸ Europa Law Publishing, 2012, p. 148.
[21] Commission of The European Communities, “Proposal for a Regulation of The European Parliament and the Council on the law applicable to non-contractual obligations (“Rome II”)”, 2003, p. 19.
[22] Mục 25 lời nói đầu của Nghị định Rome II.
[23] C.M.V Clarkson & Jonathan Hill, The Conflict of Laws, Oxford University Press, 4th ed., 2011, p. 269.
[24] Học thuyết về mối liên hệ gắn bó được đề cập lần đầu tiên tại khoản trong The Second Restatement of Conflict of Laws của Hoa Kỳ vào năm 1971, theo đó, nguồn luật có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ được áp dụng để giải quyết cho tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó.
[25] Trong khoa học pháp lý Hoa Kỳ, Restatement of Law là tập hợp các chuyên luận về các vấn đề pháp lý nhằm mục đích thông báo cho thẩm phán cũng như các luật sư về các nguyên tắc chung của hệ thống án lệ. Các tuyển tập này chủ yếu là tập hợp những học thuyết pháp lý phổ biến đã được áp dụng qua thời gian tại các tòa án Hoa Kỳ. Xem: Lê Thị Nam Giang & Trần Ngọc Hà, “Từ kinh nghiệm của pháp luật các nước, kiến nghị sửa đổi Điều 769 Bộ luật Dân sự năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 01, 2014, tr. 55.
[26] Theo thống kê của tác giả Symeon C. Symeonides, hiện có 42/52 đơn vị lãnh thổ của Hoa Kỳ (bao gồm 50 tiểu bang, quận Colombia và lãnh thổ hải ngoại Pueto Rico) áp dụng nguyên tắc lex loci delictus cho việc xác định luật áp dụng đối với quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Xem: Symeon C. Symeonides, “Choice of Law in the American Courts in 2008: Twenty-Second Annual Survey”, American Journal of Comparative Law, Vol. 57, 2009.
[27] Symeon C. Symeonides , “American Conflicts Law at the Dawn of the 21st Century”, Willamette Law Review, USA, Vol.37, No.1, 2000, p. 46 – 60.
[28] Symeon C. Symeonides, “Choice of Law in Cross-border Torts: Why Plaintiffs Win and Should?”, Hastings Law Journal, No. 61, 2009, p. 287, 288. Xem: https://works.bepress.com/symeon_symeonides/1/, truy câp ngày 2/5/2017.
[29] Symeon C. Symeonides , “Choice of Law in Cross-border Torts: Why Plaintiffs Win and Should?”, Hastings Law Journal, No. 61, 2009, p. 288. Xem: https://works.bepress.com/symeon_symeonides/1/, truy cập ngày 2/5/2017.
[30] Một số tiểu bang của Hoa Kỳ thường sử dụng thuật ngữ “interest analysis” (phân tích lợi ích) để chỉ về việc kiểm tra các yếu tố này cho việc xác định luật áp dụng được cho là phù hợp nhất cho tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Xem: William A. Reppy, “Codifying Interest Analysis in the Tort Chapter of a new Conflicts Restatement”, Indiana Law Journal, Vol. 75, 2000, p. 591, 592.
[31] Symeon C. Symeonides, “The Need for a Third Conflicts Restatement (And a Proposal for Tort Conflicts)”, Indiana Law Journal, Vol.75, 2000, p. 437.
[32] Robert A. Sedler, A., “Real World Perspective on Choice of Law”, Mercer Law Review, USA, Vol. 48, 1997, p. 781; Robert A. Sedler, “Babcock v. Jackson in Kentucky: Judicial Method and the Policy – Centered Conflict of Laws”, Kentucky Law Journal, USA, Vol. 56, 1967, p. 27; Robert A. Sedler, “Choice of Law in Michigan: Judicial Method and the Policy – Centered Conflict of Laws”, Wayne Law Review, USA, Vol. 29, 1983, p. 1193.
[33] Điều 44 Luật XĐPL năm 2010 của Trung Quốc. Xem: Zou Guoyong, “The Evolution and the Latest Developments of Chinese Conflicts Law for Torts”, Frontiers of Law in China, Vol. 9, No. 4, 2014, p.587; Nguyễn Thu Thủy, “Áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài ở Trung Quốc”, Nguyễn Hồng Bắc và một số tác giả, Áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐH Luật Hà Nội, 2012, tr. 224; Trần Thúy Hằng, “Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch dân sự đơn phương, giao kết hợp đồng vắng mặt và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài – Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện”, Trần Minh Ngọc và một số tác giả, Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong điều kiện sửa đổi Bộ luật Dân sự, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐH Luật Hà Nội, 2015, tr. 281.
[34] Zou Guoyong, “The Evolution and the Latest Developments of Chinese Conflicts Law for Torts”, Frontiers of Law in China, Vol. 9, No. 4, 2014, p.588; Symeon C. Symeonides, “Choice of Law in Cross-border Torts: Why Plaintiffs Win and Should?”, Hastings Law Journal, No. 61, 2009, p. 337. Xem: https://works.bepress.com/symeon_symeonides/1/, truy cập ngày 2/5/2017.
[35] Lê Mạnh Hùng, Tlđd, tr. 213; Nguyễn Hồng Nam, Thẩm quyền của toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Luận án tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 100 – 101.
- Tác giả: TS. Phan Hoài Nam – TS. Võ Trung Tín
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 09(112)/2017 – 2017, Trang 49-59
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý