Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 nhằm bảo đảm quyền con người trong hoạt động của Tòa án nhân dân
TÓM TẮT
Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo quyền con người trong hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Bài viết dưới đây góp ý cho Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự ở ba vấn đề sau: Quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích, quyền tranh tụng và quyền yêu cầu áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.
Xem thêm bài viết về “Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự”:
- Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 – Đúc kết từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc tại Tòa án nhân dân – ThS. Quách Hữu Thái
- Góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 về biện pháp khẩn cấp tạm thời – ThS. Đinh Bá Trung
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 – TS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng – Những vấn đề cần sửa đổi của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 – ThS. Đỗ Quốc Đạt
Bảo đảm quyền con người trong pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng dân sự nói riêng là nhiệm vụ và mục đích của mọi nhà nước khi xây dựng hệ thống pháp luật. Quyền con người trong tố tụng dân sự xuất phát từ những quyền tự nhiên được thừa nhận với những giá trị mang tính phổ quát. Cơ sở lý luận để các quốc gia xây dựng cơ chế tố tụng dân sự bảo đảm quyền con người xuất phát từ hệ thống văn bản điều ước quốc tế.
Ở Việt Nam nội luật hóa pháp luật quốc tế nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu. Hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nói chung và Bộ luật Tố tụng dân sự nói riêng là cơ sở pháp lý để Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Với ý nghĩa đó, Bộ luật Tố tụng dân sự “góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”.[1]
Sau khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được ban hành, thực tiễn tố tụng tại Tòa án cũng như thực tiễn của đời sống xã hội đã cho thấy các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 cần được sửa đổi một cách toàn diện nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật quốc gia và tính tương thích với pháp luật quốc tế, từ đó bảo đảm một cách hiệu quả nhất quyền con người trong hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân.
Việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng dân sự trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và triển khai thi hành các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đạt tới mục đích: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.[2]
Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, có rất nhiều vấn đề được đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, có những vấn đề quan trọng làm nền tảng cho việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng dân sự đang nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý.
1. Bảo đảm quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tố tụng dân sự
Yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là quyền tố tụng của cá nhân, cơ quan tổ chức được Hiến pháp thừa nhận và triển khai thực hiện trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân để yêu cầu bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc của người khác.[3]
Thực tiễn lịch sử lập pháp cho thấy, kỹ thuật lập pháp của Việt Nam trong toàn bộ hệ thống pháp luật từ trước đến nay chủ yếu thiên về phương pháp liệt kê, quy định theo cách loại trừ không mang tính phổ biến. Chính vì vậy, trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự mà điển hình là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cơ quan lập pháp liệt kê cụ thể những loại tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Theo đó, các cá nhân, cơ quan tổ chức chỉ có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề đã được pháp luật điều chỉnh. Khi giải quyết, Tòa án sẽ lấy pháp luật làm căn cứ duy nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 có sự thay đổi mang tính đột phá trong tư duy lập pháp – không giới hạn phạm vi những tranh chấp, yêu cầu được giải quyết tại Tòa án: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.[4]
Điều này được hiểu là pháp luật không giới hạn phạm vi thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự, đồng nghĩa với việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết mọi vấn đề không phụ thuộc vào việc vấn đề đó đã được pháp luật điều chỉnh hay chưa.
Định hướng này trong Dự thảo đã dẫn đến hai luồng quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau:
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì Tòa án phải giải quyết. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhà nước bảo vệ tất cả quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Cái gì dân yêu cầu chính đáng thì phải được các cơ quan chức năng giải quyết. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Nếu Tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Việc Tòa án từ chối thụ lý, giải quyết sẽ không bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp. Đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.[5]
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Dự thảo quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự sẽ dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện của cơ quan tố tụng, đề xuất của Dự thảo không phù hợp, thiếu tính khả thi vì khi đã có quy định này thì số vụ việc người dân gửi đến Tòa án sẽ tăng đột biến và rất nhiều trong số đó Tòa án không thể chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, hoặc dù chấp nhận thì cơ quan thi hành án cũng không bao giờ thi hành được. Việc này vô hình trung đã làm mất thời gian, tiền bạc của người dân, Tòa án phải bố trí thêm cán bộ, kinh phí và cơ sở vật chất để giải quyết, xã hội sẽ thiếu ổn định hơn. Trong đời sống có thể nảy sinh nhiều quan hệ xã hội mà chưa được pháp luật quy định khi có tranh chấp được giải quyết bằng nhiều hình thức bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau như: tranh chấp trong dòng tộc, do trưởng tộc và dòng họ giải quyết; tranh chấp trong các tổ chức hội đoàn, tổ chức tôn giáo sẽ do hội đồng, người đứng đầu tôn giáo giải quyết, sau nữa có các tổ hòa giải và chính quyền cơ sở. Các tranh chấp này đang được giải quyết một cách triệt để, ổn thỏa, xã hội ổn định mà không cần đến sự can thiệp của Tòa án. Khi cho phép bất kỳ việc kiện dân sự nào cũng đưa đến Tòa án để giải quyết không những không giải quyết được mà còn làm cho xã hội có thể bất ổn hơn. Quy định này chưa phù hợp với quy định của việc xây dựng nhà nước pháp quyền là “sống và làm việc theo pháp luật” và cũng chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cũng chưa thật phù hợp về việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân vì bảo vệ công lý là bảo vệ quyền của các đương sự, không chỉ bảo vệ cho những người có yêu cầu mà thực chất phải bảo vệ tất cả đương sự trong vụ kiện dân sự. Đặc biệt khi xét xử Hội đồng xét xử phải căn cứ quy định của pháp luật mới đưa ra những phán quyết đúng người, đúng việc, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức cá nhân. Chỉ đúng căn cứ pháp luật thì mới xác định được đúng sai và trên cơ sở đó mới là căn cứ để kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.[6]
Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi đồng quan điểm với nhóm ý kiến thứ hai bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, nguyên tắc hoạt động của cơ quan tố tụng trong nhà nước pháp quyền là tuân thủ đúng pháp luật, lấy pháp luật làm căn cứ để giải quyết. Vì vậy khi giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án phải tuân thủ song song hai mảng pháp luật gồm: pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung. Trong đó, pháp luật tố tụng là phương tiện pháp lý để Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng nhắm tới mục đích giải quyết các yêu cầu của đương sự. Pháp luật nội dung là căn cứ pháp lý được viện dẫn để phân xử quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên. Tính “thượng tôn pháp luật” là kim chỉ nam của mọi hoạt động tố tụng. Điều này được thể chế hóa một cách rõ ràng trong toàn bộ hệ thống pháp luật gồm Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.[7] Vì vậy khi bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên luôn luôn phải đánh giá tính hợp pháp của phán quyết. Phán quyết trái pháp luật phải bị hủy hoặc bị sửa.
Thứ hai, nếu áp dụng như định hướng của Điều 4 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự thì thực tiễn xét xử sẽ được thể hiện hai mảng song song: một mảng là những trường hợp đã được luật điều chỉnh thì Tòa án căn cứ vào pháp luật để giải quyết. Mảng thứ hai, những vấn đề luật chưa quy định thì Tòa án căn cứ vào phong tục tập quán, quan điểm chủ quan của Hội đồng xét xử để giải quyết. Tuy nhiên, phong tục tập quán rất đa dạng, vì nước ta có nhiều dân tộc, nhiều vùng miền khác nhau nên cách giải quyết các tranh chấp phát sinh cũng rất khác nhau. Khó có thể xác định tiêu chí nào, cơ sở nào để lựa chọn tập quán áp dụng cho vụ việc dân sự. Nếu dựa vào phong tục, tập quán để quyết định thì cùng một vụ việc, các Tòa án khác nhau có thể giải quyết và cho ra các kết quả rất khác nhau. Điều này dễ dẫn đến sự tùy tiện, lạm dụng quan điểm cá nhân trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Như vậy, nếu có những vụ việc dân sự không có luật làm căn cứ để giải quyết mà Tòa án vẫn giải quyết thì không những vi hiến mà còn không có chuẩn mực, cơ sở để đánh giá tính hợp pháp của các phán quyết đó. Thậm chí sẽ có nhiều trường hợp trên lãnh thổ cùng một loại tranh chấp có tính chất như nhau nhưng vì không có luật điều chỉnh nên Tòa án mỗi nơi sẽ phán quyết khác nhau. Nếu chỉ nhìn nhận ở khía cạnh đáp ứng mọi yêu cầu của người dân, quan niệm Tòa án không được từ chối giải quyết khi có đơn là phù hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh bảo đảm tính hợp pháp của các phán quyết do Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước ban hành, quan niệm trên lại không phù hợp. Hơn nữa, Tòa án ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích con người, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, còn phải bảo vệ quyền, lợi ích của đất nước. Vì vậy, những việc lợi dụng khởi kiện xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, Tòa án nhất định phải từ chối đồng thời nghiêm trị nếu có hành vi vi phạm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến chế độ chính trị.[8]
Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định Tòa án không được quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự khi có đơn yêu cầu chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Việt Nam không phải là nước theo hệ thống án lệ, vì vậy án lệ không phải là nguồn luật, Tòa án nhân dân xét xử, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 không thừa nhận các căn cứ khác ngoài luật mà nhấn mạnh rằng: “chỉ tuân theo pháp luật”. Việc xây dựng án lệ ở Việt Nam theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được xác định theo hướng: “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử”.[9]
Như vậy, thực chất án lệ mà Việt Nam chúng ta dự kiến áp dụng trong tố tụng không phải là bản án đó khi xét xử không có luật để áp dụng mà thực chất là những bản án chuẩn mực trong áp dụng pháp luật (cả về pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung) mà Tòa án lấy làm chuẩn thống nhất trong hoạt động xét xử. Án lệ ở Việt Nam nếu có chính là các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cả hình thức và nội dung được coi là chuẩn mực, được Tòa án tối cao lựa chọn làm khuôn mẫu, để tất cả các Tòa án nếu gặp tranh chấp tương tự thì căn cứ vào bản án mẫu để giải quyết, đảm bảo áp dụng thống nhất ở các Tòa án. Do đó, quan điểm này hoàn toàn phù hợp, cần được triển khai và không làm cho hoạt động tố tụng của Tòa án đi theo hướng của những nước theo hệ thống án lệ thông thường trên thế giới.
Xem thêm bài viết về “Tòa án“:
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Giải quyết các yêu cầu về kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân – Những vấn đề cần sửa đổi của Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam – ThS. Ủ Thị Bạch Yến
- Chức năng bảo hiến của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 2013 – PGS.TS. Trần Văn Độ
- Hiến pháp 2013 và định hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 – TS. Phan Nhật Thanh
- Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
2. Bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự
Khoản 5 điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Đối chiếu với quy định này cho thấy, trong hệ thống pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa xuất hiện thuật ngữ “tranh tụng”, chỉ có thuật ngữ “tranh luận” được quy định tại các Điều 23a: “Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự”, Điều 232: “Trình tự phát biểu khi tranh luận”, Điều 233: “Phát biểu khi tranh luận và đối đáp” và Điều 273: “Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm”.
Trong thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cũng chưa ghi nhận quyền tranh tụng cụ thể mà chỉ dừng lại ở việc cho đương sự có quyền cung cấp chứng cứ khi gửi đơn yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, còn trong diễn biến của phiên tòa đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hầu như không có cơ hội thực hiện quyền tranh tụng vì luật tố tụng dân sự không bắt buộc Tòa án phải triệu tập đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự tuy đã có đề cập tranh tụng, tuy nhiên Dự thảo còn nhầm lẫn giữa tranh luận và tranh tụng, đồng thời chưa có quy định về tranh tụng một cách xuyên suốt, thống nhất trong quá trình tố tụng. Cụ thể, tại Điều 25 về nguyên tắc tranh tụng, Điều 247 Dự thảo quy định: “Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa”, còn phần phiên tòa phúc thẩm Dự thảo lại quy định ở Điều 303 về: “tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm” đồng thời lại hiểu tranh luận ở phiên tòa phúc thẩm là tranh tụng. Trong khi đó ở phần về phiên tòa sơ thẩm thì dự thảo quy định tranh tụng và tranh luận là khác nhau (Điều 247 và Điều 260, 261). Các phần của Dự thảo về thủ tục rút gọn, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cũng chưa có quy định về tranh tụng.
Chúng tôi cho rằng, bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm tính khách quan trong phán quyết của Tòa án, bảo đảm công lý và quyền con người. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự cần giải quyết được các vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cần khẳng định rõ trong Điều 25 Dự thảo: quyền tranh tụng được áp dụng trong tất cả quá trình tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự; quyền tranh tụng thuộc về đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; quyền tranh tụng được Tòa án bảo đảm thực hiện một cách bình đẳng và đúng pháp luật; quyền tranh tụng được bảo đảm từ khi bắt đầu quá trình tố tụng đến khi kết thúc quá trình tố tụng của vụ việc dân sự tại Tòa án trong tất cả các trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền tranh tụng được áp dụng trong cả thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục tố tụng rút gọn.
Thứ hai, sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng đương sự và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp được quyền tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì mới có thể bảo đảm quyền tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng. Hiện tại, cả Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Dự thảo mới chỉ thừa nhận quyền tham gia phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm mà chưa thừa nhận quyền tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự, đại diện của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ ba, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự cần bổ sung quyền tranh tụng vào các điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ tư, trong quy định về các phần phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cần có sự thống nhất rằng: quyền tranh tụng được bảo đảm thực hiện trong quá trình diễn ra phiên tòa. Cần có sự phân biệt giữa tranh tụng và tranh luận tại các phiên tòa một cách rõ ràng rằng: phần tranh luận trong diễn biến của phiên tòa là một biểu hiện của việc bảo đảm quyền tranh tụng. Ngoài ra, đương sự và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp còn được thực hiện nhiều hành vi tố tụng khác trong phiên tòa nhằm thực hiện quyền tranh tụng. Như vậy phải có quan điểm thống nhất và quy định một cách đầy đủ về phần tranh luận trong các phiên tòa dân sự. Điều này cả Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và cả Dự thảo sửa đổi hiện nay vẫn còn chưa đề cập một cách hợp lý.
3. Bảo đảm quyền yêu cầu áp dụng, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự
Yêu cầu áp dụng, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những quyền tố tụng quan trọng của đương sự. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 99 đến Điều 126) và Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 105 đến Điều 133) đã có các quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự về Biện pháp khẩn cấp tạm thời còn chưa đầy đủ. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền tố tụng và quyền lợi, ích hợp pháp của đương sự.
Chúng tôi đề xuất các nhà soạn thảo Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự quan tâm đến các vấn đề sau đây liên quan đến việc bảo đảm quyền yêu cầu áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự:
Thứ nhất, về phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự: cần bổ sung quy định về việc đương sự được quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng giải quyết việc dân sự. Hiện tại các quy định từ Điều 99 đến Điều 126 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 mới chỉ thừa nhận áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng giải quyết vụ án mà chưa thừa nhận rõ ràng vấn đề này trong thủ tục giải quyết việc dân sự.
Thứ hai, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với yêu cầu khởi kiện, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành đã mở rộng hơn phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng cho phép đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng không cho phép yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện vụ án hoặc không gắn với việc khởi kiện.
Pháp luật tố tụng dân sự các nước, pháp luật quốc tế và pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đều có quan điểm thống nhất về mục đích áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự tại Tòa án là để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Trong thực tiễn, nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự có khi nhắm tới đạt được tất cả các mục đích nêu trên nhưng cũng có những trường hợp đương sự chỉ mong muốn đạt được một trong các mục đích đó mà thôi. Việc lựa chọn nhắm tới mục đích nào khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoàn toàn thuộc quyền quyết định và định đoạt của các đương sự.
Như vậy, xét về nhu cầu thực tế cũng như yêu cầu đảm bảo quyền con người trong tố tụng dân sự, việc không thừa nhận áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập với việc khởi kiện là không đáp ứng được một phần mục đích của biện pháp khẩn cấp tạm thời và hậu quả là các đương sự sẽ gánh chịu các thiệt hại đối với lợi ích hợp pháp của họ. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp được áp dụng trong tình thế cấp thiết và phải được áp dụng ngay, nếu phải qua khởi kiện mới áp dụng được thì trong nhiều trường hợp việc áp dụng sẽ chậm trễ, không đạt được kết quả và thiệt hại đã phát sinh cho người có quyền. Mặt khác, trong thực tế nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn yêu cầu Tòa án áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền lợi của mình mà không muốn khởi kiện hoặc sau đó tự giải quyết tranh chấp nên không khởi kiện.
Đối chiếu với pháp luật quốc tế thì quy định trên cũng chưa đảm bảo tính tương thích bởi nhiều văn bản điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và thừa nhận đều khẳng định việc cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập với việc khởi kiện nếu đương sự có nhu cầu. Điều 50 Hiệp định TRIPS quy định:
“Các cơ quan xét xử cũng phải có quyền ra lệnh áp dụng một cách khẩn cấp và hữu hiệu các biện pháp tạm thời:
- Nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm bất kỳ loại quyền sở hữu trí tuệ nào, và đặc biệt nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu vào các kênh thương mại thuộc phạm vi quyền hạn của mình ngay sau khi hoàn thành thủ tục hải quan;
- Nhằm bảo tồn các chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện là xâm phạm quyền”.[10]
Khoản 1 Điều 13 của Hiệp định giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về Quan hệ thương mại (BTA) cũng quy định: “Mỗi bên cho phép các cơ quan tư pháp của mình được ban hành lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách kịp thời và có hiệu quả: a. Để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa bị kiện là xâm phạm vào các kênh thương mại thuộc thẩm quyền tài phán của họ, kể cả hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục hải quan”.
Xét về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, sự hạn chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập với việc khởi kiện trong tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành cũng thể hiện nhiều bất cập, không bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng tòa án. Cụ thể, ngay quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 340, 341) cho thấy đối với các vụ tranh chấp khởi kiện tại Trọng tài thương mại, không khởi kiện tại Tòa án nhân dân thì đương sự trong vụ kiện tại trọng tài thương mại vẫn được quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách độc lập với vụ kiện. Trong khi đó nếu đương sự lựa chọn tố tụng Tòa án thì lại chỉ được quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kể từ thời điểm có đơn khởi kiện vụ tranh chấp tại Tòa án. Bên cạnh đó Điều 1 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay năm 2010 quy định: “Pháp lệnh này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay để bảo đảm lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay”. Điều 1 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008 cũng quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập với việc khởi kiện.
Thứ ba, về hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 chưa có quy định về việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho các trường hợp sau đây:
– Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện, sau khi xem xét điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phụ trách ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng sau đó người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí để thụ lý vụ án;
– Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện, sau khi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý vụ án;
– Trường hợp Tòa án thụ lý vụ án và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng sau đó đương sự rút đơn khởi kiện nên Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án;
– Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng sau đó các đương sự thỏa thuận giải quyết tranh chấp và được Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì cũng không có quy định cụ thể về việc hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành.
Điều 129 của Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự có đề cập một vài trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, Dự thảo cũng chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền, thủ tục hủy bỏ các quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành và chế tài đối với các chủ thể tố tụng trong trường hợp không áp dụng pháp luật để hủy bỏ quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Những hạn chế trên đây trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thật sự cần được bàn luận và đưa vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời điểm hiện nay để hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhằm đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, thực hiện mục đích xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp để bảo đảm hiệu quả nhất quyền con người trong hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân./.
Xem thêm bài viết về “Quyền con người“:
- Quyền con người về an sinh xã hội trong pháp luật quốc tế và Việt Nam – TS. Nguyễn Hiền Phương
- Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Hiến pháp 2013 và nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
- Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người – ThS. Đặng Công Cường
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Phó Trưởng Khoa luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
[2] Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
[3] Điều 4 và Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
[4] Điều 4 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự.
[5] Ý kiến thảo luận tại diễn đàn Quốc hội của các Đại biểu: Trần Tiến Dũng; Hà Hùng Cường; Trần Du Lịch…
[6] Ý kiến thảo luận tại diễn đàn Quốc hội của các Đại biểu quốc hội: Phạm Xuân Thường; Dương Ngọc Ngưu; Đặng Đình Luyến; Trần Đình Nhã; Trần Thị Quốc Khánh…
[7] Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
[8] Trình bày của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII.
[9] Khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[10] Hiệp định TRIPS là Phụ lục 1c của Hiệp định Thành lập WTO, quy định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Việt Nam chính thức gia nhập WTO ngày 07/11/2006).
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Phương*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 03-09
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời