Không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu
TÓM TẮT
Về nguyên tắc, việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào ý chí của bị hại và người đại diện của họ. Tuy nhiên, đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu, việc không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố có thể dẫn đến việc không khởi tố, vụ án bị đình chỉ. Bài viết phân tích các điều kiện và hậu quả pháp lý của không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố, trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về lĩnh vực này.
Xem thêm bài viết về “Khởi tố theo yêu cầu”
Tội phạm xảy ra làm xuất hiện quan hệ pháp luật hình sự giữa Nhà nước và người thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ Nhà nước mới có quyền truy cứu hoặc tha miễn trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, khởi tố vụ án hình sự là quyền chủ động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, không phụ thuộc vào ý chí của bị hại hoặc người đại diện của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của họ là điều kiện bắt buộc để khởi tố vụ án hình sự. Đó là một số tội xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không phải là rất lớn hoặc đặc biệt lớn, không có tình tiết định khung tăng nặng, nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố có thể gây thêm những tổn thất về tinh thần, làm lộ bí mật đời tư của bị hại, phá vỡ sự tha thứ, hòa giải và thỏa thuận bồi thường giữa các bên. Nếu như yêu cầu khởi tố là điều kiện để khởi tố vụ án thì không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố ảnh hưởng thế nào đến việc giải quyết vụ án? Bài viết phân tích các nội dung pháp lý về điều kiện và hậu quả của không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu.
1. Điều kiện không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Việc không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố chỉ đặt ra trong các trường hợp và đối với các chủ thể nhất định.
1.1. Các trường hợp không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Việc không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố được đặt ra đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu. Tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu thì bị hại và người đại diện mới có quyền không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố. Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đó là các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, hiếp dâm, cưỡng dâm, làm nhục người khác, vu khống, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Như vậy, các trường hợp không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố bị giới hạn về tội danh và loại tội phạm.
Tội phạm không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu thì việc không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự. Việc xử lý các tội phạm không thuộc các điều, khoản nói trên là quyền chủ động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, không phụ thuộc vào ý chí của bị hại và người đại diện. Vì vậy, trường hợp vụ án đã khởi tố theo yêu cầu, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, xác định được tội phạm không thuộc điều, khoản quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 thì việc rút yêu cầu khởi tố không dẫn đến hậu quả “vụ án phải được đình chỉ”. Trường hợp này, “các điều kiện về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại không còn tồn tại nữa, do đó, người đã yêu cầu khởi tố không có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự trước đó hoặc nếu người đã yêu cầu khởi tố có rút yêu cầu thì cũng không làm chấm dứt việc tiến hành tố tụng”.[1] Ngược lại, vụ án đã được cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, xác định được tội phạm thuộc điều, khoản quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 mà bị hại và người đại diện không yêu cầu khởi tố thì phải chấm dứt tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự chỉ quy định việc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp thay đổi tội danh; không được thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu chỉ thay đổi khung hình phạt trong cùng tội danh đã khởi tố (Điều 156, 180 BLTTHS năm 2015). Vì vậy, trường hợp vụ án đã khởi tố theo yêu cầu, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, xác định được tội phạm không thuộc điều, khoản quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 nhưng không được thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có căn cứ để không chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố. Ngược lại, trường hợp vụ án đã được cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, xác định được tội phạm thuộc điều, khoản quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 nhưng không được thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có căn cứ để bị hại và người đại diện yêu cầu tiếp tục hoặc chấm dứt tố tụng. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và người đại diện, BLTTHS năm 2015 cần bổ sung quy định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cả trong trường hợp thay đổi khung hình phạt trong cùng tội danh đã khởi tố.
Ngoài các trường hợp không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố vụ án nói trên, bị hại và người đại diện có thể tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác nhưng đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015). Miễn trách nhiệm hình sự do hòa giải có ý nghĩa tương đồng nhất định với không khởi tố, vụ án bị đình chỉ do không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố, bởi vì miễn trách nhiệm hình sự do hòa giải “không chỉ có ý nghĩa giáo dục người phạm tội, tiết kiệm thời gian, tiền của cho xã hội, giảm bớt áp lực công việc cho người và cơ quan tiến hành tố tụng mà còn có ý nghĩa góp phần cải thiện mối quan hệ giữa người với người trong xã hội dù trước đó họ là “đối địch của nhau”. [2] Tuy nhiên, các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do hòa giải có phạm vi rộng hơn các trường hợp không khởi tố, vụ án bị đình chỉ do không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố. Hậu quả pháp lý cũng khác nhau: miễn trách nhiệm hình sự là tùy nghi, còn không khởi tố, vụ án bị đình chỉ là bắt buộc.
1.2. Chủ thể không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
1.2.1. Chủ thể không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Chủ thể không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là bị hại và người đại diện của họ (khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015). [3]
Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra (khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015). Như vậy, phạm vi chủ thể có tư cách bị hại rộng hơn so với quy định của BLTTHS năm 2003: bị hại không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức. Do đó, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 226 BLHS năm 2015 có quyền không yêu cầu khởi tố vụ án với tư cách bị hại. Trong khi đó, theo quy định của BLTTHS năm 2003, cơ quan, tổ chức này không phải là bị hại mà chỉ tham gia tố tụng hình sự với tư cách nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đây không phải là tư cách tố tụng có quyền yêu cầu hay không yêu cầu khởi tố vụ án, bởi vì Điều 105 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
Người đại diện của bị hại có quyền không yêu cầu khởi tố trong trường hợp: “bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết” (khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015). BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể người đại diện đối với trường hợp bị hại đã chết. Sự mở rộng này là hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đã chết.
BLTTHS năm 2015 không đòi hỏi tất cả bị hại và người đại diện của họ đều yêu cầu khởi tố thì mới được khởi tố vụ án hình sự. Nếu chỉ vì một trong số họ không yêu cầu khởi tố mà không được khởi tố vụ án thì không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người muốn yêu cầu khởi tố. Thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cho thấy nếu chỉ một trong số bị hại yêu cầu khởi tố thì vẫn được khởi tố vụ án nhưng Tòa án không được kết án bị cáo phạm tội với nhiều người.[4] Hệ quả rút ra là trường hợp có nhiều bị hại và người đại diện, việc không yêu cầu khởi tố vụ án phải là ý chí chung của họ. Vì vậy, quy định tại khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015 không được khởi tố vụ án trong trường hợp bị hại “hoặc” người đại diện của họ không yêu cầu là không đúng. Điều khoản này cần được sửa đổi theo hướng: đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại “và” người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố thì không được khởi tố vụ án hình sự.
Về ý chí, việc không yêu cầu khởi tố vụ án phải là tự nguyện. Ý chí không yêu cầu khởi tố vụ án thể hiện dưới hình thức hành động (bị hại và người đại diện có đơn yêu cầu hoặc trực tiếp trình bày). Ý chí không yêu cầu khởi tố còn được suy đoán qua hình thức không hành động (bị hại và người đại diện không có đơn yêu cầu hoặc không trực tiếp trình bày). Tuy nhiên, khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015 không quy định cách giải quyết trong trường hợp không yêu cầu khởi tố vụ án do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều 155 BLTTHS năm 2015 cũng không quy định quyền yêu cầu khởi tố lại trong trường hợp không yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức. Đây là thiếu sót cần khắc phục.
1.2.2. Chủ thể rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Chủ thể rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là “người đã yêu cầu khởi tố” (khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015). Người đã yêu cầu khởi tố có thể là bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Yêu cầu khởi tố của bị hại và người đại diện là những yêu cầu độc lập. Yêu cầu khởi tố của chủ thể này không cần sự đồng ý của chủ thể kia. Vì vậy, chỉ người đã yêu cầu mới được rút yêu cầu khởi tố của mình.
Rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự phải là hành vi tự nguyện. Trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái ý muốn do bị ép buộc, cưỡng bức thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền yêu cầu khởi tố lại trong trường hợp rút yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức (khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015).
Xem thêm bài viết về “Tội phạm”
- Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp 2013 trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
- Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam nhìn từ yêu cầu phát triển bền vững thị trường chứng khoán – ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước Chống tra tấn của Liên hợp quốc – TS. Lê Nguyên Thanh
- Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999 – TS. Vũ Thị Thúy
2. Hậu quả pháp lý của không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
2.1. Hậu quả pháp lý của không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu, việc không yêu cầu khởi tố là căn cứ để quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.
2.1.1. Không khởi tố vụ án hình sự
Theo quy định tại khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015, không yêu cầu khởi tố đối với tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu là một trong những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Đây là quy định mới của BLTTHS năm 2015, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu của thực tiễn.[5]
Thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án thuộc về “người có quyền khởi tố vụ án” (khoản 1 Điều 158 BLTTHS năm 2015). Vậy người có quyền khởi tố vụ án đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu là ai? Các BLTTHS năm 1988, năm 2003 và năm 2015 không quy định cụ thể chủ thể có quyền khởi tố vụ án đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định tại tiểu mục 7.2, mục 7 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 7/9/2005, có thể xác định chủ thể có quyền khởi tố vụ án theo yêu cầu là Cơ quan điều tra: “Yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án”. BLTTHS năm 2015 cần quy định rõ thẩm quyền khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của họ là Cơ quan điều tra; từ đó, bằng kỹ thuật dẫn chiếu, có thể xác định thẩm quyền quyết định không khởi tố vụ án cũng thuộc về Cơ quan điều tra. Cụ thể, khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi như sau: “Cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
Trường hợp không yêu cầu khởi tố dưới hình thức hành động (bị hại và người đại diện của họ có đơn yêu cầu hoặc trực tiếp trình bày), cơ quan điều tra có thể ra ngay quyết định không khởi tố vụ án. Trường hợp không yêu cầu khởi tố dưới hình thức không hành động (bị hại và người đại diện của họ không có đơn yêu cầu hoặc không đến trực tiếp trình bày), Cơ quan điều tra chỉ ra quyết định không khởi tố vụ án khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015, khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tối đa 4 tháng, kể cả gia hạn), một trong những quyết định mà Cơ quan điều tra phải ra là quyết định không khởi tố vụ án. Vì vậy, trường hợp tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện của họ không có đơn yêu cầu hoặc không đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra chỉ ra quyết định không khởi tố vụ án khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
2.1.2. Hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 158 BLTTHS năm 2015, nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì “người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự”. Như vậy, thẩm quyền hủy quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp này thuộc về Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Khi thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát cũng có quyền hủy quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra không có căn cứ và trái pháp luật (điểm b khoản 1 Điều 161 BLTTHS năm 2015). Nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu, nhưng Cơ quan điều tra vẫn ra quyết định khởi tố vụ án thì quyết định này là “không có căn cứ và trái pháp luật”. Theo quy định tại tiểu mục 7.1, mục 7 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 7/9/2005, Viện kiểm sát chỉ ra quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án nếu Viện kiểm sát đã có văn bản yêu cầu mà Cơ quan điều tra không ra quyết định hủy bỏ. Quy định này bảo đảm quan hệ phối hợp – chế ước giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, cần được tiếp thu khi áp dụng BLTTHS năm 2015.
2.1.3. Đình chỉ điều tra
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra nếu có căn cứ tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu.
Vấn đề đặt ra là cùng căn cứ: tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu, Cơ quan điều tra khi nào ra quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án, khi nào ra quyết định đình chỉ điều tra? Để làm rõ vấn đề này cần hiểu thế nào là đình chỉ điều tra. Đình chỉ điều tra là việc cơ quan có thẩm quyền điều tra chấm dứt tiến hành điều tra đối với vụ án hoặc bị can trong những trường hợp do pháp luật quy định.[6] Đình chỉ điều tra phải là đình chỉ đối với hoạt động điều tra (hoạt động điều tra là các hoạt động được quy định từ chương XI đến chương XV BLTTHS năm 2015). Vì vậy, sau khi có quyết định khởi tố vụ án, nếu Cơ quan điều tra chưa tiến hành hoạt động điều tra thì hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, nếu đã tiến hành hoạt động điều tra thì đình chỉ điều tra.
2.1.4. Đình chỉ vụ án
a. Viện kiểm sát đình chỉ vụ án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án nếu có căn cứ tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án trong thời hạn kể từ khi thụ lý hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra đến trước khi chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm. Quy định Viện kiểm sát đình chỉ vụ án do tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu là quy định mới của BLTTHS năm 2015, tạo cơ sở pháp lý nhanh chóng kết thúc giải quyết vụ án, tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng.
b. Tòa án đình chỉ vụ án
BLTTHS năm 2015 chưa quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Vì vậy, khi chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa sơ thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Tòa án không được ra quyết định đình chỉ vụ án theo điểm a khoản 1 Điều 282 hoặc khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 mà phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo điểm d khoản 1 Điều 280 hoặc điểm c khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015 (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng). Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát mới ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015. Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Tòa án không được hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015 mà phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo điểm c khoản 1 Điều 358 BLTTHS năm 2015 (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng). Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra mới ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015. Trong khi đó, tại phiên tòa giám đốc thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ngay theo Điều 392 BLTTHS năm 2015. Việc chấm dứt tố tụng ngay lập tức như vậy tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 cần bổ sung theo hướng quy định Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có quyền đình chỉ vụ án nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu.
2.2. Hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
2.2.1. Vụ án phải được đình chỉ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là “vụ án phải được đình chỉ”. Hậu quả pháp lý này được cụ thể hóa bằng việc đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, tùy theo giai đoạn tố tụng xảy ra sự kiện pháp lý rút yêu cầu.
Trong giai đoạn điều tra, nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra (điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015).
Trong giai đoạn truy tố, nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu thì Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án (khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015).
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án (điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003, thời điểm rút yêu cầu khởi tố là “trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm”. Vì vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố các bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật.[7] Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 đã bỏ quy định về thời điểm rút yêu cầu khởi tố. Nói cách khác, pháp luật “mở rộng quyền rút yêu cầu của bị hại; bị hại được rút yêu cầu khởi tố không chỉ trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Quy định như vậy là hợp lí và tôn trọng quyền của bị hại”,[8] “tháo gỡ những vướng mắc trong trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm khác như tại phiên tòa”.[9] Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể Tòa án phải đình chỉ vụ án nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm và các giai đoạn tố tụng sau đó. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại thì người đã yêu cầu khởi tố mới có cơ hội làm cho vụ án bị đình chỉ bằng việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, Tòa án đều có căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại. Chúng tôi tán thành quan điểm “theo nguyên tắc, mọi người được làm những gì pháp luật không cấm, được thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép trong phạm vi luật định, thì theo Điều 155 BLTTHS, bị hại hoặc người đại diện của bị hại… có quyền lựa chọn, quyết định thực hiện việc rút yêu cầu khởi tố vào thời điểm trước hoặc sau khi mở phiên tòa. Quyền rút yêu cầu khởi tố của người đã yêu cầu khởi tố gắn liền với nghĩa vụ thực hiện việc quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.[10] Vì vậy, BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án.
2.2.2. Hậu quả pháp lý khác
Ngoài việc “vụ án phải được đình chỉ”, rút yêu cầu khởi tố còn có hậu quả pháp lý khác như không được yêu cầu khởi tố lại và chịu án phí.
Khoản 3 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định “Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”. BLTTHS năm 2015 mở rộng phạm vi chủ thể không có quyền yêu cầu khởi tố lại vụ án đối với cả “người đại diện của bị hại”. Quy định của BLTTHS năm 2015 hợp lý hơn vì chủ thể của quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án là bị hại hoặc người đại diện của họ, thì chủ thể không được yêu cầu khởi tố lại cũng phải là bị hại hoặc người đại diện của họ.
Khoản 3 Điều 136 BLTTHS năm 2015 quy định trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu vụ án bị đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì người bị hại phải trả án phí. Quy định bị hại chịu án phí đúng trong trường hợp bị hại là chủ thể yêu cầu, đồng thời là chủ thể rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, quy định này không hợp lý trong trường hợp bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc đã chết, việc yêu cầu khởi tố vụ án do người đại diện hợp pháp của họ tự thực hiện. Vì vậy, khoản 3 Điều 136 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng: trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc của người đại diện của bị hại, nếu vụ án bị đình chỉ do người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố thì bị hại hoặc người đại diện của bị hại phải trả án phí.
Kết luận
Những phân tích trên đây cho thấy sự phát triển nhất định của chế định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn pháp luật trong lĩnh vực này cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015, đặc biệt là những quy định về hậu quả pháp lý của không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố.
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về hậu quả pháp lý của không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Để bảo đảm việc không yêu cầu khởi tố vụ án thể hiện sự tự do ý chí của bị hại và người đại diện, phản ánh ý chí chung của họ, cần sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015: “Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau: … 8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại và người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp không yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức”; bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015: “Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền yêu cầu khởi tố lại trong trường hợp không yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức”. Để có cơ sở pháp lý cho Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đình chỉ vụ án trong trường hợp bị hại và người đại diện không yêu cầu khởi tố, cần bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 282 dẫn chiếu đến khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại… các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này”; bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 359 dẫn chiếu đến khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Để cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 về hậu quả pháp lý “vụ án phải được đình chỉ” trong trường hợp người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu khởi tố, cần bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 299 và khoản 6 Điều 326: “Hội đồng xét xử sơ thẩm đình chỉ vụ án nếu có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này”; bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 359: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”; bổ sung quy định tại Điều 392: “Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc Điều 157 của Bộ luật này”.
CHÚ THÍCH
[1] Vũ Gia Lâm, “Thay đổi quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát, (12), 2017, tr. 30.
[2] Cao Thị Oanh, Lê Đăng Doanh (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2016, tr. 62.
[3] BLTTHS năm 2015 sử dụng không thống nhất thuật ngữ “điểm” hay “khoản” trong Điều 157. Khi dẫn chiếu đến nội dung Điều 157, có 3 điều luật sử dụng thuật ngữ “khoản” (Điều 235, 249 và 359), 1 điều luật sử dụng thuật ngữ “điểm” (Điều 282).
[4] Kháng nghị giám đốc thẩm số 25/VKSTC-V3 ngày 06/10/2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[5] Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 129, 149; Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 274.
[6] Nguyễn Văn Huyên, Lê Lan Chi (chủ biên), Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2016, tr. 303.
[7] Quyết định giám đốc thẩm số 34/2006/HS-GĐT ngày 26/9/2006 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao.
[8] Nguyễn Văn Khánh, “Về quy định “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại” tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (05), 2017, tr. 45.
[9] Lương Văn Công, “Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại”, Tạp chí Kiểm sát, (08), 2016, tr. 62.
[10] Phạm Mạnh Hùng, “Vấn đề khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, (03), 2016, tr. 6.
- Tác giả: TS. Mai Thanh Hiếu & ThS. Phạm Thái
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(115)/2018 – 2018, Trang 25-32
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời