• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Góp ý sửa đổi BLTTDS – Đúc kết từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc tại TAND

Góp ý sửa đổi BLTTDS – Đúc kết từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc tại TAND

12/05/2020 12/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Về quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ
  • 2. Về quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức
  • 3. Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
  • 4. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ
  • 5. Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự
  • 6. Về quyền yêu cầu của nguyên đơn
  • 7. Về quyền yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
  • 8. Về quy định người ủy quyền cho người khác làm đại diện tham gia tố tụng
  • 9. Về việc ủy thác tống đạt văn bản tố tụng
  • 10. Về điều kiện về nội dung khi áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời
  • 11. Về vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
  • 12. Về quy định các căn cứ hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
  • 13. Về nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng chi phí trong tố tụng
  • 14. Về trường hợp tống đạt trực tiếp cho cá nhân
  • 15. Về trường hợp đương sự khởi kiện bổ sung yêu cầu mới
  • 16. Về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập
  • 17. Về trường hợp không hòa giải
  • 18. Về thành phần tham gia phiên hòa giải
  • 19. Về trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án
  • 20. Về trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm
  • 21. Về các căn cứ hủy án sơ thẩm của cấp phúc thẩm
  • 22. Về các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm
  • 23. Về một số trường hợp phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng

Bài viết: Góp ý sửa đổi bộ luật tố tụng dân sự – đúc kết từ kinh nghiệm giải quyết vụ việc tại TAND

  • Tác giả: Quách Hữu Thái*
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 35-42

TÓM TẮT

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật và tác động mạnh mẽ, thường xuyên đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, BLTTDS hiện hành đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Những khiếm khuyết của BLTTDS là do có nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn, mà ngay từ khi ra đời nó đã không đáp ứng được nhu cầu xã hội chứ không chờ đến khi có sự thay đổi những quan hệ xã hội. Qua thực tiễn áp dụng hàng ngày, chúng tôi thấy cần có những đề xuất nhất định nhằm ban hành một BLTTDS phù hợp thực tiễn hơn.

ABSTRACT:

The Civil Procedue Code plays an important role in the legal system and has a frequent, powerful impact on social life. However, the current Civil Procedure Code has not met the requirements of practicality. The defect of the Civil Procedue Code is due to the inconsistent with the practice, which have failed to meet social demand at the beginning. Through daily practical application, it is necessery to offer certain suggestions to issue a Civil Procedure Code which is more consistent with the practice.

TỪ KHÓA:

1. Về quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ

Điều 7 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS năm 2004) quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ khi có yêu cầu. Đây là một quy định tiến bộ, nếu thực hiện đúng sẽ góp phần đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án dân sự, đảm bảo kết quả giải quyết được khách quan. Tuy nhiên, trong thực tiễn hầu như quy định này rất khó áp dụng do không quy định chế tài kèm theo và cơ chế để thực hiện chế tài. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ rất ít khi cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và Tòa án cũng không có biện pháp gì để để buộc họ cung cấp. Vì thế, chúng tôi đề nghị bổ sung quy định về chế tài đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện trách nhiệm cung cấp chứng cứ.

2. Về quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức

Điều 32a BLTTDS năm 2004 quy định khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức. Theo nội dung điều luật, chỉ trong trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng là trái pháp luật Tòa án mới có quyền hủy quyết định đó. Và trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt mới tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, để xác định thế nào là “rõ ràng trái pháp luật” là một điều không đơn giản.Theo chúng tôi, nên quy định hẳn trong điều luật khi có yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì phải đưa cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành quyết định vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, theo chúng tôi chỉ cần quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó… Khi có yêu cầu của đương sự về hủy quyết định cá biệt, thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng”.

3. Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

Theo Điều 33 BLTTDS năm 2004 thì những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Quy định trên là không hợp lý khi đặt trong xu hướng cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tòa án nhân dân cấp huyện ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoàn toàn đủ khả năng để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

4. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ

Điều 35 BLTTDS năm 2004 quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ không quy định trường hợp: “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Nội dung này lại được quy định trong Điều 36 về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Quy định như trên dẫn đến cách hiểu như hiện nay là chỉ những trường hợp đương sự còn cư trú tại địa chỉ ghi trong đơn kiện trước khi nộp đơn thì mới được thụ lý giải quyết. Điều này dẫn đến việc tồn tại quá nhiều tranh chấp không được giải quyết dễ dẫn đến bất ổn xã hội. Do đó, chúng tôi đề nghị quy định nội dung: “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết” ngay trong khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004, chứ không quy định nội dung này ở Điều 36 như hiện nay.

Ngoài ra, điểm i khoản 1 Điều 36 quy định: trong trường hợp cùng một vụ án mà đối tượng tranh chấp là bất động sản ở nhiều nơi khác nhau thì Tòa án nơi có một trong các bất động sản đó có thẩm quyền giải quyết, nhưng không quy định rõ trong trường hợp có nhiều Tòa án cùng thụ lý giải quyết thì Tòa án nào được phép giải quyết. Do đó, cần quy định cụ thể: “nếu trong trường hợp có nhiều Tòa án cùng thụ lý giải quyết thì Tòa án nào thụ lý trước sẽ có thẩm quyền giải quyết”.

5. Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự

Vấn đề xác định thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là điều gây nhiều tranh cãi trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay. Nhận thức khác nhau giữa các cấp sẽ dẫn đến việc Tòa án cấp trên hủy án của Tòa án cấp dưới.

Khoản 4 Điều 56 BLTTDS năm 2004 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Quy định như BLTTDS năm 2004 là còn mơ hồ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ như những người bị ảnh hưởng một cách gián tiếp thì có được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không? Nếu theo Điều 56 thì khi giải quyết vụ án thừa kế, Tòa án phải đưa tất cả những người đang cư trú trong nhà đang tranh chấp gồm: con rể, con dâu, cháu, người làm công, người ở thuê… vào tham gia tố tụng vì chỗ ở của họ bị ảnh hưởng, nên họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, nếu đưa họ vào tham gia tố tụng thì không giải quyết được vấn đề gì vì họ có đồng ý hay không đồng ý vẫn không thay đổi được bản chất vụ án. Do đó, chúng tôi đề nghị làm rõ nội hàm thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong BLTTDS. Chỉ thật sự cần thiết xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu không đưa họ vào tham gia tố tụng thì vụ án không xét xử được và sẽ làm mất đi quyền khởi kiện của họ. Nếu quyền lợi của họ chỉ liên quan gián tiếp mà họ vẫn có quyền khởi kiện thì không cần thiết phải đưa họ vào tham gia tố tụng. Có như thế mới đẩy nhanh được tốc độ giải quyết các vụ việc dân sự.

6. Về quyền yêu cầu của nguyên đơn

Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn quy định ở Điều 58, 59 BLTTDS năm 2004. Xem xét các quyền này ta thấy còn thiếu trường hợp nguyên đơn có quyền yêu cầu đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong nhiều vụ án, ngoài yêu cầu đối với bị đơn thì nguyên đơn còn có nhiều yêu cầu khác đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà việc giải quyết các yêu cầu này là cần thiết, nhưng BLTTDS hiện hành không quy định quyền này của nguyên đơn. Trong khi đó, BLTTDS năm 2004 lại cho phép người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn nhưng không cho phép nguyên đơn có quyền yêu cầu hoặc phản tố lại yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là điều bất hợp lý.

7. Về quyền yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Điều 60 BLTTDS năm 2004 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Theo chúng tôi, quy định quyền và nghĩa vụ của bị đơn như trên là chưa đầy đủ. Trong nhiều vụ án, bị đơn có yêu cầu độc lập với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến vụ án hoặc có yêu cầu phản tố lại yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, do BLTTDS năm 2004 không quy định quyền yêu cầu độc lập, yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên Tòa án không thể giải quyết yêu cầu này mà lại tách ra hoặc hướng dẫn bị đơn khởi kiện bằng một vụ kiện khác.

BLTTDS năm 2004 không quy định bị đơn có quyền yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng lại cho phép người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đối với cả nguyên đơn và bị đơn (Điều 61 BLTTDS năm 2004). Quy định trong hai điều luật như trên có sự mâu thuẫn nhau. Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm quyền yêu cầu độc lập của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

8. Về quy định người ủy quyền cho người khác làm đại diện tham gia tố tụng

Điều 73, 74 BLTTDS năm 2004 quy định đương sự có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. BLTTDS năm 2004 không quy định trong trường hợp cần thiết thì Tòa án vẫn có quyền triệu tập người đã ủy quyền và người đã ủy quyền phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập, nên gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn giải quyết vụ án.

Tương tự như vậy là trường hợp tống đạt khi đương sự đã ủy quyền. Trong các vụ án dân sự, các đương sự thường hay cố tình gây khó cho Tòa án nhằm mục đích kéo dài thời gian mà một trong những cách thức gây khó là đương sự ủy quyền cho người ở thật xa để thay mặt mình tham gia tố tụng, sau đó tất cả đều không có mặt theo giấy triệu tập. Tòa án phải tiến hành tống đạt cho người được ủy quyền vắng mặt với những thủ tục rất phức tạp và khó khăn. Để hạn chế việc đương sự cố tình gây khó cho Tòa án như trên, BLTTDS cần quy định Tòa án có quyền tống đạt cho người ủy quyền trong trường hợp người được ủy quyền không có mặt theo giấy triệu tập cho dù họ đã ủy quyền cho người khác. Người ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thông báo lại cho người được ủy quyền biết.

9. Về việc ủy thác tống đạt văn bản tố tụng

Văn bản tố tụng không phải là chứng cứ nên không thể áp dụng hình thức ủy thác thu thập chứng cứ theo Điều 93 BLTTDS năm 2004 để ủy thác tống đạt văn bản tố tụng. Có rất nhiều vụ án có đương sự cư trú tại một nơi rất xa, mà việc tống đạt thông qua bưu điện là không hiệu quả (còn nếu thông qua Thừa phát lại thì quá tốn kém), nên Tòa án phải cử người trực tiếp đến tận nơi để tống đạt văn bản cho đương sự. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án đang giải quyết vụ án. Chúng tôi đề nghị sửa tên Điều 93 BLTTDS năm 2004 thành “Ủy thác thu thập chứng cứ và ủy thác tống đạt văn bản tố tụng”, trong đó thêm nội dung ủy thác tống đạt văn bản tố tụng vào nội dung điều luật.

10. Về điều kiện về nội dung khi áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điều 108 BLTTDS năm 2004 về kê biên tài sản đang tranh chấp quy định: “kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản” (Tương tự là Điều 109 BLTTDS năm 2004).

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải đảm bảo tính khẩn cấp như tên gọi của điều luật. Tòa án không thể xác định được việc “có căn cứ cho rằng…”, mà để xác định được thì sẽ mất một khoảng thời gian, nên yếu tố khẩn cấp không được đảm bảo. Theo quy định hiện nay việc công chứng mua bán nhà có thể hoàn tất trong một vài giờ. Nếu Tòa án phải tiến hành thu thập chứng cứ để xem xét là “có căn cứ cho rằng…” thì đương sự đã thực hiện xong việc tẩu tán tài sản. Vì vậy cần quy định nếu có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Tòa án có quyền ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi đương sự thực hiện xong biện pháp bảo đảm trong trường hợp phải áp dụng biện pháp bảo đảm.

11. Về vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điều 120 BLTTDS năm 2004 quy định các trường hợp phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng không quy định cụ thể trong điều luật mức giá trị để buộc đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm, mà chỉ hướng dẫn trong nghị quyết. Theo chúng tôi, cần phải quy định cụ thể mức giá trị này như từ 5% đến 20% giá trị tài sản tranh chấp để việc áp dụng có hiệu quả.

Ngoài ra, cần bổ sung trường hợp đương sự đã có sẵn chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, sổ tiết kiệm, chứng từ chứng minh số dư trên tài khoản… thì Tòa án chỉ cần phong tỏa tài sản trên, mà không cần buộc đương sự phải nộp thêm tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Mặt khác, việc không quy định phải áp dụng biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng hình thức cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi, là còn thiếu sót vì biện pháp này có thể gây thiệt hại lớn cho đương sự (ví dụ như cấm đương sự xuất cảnh…), nhưng lại không có gì bảo đảm trong việc bồi thường thiệt hại.

12. Về quy định các căn cứ hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điều 122 BLTTDS năm 2004 quy định các trường hợp Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng những quy định trên là chưa đầy đủ. Có rất nhiều trường hợp Tòa án cần phải hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không có căn cứ về mặt pháp luật như khi đình chỉ giải quyết vụ án hoặc khi thấy việc áp dụng sai về đối tượng… Vì vậy cần bổ sung thêm trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp vụ án bị đình chỉ giải quyết hoặc những trường hợp khác mà phát hiện việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng.

13. Về nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng chi phí trong tố tụng

Mục 2 của BLTTDS năm 2004 quy định về các loại chi phí giám định, định giá và nghĩa vụ nộp các chi phí trên của đương sự, nhưng không quy định cách thức xử lý trong trường hợp đương sự không chịu nộp tiền chi phí tố tụng. Đây là vấn đề gây nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Có quá nhiều vụ án nguyên đơn ở nước ngoài không đóng lệ phí ủy thác hoặc các đương sự trong nước không ai chịu đóng lệ phí ủy thác tư pháp và các lệ phí khác nhưng Tòa án không thể làm gì khác để kết thúc vụ án vì luật không quy định. Do đó, đề nghị quy định rõ về cách thức xử lý trong những trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ đóng các loại phí tố tụng.

14. Về trường hợp tống đạt trực tiếp cho cá nhân

Khoản 2 Điều 152 BLTTDS năm 2004 quy định: “tống đạt văn bản tố tụng thông qua người thân thích thì ngày ký nhận của người thân thích được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo”. Đoạn 2 quy định trường hợp tống đạt thông qua tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn nhưng không quy định cụ thể thời điểm hoàn thành việc tống đạt, nên không xác định được ngày hoàn thành việc tống đạt là ngày nào.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 152 BLTTDS năm 2004 quy định trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản nhưng cũng không quy định sau khi lập văn bản ghi nhận về việc từ chối này, thì có được xem là đã cấp, tống đạt hoặc thông báo hoàn thành hay chưa? Vì vậy, cần phải quy định lại cho đầy đủ.

15. Về trường hợp đương sự khởi kiện bổ sung yêu cầu mới

BLTTDS năm 2004 không quy định trường hợp khởi kiện bổ sung sau khi vụ án được thụ lý. Trong thực tiễn, Tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung nếu đương sự có yêu cầu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, có Tòa án thông báo đóng tạm ứng án phí cho yêu cầu khởi kiện bổ sung, thông báo thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung, thông báo hòa giải cho yêu cầu bổ sung, nhưng cũng có Tòa án chỉ thông báo đóng tạm ứng án phí, mà không thông báo thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung, thông báo hòa giải bổ sung. Do vậy, cần phải quy định thêm chế định khởi kiện bổ sung trong BLTTDS năm 2004.

16. Về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

Điều 176, 177 BLTTDS năm 2004 quy định quyền yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập, trong đó quy định yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải có trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, Điều 176, 177 lại không dự trù được trường hợp đương sự phát sinh yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, mà việc giải quyết yêu cầu này là điều bắt buộc để từ đó mới xem xét được yêu cầu khởi kiện.

Ví dụ: Ông A và bà B tranh chấp với nhau về chia tài sản chung là căn nhà do C đang quản lý. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì C có yêu cầu độc lập cho rằng căn nhà có phần sở hữu của mình trong đó và yêu cầu được chia, kèm theo chứng cứ. Trong ví dụ này, phải xem xét yêu cầu của C mới chia được tài sản chung giữa A và B.

Ngoài ra, tên gọi điều luật là “quyền yêu cầu phản tố của bị đơn” là chưa đầy đủ và không chính xác bởi vì xét về bản chất thì quyền yêu cầu phản tố không chỉ có của bị đơn mà còn có của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (phản tố lại yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác) và kể cả nguyên đơn cũng có yêu cầu phản tố (phản tố lại yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với mình). Do đó, đề nghị sửa tên điều luật thành “quyền yêu cầu phản tố” là đầy đủ, trong đó quy định quyền phản tố của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác, quyền phản tố lại với yêu cầu của nguyên đơn, quyền phản tố của nguyên đơn đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với mình.

17. Về trường hợp không hòa giải

Điều 181 BLTTDS năm 2004 quy định trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại đến tài sản Nhà nước thì không được hòa giải, nghĩa là Tòa án phải mở phiên tòa xét xử mà không tiến hành thủ tục hòa giải, kể cả việc các bên tự thỏa thuận với nhau được về khi bồi thường toàn bộ thiệt hại. Chúng tôi đề nghị quy định rõ trong điều luật trường hợp nếu các bên thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường toàn bộ thiệt hại trong một thời gian nhất định thì Tòa án được lập biên bản ghi nhận việc hòa giải thành giữa các bên và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận.

18. Về thành phần tham gia phiên hòa giải

Điều 184 BLTTDS quy định thành phần tham gia phiên hòa giải chỉ có Thẩm phán, thư ký, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, Điều 64 BLTTDS năm 2004 quy định: “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tham gia việc hòa giải”. Điều 17 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì lại quy định: “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng là thành phần được triệu tập tham gia phiên hòa giải”. Do vậy, đề nghị quy định trong Điều 184 về việc tham gia phiên hòa giải của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và quy định thêm trường hợp Thẩm phán tự mình hòa giải mà không cần có mặt thư ký.

19. Về trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án

Điều 192 BLTTDS năm 2004 quy định các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án. Theo nội dung của điều luật, ta thấy rằng nếu trong vụ án mà có một nguyên đơn hoặc một bị đơn mà có các yếu tố quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2004 thì sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Còn trong vụ án có nhiều nguyên đơn, nhiều bị đơn mà xảy ra các trường hợp quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2004 đối với một nguyên đơn, một bị đơn thì lại không quy định cách thức giải quyết. Ví dụ như vụ án có nhiều nguyên đơn mà chỉ có 1 nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì đình chỉ giải quyết vụ án như thế nào? Tòa án tách ra để đình chỉ đối với yêu cầu đã rút hay ghi nhận trong bản án khi xét xử? Nếu ghi nhận trong bản án thì không phù hợp về thời hạn kháng cáo. Tương tự là trường hợp rút một phần yêu cầu khởi kiện trong trường hợp hòa giải thành. Nếu ghi nhận việc đình chỉ trong quyết định công nhận thỏa thuận về việc hòa giải thành thì sẽ mâu thuẫn về thời gian kháng cáo. Do vậy, cần quy định rõ ràng cách thức xử lý khi xảy ra các trường hợp trên.

20. Về trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm

Điều 260 BLTTDS năm 2004 quy định các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm nhưng thiếu hai quy định quan trọng là trường hợp người kháng cáo không có quyền kháng cáo nhưng đã kháng cáo và trường hợp người kháng cáo vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa phúc thẩm.

Về trường hợp người kháng cáo vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa phúc thẩm thì Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP có quy định, nhưng trường hợp người kháng cáo không có quyền kháng cáo nhưng đã kháng cáo và hồ sơ đã được thụ lý theo thủ tục phúc thẩm thì không có quy định nào để giải quyết vấn đề này.

Ví dụ: A chỉ ủy quyền cho B thay mặt mình tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm nhưng B vẫn làm đơn kháng cáo. Hồ sơ được chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án. Về nguyên tắc là phải đình chỉ xét xử phúc thẩm chứ không thể mở phiên tòa xét xử rồi không chấp nhận kháng cáo, nhưng nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm thì không có căn cứ về mặt pháp lý.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị quy định cách giải quyết hai trường hợp trên trong Điều 260 BLTTDS.

21. Về các căn cứ hủy án sơ thẩm của cấp phúc thẩm

Điều 277 BLTTDS năm 2004 quy định về hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án khi việc chứng minh và thu thập chứng cứ không theo đúng quy định của BLTTDS  năm 2004 hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được và thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của BLTTDS năm 2004 hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Hiện nay, tình trạng cấp phúc thẩm hủy án cấp sơ thẩm diễn ra rất nhiều và không có một chuẩn mực chung, do hai lý do chính là: cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong thực tiễn, đánh giá thế nào là thu thập chưa đầy đủ và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là do nhận thức chủ quan của Hội đồng xét xử. Có quá nhiều trường hợp chỉ cần thu thập thiếu một chứng cứ (mà đôi khi không có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án) là bị hủy án, hoặc có sự vi phạm tố tụng không ở mức nghiêm trọng nhưng lại bị đánh giá là nghiêm trọng để bị hủy án. Trong nhiều vụ án, cấp phúc thẩm nhận định cần thu thập thêm nhiều chứng cứ để rồi hủy án nhưng những chứng cứ đó nếu có thì cũng không có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo quy định, nếu việc chứng minh và thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm không theo đúng quy định của BLTTDS thì đều bị hủy án, nhưng thực tế có những trường hợp mặc dù việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định của BLTTDS nhưng không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì không nên hủy án vì không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ai. Do vậy, đề nghị phải quy định cụ thể hơn nữa các căn cứ để hủy án, trong đó xác  định rõ nếu có vi phạm nhưng không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì không được hủy án. Nếu có thiệt hại thì phải nêu được thiệt hại cụ thể.

22. Về các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Tương tự như cấp phúc thẩm, thực trạng cấp giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Để hạn chế tình trạng kháng nghị tràn lan như hiện nay, và điều quan trọng nhất là để kháng nghị đúng pháp luật, đòi hỏi phải quy định cụ thể các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Như đã nêu, khái niệm “có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là một khái niệm chung chung. Hiện nay, không có hướng dẫn cụ thể thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và việc đánh giá là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng là do cảm nhận chủ quan. Chúng tôi nghĩ rằng giả sử có sự vi phạm nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của ai thì không nên hủy án, và thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi phải được chỉ ra cụ thể chứ không thể nói chung chung.

Kinh nghiệm giải quyết án dân sự ở một số nước cho thấy không có nhiều kháng nghị như ở nước ta. Mặt khác, hiện nay việc đào tạo cán bộ đã được chú trọng, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán ngày càng khắt khe với những trách nhiệm cụ thể. Đã đến lúc cần phải đảm bảo tính ổn định của bản án, mà nói rộng ra là tính ổn định của cơ quan tư pháp. Do đó, cần quy định cụ thể chỉ kháng nghị giám đốc thẩm khi có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, còn việc vi phạm pháp luật trong việc áp dụng luật nội dung thì không nên kháng nghị. Ngoài ra, theo chúng tôi, cũng cần quy định cấp giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa án như quy định trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây.

23. Về một số trường hợp phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng

Hiện nay, có rất nhiều vụ án bị tồn đọng do không thể tiến hành được thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng do không xác định được địa chỉ. Cũng có trường hợp không cần thiết phải tống đạt văn bản tố tụng, nhưng pháp luật lại quy định phải tống đạt, ví dụ tống đạt quyết định tạm đình chỉ cho đương sự đang ở nước ngoài.

Để hạn chế những khó khăn trên, chúng tôi cho rằng cần quy định một số trường hợp không phải tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng như: đình chỉ giải quyết vụ án nhưng trong quá trình giải quyết, Tòa án chưa thông báo thụ lý hoặc chưa thu thập chứng cứ đối với đương sự ở nước ngoài, các quyết định tạm đình chỉ, quyết định chuyển vụ án. Ngoài ra, thủ tục ủy thác tư pháp hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc. Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT chưa đầy đủ và còn có nhiều điểm trái với quy định của luật. Do đó, chúng tôi đề nghị quy định một chương riêng trong BLTTDS về ủy thác tư pháp./.

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Luật đầu tư 2014 - Thực trạng và kiến nghị trước yêu cầu nhất thể hóa pháp luật đầu tư
Thực trạng và kiến nghị trước yêu cầu nhất thể hóa pháp luật đầu tư
Thực tiễn áp dụng pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện
Thực tiễn áp dụng pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Bảo đảm tính thống nhất giữa BLLĐ với pháp luật thanh tra lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Hoàn thiện “Biện pháp khắc phục hậu quả” trong XPVPHC lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Kiến nghị sửa đổi “Kỷ luật lao động” theo dự thảo Bộ luật Lao động

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Góp ý sửa đổi Luật, Quách Hữu Thái, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09/2015, Tố tụng dân sự, Tòa án

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Góp ý cho dự thảo BLTTDS về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Next Post: Nguyên tắc tranh tụng trong Tố tụng dân sự (TTDS) Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • hahehe trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • Hà trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • Anh Huy trong [CÓ ĐÁP ÁN] – 216 Câu nhận định môn Luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Ngọc Na trong [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – Tác giả: Lã Khánh Tùng
  • Lê Thanh Tín trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng