Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Với nhiều ưu thế như: việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo bí mật kinh doanh; phán quyết trọng tài là phán quyết cuối cùng, có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên và không những được thi hành trong nước mà còn cả ở 157 nước thành viên theo Công ước New York về Công nhận và Thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 mà Việt Nam là thành viên. Vì những ưu điểm này mà trong những năm gần đây phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần nghiên cứu và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật.
Pháp luật về cho thuê đất khu công nghiệp
Phát triển khu công nghiệp là một tất yếu khách quan trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước cho các chủ đầu tư thuê đất khu công nghiệp để thực hiện hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng và cho các chủ đầu tư thứ cấp thuê lại. Khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Vì thế, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về cho thuê đất khu công nghiệp góp phần rất lớn vào sử dụng hiệu quả đất khu công nghiệp. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về cho thuê đất khu công nghiệp, đánh giá ưu điểm, tồn tại trong các quy định pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực này. Trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về cho thuê đất khu công nghiệp. Những giải pháp này cũng đồng thời giúp cho việc sử dụng đất khu công nghiệp hiệu quả hơn.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Nguyên tắc suy đoán vô tôi là một trong những nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự, được thể hiện trong pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia. Suy đoán vô tội có ý nghĩa quan trọng vê mặt khoa học cũng như thực tiễn với vai trò là nền tảng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Bài viết đề cập tới thực trạng và một số giải pháp bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm tiếp cận từ hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và một số kiến nghị đề xuất
Mặc dù pháp luật về quản lý đối với sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn khác (ĐUCCK) đã được ban hành nhưng chủ yếu tập trung vào các quy định về kiểm soát sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu hậu quả của rượu, bia và ĐUCCK mà chưa có các quy định mang tính phòng ngừa. Tác giả bài viết đã tập trung nêu thực trạng sử dụng rượu, bia và những tác hại đem lại tới sức khỏe con người. Trên cơ sở pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của rượu, bia và đưa ra một số kiến nghị đề xuất nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan.
Đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong quá trình hành nghề, luật sư có thể thực hiện hoạt động quảng cáo về dịch vụ pháp lý mà mình cung cấp để thu hút thêm khách hàng, xây dựng thương hiệu cho cá nhân, tổ chức thực hành nghề luật. Do đặc thù của nghề nghiệp, luật sư không những phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, mà còn phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Từ những phân tích về hoạt động quảng cáo và quy tắc đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo của một số quốc gia trên thế giới, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc áp dụng và thi hành Quy tắc đạo đức về quảng cáođược quy định tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành năm 2019.
Các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về đào tạo sau đại học ở Việt Nam hiện nay
Trong thời gian qua, quản lý nhà nước về đào tạo sau đại học đã có nhiều tiến bộ và đạt được nhiều kết quả góp phần đổi mới giáo dục sau đại học. Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn nhiều bất cập, hạn chế trong tư duy quản lý cũng như hoạt động thực tiễn đào tạo sau đại học ở nước ta. Bài viết đưa ra một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về đào tạo sau đại học ở Việt Nam hiện nay.
Nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết vụ án hình sự so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong đó có quy định về khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nhằm bảo vệ cũng như tôn trọng các quyền của bị hại trong vụ án hình sự. Sau hơn 2 năm áp dụng quy định này trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bộc lộ một số những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu ra một số những khó khăn mà các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như bị hại gặp phải thời gian vừa qua, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định này trong thời gian tới.
Chính sách phát triển nghề công chứng
Sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trong đó đáng lưu ý là bãi bỏ các quy định về “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng” đã dẫn đến tình trạng việc thành lập mới, chuyển địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng một cách tự do và có xu hướng tập trung tại khu vực thành thị. Điều đó làm mất cân đối trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng, ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa; tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng và thanh danh của nghề công chứng, đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đây là vấn đề không chỉ những người hành nghề công chứng đặc biệt quan tâm mà còn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng, giới nghiên cứu, những người đang theo học tại các khóa đào tạo nghề công chứng. Trong bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm về chính sách phát triển nghề công chứng, phân tích những bất cập của thực trạng pháp luật và thực trạng thực thi chính sách phát triển nghề công chứng từ khi Luật công chứng năm 2006 có hiệu lực cho đến nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những giải pháp để hoàn thiện pháp luật về chính sách phát triển nghề công chứng trong thời gian tới.
Chức năng xã hội và nguyên tắc hành nghề luật sư ở Việt Nam
Chức năng xã hội và nguyên tắc hành nghề luật sư ở Việt Nam Tác giả: Phan Trung Hoài [1] & Ngô Thị Ngọc Vân [2] TÓM TẮT Luật sư là một chủ thể xã hội có kiến thức và kỹ năng thực hành pháp luật thông qua các thiết chế, khuôn khổ pháp lý […]
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong Pháp luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam
Điều kiện bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm. Mục đích của bảo hiểm chỉ đạt được nếu bên mua bảo hiểm có lợi ích bảo hiểm, tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm. Điều kiện này trở thành một nguyên tắc trong hoạt động bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mặc dù Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã có những quy định về vấn đề này nhưng thực tiễn áp dụng trong thời gian qua đã chỉ ra một số điểm còn hạn chế, bất cập. Bài viết tập trung phân tích bản chất quyền lợi có thể được bảo hiểm và làm rõ mối quan hệ giữa chúng với hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm, qua đó góp phần hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện nay.