Mục lục
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong Pháp luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Văn Dũng [1]
TÓM TẮT
Điều kiện bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm. Mục đích của bảo hiểm chỉ đạt được nếu bên mua bảo hiểm có lợi ích bảo hiểm, tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm. Điều kiện này trở thành một nguyên tắc trong hoạt động bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mặc dù Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã có những quy định về vấn đề này nhưng thực tiễn áp dụng trong thời gian qua đã chỉ ra một số điểm còn hạn chế, bất cập. Bài viết tập trung phân tích bản chất quyền lợi có thể được bảo hiểm và làm rõ mối quan hệ giữa chúng với hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm, qua đó góp phần hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện nay.
1. Bản chất của quyền lợi có thể được bảo hiểm
Quyền lợi có thể được bảo hiểm được đề cập như một lợi ích tài chính hay lợi ích khác mà người mua bảo hiểm phải có trong đối tượng được bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là yếu tố để phân biệt hợp đồng bảo hiểm với hợp đồng cá cược, bởi vì hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền lợi có thể được bảo hiểm thì chỉ là hợp đồng đánh bạc thuần túy mà thôi2.
Nhìn chung, về bản chất quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể hiểu theo hai khía cạnh sau đây3:
Thứ nhất, Lợi ích có được từ sự tồn tại, an toàn đối tượng được bảo hiểm.
Thứ hai, Tổn thất phải gánh chịu từ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm.
Lợi ích từ sự tồn tại, an toàn của đối tượng được bảo hiểm có thể là lợi ích vật chất cũng có thể là lợi ích tinh thần. Lợi ích vật chất không đơn thuần chỉ là số tiền cụ thể mà có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thực phẩm, quần áo, giáo dục, nguồn sinh sống hàng ngày hoặc các dạng phục vụ khác mà không phải trả tiền,… Nói cách khác, lợi ích vật chất không chỉ là số tiền thực tế nhận được mà còn là số chi phí tiết kiệm được.
Tổn thất phải gánh chịu có thể là tổn thất về vật chất cũng có thể là tổn thất về tinh thần như sự đau khổ, đau buồn, tuyệt vọng,… từ sự hủy hoại, tàn tật hay cái chết của người được bảo hiểm4.
“Quyền lợi có thể được bảo hiểm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động bảo hiểm thương mại đã được pháp điển hóa trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) Việt Nam, với hai lý do:
Thứ nhất, nếu người mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm trên đối tượng bảo hiểm mà họ mua bảo hiểm thì khả năng sẻ giảm thiểu sự trục lợi bảo hiểm. Trên thực tế, ít có khả năng người có lợi ích đối với đối tượng bảo hiểm lại hủy hoại nó trừ khả năng trục lợi. Mặt khác, nếu người mua bảo hiểm không có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm thì tổn thất xảy ra không liên quan đến họ.
Thứ hai, ở góc độ pháp lý, nếu một người không có quyền lợi tài chính liên quan đến đối tượng bảo hiểm mà lại mua bảo hiểm cho đối tượng này thì thực chất đây là hành vi đánh bạc. Hành vi này bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm. Pháp luật các nước cũng có những cách tiếp cận tương tự.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, quyền lợi có thể được bảo hiểm phải thực sự tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Những quyền lợi đã chấm dứt không được coi là quyền lợi có thể được bảo hiểm vì khi đó, bên mua bảo hiểm không thể có thiệt hại gì. Ví dụ: chồng cũ không thể mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ đã ly hôn. Những quyền lợi chưa phát sinh cũng không thể là quyền lợi có thể được bảo hiểm do nói chưa chắc chắn xảy ra trong tương lai.
Thứ hai, quyền lợi có thể được bảo hiểm phải là quyền lợi hợp pháp. Quyền lợi không hợp pháp được hiểu là những lợi ích hình thành từ những quan hệ hoặc hành vi không được pháp luật thừa nhận, ví dụ: một người mua bảo hiểm cho tài sản do mình trộm cắp mà có. Những quyền lợi không hợp pháp không thể được bảo hiểm do vi phạm pháp luật và nguy cơ gây thiệt hại cho xã hội.
Trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, quyền lợi có thể được bảo hiểm được hiểu là lợi ích kinh tế của bên mua bảo hiểm. Còn trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi có thể được bảo hiểm được hiểu là lợi ích kinh tế hoặc lợi ích tinh thần của bên mua bảo hiểm. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là yếu tố cần thiết để xác định xem bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm hay không.
Nếu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là quan hệ thân thuộc gần gũi, thì mặc nhiên được pháp luật thừa nhận là có lợi ích bảo hiểm. Nếu không, chỉ được coi là có lợi ích bảo hiểm nếu như bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất tài chính thực sự nếu rủi ro xảy ra. Ví dụ: cháu trực hệ của bên mua bảo hiểm; người được giám hộ mà bên mua bảo hiểm là người giám hộ; người lao động khi bên mua bảo hiểm là người sử dụng lao động; người đi vay khi bên mua bảo hiểm là người cho vay,…
Hiện nay, trên thế giới cũng chưa có cách hiểu thống nhất về quyền lợi có thể được bảo hiểm. Có nước giải thích khái niệm này theo nghĩa rộng là cả quyền lợi về vật chất lẫn quyền lợi về tinh thần, ví dụ: Hoa Kỳ. Có nước giải thích khái niệm này theo nghĩa hẹp chỉ có quyền lợi vật chất, ví dụ: Singapore.
Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng suy cho cùng thì quyền lợi có thể được bảo hiểm chỉ có thể là quyền lợi về mặt vật chất (tài chính, tiền bạc, kinh tế…) hoặc quyền lợi về mặt tinh thần như tình cảm yêu thương, tình máu mủ ruột thịt, sự thân thiết,… được thể hiện qua mối quan hệ gia đình gần gũi. Như vậy, quyền lợi có thể được bảo hiểm nói chung (cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ) là bất cứ lợi ích nào có tính chất thực tế, hợp pháp và đáng kể đối với sự an toàn hoặc đảm bảo của đối tượng bảo hiểm khỏi sự tổn thất, hủy hoại hoặc thiệt hại tài chính hay hư hại khác từ sự tồn tại của đối tượng được bảo hiểm.
2. Phân loại quyền lợi có thể được bảo hiểm
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản
Quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản chính là những lợi ích mà chủ sở hữu có được từ tài sản. Cơ sở để hình thành nên quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là quyền sở hữu của bên mua bảo hiểm đối với tài sản. Gắn liền với sự tồn tại của tài sản là quyền sở hữu của chủ tài sản – quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản5.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là quyền của chủ sở hữu hay những người được chủ sở hữu ủy quyền được chiếm hữu và định đoạt tài sản. Xét về mục đích của bên mua bảo hiểm thì dù đó là loại hình bảo hiểm gì, bên mua bảo hiểm cũng nhằm chuyển giao những tổn thất mà lẽ ra mình phải gánh chịu sang doanh nghiệp bảo hiểm, bởi vì, mục đích của bảo hiểm là chia sẻ tổn thất.
Trong bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm phải chứng minh được tổn thất của tài sản có những ảnh hưởng đối với họ thì mới được phép mua bảo hiểm. Một người không có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng đối với tài sản thì không có quyền định đoạt các vần đề liên quan đến nó. Để doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Mục đích của bảo hiểm chỉ đạt được nếu bên mua bảo hiểm có lợi ích bảo hiểm, tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm6.
Người mua bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản chỉ có thể là chủ sở hữu hoặc chủ thể đang có quyền sử dụng và quản lý tài sản. Người được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là người có quyền lợi vật chất được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm. Như vậy, người được bảo hiểm cũng phải là chủ sở hữu hoặc chủ thể đang có quyền quản lý đối với tài sản. Vì thế, trong bảo hiểm tài sản, người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là một.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người
Trong bảo hiểm con người đối tượng được bảo hiểm đó là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.
Đối với bảo hiểm con người, quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích dựa trên sự kỳ vọng hợp lý về lợi ích kinh tế phát sinh từ sự tồn tại, sức khỏe hoặc an toàn thân thể của một người khác và thiệt hại do cái chết hay thương tật của người đó mạng lại hoặc lợi ích thực tế tạo ra từ mối quan hệ tình cảm của các cá nhân có quan hệ gần gũi theo huyết thống hoặc quy định của pháp luật7.
Theo nguyên lý chung, trong bảo hiểm con người, bất cứ người nào cũng có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với chính bản thân và quyền lợi có thể được bảo hiểm là mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm xác lập dựa trên quan hệ hôn nhân, huyết thống hay sự ràng buộc về mặt tài chính và vì vậy, rủi ro xảy ra đối với người được bảo hiểm sẽ ít nhiều gây ra thiệt hại về kinh tế hay tinh thần cho bên mua bảo hiểm.
Trong bảo hiểm con người, người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có thể là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau xuất phát từ đặc trưng, quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người không chỉ là quyền lợi vật chất mà còn có quyền lợi về mặt tinh thần thể hiện quan mối quan hệ huyết thống, vợ chồng. Vì vậy, người mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm cho chính mình hoặc mua bảo hiểm cho những người có quan hệ huyết thống thân thuộc hoặc quan hệ kinh tế khác đối với người mua bảo hiểm.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quyền lợi có thể được bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba. Tức là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm liên quan đến quyền lợi của người thứ ba (người bị thiệt hại) theo quy định của pháp luật. Quyền lợi này không thể tính toán được tại thời điểm mua bảo hiểm vì nó chưa phát sinh, lý do, bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho phần trách nhiệm dân sự của mình nếu nó phát sinh trong tương lai.
Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quyền lợi được bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba, mà trách nhiệm dân sự thì người khác được quyền gánh chịu thay. Vì vậy, người mua bảo hiểm có thể không đồng thời là người được bảo hiểm; tức là, người mua bảo hiểm không cần phải chứng minh họ có quyền lợi có thể được bảo hiểm mà chỉ cần chứng minh người được bảo hiểm là người có quyền lợi được bảo hiểm.
3. Mối liên hệ pháp lý giữa quyền lợi có thể được bảo hiểm với hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm
Có thể nói rằng quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm là rất quan trọng, bởi vì nếu trong hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm chỉ thuần túy là hợp đồng cá cược dưới hình thức bảo hiểm và như vậy việc xác lập hợp đồng đó trái với nền tảng trật tự công cộng và đi ngược lại với mục đích của bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ sự an toàn chứ không phải là mục đích kiếm lời hay đầu cơ và hợp đồng đó có thể dẫn đến những nguy hiểm về rủi ro đạo đức nên bị vô hiệu và không được thực thi. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng nguyên lý này, thậm chí một số nước còn rất khắt khe, xem hợp đồng bảo hiểm mà thiếu quyền lợi có thể được bảo hiểm là hợp đồng bất hợp pháp, chủ sở hữu hợp đồng có thể gánh chịu trách nhiệm hình sự đến 06 tháng tù8.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm là một trong năm yếu tố cấu thành nên hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm (năng lực giao kết, tính đối khoản, đề nghị và chấp nhận đề nghị, thống nhất ý chí và quyền lợi có thể được bảo hiểm). Ngoài ra, quyền lợi có thể được bảo hiểm được xem là một trong bảy nguyên tắc nền tảng của bảo hiểm (gồm nguyên tắc trung thực tuyệt đối, nguyên tắc bồi thường, nguyên tắc đóng góp, nguyên tắc thế quyền, nguyên tắc nguyên nhân trực tiếp, nguyên tắc tối thiểu hóa thiệt hại và nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm).
Tuy nhiên việc yêu cầu người có quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng có sự khác nhau, có Tòa án thì yêu cầu chủ sở hữu hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong đối tượng được bảo hiểm, có Tòa án thì yêu cầu người thụ hưởng theo hợp đồng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong đối tượng được bảo hiểm mà không yêu cầu chủ sở hữu hợp đồng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Hiện nay, pháp luật bảo hiểm của một số nước quy định chỉ cần sự đồng ý hay chấp nhận bằng văn bản của người được bảo hiểm là hợp đồng có hiệu lực. Nếu không có sự chấp nhận hay đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm thì hợp đồng đó bị vô hiệu, cho dù chủ sở hữu hợp đồng có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong tính mạng người được bảo hiểm.
4. Một số vấn đề cần nghiên cứu và trao đổi liên quan đến quyền lợi có thể được bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm
4.1. Khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm
Khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH là rất hẹp và không thật sự đúng với bản chất nguyên thủy của chính khái niệm này. Thuật ngữ mà các nhà làm luật sử dụng trong khái niệm này là “quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng”, thực chất khái niệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng chỉ đề cập đến lợi ích vật chất trong quan hệ gia đình mà không đề cập đến những lợi ích vật chất và phi vật chất khác. Trong khi đó, lợi ích mà bên mua bảo hiểm có thể có trong đối tượng được bảo hiểm không chỉ là lợi ích vật chất trong quan hệ gia đình mà còn có cả những lợi ích phi vật chất trong quan hệ gia đình và những lợi ích vật chất trong những quan hệ khác.
Ngoài ra, nếu chúng ta đối chiếu khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH với những người có quyền mua bảo hiểm nhân thọ tại Khoản 2 Điều 31 Luật KDBH thì ta thấy các quy định này không phù hợp với nhau nếu không muốn nói là mâu thuẫn nhau. Tức là quy định khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm nhưng lại quy định người có quyền mua bảo hiểm nhân thọ. Chính vì điều này đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp cũng như các bên liên quan trong việc áp dụng các quy định này.
Từ những bất cập nói trên, theo tác giả, Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH cần được sửa đổi cho phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 9, Điều 3 Luật KDBH như sau:
“Quyền lợi có thể được bảo hiểm được hiểu là lợi ích mà bên mua bảo hiểm phải có trong đối tượng được bảo hiểm và được thừa nhận hợp pháp, theo đó bên mua bảo hiểm gánh chịu thiệt hại nếu đối tượng bảo hiểm gặp rủi ro hoặc có được lợi ích từ sự tồn tại, an toàn của đối tượng được bảo hiểm.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với bảo hiểm con người là lợi ích kinh tế trong tính mạng, sức khỏe lâu dài và an toàn tính mạng của người được bảo hiểm và những tổn thất hợp lý do cái chết, tàn tật hay thương tật của người được bảo hiểm; hoặc lợi ích đáng kể được tạo ra dựa trên mối quan hệ gia đình gần gũi bởi huyết thống hoặc bởi luật”.
4.2. Thời điểm yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm
Hiện nay, Luật KDBH đã đánh đồng giữa bảo hiểm bồi thường và bảo hiểm phi bồi thường về thời điểm yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Trong khi đó về bản chất và mục đích của những loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn khác nhau như đã phân tích ở phần trên. Bảo hiểm nhân thọ không đơn thuần là công cụ bảo vệ cho bản thân, người thân của bên mua bảo hiểm mà còn là công cụ tiết kiệm và đầu tư trên thị trường tài chính. Một khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được xem như là một dạng “quyền tài sản”(chose in action), là công cụ kết hợp bảo hiểm với tiết kiệm và đầu tư tài chính thì khả năng thanh khoản của hợp đồng này trên thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, bảo hiểm tài sản chỉ có một mục đích duy nhất đó là bồi thường cho người có tài sản khi sự kiện bảo hiểm xảy ra (có thiệt hại cụ thể). Ngoài ra, trong bảo hiểm hàng hải có nhiều đặc thù riêng đó là hàng hóa, tài sản được vận chuyển lâu dài trong hàng hải đồng thời quyền sở hữu của những loại hàng hóa, tài sản này cũng có thể được dịch chuyển trong quá trình vận chuyển hàng hải. Do đó, hầu hết pháp luật bảo hiểm của các nước trong khu vực và trên thế giới có quy định chung là: Đối với bảo hiểm hàng hải thì yêu cầu người mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong đối tượng được bảo hiểm vào thời điểm xảy ra tổn thất và có thể không có vào thời điểm tham gia bảo hiểm (Bộ luật Hàng hải Việt Nam cũng có quy định tương tự); Đối với bảo hiểm tài sản, hỏa hoạn thì người mua bảo hiểm vừa phải có quyền lợi có thể được hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đồng thời phải có vào thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (tức thời điểm thiệt hại xảy ra); Đối với bảo hiểm nhân thọ chỉ cần yêu cầu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm vào thời điểm giao kết hợp đồng mà không yêu cầu sau đó. Những cơ sở cho việc quy định này tác giả cũng đã phân tích ở phần trên.
Do đó, để đáp ứng đúng bản chất của bảo hiểm nhân thọ và phù hợp với thông lệ quốc tế, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung về thời điểm yêu cầu quyền lợi có thể được bảo hiểm. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung điểm a, Khoản 1 Điều 22 Luật KDBH như sau:
“a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm con người hoặc bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi giao kết hợp đồng và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với bảo hiểm tài sản”.
Ngoài ra, để phù hợp với các điều khoản sửa đổi, bổ sung và tạo ra sự thống nhất giữa các điều khoản này. Tác giả cũng đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm:
“Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì lý do chính đáng, ngay tình cho bên không có quyền lợi có thể được bảo hiểm”.
4.3. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Pháp luật bảo hiểm của hầu hết các nước đều cho phép chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì tính chất tiết kiệm, đầu tư của công cụ tài chính này. Tuy nhiên, pháp luật của các nước cũng đưa ra một số điều kiện hạn chế cho việc chuyển nhượng hợp đồng này chứ không phải cho phép tự do chuyển nhượng, vì đây là một dạng hợp đồng đặc biệt.
Trong khi đó, pháp luật bảo hiểm Việt Nam cũng có quy định tại Điều 26 Luật KDBH, cho phép chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhưng phải theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và bên nhận chuyển nhượng cũng phải có quyền lợi có thể được bảo trong đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng.
Điều này trong thực tế đã gây ra không ít khó khăn cho người mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích đầu tư, tiết kiệm là chủ yếu hoặc khi hoàn cảnh đã thay đổi. Vì họ không thể chuyển nhượng hợp đồng cho bên không có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong trường hợp gặp khó khăn tài chính mà chủ sở hữu hợp đồng không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm, hoặc khi chủ hợp đồng cần chi phí cho việc chữa trị bệnh, hoặc khi chủ hợp đồng không còn nhu cầu đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó nữa.
Ngoài ra như đã phân tích ở trên thì pháp luật của hầu hết các nước đều xem hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như là “quyền tài sản” và nó được vận hành trên thị trường tài chính thứ cấp.
Do đó, pháp luật bảo hiểm của Việt Nam cũng cần có một số thay đổi về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.Vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 26 Luật KDBH như sau:
“Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người khác không có quyền lợi có thể được bảo hiểm vì những lý do chính đáng, ngay tình và được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm không được mua bảo hiểm nhân thọ với ý định ban đầu là chuyển nhượng để thu lợi.
Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ có thể được thực hiện sau 2 năm kể từ ngày xác lập hợp đồng bảo hiểm”./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Phó tổ trưởng Tổ đào tạo và công tác học viên, Cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp.
- Law, J. & Martin, E (Eds) (2006), Oxford Dictionary of Law, Oxford: Oxford University Press, pp 279.
- Law Commission (2008), Insurable Interest_Issues Paper 4, The Scottish Law Commission, pp 5 .
- Dagne Daukantaite (2004), “Is a Family Relationship Alone Enough to Create an Insurable Interest in the Life Insurance”, International Journal of Baltic Law, (1), pp 37.
- Giáo trình Bảo hiểm, Trường Đại học Tài chính Kế toán (1999), Nxb Tài chính, Hà Nội, trang 35.
- Trần Vũ Hải (2006) “Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb Tư pháp, trang 25.
- Dagne Daukantaite, International Journal of Baltic Law, Vol 1 No.2 (February, 2004): Is a family relationship alone enough to create an insurable interest in the life of the other?, pp 38.
- The Law Commission (2011), Insurance Contract Law: Post Contract Duties and Other Issues, Scottish Law Commission, pp 108.
Trả lời