Mục lục
Khái quát sự ra đời và phát triển của Quốc hội ở nước ta
Tác giả: Tô Văn Hòa & Phạm Đức Bảo
Ngày 16 và ngày 17 tháng 8 năm 1945, tại Tân Trào, Quốc dân đại hội đã được triệu tập gồm có 60 đại biểu của các tổ chức đoàn thể cách mạng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, lập ra ủy ban dân tộc giải phóng trung ương (tức Chính phủ lâm thời). Vì vậy, Quốc dân đại hội được coi là tiền thân của Quốc hội nước ta, đã động viên toàn thể nhân dân đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công.
1. Sau Cách mạng tháng Tám
Ngày 08 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch đã kí Sắc lệnh số 14 mở cuộc Tổng tuyển cử tự do trong cả nước để bầu Quốc dân đại hội. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo, trước nguy cơ mất nước nhưng ngày 06 tháng 01 năm 1946, nhân dân ta trong cả nước đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử tự do thắng lợi, bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đó là Quốc hội đầu tiên, Quốc hội khóa I của nước ta.
Xem thêm bài viết về “Quốc hội“
- Quốc hội Việt Nam đang chuyển đổi: Từ Quốc hội “tham luận”, đến Quốc hội “tranh luận” – ThS. Nguyễn Đăng Duy
- Quốc hội lập pháp hay hãm lập pháp – GS.TS. Nguyễn Đăng Dung & TS. Nguyễn Thùy Dương
- Quốc hội là cơ quan gì? Chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam? – LS. Hoàng Minh Hùng & CTV. Linh Trang
- Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội: Thực trạng và kiến nghị – ThS. Trần Thị Thu Hà & TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Bàn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội – ThS. Trần Thị Thu Hà
2. Giai đoạn Hiến pháp 1946
Trong kì họp thứ nhất của Quốc hội ngày 02 tháng 3 năm 1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến đã được thành lập và Quốc hội cũng đã cử ra Ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tại kì họp thứ hai (cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong phiên họp ngày 09 tháng 11 năm 1946, vạch ra những nhiệm vụ chính trị của nhân dân và chính quyền trong giai đoạn trước mắt.
Lẽ ra, sau khi thông qua Hiến pháp thì Quốc hội phải giải tán và bầu ra Nghị viện nhân dân. Bởi vì, trong Sắc lệnh số 14 ngày 08 tháng 9 năm 1945 của Hồ Chủ tịch có nói: “Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến” nhưng do tình hình khẩn cấp lúc bấy giờ nên Quốc hội chưa giải tán. Tại kì họp, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội lãnh trách nhiệm trong một thời gian nữa cho đến khi bầu ra Nghị viện mới theo quy định của Hiến pháp năm 1946. Tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp gây chiến tranh trên toàn cõi Việt Nam. Vì hoàn cảnh kháng chiến và theo yêu cầu của các đại biểu, Quốc hội khóa I vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến năm 1959, Quốc hội cũng đã bầu ra Ban thường trực; nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thường trực chỉ hạn chế ở một số việc như liên lạc với Chính phủ; cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp; triệu tập Quốc hội. Ban thường trực Quốc hội chưa thực sự là cơ quan thay mặt cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất giữa hai kì họp.
3. Giai đoạn Hiến pháp 1959
Kì họp thứ sáu của Quốc hội khóa I từ ngày 29 tháng 12 năm 1956 đến ngày 25 tháng 01 năm 1957 đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 cho phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng. Tại kì họp thứ 11 của Quốc hội, ngày 31 tháng 12 năm 1959 bản Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua, Hiến pháp năm 1959 ra đời.
Theo Hiến pháp năm 1959, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không gọi là Nghị viện nhân dân như trong Hiến pháp năm 1946, mà gọi là Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Cũng tại kì họp thứ 11, ngày 31 tháng 12 năm 1959 Quốc hội đã ra nghị quyết khẳng định rằng:
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiêu biểu cho tính chất thống nhất của nước ta và tiêu biểu cho ý chí tranh đấu của nhân dân cả hai miền Nam – Bắc”.
Các nhiệm kỳ tiếp theo:
Quốc hội khóa II (1960 – 1964): Tiếp tục truyền thống của Quốc hội khóa I, đã củng cố và tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, Nhà nước làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản.
Quốc hội khóa III (1964 – 1971): Là Quốc hội đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam.
Quốc hội khóa IV (1971 – 1975): Là Quốc hội lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành độc lập tự do cho cả nước.
Quốc hội khóa V (từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 4 năm 1976). Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước được độc lập thống nhất. Ngày 25 tháng 4 năm 1976 nhân dân cả nước đã bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, làm nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, đó là Quốc hội khóa VI của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Giai đoạn Hiến pháp 1980
Quốc hội khóa VI, kì họp thứ bảy đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1980 trong phiên họp ngày 18/12/1980.
Quốc hội khóa VII (tháng 6 năm 1981 đến tháng 4 năm 1987). Tiếp tục làm nhiệm vụ trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Quốc hội khóa VIII (tháng 4 năm 1987 đến tháng 6 năm 1992) là Quốc hội của thời kì đổi mới. Tại kì họp thứ 11 của Quốc hội khóa VIII, bản Hiến pháp thứ 4 của nước ta đã được thông qua trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1992.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”
- Nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bộ máy nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Cấu trúc tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Khái niệm bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
5. Giai đoạn Hiến pháp 1992
Sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, nhân dân ta đã bầu ra Quốc hội khóa IX (tháng 7 năm 1992 đến tháng 7 năm 1997). Quốc hội khóa IX đã động viên nhân dân cả nước tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quốc hội khóa X (tháng 7 năm 1997 đến tháng 5 năm 2002) là Quốc hội tiếp tục của công cuộc đổi mới đất nước. Tại kì họp thứ 10 Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.
Quốc hội khóa XI (2002 – 2007) tiếp tục sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 20 tháng 5 năm 2007, nhân dân cả nước đã bầu ra Quốc hội khóa XII (2007 – 2011). Đây là Quốc hội của thời kì hội nhập và phát triển toàn diện của đất nước sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tháng 5 năm 2011, nhân dân cả nước đã bầu ra Quốc hội khóa XIII (2011 – 2016) là Quốc hội tiếp tục thời kì hội nhập và phát triển toàn diện của đất nước.
6. Giai đoạn Hiến pháp 2013
Tại kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp thứ 5 của Việt Nam vào ngày 28 tháng 11 năm 2013.
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, nhân dân Việt Nam tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV nhiệm kì 2016 – 2021./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời