Mục lục
Phân tích các đặc điểm thể hiện tính xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam hiện nay
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Lý luận nhà nước và pháp luật
- Vai trò khoa học của Lý luận chung về nhà nước và pháp luật
- So sánh và Phân biệt nhà nước với các tổ chức xã hội khác
- Quan điểm của Mác -Lênin về nguồn gốc nhà nước
- Kiểu nhà nước là gì? Phân tích khái niệm kiểu nhà nước?
- Phân tích quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin về thay thế kiểu nhà nước
- Phân tích khái niệm và đặc trưng của nhà nước
- Phân tích tính giai cấp và tính xã hội của nhà nước
- Thế nào là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”
- Chức năng Nhà nước là gì? Phân tích Chức năng của nhà nước?
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là nhà nước thuộc kiểu xã hội chủ nghĩa nhưng mới ở thời kỳ quá độ. Theo quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 thì:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dần mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”
Quy định trên cho thấy, Nhà nước ta hiện nay có tính xã hội khá rộng rãi và rõ rệt, điều đó được thể hiện ở đặc điểm sau:
1 – Nhà nước ta đang được xây dựng theo hướng trở thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là nhà nước có tính xã hội rộng rãi và rõ rệt
a – Nhà nước ta đã và đang được xây dựng theo hướng thực sự trở thành nhà nước của nhân dần, do nhân dân, vì nhân dân
Tức là nhà nước đáp ứng được các tiêu chí sau:
– Nhà nước phải là của toàn thể nhân dân mà không phải là của riêng giai cấp, tầng lớp nào. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nên quyền lực của nhà nước cũng như của mỗi cơ quan nhà nước đều nhận được từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho, nhà nước chỉ là công cụ để đại diện và thực hiện quyền lực của toàn thể nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
– Nhân dân có thể trực tiếp làm việc trong các cơ quan nhà nước khi được bầu, bổ nhiệm hoặc tuyển dụng, qua đó, trực tiếp nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước.
– Nhân dân có quyền quyết định tối cao và cuối cùng mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
– Nhà nước là do nhân dân tổ chức thông qua việc trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra các cơ quan nhà nước. Các đại biểu do nhân dân bầu ra chỉ là những người được sự ủy quyền của nhân dân nên chỉ là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu không còn xứng đáng với sự ủy quyền, sự tín nhiệm của nhân dân.
– Nhà nước do nhân dân ủng hộ, đóng thuế để “nuôi”, giám sát hoạt động của các nhân viên và cơ quan nhà nước.
– Nhân dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ để cho Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
– Nhà nước vì nhân dân là nhà nước phục vụ cho lợi ích và đáp ứng tốt nhất những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. “Vì con người, cho con người và bảo vệ con người” là mục tiêu cao nhất của mọi chính sách, quy định pháp luật và hoạt động của nhà nước. Nhà nước phải liêm chính, phải kiến tạo sự phát triển và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
– Cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước vừa là đầy tớ, vừa là người lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân hoạt động nên phải luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; phải thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, không có đặc quyền, đặc lợi.
Một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì cũng là nhà nước xã hội chủ nghĩa và có tính xã hội rộng rãi, rõ rệt nhất.
b – Nhà nước ta đang được xây dựng theo hướng trở thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tức là Nhà nước khắng định và bảo đảm sự thống trị của pháp luật trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội, một Nhà nước luôn bị ràng buộc bởi pháp luật của chính mình, tuyệt đối tôn trọng và thực hiện pháp luật trong cả tổ chức lẫn hoạt động của Nhà nước. Mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã chính thức trở thành mục tiêu hiến định của Nhà nước ta từ năm 2001 trở lại đây, sau khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đối, bổ sung.
2 – Nhà nước ta vừa là bộ máy để tổ chức và xây dựng xã hộị điều hành và quản lý các lĩnh vực cơ bản của đời sống, vừa là bộ máy cưỡng chế, trấn áp để bảo vệ chính quyền của nhân dân, thiết lập trật tự xã hội
– Mục đích cao nhất của Nhà nước ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một xã hội đủ khả năng mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân. Để có xã hội đó, Nhà nước ta phải trực tiếp tổ chức và quản lý các lĩnh vực hoạt động cơ bản của xã hội, trong đó trước tiên và quan trọng nhất là tổ chức và quản lý kinh tế.
– Tuy nhiên, từ khi ra đời tới nay, Nhà nước ta luôn gặp phải sự phản kháng, sự chống đối của các lực lượng và phần tử thù địch, phản cách mạng, phản tiến bộ, thiếu ý thức và không hướng thiện. Do vậy, để bảo vệ chính quyền của nhân dân, bảo vệ chế độ, thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội, Nhà nước ta phải là một bộ máy cưỡng chế, một cơ quan trấn áp.
3 – Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
– Dân chủ hiểu một cách đơn giản là dân làm chủ, quyền làm chủ thuộc về nhân dân hay chính quyền thuộc về nhân dân. Tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị đều là công cụ để xây dựng nền dân chủ, song Nhà nước là công cụ chủ yếu nhất vì nó có nhiều ưu thế mà các tổ chức khác không có.
– Thông qua pháp luật, Nhà nước thừa nhận các quyền tự do dân chủ rộng rãi cho công dân, thừa nhận địa vị pháp lý cho các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng. Nhà nước quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Nhà nước có sức mạnh quản lý, cưỡng chế và vật chất lớn nhất trong xã hội.
– Trong quá trình quản lý xã hội, Nhà nước cố gắng xây dựng nền dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm cho phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” từng bước trở thành hiện thực ở các địa phương.
4 – Nhà nước ta có tính dân tộc rất sâu sắc và là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam
– Nhà nước ta ra đời trên cơ sở kết quả của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhưng theo hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng nước ta trải qua hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giành quyền độc lập cho dân tộc, quyền dân chủ cho nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong cả hai giai đoạn cách mạng đó, Nhà nước đều phải huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam và thực sự đã có sự tham gia tích cực của toàn dân tộc, của cả cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Vì thế, Nhà nước luôn là đại biểu trung thành của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
– Các chính sách của Nhà nước luôn hướng tới việc bảo đảm sự bình đẳng về mọi phương diện cho các dân tộc, đa số cũng như thiểu số; khuyến khích các dân tộc đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Trả lời