Mục lục
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước
Tác giả: Tô Văn Hòa
Về nguồn gốc, “Tập trung dân chủ” là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các Đảng Cộng sản trên thế giới, do Lê-nin khởi xướng từ đầu thế kỉ XX.? Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lấy nguyên tắc này làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của mình và quy định rõ các nội dung của nguyên tắc trong Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011. Ý nghĩa của nguyên tắc khi áp dụng trong tổ chức của Đảng là một mặt bảo đảm phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của mọi tổ chức Đảng và đảng viên trong việc tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; mặt khác bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng.
1. Nguyên tắc tập trung dân chủ là gì?
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy chủ yếu thông qua việc lãnh đạo bộ máy nhà nước. Do đó, nguyên tắc “tập trung dân chủ” cũng đã trở thành một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc trưng của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được quy định trong các bản hiến pháp từ năm 1959 cho tới nay. Trong Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), nguyên tắc tập trung dân chủ được quy định cùng với một nội dung là Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.’
Xem thêm bài viết về “Nguyên tắc tập trung dân chủ”
Trong Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc này được quy định hơi khác: “Nhà nước… thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”? Như vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ của Hiến pháp năm 2013 có nội dung quy định khái quát hơn, thể hiện rằng đây thực sự là nguyên tắc bao quát trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc áp dụng nguyên tắc này là đối với toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung chứ không phải sự áp dụng một cách máy móc bản thân nguyên tắc này đối với từng cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước.
2. Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ
Ở góc độ vĩ mô, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có thể được hiểu là sự kết hợp hài hoà và thống nhất giữa hai yếu tố: tập trung và dân chủ, tức là quyền quyết định về những vấn đề trọng yếu nhất tập trung vào các cơ quan cấp trên kết hợp với tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan cấp dưới và địa phương, coi trọng chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cụ thể, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 thể hiện ở một số nội dung sau:
2.1. Tập thể quyết định – cá nhân phụ trách
Trong các cơ quan nhà nước, những vấn đề quan trọng nhất thường được quyết định bởi tập thể theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ví dụ: các nội dung quan trọng nhất thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải do phiên họp toàn thể thông qua; các nội dung quan trọng nhất thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải do phiên họp chính phủ thông qua…
2.2. Thiểu số phục tùng đa số
Trong một tập thể thì thiểu số phục tùng đa số. Có nghĩa là khi quyết định đã được đưa ra bởi tập thể thì tất cả đều phải thi hành quyết định đó. Tuy nhiên, trong quá trình bàn bạc để ra quyết định thì tất cả các thành viên trong tập thể đều có quyền phát biểu ý kiến và bảo lưu ý kiến của mình. Điều đó gọi là “bàn bạc thì dân chủ nhưng hành động thì phải tập trung”. Không thể có tình trạng sau khi quyết định đã được đưa ra bởi đa số thì thiểu số không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện.
Xem thêm bài viết về “Tổ chức bộ máy nhà nước”
- Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tổ chức bộ máy nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc quyền lực thống nhất trong tổ chức bộ máy nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc Chủ quyền nhân dân (Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân) trong tổ chức bộ máy nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Cấu trúc tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
2.3. Cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương
Khi trung ương, cấp trên đã quyết định thì cấp dưới phải phục tùng. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định thì cấp trên, trung ương phải tham khảo ý kiến cấp dưới, địa phương, qua đó khuyến khích phát huy tính chủ động của địa phương. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng khuyến khích việc phân định rõ thẩm quyền quyết định, đặc biệt trong hệ thống hành chính, giữa cấp trung ương và địa phương. Trung ương quyết định những vấn đề vĩ mô; cấp dưới, địa phương được phân cấp quản lí để phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm.
Cũng như đối với tổ chức Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được xem là có vai trò quan trọng bảo đảm sự nhất quán trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương trong khi đó vẫn khuyến khích được sự chủ động, sáng tạo của cấp dưới và của địa phương, qua đó tránh được sự quan liêu của cấp trên, của trung ương. Vai trò này đặc biệt quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, nhược điểm của nguyên tắc này là rất khó có thể lượng hoá được tập trung hay dân chủ ở mức độ nào là phù hợp, do đó trong thực tế có thể sa vào hoặc tập trung quan liêu hoặc tự do vô tổ chức. Bên cạnh đó, bởi nguyên tắc này được áp dụng chung cho cả tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước nên có thể trong thực tiễn xảy ra tình trạng khi người đảng viên đồng thời nắm giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước không xác định được mức độ thực hiện nguyên tắc này một cách phù hợp với tư cách là đảng viên và tới tư cách quan chức nhà nước. Điều này có thể dẫn tới tình trạng nguyên tắc tập trung dân chủ áp dụng không phù hợp với tính chất, chức năng của cơ quan nhà nước và do đó làm giảm hiệu quả của cơ quan nhà nước./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời