Mục lục
Vị trí, tính chất và chức năng của Quốc hội
Tác giả: Tô Văn Hòa & Phạm Đức Bảo
1. Vị trí của Quốc hội trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Hiến pháp năm 2013, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Điều 2).
Nhân dân có thể thực hiện quyền lực của mình bằng các biện pháp dân chủ trực tiếp, bán trực tiếp và gián tiếp. Bằng biện pháp dân chủ gián tiếp, nhân dân bầu ra các cơ quan đại diện (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) để thực hiện quyền lực của mình. Vì vậy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thường được gọi là cơ quan quyền lực nhà nước.
Trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nguyên tắc này được quy định lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1946. Điều 22 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Tiếp đó nguyên tắc này được củng cố và quy định rõ ràng hơn trong Hiến pháp năm 1959: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 4). Đến Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 thì vai trò của Quốc hội được tăng cường và phát triển hơn nữa trong việc quy định cơ cấu tổ chức Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là trong việc quy định vị trí, tính chất, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ vị trí và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 69). Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước như thông qua Hiến pháp, các đạo luật, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm những chức vụ cao nhất của bộ máy nhà nước; giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước; Quốc hội biểu hiện tập trung ý chí và quyền lực của nhân dân trong phạm vi toàn quốc.
Xem thêm bài viết về “Quốc hội“
- Khái quát sự ra đời và phát triển của Quốc hội ở nước ta – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Quốc hội Việt Nam đang chuyển đổi: Từ Quốc hội “tham luận”, đến Quốc hội “tranh luận” – ThS. Nguyễn Đăng Duy
- Quốc hội lập pháp hay hãm lập pháp – GS.TS. Nguyễn Đăng Dung & TS. Nguyễn Thùy Dương
- Quốc hội là cơ quan gì? Chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam? – LS. Hoàng Minh Hùng & CTV. Linh Trang
- Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội: Thực trạng và kiến nghị – ThS. Trần Thị Thu Hà & TS. Nguyễn Mạnh Hùng
2. Tính chất của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Về tính chất, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Các Đại biểu Quốc hội là những công nhân, nông dân, trí thức và những người lao động thuộc mọi dân tộc trong cả nước được nhân dân cả nước bầu cử ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân, họ có mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và hoạt động vì lợi ích của những người mà họ làm đại diện. Nhiệm kì của Quốc hội là 5 năm, việc tuyển cử các Đại biểu Quốc hội mới bảo đảm cho nhân dân có thể lựa chọn và bổ sung những đại diện mới vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của mình.
Với vị trí, tính chất như trên, Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
3. Chức năng của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Với tinh thần nói trên, Điều 69 Hiến pháp năm 2013 đã quy định chức năng của Quốc hội bao gồm những phương diện lớn sau đây:
– Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp.
– Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
– Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ – hoạt động của Nhà nước nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để và thống nhất, bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ, có hiệu lực và hiệu quả.
Chức năng nói trên của Quốc hội được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội./.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”
- Khái quát sự ra đời và phát triển của Quốc hội ở nước ta – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bộ máy nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Cấu trúc tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
Trả lời