Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và một số vấn đề cần hoàn thiện
Tác giả: Nguyễn Thanh Huyền [1] & Mai Thị Thu Hường [2]
TÓM TẮT
Bạo lực gia đình luôn là nguy cơ tiềm ẩn trong mỗi gia đình, cũng như là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình (LPCBLGĐ) năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lĩnh vực pháp luật này vẫn còn tồn tại một số bất cập. Bài viết này luận giải cách tiếp cận bạo lực gia đình, thực trạng pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và thực tiễn thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
1. Khái niệm về bạo lực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ nhất, khái niệm bạo lực gia đình.
Với kết quả không nhỏ của hơn 10 năm thực hiện LPCBLGĐ nhưng bạo lực gia đình vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Theo kết quả những phụ nữ bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong 12 tháng qua, bình quân đã phải chi 9.426.500 Đồng cho những chi phí (chăm sóc y tế, tiếp cận các dịch vụ, phải bỏ nhà đi và thay thế đồ đạc bị hỏng). Việt Nam bị thiệt hại năng suất lao động tương đương với 100.507 tỷ đồng, bằng khoảng 1,81% GDP năm 20185 .
Vậy bạo lực gia đình là gì? Hiểu theo cách chung nhất thì bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội – đó là hành vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình.
Theo LPCBLGĐ năm 2007 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”.
Hậu quả của bạo lực gia đình đã làm tổn hại sức khỏe, tinh thần của nạn nhân, cũng như thiệt hại về kinh tế. Kết quả điều tra cũng cho thấy điều tra năm 2019 cứ ba phụ nữ tuôi khoảng từ 15 đến 64 thì có một người (32,0%) đã từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời. Con số thực tương đương với 9.251.740 phụ nữ từng kết hôn/có bạn tình ở nhóm tuôi này3. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra người gây bạo lực thường là các thành viên trong gia đình (thường là thành viên nam nhiều hơn thành viên nữ)4.
Đây là hành vi của một hay nhiều thành viên gia đình dùng quyền lực và bạo lực để thực hiện hành vi làm cho người khác đau đớn về thể xác, bị khủng hoàng về tinh thần và bị bế tắc về mặt xã hội nhằm khuất phục, khống chế và kiểm soát người đó. Bạo lực gia đình được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như:
Bạo lực về thể chất trong gia đình: Là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
Bạo lực về tinh thần trong gia đình: Là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
Bạo lực về kinh tế trong gia đình: Là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình.
Bạo lực về tình dục: Là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con6.
Từ khái niệm và hình thức biểu hiện của bạo lực gia đình, chúng ta có thể thấy bạo lực gia đình có các đặc điểm sau:
Một là, bạo lực gia đình là hành vi bạo lực xảy ra giữa các thành viên trong gia đình tức là chủ thể có hành vi bạo lực gia đình (người gây ra bạo lực gia đình) phải là thành viên trong gia đình và nạn nhân của bạo lực gia đình là một trong những thành viên hoặc các thành viên còn lại của gia đình đó.
Hai là, bạo lực gia đình được thực hiện bởi lỗi cố ý chứ không thể là lỗi vô ý của người gây ra bạo lực.
Ba là, bạo lực gia đình là hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, xã hội đối với thành viên khác trong gia đình.
Đối tượng của các hành vi bạo lực gia đình có thể là bất kỳ ai trong đó có cả nam giới nhưng thường là những thành viên yếu thế, dễ bị tổn thương và trong hầu hết các trường hợp là phụ nữ, người già và trẻ em.
Như vậy, bạo lực gia đình không phải là một sự việc cá biệt, riêng lẻ mà là một mô hình của các hành vi lặp đi lặp lại. Các cuộc hành hung được lặp lại đối với cùng một nạn nhân bởi cùng một thủ phạm trong gia đình. Những hành vi bạo lực này thường xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả thể chất, tình dục, tinh thần (tâm lý) và kinh tế7.
Thứ hai, khái niệm phòng, chống bạo lực gia đình.
Phòng, chống bạo lực gia đình là những biện pháp, cách thức nhằm hạn chế, ngăn chặn những hậu quả xấu do bạo lực gia đình gây ra, tiến tới loại bỏ sự phát sinh, tồn tại và phát triển của bạo bực gia đình.
Hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động chủ động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và cá nhân trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình; xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
Thứ ba, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là một lĩnh vực pháp luật gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan tới hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình với nhau; việc phòng chống bạo lực gia đình của các chủ thể nhằm bảo vệ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, văn minh, góp phần ổn định trật tự xã hội, thực hiện các mục tiêu về quyền con người, quyền công dân.
2. Thực trạng và thực tiễn thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ nhất, quy định về nội hàm “bạo lực gia đình” trong LPCBLGĐ.
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, LPCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn lại không giải thích thế nào là “thành viên gia đình”? Trong khi đó, dẫn chiếu sang Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 thì giải thích thuật ngữ “gia đình” và thuật ngữ “thành viên gia đình” như sau:
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật HN&GĐ8.
Thành viên gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột 9.
Vậy khi nói đến “bạo lực gia đình” theo LPCBLGĐ thì có thể hiểu là bạo lực giữa các thành viên trong gia đình theo cách hiểu về “thành viên gia đình” theo Luật HN&GĐ hay không?
LPCBLGĐ không có giải thích thuật ngữ “gia đình” và thuật ngữ “thành viên gia đình” cho nên các hành vi “bạo lực gia đình” bị nghiêm cấm được quy định trong Khoản 1 Điều 2 lại được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng10.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu nội hàm “thành viên gia đình” mà LPCBLGĐ điều chỉnh không chỉ là những thành viên gia đình được xác lập bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng mà còn bao gồm cả những người “đã từng” là thành viên gia đình với nhau hoặc chưa xác lập quan hệ gia đình theo pháp luật nhưng có quan hệ với nhau như những thành viên trong gia đình.
Quy định này dẫn đến sự không lô gic về mặt thuật ngữ và gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
Ví dụ 1: Anh A và chị B chung sống với nhau có quan hệ như vợ chồng (vì không đăng ký kết hôn). Trong trường hợp anh A có hành vi bạo hành với bố chị B hay anh/chị em ruột của chị B thì có được coi là hành vi bạo lực gia đình hay không? Theo Luật HN&GĐ năm 2014 thì mối quan hệ giữa anh A và chị B, giữa anh A và thành viên trong gia đình chị B không được coi là “thành viên gia đình”, nhưng theo LPCBLGĐ năm 2007 thì hành vi bạo lực của anh A đối với thành viên trong gia đình chị B lại là hành vi bạo lực gia đình.
Thứ hai, quy định về các cách thức bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình còn chưa phù hợp.
Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm: Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình; ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình và biện pháp cấm tiếp xúc.
Các biện pháp này đã phát huy tác dụng không nhỏ trong phòng, chống bạo lực gia đình như: Những người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình phải chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc những biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật hành chính, pháp luật hình sự. Tuy nhiên, quy định biện pháp cấm tiếp xúc (Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân) theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hoặc quyết định cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án nhân dân còn chưa khả thi vì điều kiện để áp dụng biện pháp này là phải có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc được sự đồng ý của nạn nhân11. Quy định này quá cứng nhắc dẫn đến nhiều trường hợp không bảo vệ được nạn nhân và để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ví dụ 2: Vụ án Đàm Minh Thêm (sinh năm 1982, ngụ quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) giết vợ cũ vì đề nghị nối lại tình cảm bị cự tuyệt12.
Bên cạnh đó, pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa có quy định về áp dụng biện pháp “cách ly” người gây ra bạo lực gia đình mà chủ yếu là biện pháp “tạm lánh” cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Như vậy, nạn nhân dường như phải “trốn” khỏi nơi mình sinh sống còn người gây ra bạo lực thì vẫn yên tâm tại nơi ở mà không phải áp dụng biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình nào. Chúng ta nên xây dựng và quy định biện pháp “cách ly” đối với người gây ra bạo lực gia đình và phân biệt nó với các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật hành chính và hình sự.
Thứ ba, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa đầy đủ.
LPCBLGĐ năm 2007 có quy định danh mục các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình bị cấm thì văn bản quy định về xử lý hành vi vi phạm này phải có chế tài đồng bộ kèm theo. Hiện nay, Điều 8 LPCBLGĐ năm 2007 có quy định về hành vi bị nghiêm cấm đó là: “7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình”. Nhưng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) lại không có quy định xử phạt nào đối với hành vi này. Chính vì vậy, khi thực tiễn xảy ra như hậu quả của vụ án kinh hoàng anh trai thảm sát cả nhà em trai ở huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội (ví dụ đã nêu) khiến 04 người chết, trong đó có 02 người phụ nữ và 01 trẻ em gái thì trách nhiệm của công an huyện, đội cảnh sát hình sự cơ sở mới chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm13.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền cơ sở nếu không thực hiện đúng trách nhiệm được quy định trong LPCBLGĐ.
Trong thực tiễn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng gặp không ít khó khăn vì quy định không dễ để áp dụng.
Ví dụ: Quy định “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”14. Vậy, thương tích ở mức độ nào và nạn nhân phải có kết quả giám định thương tật thì người gây ra bạo lực gia đình mới bị xử phạt chăng? Quy định “Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình”15. Vậy mức độ lăng mạ, chửi bới thành viên trong gia đình như thế nào thì sẽ bị xử lý? Muốn có căn cứ để xử phạt cần có bằng chứng, có người đứng ra tố giác hoặc cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Trong khi đó, sự lăng mạ thực hiện bằng lời nói mà thường thì “lời nói gió bay” lấy gì làm căn cứ; liệu lực lượng cán bộ xã, công an… có đủ để theo sát từng nhà, phát hiện hành vi để xử lý. Đây chính là lý do mà quy định có nhưng không thực hiện xử phạt được trong thực tế hoặc rất ít khi được xử lý khiến cho tình trạng bạo lực gia đình ngày càng diễn ra phức tạp hơn và chính người vi phạm và nạn nhân cho rằng đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ tư, quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi bạo lực gia đình.
Đa số các hành vi bạo lực gia đình chỉ có thể bị khởi tố hình sự nếu người bị hại (nạn nhân) hoặc người đại diện của nạn nhân có yêu cầu16. Đó là các tội sau đây trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017:
(1): Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134);
(2): Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135);
(3): Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136);
(4): Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138);
(5): Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139);
(6): Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141);
(7): Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143);
(8): Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155);
(9): Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156);
(10): Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Khoản 1 Điều 226).
Như vậy, hành vi bạo lực gia đình đều có thể rơi vào từ trường hợp 1 đến trường hợp 9 và chỉ bị khởi tố khi nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc người đại diện của họ yêu cầu. Nếu họ không yêu cầu thì biện pháp phòng ngừa lại được tiếp tục được áp dụng và giải pháp để giải quyết bạo lực gia đình là hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình17.
Ý nghĩa của quy định “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại” trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng là phản ánh thực tiễn vì có những trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội có thể gây thêm những tổn thất khác cho bị hại so với việc không khởi tố vụ án hình sự như: Gây thêm những tổn thất về tinh thần, làm lộ bí mật đời tư của bị hại, phá vỡ sự tha thứ, hòa giải và thỏa thuận bồi thường giữa các bên18…
Trong thực tế, khá nhiều phụ nữ bị bạo hành gia đình với những thương tích nghiêm trọng cũng khá phổ biến (12,9% bị rách màng nhĩ và tổn thương mắt và 7,3 % bị thương tích do các vết cắt sâu hoặc vết thương dài và sâu). Tổng cộng 6,5% trong số những phụ nữ đã từng bị thương tích cho biết họ đã từng bị “bất tỉnh”19. Một nửa (49,6%) phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra chưa bao giờ kể cho bất cứ ai về việc này (trước khi được phỏng vấn) và hầu hết họ (90,4%) không tìm đến sự hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ của nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền20. Trong số ít những phụ nữ đi điều trị thương tích, chỉ có khoảng một nửa nói thật với nhân viên y tế về nguyên nhân gây thương tích21. “Xấu hổ” là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ không muốn đến cơ sở y tế để sử dụng dịch vụ. Họ ngại nhân viên y tế sẽ hỏi về lý do khiến họ có vết thương và “khó khăn về kinh tế” là một lý do nữa khiến phụ nữ không tiếp cận các dịch vụ y tế22. Đây cũng chính là lý do mà nạn nhân bạo lực gia đình không tố giác vì nếu bị xử phạt hành chính thì có khi chính nạn nhân lại phải đem “tiền của gia đình” mình đi nộp phạt, nếu người bạo lực gia đình bị xử lý hình sự thì người phụ nữ bị bạo hành lại lo sợ con cái mình sẽ chịu tiếng xấu với đời vì có “bố đi tù do bạo hành mẹ”.
Đây cũng là điểm hạn chế trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều vụ bạo lực gia đình, đặc biệt bạo lực gia đình đối với phụ nữ có tính chất của tội phạm nhưng lại không được xử lý.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật phòng chống bạo lực gia đình
Một là, LPCBLGĐ cần có quy định giải thích các thuật ngữ có liên quan một cách lo gíc như: cần làm rõ khái niệm “gia đình” và “thành viên gia đình”, trên cơ sở đó mới giải thích “bạo lực gia đình” và các hành vi bạo lực gia đình. Đây là cơ sở để áp dụng đúng và thống nhất pháp luật khi triển khai thực thi pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tiễn.
Khi sửa đổi LPCBLGĐ cần thống nhất theo một tư tưởng chủ đạo và trả lời đầy đủ các câu hỏi sau: Gia đình là gì? Thành viên gia đình gồm những ai? Bạo lực gia đình là gì? Xác định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình theo từng nhóm loại hoặc từng hành vi cụ thể? Trên cơ sở đó chúng ta mới là rõ được các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, chống bạo lực gia đình, xử lý vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình bạo lực gia đình, cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Có thể hiểu “thành viên gia đình” theo nghĩa mở rộng như sau: Thành viên gia đình là những người có một khoảng thời gian sống chung với nhau ổn định, có sự quan tâm chia sẻ với nhau những công việc của gia đình và xã hội, từ đó hình thành nên mối liên hệ đặc biệt về tâm lý, tình cảm, tạo nên cách ứng xử giữa họ với nhau, bao gồm những đối tượng sau:
(1) những người sống trong cùng một gia đình, có đời sống chung về mặt vật chất và tinh thần như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân;
(2) quan hệ giữa những người là con dâu/con rể với cha/mẹ, anh/em bên chồng hoặc bên vợ;
(3) giữa những người sống chung với nhau như vợ chồng.
Hai là, cần bổ sung thêm quy định về biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, mô hình Địa chỉ tin cậy ở Cộng đồng (mô hình Nhà tạm lánh) cũng đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, quy định này đã bộ lộ nhược điểm của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đó là bảo vệ nạn nhân một cách thụ động (người bị bạo lực gia đình phải đi trốn), đặc biệt là những nơi chưa có Nhà tạm lánh hoặc Địa chỉ tin cậy tại Cộng đồng, thậm chí nhiều trường hợp nạn nhân trốn về nhà người thân mà vẫn còn bị người gây ra bạo lực gia đình truy đuổi. Chính vì, cần bổ sung thêm biện pháp “cách ly” đối với người gây ra bạo lực gia đình, buộc người gây ra bạo lực gia đình phải dời khỏi chỗ ở chứ không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm pháp luật hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình như: xử phạt vi phạm pháp luật hành chính đối với hành vi dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Hướng dẫn chi tiết cách thức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.
Bốn là, cần mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố hình sự đối với các hành vi bạo lực gia đình, không chỉ là người bị hay người đại diện của người bị hại mà có thể mở rộng đại diện của chính quyền địa phương, đại diện của các tổ chức đoàn thể. Vì họ là người nắm bắt rõ nhất mức độ của sự mâu thuẫn trong gia đình của các thành viên, cũng như mức độ thương tích, tần suất bạo hành mà nạn nhân của bạo lực gia đình phải chịu đựng. Đây cũng là cách thức để nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
Hơn nữa, cần thể chế hóa vào luật hình sự đối với nhóm tội phạm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Có như vậy mới có tính răn đe đối với chủ thể vi phạm và với những người khác, dễ dàng trong việc áp dụng, xử lý, tránh được tình trạng bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình23. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm sửa đổi LPCBLGĐ và ban hành các văn bản pháp luật để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành LPCBLGĐ.
Kết luận:
Để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chúng ta cần có một hệ thống pháp luật hoàn thiện và sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội. Bài viết này, với những phân tích gợi mở ban đầu về những bất cập của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong quá trình sửa đổi LPCBLGĐ năm 2007./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Hội Chữ thập đỏ, Quận Long Biên – Hà Nội.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2020), “Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 – Hành trình để thay đổi”, trang xx.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2020), “Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 – Hành trình để thay đổi”, trang xxi.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại ViệtNam (2020), Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 – Hành trình để thay đổi”, trang xxvi.
- Nguyễn Thị Hương (2016), “Vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh phúc hiện nay” luận văn thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia.
- Missouri Coalition Against Domestic and Sexual Violence (2012) “Understanding theNature and Dynamicsof Domestic Violence”https://www.mocadsv.org/FileStream.aspx?FileID=2, page 5.
- Xem Khoản 2 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Khoản 16 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
- Điểm a, Khoản 1 Điều 20 và điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
- Nguồn: Xuân Duy, “Níu kéo bất thành, chồng sát hại vợ cũ”, https://dantri.com.vn/phap-luat/niu-keo-bat-thanh- chong-sat-hai-vo-cu-20200618143237032.htm, đăng thứ năm, 18/06/2020 – 15:15.
13 Nguồn: “Vụ thảm sát ở Đan Phượng: Kiểm điểm công an huyện, đội cảnh sát hình sự” http://daidoanket.vn/vu-an/vu-tham-sat-o-dan-phuong-kiem-diem-cong-an-huyen-doi-canh-sat-hinh-su-tintuc 454047.
- Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
- Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
- Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Điểm a, Khoản 7 Điều 12 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
- Hoàng Thị Vân Anh (2019), “Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại: Những hạn chế cần khắc phục” https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/khoi-to-vu-an-theo-yeu-cau-cua-bi-hai-nhung-han-che-can-khac-phuc.
- Tổng Cục Thống Kê, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Quỹ phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (MDG-F), Liên Hợp quốc (UN) (2010) “Kết quả từ Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình với Phụ nữ ở Việt Nam: Im lặng là chết”, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=418&ItemID=10692, Tr. 81.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2020), “Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 – Hành trình để thay đổi”, tr. XXIII.
- Tổng Cục Thống Kê, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Quỹ phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (MDG-F), Liên Hợp quốc (UN) (2010) “Kết quả từ Nghiên cứu Quốc gia vềbạo lực gia đình với Phụ nữ ở Việt Nam: Im lặng là chết”, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=418&ItemID=10692, Tr. 81.
- Tổng Cục Thống Kê, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Quỹ phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (MDG-F), Liên Hợp quốc (UN) (2010) “Kết quả từ Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình với Phụ nữ ở Việt Nam: Im lặng là chết”, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=418&ItemID=10692, Tr. 81.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2020), Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 – Hành trình để thay đổi.
- Nguyễn Thị Hương (2016), “Vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh phúc hiện nay” luận văn thạc sĩ – Học viện Hành chính Quốc gia.
- Nguyễn Thị Ngọc Bích (2009), Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phòng chống bạo lực gia đình, Tạp chí Luật học
- Lê Lan Chi (2011), “Bàn về ranh giới xử lý hình sự và xử lý hành chính các hành vi bạo lực gia đình”, Tạp chí Nhà nước và Pháp Luật.
- Hoàng Thị Vân Anh (2019), “Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại: Những hạn chế cần khắc phục” https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap- luat/khoi-to-vu-an-theo-yeu-cau-cua-bi-hai- nhung-han-che-can-khac-phuc.
- Thúy Hiền, “Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình”, http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/chinh- sach-quan-ly/artmid/2064/articleid/13976/hoi-nghi-tong-ket-10-nam-thi-hanh-luat-phong- chong-bao-luc-gia-dinh.
- http://daidoanket.vn/vu-an/vu-tham-sat- o-dan-phuong-kiem-diem-cong-an-huyen-doi- canh-sat-hinh-su-tintuc454047, “Vụ thảm sát ở Đan Phượng: Kiểm điểm công an huyện, đội cảnh sát hình sự”.
- Lê Thị Thanh Nhã, “Khi đàn ông bị… bạo hành” https://plo.vn/xa-hoi/khi-dan-ong-bi-bao- hanh-721330.html.
- Trần Thanh, “Khởi tố vụ án thảm sát cả gia đình ở Đan Phượng” https://dantri.com.vn/phap- luat/khoi-to-vu-an-tham-sat-ca-gia-dinh-o-dan- phuong-20190901180631546.htm.
- Tổng Cục Thống Kê, Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Quỹ phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (MDG-F), Liên Hợp quốc (UN) (2010) “Kết quả từ Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình với Phụ nữ ở Việt Nam: Im lặng là chết”, https://www.gso.gov.vn/default.aspx? tabid=418& ItemID=10692.
- Missouri Coalition Against Domestic and Sexual Violence (2012) “Understanding the Nature and Dynamics of Domestic Violence” https://www.mocadsv.org/FileStream.aspx? FileID=2.
Trả lời