Mục lục
Quyền tình dục và bảo vệ quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam
Tác giả: Hoàng Thị Hải Yến [1] & Hồ Thị Bảo Ngọc [2]
TÓM TẮT
Trong quan hệ hôn nhân, nhu cầu quan hệ tình dục của một bên chồng hoặc vợ là một nhu cầu tất yếu nhằm duy trì hôn nhân, được pháp luật và xã hội thừa nhận. Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp người chồng sử dụng vũ lực đối với vợ để đạt được nhu cầu tình dục của bản thân, trong khi người vợ lại không đồng thuận. Đối với vấn đề này, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều điểm bất cập liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe tình dục cá nhân cũng như sức khỏe tình dục của vợ/chồng trong quan hệ hôn nhân. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả muốn đề cập đến việc bảo vệ quyền tình dục bằng các biện pháp dân sự, hình sự và các biện pháp pháp lý khác phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Khái quát về quyền tình dục và quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân
Quyền tình dục (sexual rights/rights to sexuality) là khái niệm đã được sử dụng chính thức bởi Liên hợp quốc3. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra một khái niệm (không chính thức) về quyền này4. Khái niệm quyền tình dục được ghi nhận chính thức lần đầu tiên trong văn kiện quốc tế vào năm 1995, tại đoạn 96 của Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh Hành động (được thông qua tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 1995), trong đó nêu rằng: “Quyền con người của phụ nữ bao gồm quyền được kiểm soát và quyết định một cách tự do và có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tình dục của họ, bao gồm sức khỏe tình dục và sức khoẻ sinh sản, không bị cưỡng bức, phân biệt đối xử và bạo lực trong tình dục. Mối quan hệ bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong các vấn đề quan hệ tình dục và sinh sản, bao gồm cả tôn trọng đầy đủ sự toàn vẹn về thể chất, đòi hỏi phải có sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm đối với hành vi tình dục và hậu quả của nó”.
Tuy nhiên, phải đến năm 1999, nội hàm của quyền tình dục mới được ghi nhận đầy đủ trong một văn kiện quốc tế, Tuyên ngôn toàn cầu về quyền tình dục (được thông qua tại Hội nghị thế giới lần thứ 14 về tình dục, tổ chức tại Hồng Kông, Trung Quốc, năm 1999). Theo văn kiện này, quyền tình dục bao gồm5: 1) Quyền tự do tình dục; 2) Quyền tự chủ về tình dục, toàn vẹn về tình dục, và được an toàn thân thể trong hoạt động tình dục; 3) Quyền về sự riêng tư trong tình dục; 4) Quyền được công bằng trong tình dục; 5) Quyền được hưởng khoái lạc tình dục; 6) Quyền được bày tỏ xúc cảm tình dục; 7) Quyền được tự do kết hợp về tình dục; 8) Quyền được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về việc sinh đẻ; 9) Quyền được tiếp nhận những thông tin khoa học về tình dục; 10) Quyền được giáo dục tình dục toàn diện; 11) Quyền được chăm sóc sức khoẻ tình dục.
Quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân: Quyền tình dục rất gần gũi nhưng không hoàn toàn đồng nhất với các quyền về hôn nhân/gia đình (marriage/family rights) và quyền sinh sản (reproductive rights). Về nội hàm, quyền tình dục rộng hơn, bao gồm quyền sinh sản, do quyền sinh sản chủ yếu chỉ đề cập đến tự do của các cá nhân trong việc quyết định có con và được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ sinh sản6. Tuy nhiên, quyền tình dục đề cập sâu hơn về tự do tình dục, nhưng hẹp hơn về các khía cạnh tài sản và con cái – là những nội dung cốt lõi của các quyền về hôn nhân/gia đình. Về phương diện pháp lý và lịch sử, các quyền về hôn nhân/gia đình và quyền sinh sản được pháp điển hoá trong luật quốc tế và luật quốc gia sớm hơn so với quyền tình dục. Từ nhiều góc độ, đặc biệt là góc độ pháp lý, có thể coi quyền tình dục là một sự phát triển, mở rộng của các quyền về hôn nhân/gia đình và quyền sinh sản7.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có quy định chính thức về quyền tình dục nhưng các quyền liên quan đến tình dục đã được ghi nhận rải rác tại nhiều văn bản luật quan trọng, lấy nền tảng là nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các chủ thể có quyền và xuất phát điểm là các quyền về hôn nhân/gia đình và quyền sinh sản, cụ thể như:
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”8. Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó, như vậy mặc dù không quy định trực tiếp nhưng đã gián tiếp thừa nhận bình đẳng giới về quyền tình dục9. Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình liên quan đến quyền tình dục bao gồm cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ10. Luật người khuyết tật năm 2010 quy định cấm cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật11. Như vậy, Luật này đã gián tiếp thừa nhận quyền tình dục của người khuyết tật. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm12, quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình13, quyền xác định lại giới tính14, chuyển đổi giới tính15.
Trong quan hệ hôn nhân, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ) quy định rõ vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình16. Luật HNGĐ năm 2014 có các quy định liên quan đến quyền tình dục như quy định cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ17; quy định quyền nhân thân giữa vợ chồng về tình nghĩa vợ chồng18; bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính trước đây, thay bằng quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính19. Đây chính là sự thừa nhận quyền tình dục, cụ thể là quyền tự do tình dục, quyền được tự do kết hợp về tình dục bằng pháp luật hôn nhân gia đình. Đặc biệt, Luật HNGĐ năm 2014 còn quy định một trong các căn cứ ly hôn là sự vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo đó tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Có thể hiểu một trong các quyền đồng thời là nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân chính là quyền/nghĩa vụ tình dục của vợ/chồng với người phối ngẫu.
Trong lĩnh vực hình sự, đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã tội phạm hóa 02 hành vi có tính chất xâm hại đến quyền tình dục, cụ thể là quyền tự do tình dục trong quan hệ hôn nhân gồm: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện20.
3. Hoàn thiện pháp luật Việt Nam hiện hành nhằm bảo đảm quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân
Năm 2008, Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre nhận được đơn kiện của bà Dung (37 tuổi) với lý do hy hữu yêu cầu được bồi hoàn một khoản thiệt hại về “hạnh phúc gia đình” cho hai vợ chồng bà, nguyên nhân bắt nguồn từ tai nạn lao động năm 2007 của ông Phương chồng bà Dung bị ngã giáo chùn cột sống, mất 60% khả năng lao động, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý21. Bà Dung kiện công ty vì cho rằng mình cũng là người chịu thiệt hại nên công ty chồng phải bồi hoàn thêm một khoản “hạnh phúc gia đình” cho hai người. Phía công ty lại cho rằng, việc vợ chồng bà Dung mâu thuẫn là do không dung hòa được mối quan hệ với hai vợ chồng, chứ không liên quan gì đến việc ông Phương mất khả năng sinh lý do tai nạn lao động gây ra. Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc buộc phải đưa vụ kiện ra xét xử, Hội đồng xét xử đã nhận định nguyên đơn không đưa ra được bằng chứng chứng minh vợ chồng bị tổn thất trong việc ông Phương bị mất khả năng sinh lý, vì thế không thể yêu cầu phía công ty bồi thường.
Ở Việt Nam, quyền tình dục là vấn đề mới, đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ghi nhận quyền này. Quyền tình dục trong quan hệ vợ chồng là loại quyền duy nhất được coi là hợp pháp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới cả về mặt đạo đức và pháp lý. Mặc dù vậy, pháp luật về quyền tình dục nói chung cũng như quyền tình dục của cá nhân trong quan hệ hôn nhân vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Thực tế, quyền tình dục của vợ, chồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn nhiều phát sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy, xâm phạm đến quyền tình dục của nhau. Nhằm đảm bảo và cải thiện quyền hưởng thụ tình dục chính đáng của cá nhân nói chung và của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân hợp pháp, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định Luật HNGĐ năm 2014 về bảo vệ quyền tình dục của vợ chồng.
Vợ, chồng hoặc cả hai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi có yêu cầu, Tòa án căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định căn cứ ly hôn22 và nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng23. Theo Luật HNGD năm 2014, yếu tố lỗi bao gồm: một bên vợ, chồng có hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, có hành vi bạo lực gia đình bao gồm cả bạo lực trong quan hệ hôn nhân, vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào trình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên, Luật HNGĐ năm 2014 vẫn còn quy định hết sức trừu tượng và chung chung về nghĩa vụ chung thủy giữa vợ, chồng24. Do đó, nhóm tác giả cho rằng, pháp luật cần có quy định chi tiết các tiêu chí để xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ thủy chung. Hiện nay, việc đồng nhất hoặc không đồng nhất hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của một bên/bai bên vợ chồng với việc vi phạm nghĩa vụ chung thủy vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi tình dục ngoài hôn nhân luôn được xác định là vi phạm nghĩa vụ không chung thủy. Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu vợ/chồng vẫn đảm bảo cho nhau một đời sống tình dục đầy đủ và có trách nhiệm với gia đình, hành vi tình dục ngoài hôn nhân không bị coi là vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng. Về vấn đề này, nhóm tác giả đồng tình với cả hai quan điểm. Trong thực tiễn, đời sống vợ chồng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt không hẳn do có hành vi tình dục ngoài hôn nhân, mà có thể xuất phát từ nội hàm quyền quan hệ tình dục của vợ chồng như quyền về sự riêng tư trong tình dục, quyền được hưởng khoái lạc tình dục, quyền được công bằng trong tình dục, quyền được bày tỏ xúc cảm tình dục… không được đảm bảo. Như vậy, khi một bên vợ/chồng không có hành vi tình dục ngoài hôn nhân nhưng bỏ bê đời sống tình dục của phía bên kia, hoặc miệt thị, kinh miệt, coi thường nhu cầu sinh lý hoặc các hình thức biểu hiện cảm xúc tình dục của đối tác25, cũng cần được xem là vi phạm nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng, cơ sở xác định mục đích hôn nhân không đạt. Ngoài ra, nhóm tác giả cho rằng, pháp luật tố tụng cần hướng dẫn về chứng cứ chứng minh hành vi không thực hiện nghĩa vụ tình dục của một bên vợ/chồng, một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Thứ hai, bảo vệ quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân thông qua biện pháp dân sự.
Trong thực tiễn, một bên vợ/chồng bị xâm phạm sức khỏe ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, đặt biệt do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, dẫn đến suy giảm hạnh phúc tình dục của chính nạn nhân và người phối ngẫu không phải hiếm gặp. Tranh chấp dân sự liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại do một bên vợ/chồng bị xâm phạm sức khỏe dẫn đến ảnh hưởng đến đời sống tình dục của người phối ngẫu đã từng được ghi nhận, cụ thể:
Theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, khi sức khỏe của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại được bồi thường thiệt hại vật chất26 và thiệt hại về tinh thần27. Tuy nhiên, trường hợp tai nạn làm sức khỏe bị xâm phạm, người bị hại suy giảm khả năng sinh lý, vợ hoặc những người thân thích của người bị hại không được hưởng bồi thường thiệt hại tinh thần. Trong vụ việc trên, cơ quan tố tụng không phân biệt giữa thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và thiệt hại do sức khỏe tình dục bị xâm phạm, để từ đó phân biệt các dạng khác nhau của tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Ví dụ: trường hợp người bị thiệt hại bị gãy một cánh tay hay bị cắt cụt bộ phận sinh dục tức đều mất một phần thân thể dẫn đến suy giảm sức khỏe, nhưng sự tổn thất về tinh thần mà người bị hại phải chịu đựng trong hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc rất lớn vào nhân thân của nạn nhân: độ tuổi, tình trạng hôn nhân, đã có con hay chưa. Chính vì vậy, thiệt hại tinh thần được bồi thường cho tổn thất về sức khỏe tình dục phải khác thiệt hại tinh thần được bồi thường cho tổn thất về sức khỏe thể chất nói chung, không thể áp dụng chung như nhau mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp các bên không thỏa thuận được là “tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Khi sức khỏe tình dục bị xâm phạm, tình trạng hôn nhân của nạn nhân cũng dẫn đến sự khác biệt về chủ thể phải chịu tổn thất về tinh thần. Nếu nạn nhân còn độc thân, bản thân nạn nhân phải gánh chịu tổn thất tinh thần. Nếu nạn nhân đã có gia đình, người phối ngẫu cũng phải chịu sự thiệt thòi không đáng có về nhu cầu sinh lý. Kinh nghiệm lập pháp một số quốc gia như Pháp, Ý cho thấy, thiệt hại về tình dục đã được ghi nhận bằng pháp luật dưới hình thức án lệ, gọi là bồi thường thiệt hại tình dục. Loại thiệt hại này được xếp vào nhóm thiệt hại tinh thần, được đền bù độc lập với các thiệt hại tinh thần khác khi thể chất bị xâm phạm cho nạn nhân trực tiếp là chồng/vợ, ngoài ra nạn nhân gián tiếp là vợ/chồng hợp pháp của nạn nhân trực tiếp cũng được hưởng bồi thường thiệt hại tinh thần tình dục28. Nhóm tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần xây dựng án lệ bồi thường thiệt hại tình dục, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho vợ chồng trong quan hệ hôn nhân gia đình.
Thứ ba, bảo vệ quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân bằng biện pháp hình sự.
Trong quan hệ hôn nhân, quyền tình dục đồng thời cũng là nghĩa vụ nhân thân. Vì lẽ đó, vợ chồng có hành vi xâm phạm tình dục có được xác định là đối với nhóm tội xâm phạm tình dục hay không vẫn là vấn đề còn nhiều quan điểm trái chiều. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong hôn nhân, quan hệ vợ chồng không thể coi đó là hành vi hiếp dâm, chỉ là hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ hoặc chồng theo Luật hôn nhân và gia đình, chỉ bị xử phạt hành chính29. Trong một vụ việc tương tự, Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do nhận định hành vi không cấu thành tội phạm30. Quan điểm thứ hai cho rằng, về mặt pháp luật, người chồng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếm dâm vợ, nhưng nếu áp dụng Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì có lẽ cũng sẽ hay hơn bởi ý thức ở đây người chồng cũng chỉ muốn hàn gắn quan hệ gia đình31. Một quan điểm khác nhấn mạnh, tội danh hiếp dâm không quy định chủ thể đặc biệt nên không thể loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng mà chỉ quan tâm đến hành vi “giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân”32. Nhóm tác giả đồng ý với quan điểm này. Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lại quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS năm 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Do đó, đối với tội hiếp dâm, nếu không có đơn tố cáo của người bị hại thì sẽ không thể khởi tố vụ án hình sự. Nhằm đảm bảo quyền tình dục của các bên trong quan hệ hôn nhân, quy định pháp luật về xâm hại tình dục nên tập trung ưu tiên vào vấn đề chứng minh có hay không có sự đồng thuận. Cụ thể, bị cáo phải có trách nhiệm chứng minh rằng nạn nhân đã thể hiện “rõ ràng sự đồng tình tự nguyện” khi quan hệ tình dục thông qua các chứng cứ có giá trị chứng minh./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Trưởng Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
- Thạc sỹ, Giảng viên Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp.
- Xem phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, ông Michel Sidibé Giám đốc điều hành Chương trình của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AID (UNAIDS).. nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2012, tại http://www.un.org/en/events/aidsday/2012/statements.shtml, truy cập ngày 01/01/2013.
- Theo định nghĩa này, quyền tình dục là những quyền con người được thừa nhận trong pháp luật của các quốc gia, các văn kiện nhân quyền quốc tế và các tuyên bố đồng thuận khác. Nó bao gồm quyền của tất cả mọi người, một cách tự do không bị cưỡng bức, phân biệt đối xử và bạo lực, được: (1) Hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể về sức khoẻ tình dục, bao gồm việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục; (2) Tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin liên quan đến tình dục; (3) Hưởng giáo dục tình dục; (4) Tôn trọng sự toàn vẹn về thân thể; (5) Lựa chọn bạn tình: (6) Quyết định có tham gia hoạt động tình dục hay không; (7) Có các quan hệ đồng thuận về tình dục; (8) Kết hôn dựa trên sự đồng thuận; (9) Quyết định có con hay không và vào khi nào; (10) Tìm cầu một đời sống tình dục thích thú, an toàn và thoả mãn. Mọi người khi hưởng thụ các quyền này đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của người khác, http://www.who.int/reproductivehealth/topics/gender_rights/sexual_ health/en/, truy cập ngày 22/12/2012.
- Nguồn http://www.worldsexology.org/wpcontent/uploads/2013/08/declaration_of_sexual_rights_sep03_ 2014.pdf; truy cập ngày 11/03/2019.
- Xem Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế và Dân số và Phát triển, Cairô 1994, đoạn 7.3 và Chương trình hành động Hội nghị Phụ nữ thế giới lần 4, Bắc Kinh 1995, đoạn 95.
- Vũ Công Giao, “Pháp luật về quyền tình dục trên thế giới và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam” , http://hr.law.vnu.edu.vn/sites/default/files/resources/quyen_ve_tinh_duc_trong_phap_luat_quoc_te_va_quoc_gia_vu_cong_giao.pdf.
- Điều 36 Hiến pháp năm 2013.
- Khoản 3 Điều 5 Luật bình đẳng giới năm 2006.
- Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.
- Khoản 6 Điều 14 Luật người khuyết tật năm 2010.
- Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2015
- Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015
- ĐIều 37 Bộ luật dân sự năm 2015
- Điều 17 Luật HNGĐ năm 2014.
- Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ năm 2014.
- Điều 19 Luật HNGĐ năm 2014.
- Khoản 2 Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014.
- Điều 181 BLHS năm 2015.
- https://www.phunuonline.com.vn/thoisu/phapluat/vodoicongtydenbuthiethaivichongyeusinhly 64292/, truy cập ngày 13/12/2018.
- Điều 56 Luật HNGĐ năm 2014.
- Điểm d Khoản 2 Điều 59 Luật HNGĐ năm 2014.
- Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng. 1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Cần lưu ý đến quyền tình dục và các quyền nội hàm của quyền này cần được thừa nhận trong giới hạn của quyền, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội, tuân thủ triệt để những nguyên tắc, nghĩa vụ mà pháp luật đặt ra để đảm bảo sự an toàn và hài hòa các lợi ích trong xã hội. Quyền tình dục bị giới hạn bởi các yêu cầu sau: không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; không được trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Thông tư số 173/UBTPTANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972.
- Khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Hoàng Thị Hải Yến, Thiệt hại về tình dục – Một loại thiệt hại tinh thần cần được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân số 2/2019, tr.0513.
- Quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh Đoàn luật sư TP Hà Nội). Xem Quốc Tuấn, Nhật Tân, “Tranh cãi vụ án chồng hiếp dâm… vợ ở Lạng Sơn”, https://giadinh.net.vn/phap luat/tranhcaivuanchonghiepdamvoolangson20200221013824541.htm, Ngày 21 Tháng 2, 2020 | 12:49 PM.
- Giang Phương, Bị chồng bạo hành dã man, ép quan hệ tình dục: Có kết quả giám định lần 2, https://thanhnien.vn/thoisu/bichongbaohanhdamanepquanhetinhduccoketquagiamdinhlan2 1234046.html, 20:11 05/06/2020.
- Quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật Đoàn luật sư TP. HCM) . Xem Quốc Tuấn, Nhật Tân, Tranh cãi vụ án chồng hiếp dâm… vợ ở Lạng Sơn, https://giadinh.net.vn/phapluat/tranh caivuanchonghiepdamvoolangson20200221013824541.htm, Ngày 21 Tháng 2, 2020 | 12:49 PM.
- Huệ Linh, Chồng bị khởi tố hình sự về hành vi hiếp dâm vợ trong trường hợp nào? https://anninhthudo.vn/chong bikhoitohinhsuvehanhvihiepdamvotrongtruonghopnaopost423357.antd; Ngày đăng 24/02/2020 11:34; Cùng ý kiến này là quan điểm của luật sư luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội), Xem Quốc Tuấn, Nhật Tân, Tranh cãi vụ án chồng hiếp dâm… vợ ở Lạng Sơn, https://giadinh.net.vn/ phapluat/tranhcaivuanchonghiepdamvo olangson20200221013824541.htm, Ngày 21 Tháng 2, 2020 | 12:49 PM
Trả lời