• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hậu quả pháp lý của ly hôn

Hậu quả pháp lý của ly hôn

25/10/2021 25/10/2021 CTV. Đặng Thùy Trang Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Hậu quả pháp lý về tài sản
  • 2. Hậu quả pháp lý về việc nuôi con
  • 3. Hậu quả pháp lý về cấp dưỡng
  • CHÚ THÍCH

Hậu quả pháp lý của ly hôn

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh [1]

TÓM TẮT

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Việc chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện trên sự thỏa thuận của vợ, chồng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết. Bài viết nghiên cứu quy định của pháp luật hiện hành về hậu quả pháp lý của ly hôn và đề xuất hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về vấn đề này.

Hậu quả pháp lý của ly hôn

Trong cuộc sống hôn nhân, không phải gia đình nào cũng có được hạnh phúc trọn vẹn… Bên cạnh những gia đình hạnh phúc viên mãn còn có nhiều gia đình do những hoàn cảnh khác nhau mà dẫn đến tan vỡ. Nếu hạnh phúc không trọn vẹn, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn cho mình hình thức ly hôn. Pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận khi vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Mặt khác, khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ và trẻ em, tránh gây ra những hoàn cảnh không tốt ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ, pháp luật không cho phép người chồng yêu cầu ly hôn trong khi người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Những quy định này được thể hiện rõ tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014. Trong trường hợp Tòa án cho phép ly hôn thì kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quan hệ hôn nhân chấm dứt đồng thời các hậu quả pháp lý sau ly hôn cũng sẽ xuất hiện.

1. Hậu quả pháp lý về tài sản

Sau khi ly hôn, quan hệ hôn nhân chấm dứt đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng cũng chấm dứt. Việc chia tài sản của vợ chồng được thực hiện trên sự thỏa thuận của vợ, chồng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có tài sản riêng thì sau khi ly hôn tài sản của bên nào thuộc về bên đó trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với tài sản chung của vợ chồng, nếu không có thỏa thuận thì Tòa án căn cứ vào những quy định của pháp luật để phân chia. Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng là chia đôi. Tuy vậy, khi phân chia tài sản chung của vợ và chồng cần chú ý đến các yếu tố khác như:

Thứ nhất, về hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng. Đây là việc xét đến tình trạng năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật HNGĐ. Theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGĐ: “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật HNGĐ. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng”. Đây là quy định hết sức hợp lý, thể hiện tính nhân đạo và đầy tình người nhưng lại không trái với các quy định của pháp luật khác. Ví dụ: khi người chồng bị tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động trong khi người vợ vẫn có đầy đủ khả năng lao động thì khi giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án cần xem xét để phân chia cho người chồng phần nhiều hơn nhằm đảm bảo cuộc sống của người chồng nhưng cũng cần dựa trên hoàn cảnh thực tế của gia đình và của người vợ. Tuy nhiên, việc chia nhiều hơn bao nhiêu thì pháp luật chưa quy định một cách rõ ràng, chưa đưa ra các tiêu chí để làm căn cứ cho sự phân chia đó. Do vậy, trong quá trình áp dụng dễ mang tính chủ quan của người áp dụng. Để khắc phục vấn đề này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm đưa ra các tiêu chí định lượng cho việc xác định hoàn cảnh của gia đình và của vợ của chồng.

Thứ hai, về công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Ở trường hợp này là xem xét sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Trong trường hợp người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm thì vẫn được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Tuy nhiên, bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. Quy định này đảm bảo tính công bằng khi phân chia tài sản chung của vợ và chồng. Ví dụ: Tại Bản án số 146/2020/HNGĐ-PT ngày 11/09/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo nội dung vụ án: chị P và anh H đã kết hôn, do anh H nghiện ma túy nên chị xin ly hôn và anh H đồng ý. Năm 2010, chị P được bố mẹ chia cho mảnh đất 121,75m2 và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chị P. Năm 2011, chị P và anh H xây nhà 3 tầng và có một số hoa màu trên đất. Kết quả định giá tổng giá trị nhà và tài sản trên đất là 727.552.000 đồng, giá trị quyền sử dụng đất là 2.435.000.000 đồng. Do đó, chị P yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trên cơ sở các chứng cứ thu thập được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: xác định thửa đất là tài sản riêng của chị P, giá trị ngôi nhà được chia cho chị P và anh H tỷ lệ 60:40, giao toàn bộ tài sản chung cho chị P sở hữu, chị P phải thanh toán cho anh H số tiền 291.020.000 đồng. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, anh H đã có đơn kháng cáo. Sau đó, Tòa phúc thẩm nhận định: chị P được bố mẹ cho riêng phần đất ở và bằng chứng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chị P mà anh H trước đó không có ý kiến gì. Do vậy, Tòa sơ thẩm xác định đây là tài sản riêng của chị P là đúng. Đối với giá trị ngôi nhà, chị P hiện làm giáo viên và nuôi dưỡng con chung trong khi anh H đã nghiện nhiều năm và không có đóng góp gì cho căn nhà nên Tòa sơ thẩm chia tỷ lệ 60:40 là hoàn toàn có căn cứ. Bản án đó thể hiện việc chia tài sản chung của vợ chồng Tòa án đã xét đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Thứ ba, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Đây là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; tạo điều kiện cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập. Ngược lại, bên được tạo điều kiện phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng này không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Ví dụ: trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng là một chiếc xe tải chở hàng đông lạnh và công việc chính của người chồng là lái xe tải chở hàng đông lạnh cho các công ty thì khi phân chia tài sản chung, Tòa án xem xét để giao chiếc xe tải đó cho người chồng để đảm bảo công việc cho người chồng nhưng người chồng phải thanh toán giá trị bằng nửa giá trị chiếc xe nói trên cho người vợ.

Thứ tư, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Đây là trường hợp khi phân chia tài sản chung cần xét đến lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ: do người chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn thì khi chia tài sản người chồng sẽ được hưởng ít hơn người vợ. Việc ít hơn bao nhiêu thì tùy thuộc vào mức độ lỗi cũng như tình tiết thực tế để có cách áp dụng pháp luật phù hợp.

Việc chia tài sản chung của vợ và chồng phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Hậu quả pháp lý về việc nuôi con

Hậu quả pháp lý sau khi ly hôn còn xét đến việc nuôi con. Trong thực tế, vấn đề này thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp và dễ gây tổn thương nhất, đặc biệt là con. Tuy vậy, khi giải quyết cần phải áp dụng các quy định của pháp luật để tránh việc áp dụng tùy tiện, chủ quan tạo lối mòn xấu trong hoạt động áp dụng pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật HNGĐ năm 2014 thì: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”. Pháp luật khuyến khích vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Đối với con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Cha, mẹ là người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, đồng thời có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Việc thăm nuôi, cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không được ai cản trở, tuy nhiên trong trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Mặt khác, cha, mẹ là người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ về tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Bên cạnh đó, cha, mẹ là người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Hậu quả pháp lý về cấp dưỡng

Cấp dưỡng là nghĩa vụ được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật. Sau khi ly hôn, việc xét nghĩa vụ cấp dưỡng được áp dụng cho các trường hợp: giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng.

– Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Như vậy, sau khi ly hôn, cha, mẹ là người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con. Mức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng đồng thời cũng căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của con. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp có lý do chính đáng, các bên có thể đề nghị thay đổi mức cấp dưỡng và việc thay đổi đó do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc cấp dưỡng được thực hiện một lần hoặc định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Ví dụ: tại Bản án số 09/2021/HNGĐ ngày 23/02/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang về việc tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con chung. Theo nội dung vụ án: chị Huỳnh Thị Hồng T và anh Nguyễn Minh Th kết hôn, chung sống và có một con chung có tên Nguyễn Huỳnh Minh A sinh ngày 29/3/ 2018. Ngày 02/6/2020 chị và anh Nguyễn Minh Th được Tòa án nhân dân thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang giải quyết ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 18/2020/QĐST-HNGĐ. Theo đó, chị T là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu A đến lúc trưởng thành và đảm bảo quyền thăm nom của anh Th đối với cháu A. Tại thời điểm đó vì chi phí nuôi dưỡng cháu A chưa nhiều nên chị không yêu cầu anh Th cấp dưỡng chi phí nuôi con chung. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chi phí nuôi con đã có thay đổi mà bản thân chị không đủ sức cáng đáng. Do vậy, chị yêu cầu anh Th có nghĩa vụ đóng góp 02 triệu đồng mỗi tháng để chi phí nuôi con (anh Th là bộ đội, thu nhập một tháng hơn 9 triệu đồng). Anh Th đồng ý với mức cấp dưỡng đưa ra là 02 triệu đồng/tháng nhưng yêu cầu được cấp dưỡng theo phương thức hàng năm đến lúc con đủ 18 tuổi nhưng chị T không đồng ý. Sau nhiều lần hòa giải không thành, Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Tiên quyết định: anh Th phải có nghĩa vụ cấp dưỡng chi phí nuôi con chung mỗi tháng 02 triệu đồng đến lúc con đủ 18 tuổi và phương thức cấp dưỡng là cấp dưỡng hàng tháng. Bản án này là một ví dụ minh họa cho việc thay đổi mức cấp dưỡng đối với nghĩa vụ cấp dưỡng chi phí nuôi con chung.

Nếu cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Ví dụ: hai vợ chồng có một người con chung 5 tuổi, khi ly hôn cả hai vợ chồng thỏa thuận để người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con và người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 02 triệu đồng đến khi con đủ 18 tuổi, thỏa thuận đó đã được Tòa án công nhận. Tuy nhiên, hai năm sau người cha bị bệnh hiểm nghèo phải bán hết tài sản để chữa trị bệnh, không còn nguồn thu nhập nên không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận về thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì người cha có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn. Trường hợp vợ và chồng khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận dựa trên hoàn cảnh và điều kiện cũng như nhu cầu thực tế của các bên. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Ví dụ: khi ly hôn, người vợ bị mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động, trong khi người chồng có công việc ổn định. Đối với trường hợp này, các bên có thể thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong xu thế phát triển hiện đại, quan niệm về hôn nhân truyền thống, nặng về tư tưởng Nho giáo dần dần bị thay thế. Điều này cũng đã giải thoát cho các cuộc hôn nhân bế tắc. Ngoài việc quy định quyền ly hôn thuộc về vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng như Luật HNGĐ năm 2000, Luật HNGĐ năm 2014 mở rộng thêm đối tượng có quyền yêu cầu ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác trong trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình. Quy định này hoàn toàn phù hợp, kịp thời góp phần hạn chế vấn nạn bạo lực gia đình và bảo đảm quyền con người. Ngoài ra, trong việc phân chia tài sản chung của vợ chồng, ngoài việc xem xét các yếu tố như: hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập được quy định tại Điều 95 Luật HNGĐ năm 2000 và đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ năm 2000, Luật HNGĐ năm 2014 đã bổ sung thêm yếu tố “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” và đã được hướng dẫn tại điểm d Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số    01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của HNGĐ. Việc bổ sung yếu tố này là một quy định hết sức hợp lý nhằm hạn chế tình trạng không chung thủy, sự phá tán tài sản hoặc bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ quyền, lợi cho vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Ngoài những điểm tích cực mà ly hôn mang lại cũng nên thừa nhận rằng ly hôn luôn để lại những hậu quả nặng nề không những đối với từng cá nhân, từng gia đình mà còn đối với xã hội. Đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là con cái. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên không có gia đình trọn vẹn, thiếu sự giáo dục của bố và mẹ, sự mặc cảm vì bố mẹ ly hôn đã ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý của trẻ. Có những trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, bệnh tự kỷ… cũng có những trẻ có tâm lý bất cần, bất mãn bỏ nhà đi lang thang, rơi vào các tệ nạn xã hội… Hiểu được hậu quả pháp lý sau ly hôn, dự doán được những khó khăn có thể xảy ra, phân tích đúng mặt trái của ly hôn, những hệ lụy của nó giúp cho con người có cái nhìn nghiêm túc hơn đối với hôn nhân và đối với ly hôn để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp./.

CHÚ THÍCH

  1. Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và một số vấn đề cần hoàn thiện
Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và một số vấn đề cần hoàn thiện
Bình luận về một số vấn đề tranh chấp trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn
Bình luận về một số vấn đề tranh chấp trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn
Quyền tình dục và bảo vệ quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam
Quyền tình dục và bảo vệ quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam về người đồng tính - Một số vấn đề đặt ra
Pháp luật Việt Nam về người đồng tính – Một số vấn đề đặt ra
Một số vấn đề pháp lý về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Một số vấn đề pháp lý về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
[EBOOK] Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam - Bản pdf tải về miễn phí - Tái bản năm 2018 - Nguồn: Đại học Luật Hà Nội
[PDF] Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam – Ebook

Chuyên mục: Hôn nhân gia đình Từ khóa: Hậu quả pháp lý/ Ly hôn

Previous Post: « Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Next Post: Pháp luật Việt Nam về người đồng tính – Một số vấn đề đặt ra »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng