Mục lục
Vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam
Tác giả: Lê Minh Tâm
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền hội họp, lập hội theo quy định của pháp luật. Ở nước ta, có nhiều tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đó đều có thể là thành viên của hệ thống chính trị, mà chỉ có những tổ chức chính trị – xã hội lớn, có ảnh hưởng sâu rộng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam mới là các bộ phận hợp thành hệ thống chính trị.
Xem thêm bài viết về “Tổ chức chính trị xã hội”
- Vai trò của Nhà nước đối với các tổ chức chính trị – xã hội khác – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Với tính chất đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của Mặt trận là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần bảo vệ Tổ quốc.
2. Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013, Công đoàn Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc đại diện cho người lao động, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Hội nông dân Việt Nam
Hội nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong phạm vi chức năng của mình, Hội nông dân Việt Nam tập hợp, vận động, giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.
4. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội, liên minh tự nguyện của thanh niên Việt Nam, là đội dự bị và cánh tay đắc lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập hợp, đoàn kết, giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ, tham gia tích cực vào các hoạt động của nhà nước và xã hội; phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế và các đoàn thể quần chúng khác chăm lo và bảo vệ quyền lợi của thế hệ trẻ, đề xuất với Đảng và Nhà nước các chính sách, quan điểm phát huy năng lực và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện.
Xem thêm bài viết về “Hệ thống chính trị”
- Vị trí, vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
5. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của phụ nữ Việt Nam, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên, giáo dục các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực vào các công việc của Nhà nước và xã hội, các quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò đặc biệt của nữ giới trong việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam…
6. Hội cựu chiến binh Việt Nam
Hội cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, là thành viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức thành viên của hệ thống chính trị. Hội cựu chiến binh Việt Nam tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng và động viên cựu chiến binh phấn đấu giữ vững bản chất cách mạng, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền, phát huy dân chủ, góp phần giữ ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng và an ninh; tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; góp phần tích cực vào việc giáo dục thế hệ trẻ và tham gia vào hoạt động nhân dân, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Với vị trí và vai trò của mình, mỗi thành viên trong hệ thống chính trị nước ta có nhiệm vụ quan trọng với các hình thức cơ bản như:
– Tham gia xây dựng Đảng thông qua các hoạt động như: góp ý xây dựng các đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, tham gia vào công tác xây dựng Đảng;
– Tham gia xây dựng bộ máy nhà nước thông qua các hoạt động như: tham gia công tác bầu cử; tham gia tuyển chọn các chức danh cụ thể trong bộ máy nhà nước…;
– Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật thông qua các hoạt động: kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sáng kiến xây dựng pháp luật; cử đại diện tham gia vào các ban soạn thảo, tổ biên các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản Quy phạm pháp luật khác, các đề án, chính sách cụ thể; tổ chức góp ý kiến vào các dự thảo văn bản Quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án…;
– Tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều hình thức nhằm góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội;
– Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nâng cao ý thức pháp luật, chấp hành chính sách, pháp luật;
– Tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước…
Trả lời