Mục lục
Hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tác giả: Lê Minh Tâm
1. Hệ thống chính trị là gì?
Hệ thống chính trị là khái niệm đã xuất hiện trong sách báo chính trị pháp lý từ lâu. Ở nước ta, vấn đề về hệ thống chính trị cũng đã được quan tâm nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Từ tháng 3 năm 1989, khái niệm này đã được sử dụng chính thức trong văn kiện của Đảng.
Xem thêm bài viết về “Hệ thống chính trị”
- Vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
2. Nội dung của khái niệm Hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị là một khái niệm có nội dung phong phú, được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Ở góc độ khái quát nhất, hệ thống chính trị được hiểu là một phạm trù thể hiện hình thức tổng quát nhất của chính trị và dân chủ, có nội dung chủ yếu là xác lập cơ chế thực hiện quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Xét ở góc độ cấu trúc, hệ thống chính trị là một hệ thống thiết chế chính trị có mối quan hệ mật thiết với nhau. Xét theo góc độ chính trị – pháp lý gắn với mục tiêu và giá trị, hệ thống chính trị được hiểu là “một cơ cấu bao gồm nhà nước, các đảng phái, các đoàn thể, các tổ chức xã hội chính trị tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành, được chế định theo tư tưởng giai cấp cầm quyền, nhằm tác động vào các quá trình kinh tế – xã hội với mục đích duy trì và phát triển chế độ đó”.
Chính trị là một yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng, vì vậy các vấn đề về hệ thống chính trị cũng cần được xem xét trong mối quan hệ chung giữa chính trị với kinh tế, văn hoá và xã hội. Theo đó, ứng với mỗi mô hình kinh tế – xã hội, tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có một mô hình tổ chức chính trị và dân chủ tương ứng. Ở nước ta, mô hình kinh tế – xã hội trước thời kỳ đổi mới được đặc trưng bằng cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp và tương ứng với nó là hệ thống chuyên chính vô sản. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể đòi hỏi phải có một hệ thống chính trị với những đặc trưng mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
Kết quả tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế – xã hội. Sự tác động đó có thể là tích cực nếu hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của mô hình kinh tế – xã hội. Ngược lại, nếu hệ thống chính trị được tổ chức không phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của kinh tế – xã hội thì nó sẽ có tác động tiêu cực tới quá trình phát triển của kinh tế – xã hội.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”
- Bản chất của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Chính thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Phân tích chức năng bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước CHXNCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Hình thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích các đặc điểm của Bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
3. Cơ cấu tổ chức của Hệ thống chính trị của Nhà nước CHXHCN Việt Nam
Xuất phát từ bản chất của chế độ chính trị và những điều kiện lịch sử cụ thể, hệ thống chính trị của mỗi nước cũng có những đặc thù riêng. Hệ thống chính trị của nước ta hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng, chính thức ra đời từ Cách mạng tháng Tám và ngày càng hoàn thiện. Theo những quy định trong Chương I Hiến pháp năm 2013, hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân chính trị lãnh đạo và Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời