Mối quan hệ mật thiết giữa Luật hiến pháp và chính trị
Tác giả: Tô Văn Hòa
Hiểu một cách đơn giản, chính trị là lĩnh vực tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Tất cả các hoạt động liên quan tới việc nắm giữ, sử dụng hay tác động tới việc thực hiện quyền lực nhà nước đều được gọi là hoạt động chính trị. Hoạt động chính trị đúng nghĩa chỉ có thể được thực hiện trực tiếp bởi các cơ quan nhà nước. Các hoạt động của các cơ quan nhà nước như ban hành pháp luật, thi hành pháp luật, xét xử, ban bố tình trạng giới nghiêm, đặt ra các thứ thuế, xử phạt những hành vi vi phạm về thuế, tuyên bố tình trạng chiến tranh hay hoà bình, đến những hoạt động như tổ chức bầu cử, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo các văn bản pháp luật v.v. đều là những hoạt động chính trị. Các chủ thể khác trong xã hội, như đảng chính trị, tổ chức xã hội, người dân đều có thể có các hoạt động mang tính chất chính trị khi tác động lên việc nắm giữ, sử dụng, thực hiện quyền lực nhà nước. Khi đảng chính trị ban hành một chính sách nào đó về phát triển kinh tế – xã hội, giới thiệu người ứng cử các chức vụ trong bộ máy nhà nước, khi các tổ chức xã hội tổ chức góp ý vào các văn bản của nhà nước, khi người dân đi bầu cử người đại diện của mình trong các cơ quan nhà nước đều là các hoạt động mang tính chất chính trị.
Như vậy, chính trị là lĩnh vực liên quan tới một câu hỏi cuối cùng: Quyền lực nhà nước được nắm giữ và tổ chức thực hiện như thế nào trong xã hội? Đây là câu hỏi hệ trọng nhất đối với bất kì xã hội nào. Cách thức mà quyền lực nhà nước được thực hiện có quan hệ tới cuộc sống của tất cả mọi người.
Qua phân tích ở các mục trên đây, có thể thấy Luật Hiến pháp có quan hệ mật thiết với chính trị.
Xem thêm bài viết về “Ngành Luật Hiến pháp”
- Nguồn của ngành Luật Hiến pháp Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Quy phạm pháp luật, định nghĩa và hệ thống ngành Luật Hiến pháp – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Hiến pháp – PGS. TS. Tô Văn Hòa
1. Luật Hiến pháp là ngành luật điều chỉnh chính trị
Các nhóm quan hệ xã hội mà ngành Luật Hiến pháp điều chỉnh đều liên quan trực tiếp ở các mức độ khác nhau đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước
Mức độ tác động trực tiếp nhất là khi ngành Luật Hiến pháp điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản, quan trọng nhất trong lĩnh vực chính trị và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Bằng việc điều chỉnh này, ngành Luật Hiến pháp đặt ra những tiêu chí tối cao cho việc thực hiện quyền lực nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, đồng thời trực tiếp quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, vị trí, chức năng, phạm vi thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước như Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát, chính quyền địa phương v.v.. Khi điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản nhất và quan trọng nhất trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, ngành Luật Hiến pháp thiết lập các chính sách định hướng cơ bản để các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước cụ thể phải noi theo. Khi điều chỉnh mối quan hệ cơ bản giữa nhà nước và người dân, ngành Luật Hiến pháp quy định các quyền tự do cơ bản của người dân mà các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ.
Vì những lẽ trên, Luật Hiến pháp có thể được gọi là ngành luật của các định chế chính trị, là “khuôn mẫu của dân chủ”, với hàm ý ngành Luật Hiến pháp thiết lập nên những khuôn khổ tối cao mà việc thực hiện quyền lực nhà nước (quyền lực chính trị), do dù bởi bất kì cơ quan nào trong bộ máy nhà nước, đều phải tuân thủ. Nói cách khác, Luật Hiến pháp là ngành luật điều chỉnh chính trị.
Xem thêm bài viết về “Chính trị”
2. Mối quan hệ trực tiếp giữa Chính trị và Luật Hiến pháp
Cũng cần thấy rằng các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam đều ít nhiều liên quan tới chính trị, chí ít là khi các văn bản pháp luật của ngành luật đó được ban hành, sửa đổi và thực thi. Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng đối với chính trị không trực tiếp như của ngành Luật Hiến pháp, bởi lẽ các quan hệ của các ngành luật khác như dân sự, hình sự, lao động, kinh tế không phải là các mối quan hệ định hình cách thức thực hiện quyền lực nhà nước. Các ngành luật khác như hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự v.v.. có đối tượng điều chỉnh là các hoạt động chính trị song các mối quan hệ của các ngành luật này chỉ nằm trong một phạm vi nhất định của việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước chứ không liên quan tới những mối quan hệ chính trị cốt lõi và bao quát nhất như của ngành Luật Hiến pháp.
Chính vì vậy, học Luật Hiến pháp là học luật của sự quản trị quốc gia, học luật của sự tự do và bảo đảm tự do trong xã hội./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời