Phân loại Hiến pháp
Tác giả: Thái Vĩnh Thắng
Việc phân loại Hiến pháp có thể dựa trên các tiêu chí khác nhau.
1. Phân loại Hiến pháp theo thời gian ban hành
Theo thời gian ban hành có thể phân loại thành Hiến pháp cổ điển và Hiến pháp hiện đại:
Hiến pháp cổ điển là các bản Hiến pháp ban hành vào thế kỉ XVIII và XIX, Hiến pháp hiện đại là các bản Hiến pháp ban hành sau thời kì này. Hiến pháp cổ điển thường có đối tượng điều chỉnh hẹp hơn Hiến pháp hiện đại. Thông thường, Hiến pháp cổ điển chỉ quy định về tổ chức bộ máy nhà nước và các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân. Hiến pháp hiện đại mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh, không những về bộ máy nhà nước mà còn về cả chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội và các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của con người và công dân.
Xem thêm bài viết về “Phân loại Hiến pháp”
- Các loại hiến pháp trên thế giới – LS. Đinh Quỳnh Trang
- Nhu cầu và phân loại hiến pháp theo quan điểm thực chất – TS. Nguyễn Quang Đức
2. Phân loại Hiến pháp theo hình thức thể hiện
Theo hình thức thể hiện Hiến pháp có thể chia thành Hiến pháp thành văn và Hiến pháp bất thành văn:
Hiến pháp thành văn là một văn bản nhất định quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, quyền con người, quyền công dân, được quy định là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất. Hầu hết các nước trên thế giới đều có Hiến pháp thành văn như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, Hiến pháp Pháp năm 1958, Hiến pháp Nga năm 1993, Hiến pháp Việt Nam năm 2013…
Hiến pháp bất thành văn là tập hợp một số luật, tập quán quan trọng được coi là luật cơ bản của nhà nước. Ví dụ, Hiến pháp của Anh bao gồm Luật tổ chức Nghị viện, Luật tổ chức Chính phủ, Luật thừa kế ngai vàng và một số tập quán quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Chỉ có ít nước không có Hiến pháp thành văn như: Anh, New Zealand, Israel, Thụy Điển.
Xem thêm bài viết về “Ngành Luật Hiến pháp”
- Các chức năng cơ bản và Cấu trúc của Hiến pháp – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Các giai đoạn phát triển của Hiến pháp – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Vị trí của ngành Luật Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Vai trò của ngành Luật Hiến pháp trong xã hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Mối quan hệ mật thiết giữa Luật hiến pháp và Chính trị – PGS.TS. Tô Văn Hòa
3. Phân loại Hiến pháp theo thủ tục sửa đổi
Theo thủ tục sửa đổi Hiến pháp có thể phân thành Hiến pháp cứng và Hiến pháp mềm:
Căn cứ vào mức độ khó hay dễ trong việc sửa đổi Hiến pháp, nhà luật học người Anh Viscount James Bryce (1838 – 1922) chia Hiến pháp thành hai loại là Hiến pháp cứng (rigid Constitution) và Hiến pháp mềm (flexible Constitution). Hiến pháp cứng là hiến pháp mà việc sửa đổi phải tuân theo một quy trình đặc biệt. Nếu thông qua luật thông thường chỉ cần đa số (trên 50%) số nghị sĩ nhất trí tán thành thì sửa đổi Hiến pháp ít nhất phải được 2/3 số nghị sĩ tán thành. Ở một số nước còn phải thông qua thủ tục trưng cầu dân ý hoặc phải được 3/4 cơ quan lập pháp của các bang phê chuẩn như ở Hoa Kỳ. Hiến pháp mềm là Hiến pháp có thủ tục sửa đổi đơn giản như một đạo luật thông thường. Ví dụ, ở Anh, Nghị viện có thể sửa đổi Hiến pháp như một luật thông thường.
Ngoài ba cách phân loại cơ bản trên đây, theo thời gian tồn tại của Hiến pháp có thể chia Hiến pháp thành Hiến pháp tạm thời và Hiến pháp lâu dài; theo chế độ chính trị có thể phân chia thành Hiến pháp tư sản, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa; theo hình thức cấu trúc nhà nước có thể phân chia thành Hiến pháp nhà nước liên bang, Hiến pháp nhà nước đơn nhất…
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời