Mục lục
Quy trình làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp
Tác giả: Thái Vĩnh Thắng
Quy trình làm hiến pháp, sửa đổi hiến pháp ở các quốc gia khác nhau có các quy trình làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp khác nhau.
Xem thêm bài viết về “Sửa đổi Hiến pháp”
1. Việt Nam
Theo quy định tại Điều 120 Hiến pháp Việt Nam năm 2013, quy trình làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp Việt Nam như sau:
“1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.
4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
5. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Ở một số nước, quy trình làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được kết thúc bằng trưng cầu dân ý.
Xem thêm bài viết về “Ngành Luật Hiến pháp”
- 03 Tiêu chí Phân loại Hiến pháp – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Các chức năng cơ bản và Cấu trúc của Hiến pháp – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Các giai đoạn phát triển của Hiến pháp – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Vị trí của ngành Luật Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Vai trò của ngành Luật Hiến pháp trong xã hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa
2. Cộng hòa Pháp
Theo quy định tại Điều 89 Hiến pháp năm 1958 của Cộng hoà Pháp, Tổng thống theo đề nghị của Thủ tướng và các thành viên của Nghị viện có quyền đưa ra sáng kiến sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải được cả hai viện thống nhất thông qua. Nội dung sửa đổi Hiến pháp chỉ chính thức có hiệu lực sau khi được nhân dân thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, nếu trong cuộc bỏ phiếu chung của hai viện do Tổng thống đề nghị, nếu số phiếu đạt được từ 3/5 trở lên thì không cần phải tổ chức trưng cầu dân ý.
Xem thêm bài viết về “Pháp luật Pháp”
3. Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, theo quy định của Hiến pháp năm 1787, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 2/3 số nghị sĩ của hai viện thông qua và được 3/4 các cơ quan lập pháp của các bang phê chuẩn. Ở Đức, theo quy định của Hiến pháp năm 1949, việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất 2/3 nghị sĩ của hai viện thông qua, đồng thời phải được ít nhất 2/3 cơ quan lập pháp của các bang phê chuẩn (Điều 144). Theo quy định của Hiến pháp Italia năm 1947, các luật sửa đổi Hiến pháp và các luật mang tính Hiến pháp khác được thông qua bởi mỗi viện sau hai lần thảo luận liên tiếp, cách nhau tối thiểu là 3 tháng và cần được chấp thuận của đa số thành viên của mỗi Viện trong lần bỏ phiếu thứ hai (Điều 138). Các luật này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý nếu trong vòng 3 tháng sau khi Nghị viện công bố, có ý kiến tiến hành trưng cầu dân ý từ ít nhất 1/5 số thành viên Nghị viện hoặc 500.000 cử tri hoặc 5 Hội đồng khu vực. Luật được trưng cầu dân ý sẽ không được ban hành nếu không được đa số phiếu hợp lệ tán thành. Sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý nếu ở cả Thượng viện và Hạ viện việc biểu quyết thông qua với tỷ lệ phiếu thuận ở lần bỏ phiếu thứ hai đạt từ 2/3 trở lên số phiếu thuận.
Xem thêm bài viết về “Pháp luật Hoa Kỳ”
4. Liên bang Nga
Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định quyền kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Liên bang Nga thuộc về Tổng thống Liên bang, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng nghị viện), Đuma Quốc gia (Hạ nghị viện), Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp của các chủ thể Liên bang Nga, cũng như ít nhất 1/5 tổng số thành viên Hội đồng Liên bang hoặc 1/5 tổng số đại biểu Đuma quốc gia (Điều 134). Theo quy định tại Điều 135 Hiến pháp Liên bang Nga, các quy định tại Chương 1 (Nền tảng của chế độ Hiến pháp – các nguyên tắc chung), Chương 2 (Các quyền và tự do của con người và công dân), Chương 9 (Các chính án và việc sửa đổi Hiến pháp) không thể sửa đổi bởi Nghị viện Liên bang. Nếu kiến nghị về việc sửa đổi các quy định tại các chương 1, 2, 9 của Hiến pháp Liên bang Nga được 3/5 tổng số thành viên của Thượng viện và Hạ viện ủng hộ, Hội nghị lập hiến được triệu tập theo quy định của Hiến pháp Liên bang. Hội nghị lập hiến hoặc quyết định không sửa đổi Hiến pháp hoặc soạn thảo Hiến pháp mới của Liên bang Nga. Hội nghị lập hiến thông qua dự thảo bởi ít nhất 2/3 tổng số phiếu của đại biểu hoặc quyết định trưng cầu phúc quyết toàn dân. Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua khi có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành, với điều kiện phải có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia phúc quyết. Theo quy định tại Điều 136 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993, các tu chính án đối với Chương 3 (Chế độ Liên bang – phân định thẩm quyền của liên bang và các bang), Chương 4 (Tổng thống Liên bang Nga), Chương 5 (Nghị viện Liên bang Nga), Chương 6 (Chính phủ Liên bang Nga), Chương 7 (Quyền lực tư pháp), Chương 8 (Tự quản địa phương) Hiến pháp được thông qua theo trình tự phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu của Thượng viện và Hạ viện tán thành và có hiệu lực sau khi nhận được sự tán thành của các cơ quan lập pháp của ít nhất 2/3 tổng số các chủ thể Liên bang.
Xem thêm bài viết về “Pháp luật Nga”
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời