Vai trò của ngành Luật Hiến pháp trong xã hội
Tác giả: Tô Văn Hòa
Trong quá trình học Luật Hiến pháp, người học có thể tự hỏi rằng: Học Luật Hiến pháp có ích lợi gì? Những kiến thức về Luật Hiến pháp có thể được sử dụng như thế nào và đem lại những lợi thế gì cho người sở hữu nó? Cũng có thể có suy nghĩ cho rằng trong khẩu hiệu khá phổ biến “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì cụm từ “Sống và làm việc theo Hiến pháp” tương đối mơ hồ. Đúng là khi tham gia vào phần lớn các giao dịch hàng ngày, mọi người thường chỉ để ý đến một số loại pháp luật cụ thể như Dân sự, Hình sự, Thương mại, Hôn nhân – gia đình… mà ít ai để ý, viện dẫn Luật Hiến pháp hay thậm chí Luật hành chính. Từ đó dẫn tới tình trạng không phải ai cũng nhận thức được vai trò và ý nghĩa của Luật Hiến pháp.
Xem thêm bài viết về “Ngành Luật Hiến pháp”
- Mối quan hệ mật thiết giữa Luật hiến pháp và Chính trị – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguồn của ngành Luật Hiến pháp Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Quy phạm pháp luật, định nghĩa và hệ thống ngành Luật Hiến pháp – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Hiến pháp – PGS. TS. Tô Văn Hòa
Điều đó quả thật là đáng tiếc! Trên thực tế, ngành Luật Hiến pháp có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và ý nghĩa thực tiễn của nó là rất lớn, thể hiện qua một số khía cạnh sau:
1. Ngành Luật Hiến pháp được sinh ra để kiềm chế quyền lực
Ngành Luật Hiến pháp được sinh ra để kiềm chế quyền lực, tạo khuôn khổ cho hoạt động của các cơ quan công quyền từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất trong bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là một thiết chế đặc biệt, là chủ thể duy nhất có quyền lực đối với toàn xã hội. Làm việc trong các cơ quan nhà nước là những người nắm giữ chức vụ, quyền hạn ở các cấp bậc, phạm vi khác nhau và trực tiếp nắm giữ, thi hành quyền lực nhà nước. Trong khi đó, quyền lực nhà nước lại là một thứ quyền lực đặc biệt, là thứ quyền lực duy nhất có hiệu lực trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ, được ban hành pháp luật để áp đặt ý chí lên mọi đối tượng trong xã hội và ý chí đó được bảo đảm thi hành bằng bộ máy cưỡng chế của nhà nước. Quyền lực nhà nước cũng là cơ sở để người nắm giữ nó đoạt được những giá trị to lớn khác như tiền tài, danh vọng, các giá trị vật chất hoặc phi vật chất… Chính vì vậy, khi quyền lực được nắm giữ và thực thi bởi con người thì nó luôn có xu hướng tha hoá và bị lạm dụng. Sự tha hoá của người nắm giữ quyền lực tất yếu dẫn tới sự tha hoá của cơ quan nhà nước và bộ máy nhà nước, khi đó lợi ích chung mà nhà nước phải bảo vệ sẽ bị tổn hại trước sự xâm lấn của lợi ích cá nhân.
Luật Hiến pháp hiện đại có nhiệm vụ kiềm chế sự tha hoá đó của quyền lực bằng việc đặt ra các “chuẩn mực” mà việc thực hiện quyền lực nhà nước, cho dù bởi bất kì chủ thể nào cũng phải tuân thủ. Nhìn vào các nhóm đối tượng điều chỉnh của ngành Luật Hiến pháp như đề cập ở tiểu mục 1.1 có thể thấy rõ điều đó. Qua việc điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội đầu tiên, ngành Luật Hiến pháp xác lập những giá trị trong từng lĩnh vực mà bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan nhà nước nói riêng phải lấy làm định hướng trong việc ban hành chính sách, pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, khi điều chỉnh lĩnh vực chính trị, ngành Luật Hiến pháp thiết lập nên những giá trị nền tảng mà việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam phải nói theo, ví dụ dân chủ, pháp quyền, tôn trọng quyền con người, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc v.v.. Qua việc điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thứ hai, ngành Luật Hiến pháp ghi nhận những quyền cơ bản của người dân mà nhà nước nói chung và các cơ quan nhà nước nói riêng không những không được vi phạm mà còn phải bảo đảm và bảo vệ. Qua việc điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thứ ba, ngành Luật Hiến pháp thiết lập nên chỉnh thể bộ máy nhà nước mà trước tiên là định rõ vị trí, chức năng, phạm vi thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương cũng như nguyên tắc và cách thức hoạt động của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước, bảo đảm các cơ quan không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để có thể hoạt động một cách hiệu quả.
Xem thêm bài viết về “Xã hội”
- Phân tích vai trò của pháp luật đối với xã hội – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
2. Ngành Luật Hiến pháp bảo vệ các quyền cơ bản của người dân trước sự xâm phạm từ phía cơ quan công quyền và xã hội
Chiếm một phần quan trọng trong hệ thống ngành Luật Hiến pháp là chế định về quyền cơ bản của người dân. Với chế định này, ngành Luật Hiến pháp xác lập phạm vi các quyền cơ bản mà người dân được hưởng, ví dụ quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do đi lại, có luật sư bào chữa v.v.. Tương ứng với các quyền đó, ngành Luật Hiến pháp ấn định cho nhà nước nói chung và tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước nói riêng nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Mỗi cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải thực hiện nghĩa vụ này một cách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngành Luật Hiến pháp cũng thiết lập các nguyên tắc làm tiêu chí cho việc thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền cơ bản mà nếu vi phạm thì cơ quan nhà nước sẽ bị coi là vi hiến.
Nói một cách ngắn gọn, ngành Luật Hiến pháp buộc việc thực thi quyền lực nhà nước tuân thủ những giá trị nhất định như dân chủ, bình đẳng, pháp quyền, định hướng XHCN, tôn trọng quyền con người v…v.. Sự hiểu biết về ngành Luật Hiến pháp ở khía cạnh này có ý nghĩa thực tiễn cao đối với mọi đối tượng trong xã hội. Đối với cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước, sự hiểu biết ngành Luật Hiến pháp giúp họ nắm rõ cách thức vận hành của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, hiểu rõ phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cũng như những giá trị mà các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và tuân thủ. Họ cũng sẽ biết được cách thức tiến hành công việc vừa bảo đảm lợi ích của nhà nước, vừa tôn trọng ý chí và quyền lợi của người dân. Có thể nói không thể nắm giữ, thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước một cách có hiệu quả nếu không có sự hiểu biết về ngành Luật Hiến pháp. Đối với người dân trong xã hội, nếu nắm được bản chất kiềm chế quyền lực của ngành Luật Hiến pháp sẽ có khả năng nhìn nhận và giải thích một cách thấu đáo những hiện tượng xảy ra trong đời sống chính trị. Hiểu biết sâu sắc về ngành Luật Hiến pháp cũng giúp người dân trở nên tự tin hơn trong các giao dịch với cơ quan nhà nước. Người dân sẽ hiểu được giới hạn quyền và lợi ích của mình tới đâu và cơ quan nhà nước phải làm gì để tôn trọng và không vi phạm các quyền và lợi ích của họ. Đặc biệt, họ sẽ có khả năng phán xét được sự đúng sai trong mỗi hoạt động của các cơ quan nhà nước dựa trên các quy định của ngành Luật Hiến pháp và tinh thần dân chủ, pháp quyền, qua đó buộc các cơ quan nhà nước và người nắm giữ quyền lực trong các cơ quan nhà nước phải hành xử một cách đúng đắn và thực sự vì lợi ích của nhân dân.
Có thể nói, ngành Luật Hiến pháp vừa là ngành luật của những người cai trị, vừa là ngành luật của những người mong mỏi bộ máy nhà nước phải hoạt động một cách đúng đắn, thực sự phục vụ nhân dân và phục vụ xã hội./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời