Mục lục
Nghị viện trong quá trình đổi mới
Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng
Vai trò, thẩm quyền của Nghị viện đang biến đổi theo thời gian. Nghiên cứu về vai trò Nghị viện trong thế kỷ 21, IPU đã nhận thấy xu hướng quan tâm của công chúng là động lực chính thúc đẩy Nghị viện trên thế giới thực hiện đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động. Sau đây là một số xu hướng tác động tới quá trình đổi mới linh hoạt của Nghị viện trong thế kỷ 21:
Xem thêm bài viết về “Nghị viện”
- Hệ thống đảng phái trong Nghị viện – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Nghị viện trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Bản chất và vai trò của Nghị viện – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Lịch sử hình thành và phát triển của Nghị viện trên thế giới – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
1. Tiến bộ của công nghệ thông tin làm gia tăng ảnh hưởng công chúng đối với Nghị viện
Tiến bộ của công nghệ thông tin làm gia tăng ảnh hưởng công chúng đối với Nghị viện, đòi hỏi Nghị viện phải phản ứng đối với những vấn đề công chúng quan tâm thường xuyên hơn. Chính phủ có xu hướng phải giải trình thường xuyên các vấn đề xã hội quan tâm.
2. Tổ chức và công cụ hoạt động của nghị sĩ và Nghị viện được bổ sung nhằm đáp ứng quan tâm của công chúng
Tổ chức và công cụ hoạt động của nghị sĩ và Nghị viện được bổ sung nhằm đáp ứng quan tâm của công chúng, ví dụ những hình thức tổ chức mới thúc đẩy việc theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, dân nguyện thường xuyên hơn.
3. Hoạt động yêu cầu Chính phủ giải trình, điều trần diễn ra thường xuyên hơn
Nhiều Nghị viện hoạt động toàn thời gian quy định những ngày trong tuần, Chính phủ phải trả lời Nghị viện về những vấn đề công chúng quan tâm. Những Nghị viện hoạt động không toàn thời gian có xu hướng tăng điều trần tại các uỷ ban trong thời gian Nghị viện không họp.
4. Đang xuất hiện thách thức đối với vai trò đại diện chính trị và đại diện lợi ích dân cư
Đó là sự thiếu cân bằng giữa lợi ích và đường lối của các đảng phái với lợi ích của các nhóm dân cư. Một số đảng phái chính trị, nhóm dân cư không có đại diện trong Nghị viện, hoặc có nhưng sự kết nối với dân ở cơ sở yếu, dẫn đến việc những nhóm dân cư và nhóm chính trị này chọn kênh thông tin đại chúng, khiếu nại, tố cáo để thể hiện quan điểm, làm cho Nghị viện phải có cách thức ứng phó. Nghị viện cần tìm phương thức đáp ứng những yêu cầu của những nhóm không có đại diện trong Nghị viện.
5. Vai trò của xã hội dân sự ngày một tăng lên
Có nơi bổ sung, khích lệ hoạt động Nghị viện, có nơi lại làm lu mờ và tạo sức ép đối với Nghị viện. Nghị viện đang có những phương thức thích ứng với các hình thức dân chủ trực tiếp.
6. Nghị viện bổ sung những công cụ mới
Nghị viện bổ sung những công cụ mới như: Thông tin công chúng về hoạt động của các uỷ ban, của Nghị viện, của các nghị sĩ; tham vấn ý kiến công chúng, tiếp dân, văn phòng nghị sĩ ở địa phương, tăng thời gian hoạt động của các nghị sĩ tại các đơn vị bầu cử; quy định chặt hơn về vận động hành lang của các tổ chức xã hội dân sự v.v…
7. Nghị viện thành lập cơ chế tự đánh giá hiệu quả
Nghị viện một số nước đã thành lập cơ chế tự đánh giá hiệu quả hoạt động của mình thông qua các chỉ số tín nhiệm của công chúng đối với từng hoạt động mang tính chất tiếp cận và phản ảnh ý kiến công chúng tại Nghị viện. Ngay cả những hoạt động tiếp xúc công chúng của Nghị viện như tiếp xúc cử tri, tham vấn công chúng cũng bị công chúng phê bình vì tính hình thức, thiếu thực chất, phụ thuộc nhiều vào năng lực và tâm đức của chính khách. Báo cáo toàn cầu 2012 của IPU về thách thức đối với Nghị viện trong thế kỷ 21 chỉ rõ nguy cơ của Nghị viện chính là ở cách ứng phó đổi mới đáp ứng nguyện vọng của công chúng, làm sao định hướng có tổ chức nhưng không đi sau công chúng, không bị động vì sức ép của công chúng.
8. Tăng cường sự hiện diện của nghị sĩ tại đơn vị bầu cử
Nhiều Nghị viện quy định thời gian bắt buộc tối thiểu nghị sĩ phải có mặt tại đơn vị bầu cử và cung cấp tài chính để nghị sĩ có văn phòng liên lạc với cử tri tại đơn vị bầu cử. Đây là điều kiện để nghị sĩ thu thập ý kiến cử tri tại đơn vị bầu cử phản ánh tại diễn đàn Nghị viện, thực hiện vai trò đại diện của nghị sĩ đối với lợi ích của cộng đồng, tìm giải pháp tập thể cho cộng đồng, chứ không chỉ chú trọng theo dõi giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân cử tri.
9. Thu thập ý kiến công dân vào chính sách, pháp luật
Hình thức thu thập ý kiến công dân vào chính sách, pháp luật và hoạt động nhà nước và phản hồi ý kiến công dân của Nghị viện đang là quan tâm của nhiều Nghị viện. Điều tra năm 2008 của IPU cho thấy 85% ý kiến người được hỏi đồng ý rằng ý chí của nhân dân là nền tảng cho tính hợp pháp của nhà nước và 84% cho rằng lãnh đạo Chính phủ cần do dân bầu trực tiếp.
Hộp 4: Xu hướng Nghị viện thế kỷ 21 |
---|
“So với 50 năm trước, Nghị viện ngày nay nhìn chung cởi mở hơn, dễ tiếp cận hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn, có nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn và mang tính đại diện nhiều hơn. Dân chúng có xu hướng kỳ vọng nhiều hơn, thậm chí vượt quá khả năng nghị sỹ và Nghị viện, nhưng đó là tín hiệu tốt, ít có xu hướng quay lưng lại với Nghị viện. Các Nghị viện trên thế giới đang trong quá trình đổi mới để thích ứng.” |
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời