Mục lục
Hệ thống đảng phái trong Nghị viện
Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng
Chính đảng là một trong những yếu tố không thể thiếu khi tìm hiểu Nghị viện ở nhiều nước. Trong đó, vai trò của các chính đảng trong cơ quan lập pháp có thể chịu ảnh hưởng bởi các dạng chính thể bởi việc có hay không và có bao nhiêu chính đảng trong Nghị viện, mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp; sự phát triển về lịch sử và văn hóa; và sức mạnh tương đối của cấu trúc bên trong đảng và các nguồn lực.
Xem thêm bài viết về “Đảng phái chính trị”
- Vai trò của nhà nước đối với các đảng phái chính trị – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Vai trò của các đảng ở Nghị viện
Trên thực tế, tổ chức và hoạt động của Nghị viện phụ thuộc nhiều vào hệ thống đảng ở nước đó. Hệ thống đảng phái được phản ánh trong thành phần của Nghị viện bởi lẽ đa số nghị sĩ là đại diện cho một chính đảng nào đó. Các nghị sĩ độc lập tạo thành những nhóm nhỏ và không có vai trò quan trọng. Ngược lại, những nghị sĩ thuộc một đảng hoặc nhóm nào đó có những ưu thế đáng kể so với những nghị sĩ độc lập.
Các đảng phái chính trị thông qua nhóm đảng của mình để gây ảnh hưởng đến hoạt động của Nghị viện và làm cho các hoạt động của Nghị viện trở nên sôi động, phong phú. Trong quá trình xây dựng các chính sách của nhà nước thì các nhóm đảng đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa nhân dân và nhà nước, giữa Nghị viện và các đảng phái chính trị. Những vấn đề trước khi được các uỷ ban của Nghị viện đưa ra thảo luận và sau đó Nghị viện xem xét, quyết định thường được trao đổi, thảo luận và đề xuất các kiến nghị ở các nhóm đảng. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các nhóm đảng thì người đứng đầu các nhóm đảng được triệu tập họp để thống nhất các giải pháp dung hoà trước khi đưa ra Nghị viện thông qua.
Nhận thấy xu hướng chung trong việc củng cố vai trò của các chính đảng trong hoạt động của Nghị viện, các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi cần xem xét đó như một hiện tượng tích cực hay tiêu cực. Theo ý kiến của một số người, sự đánh giá cần được xuất phát từ việc coi yếu tố nào là chủ yếu trong hoạt động của Nghị viện – hành động của những nghị sĩ riêng biệt chỉ theo suy xét của mình, hay là hành động tập thể có tổ chức và kỷ luật do đường lối của đảng vạch ra. Trong nhiều trường hợp các nghị sĩ độc lập có vai trò quan trọng trong việc cân bằng quyền lực; nếu trong Nghị viện không thành lập được Chính phủ đa số hoặc Chính phủ liên hiệp không có được liên minh vững chắc giữa các đảng thì việc tranh giành lá phiếu của nghị sĩ độc lập giữa các đảng phái sẽ diễn ra quyết liệt. Tuy nhiên, nói chung, đi từ thực tế hiện nay, phần lớn các tác giả đều cho rằng các đảng phái thích hợp hơn những thành viên riêng rẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính của nghị sĩ khi họ được dân chúng bầu lên là làm cầu nối giữa chính quyền và công luận xã hội.
Xem thêm bài viết về “Nghị viện”
- Nghị viện trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Bản chất và vai trò của Nghị viện – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
- Lịch sử hình thành và phát triển của Nghị viện trên thế giới – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
2. Tương quan quyền lực
Hệ thống chính trị hiện đại thường được mô tả là hệ thống một đảng, hai đảng và đa đảng. Ở các nước có hai đảng, đảng giành được đa số phiếu sẽ kiểm soát cơ quan lập pháp. Ở những nước theo chính thể đại nghị, đảng giành chiến thắng áp đảo cũng có được sự kiểm soát ngành hành pháp. Chủ tịch của đảng thắng cử sẽ trở thành Thủ tướng (đứng đầu ngành hành pháp), và các đảng viên sẽ được bổ nhiệm vào nội các. Ở những nước theo chính thể Tổng thống và hỗn hợp, Tổng thống và cơ quan lập pháp được bầu riêng rẽ, và quyền kiểm soát chính trị của cơ quan lập pháp không đảm bảo quyền kiểm soát ngành hành pháp của chính đảng và ngược lại.
Điều phổ biến trong hệ thống đa đảng, bao gồm cả chính thể đại nghị, Tổng thống và hỗn hợp, là một đảng có thể giành được số ghế trong Nghị viện nhiều hơn bất kỳ đảng nào khác, nhưng lại là thiểu số nếu tất cả hoặc một số đảng khác hợp lại. Vì thế các đảng có thể hợp lại thành liên minh để chiếm được phần đa số trong Nghị viện và về mặt lý thuyết, sẽ thông qua những đạo luật đáp ứng được chương trình xây dựng luật của mình và phản đối những dự luật của nhóm đối lập. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng cũng biết rằng, trong tình huống này, lý thuyết thường khác xa thực tế, khi mà mỗi đối tác trong liên minh thường khó có thể thỏa hiệp về chương trình hành động của đảng mình để đạt được một sự đồng thuận với các đối tác khác.
3. Các nhóm đảng trong Nghị viện
Các nhóm đảng là yếu tố then chốt trong tổ chức của Nghị viện tư sản đa đảng, là nét chính trong cơ cấu Nghị viện ở các nước đó. Thậm chí ở một số nước các nhóm đảng có địa vị pháp lý đặc biệt – “đảng Nghị viện” khác với những nhóm khác trong Nghị viện do tính độc lập cao hơn đối với việc tổ chức cơ cấu của Nghị viện.
Ở một số nước không hề có những quy định của pháp luật về khái niệm nhóm đảng, điều kiện thành lập, các nguyên tắc quan hệ với các nhà chức trách và các cơ quan trong Nghị viện (Anh, Mỹ, Úc). Nhưng ở nhiều nước lại có trong các đạo luật riêng biệt (Pháp, Đức) về chính đảng. Ở Đức, Luật về đảng phái chính trị 1967 (được bổ sung và sửa đổi nhiều lần) đã ràng buộc hệ thống đảng phái với Nghị viện. Trong định nghĩa về đảng phái chính trị, luật này đã đưa ra yêu cầu đối với tổ chức có tham vọng trở thành chính đảng phải tham gia vào hoạt động của Nghị viện. Ngoài những chức năng khác, luật nói về chính đảng như sau: “Các chính đảng tham gia vào các cuộc bầu cử các cấp, gây ảnh hưởng đối với hoạt động chính trị của Nghị viện và Chính phủ”.
Để thành lập các nhóm đảng trong Nghị viện cần phải có số lượng nhất định các nghị sĩ thuộc đảng đó. Theo quy chế của Hạ viện Pháp, cần có ít nhất 20 nghị sĩ mới đủ để thành lập nhóm đảng trong Quốc hội nước này. Đồng thời Quy chế cũng cấm thành lập những nhóm đảng bảo vệ các quyền lợi tư nhân, địa phương hoặc nghề nghiệp. Quy chế của Hạ viện Đức quy định nhóm đảng phải có không dưới 5% số nghị sĩ thuộc một đảng. Ở một số nước, việc công nhận là nhóm đảng phụ thuộc vào số lượng ghế trong Nghị viện mà đảng có được trong cuộc bầu cử (Brazil, Tây Ban Nha). Tại Brazil ít nhất phải có 10% tổng số nghị sĩ mới được gọi là nhóm đảng, còn ở Ấn Độ con số đó là 15% ở Thượng viện và 30% ở Hạ viện mới được thành lập nhóm đảng. Số lượng nghị sĩ để thành lập nhóm đảng ở một số nước lại ít hơn nhiều (một nghị sĩ – ở Na-uy, hai – ở Nhật Bản, ba – ở Argentina và Israel, năm – ở Áo và Thuỵ Sỹ).
Cần phải nhắc đến một khía cạnh khi nói đến nhóm đảng – đó là việc công nhận chính thức các nhóm đảng bởi các thiết chế lãnh đạo các viện (của Chủ tịch Viện ở Argentina, Brazil, Ấn Độ) hoặc của cơ quan Nhà nước chuyên về bầu cử (ở Sri- Lanka, Costa – Rica). Việc công nhận chính thức sẽ là cơ sở để có được những quyền hạn khác nhau như đại diện ở các Uỷ ban của Nghị viện, lượng thời gian tham gia vào các cuộc tranh luận…
Về sự tham gia của các nhóm đảng vào tổ chức, hoạt động của Nghị viện, trước hết phải nói đến vai trò của những nhóm đó trong việc hình thành và thay thế các chức vụ lãnh đạo trong các viện của Nghị viện. Ở một số nước, đại diện của đảng đa số chiếm giữ ghế Chủ tịch Viện. Còn các cơ quan đảng trong hai viện của Nghị viện Hoa Kỳ đóng vai trò chính trong việc hình thành các Uỷ ban thường trực và các tiểu ban. Ở Đức, đảng đa số lãnh đạo các Uỷ ban quan trọng nhất. Ở các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung và các nước chịu ảnh hưởng của Anh, luật quy định Chủ nhiệm Ủy ban tài khoản công chuyên về giám sát ngân sách phải là người của phe thiểu số.
Các nhóm đảng tổ chức công việc của mình trong Nghị viện theo những hình thức khác nhau. Ở Anh, Mỹ các đảng đa số lãnh đạo công việc của nhóm đảng mình qua những nhà chức trách đảng trong Nghị viện (whip). Như ở Anh lãnh tụ của đảng cầm quyền (đồng thời là Thủ tướng) bổ nhiệm người lãnh đạo đảng tại Hạ viện. Đó là một trong những chính trị gia thân cận nhất của Thủ tướng thuộc đảng thắng cử. Ông ta cũng là thành viên của Chính phủ. Người lãnh đạo đảng ở Hạ viện có những quyền hạn rộng lớn. Ở những nước khác (Đức, Thuỵ Điển) hình thức tổ chức công việc của các nhóm đảng là các phiên họp của các nhà lãnh đạo đảng để thảo luận các vấn đề về hoạt động của Nghị viện.
Hầu như các nhóm đảng họp thường xuyên khi có kỳ họp, thường là hàng tuần, không công khai, không có báo chí dự. Các cuộc họp này thường quyết định các nội dung quan trọng về các chính sách của đảng. Mặc dù vậy, cũng có những ngoại lệ như ở Anh, lãnh đạo đảng quyết định các chính sách của đảng; hoặc ở Bỉ, các cuộc họp nhóm đảng hầu như chỉ biểu quyết theo quan điểm của lãnh đạo đảng hoặc của Chính phủ. Ở nhiều nước như Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch…, những hành động của cá nhân nghị sĩ như trình dự luật, chất vấn… phải được toàn thể nhóm đảng hoặc lãnh đạo nhóm đảng đồng ý mới được tiến hành. Do vậy, đây là những nội dung thảo luận trong các cuộc họp của nhóm đảng. Các nhóm đảng cũng họp để bàn về các nội dung của phiên họp như dự luật, ngân sách…. Các cuộc họp đảng được hơn 70% các nghị sĩ Thụy Điển coi là một kênh quan trọng để gây ảnh hưởng. Cũng tương tự, khoảng 76% nghị sĩ CH Séc cho rằng, các cuộc họp của nhóm đảng là nơi ra quyết sách chính của đảng, có tiếng nói cuối cùng, chứ không phải lãnh đạo nhóm đảng, không phải bộ trưởng, các nghị sĩ chuyên gia, hay một kênh nào khác.
4. Lãnh đạo Đảng
Ở Nghị viện nhiều nước, thông thường các lãnh đạo của các đảng lớn nhất có thể quyết định ai là người đứng đầu chính thức của cơ quan lập pháp, ai sẽ là thành viên các ủy ban; dự án luật được chuyển đến đâu, như thế nào, khi nào và biểu quyết như thế nào, khi nào.
Các chính đảng đóng một vai trò quan trọng trong việc định đoạt quyền lãnh đạo của các cơ quan lập pháp. Ở Mỹ và một số quốc gia theo chế độ Tổng thống, quan chức đứng đầu Hạ viện – Chủ tịch Hạ viện – đồng thời cũng là chủ tịch của đảng chiếm đa số. Tại Philippines, Chủ tịch Thượng viện lại đóng vai trò tương tự như Chủ tịch Hạ viện Mỹ, là người được đảng chiếm đa số đề cử và sau đó được toàn bộ viện bầu. Trong các hệ thống lập pháp dựa trên mô hình Anh như Canada, Ấn Độ, Israel, Chủ tịch Hạ viện thường đóng vai trò trung lập. Vị chủ tịch này được bầu bởi toàn bộ Hạ viện. Tuy chủ tịch Hạ viện thường là (nhưng không phải luôn luôn) người của đảng chiếm đa số, nhưng vị này phải đóng vai trò hoàn toàn công tâm về thủ tục, hành chính và rút khỏi tất cả các hoạt động của đảng mình một khi đã được bầu làm chủ tịch Hạ viện.
Để có người tổ chức các hoạt động lập pháp của đảng viên trong Nghị viện, các chính đảng đều có ban kỷ luật đảng gồm một số lãnh đạo của đảng đó do các đồng chí của họ bầu. Họ thường làm việc với các lãnh đạo khác của đảng để theo dõi lập trường của các nghị sĩ thuộc đảng mình trong các vấn đề ở Nghị viện, duy trì số lượng phiếu bầu, và thuyết phục các thành viên trong đảng bỏ phiếu theo chủ trương của đảng mình. Ở các nước theo mô hình Anh, những người này có trách nhiệm sắp xếp sự tham gia của các thành viên của đảng mình trong các cuộc tranh luận tại Nghị viện.
Khi nói về lãnh đạo của các đảng trong Nghị viện, không thể bỏ qua Chính phủ bóng (của phe đối lập chờ lên cầm quyền). Trong một số hệ thống, dạng Chính phủ bóng này thường là của phe đối lập, gồm các nghị sĩ được chỉ định sẽ là người phục vụ trong Chính phủ nếu phe đối lập lên cầm quyền. Những người này chính là lãnh đạo của một hay nhiều đảng đối lập, là người đã được đảng của mình chọn để theo dõi, giám sát các chính sách của nội các hiện hành. Dạng Chính phủ lập sẵn này là điển hình trong hệ thống các nước theo chế độ đại nghị. Họ có thể dẫn dắt các cuộc tranh luận của phe đối lập tại phiên họp của Nghị viện về các dự luật liên quan đến nội các lập sẵn của họ.
Lãnh đạo của đảng đa số cũng sắp xếp chương trình lập pháp. Trong hầu hết các hệ thống Nghị viện, các nhà lãnh đạo của đảng đa số sẽ kiểm soát kế hoạch, chương trình xây dựng luật của các ủy ban và với Nghị viện. Tuy nhiên, ở một số nước, lãnh đạo của các đảng đối lập cũng tham gia vào các quyết định chương trình.
5. Kỷ luật Đảng
Kỷ luật Đảng – tức là các nghị sĩ phải bỏ phiếu theo chủ trưởng của đảng mình – đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quốc gia theo chế độ đại nghị. Bởi lẽ, ở đó một khi đảng chiếm đa số vẫn còn giữ được sự gắn kết thì đảng thiểu số sẽ không thể thắng thế, vì vậy, kỷ luật đảng luôn được nhấn mạnh và bắt buộc thi hành. Các nghị sĩ thuộc đảng của Chính phủ nếu không bỏ phiếu ủng hộ cho đảng của mình có thể làm cho sự cầm quyền của đảng đó bị đổ vỡ và dẫn đến kết quả là cơ quan lập pháp bị giải thể. Các vị lãnh đạo đảng trong chế độ đại nghị sẽ coi các nghị sĩ đó như một mối đe dọa và chắc chắn sẽ không đề cử để họ tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo. Nhằm đảm bảo kỷ luật đảng, những quyết định quan trọng chỉ được đưa ra trong các cuộc họp của các nhóm đảng tham gia Nghị viện, hơn là trong cuộc họp Nghị viện.
Ở chính thể Tổng thống và trong phần lớn các nước theo chính thể hỗn hợp, mối liên kết giữa người đứng đầu ngành hành pháp và ngành lập pháp thường lỏng lẻo hơn ở các nước theo chính thể đại nghị. Các nghị sĩ có thể được tự do hơn trong việc xác định, tìm hiểu nhu cầu của cử tri của mình (đặc biệt là ở những khu vực bầu cử chỉ có duy nhất một nghị sĩ); và các ủy ban – chứ không phải các cuộc họp của nhóm đảng – mới là nơi mà công việc hoạch định chính sách thực sự diễn ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ như tại các quốc gia theo chế độ Tổng thống ở Châu Mỹ Latinh, các vị lãnh đạo đảng lại đưa ra hầu hết các quyết định trong cuộc họp đảng, còn các ủy ban của Nghị viện thường không mạnh.
Các đảng trong Nghị viện khuyến khích đảng viên tuân thủ kỷ luật đảng bằng việc đưa ra hình phạt và khen thưởng; bằng việc thành lập và trao quyền cho Ban kỷ luật đảng để buộc các đảng viên trung thành với các lợi ích của đảng. Lãnh đạo Nghị viện trong các nước theo chính thể Tổng thống và hỗn hợp cũng có thể dựa vào kỷ luật đảng để trừng phạt các đảng viên nếu không bỏ phiếu theo đảng của mình. Tuy nhiên, hậu quả của việc không giữ kỷ luật đảng ở các nước theo chính thể đại nghị là nghiêm trọng nhất. Ở một số Nghị viện, ban kỷ luật đảng cũng đóng vai trò trong việc lựa chọn đại diện của đảng tham gia vào các nhóm và các phái đoàn Nghị viện quốc tế – như một phần thưởng dành cho các thành viên trung thành.
Vấn đề phổ biến và rất quan trọng đối với tất cả các nghị sĩ muốn tiếp tục ở lại Nghị viện là được đảng tái đề cử trong lần bầu cử sau. Tại những nước mà các lãnh đạo đảng ở cấp quốc gia có quyền quyết định các ứng cử viên của đảng (như trong các nước theo thể thức bầu cử tỷ lệ theo danh sách đảng), các nghị sĩ phải trông cậy đến sự ủng hộ từ các vị lãnh đạo này trước khi đến với cử tri. Còn trong hệ thống chính trị mà các quyết định tái đề cử chịu ảnh hưởng của chính quyền hoặc nhóm các nhà lãnh đạo địa phương, thì động cơ của các nghị sĩ lại theo hướng làm hài lòng người dân địa phương và xây dựng các tổ chức địa phương.
6. Đảng đối lập
Vai trò của các đảng đối lập khác nhau đáng kể ở Nghị viện các nước, từ những đảng đối lập đã được thể chế hoá, có tổ chức được thành lập để sẵn sàng thay thế Chính phủ, cho đến những đảng đối lập ít có sự gắn kết và sự tham gia của đảng viên rời rạc, bị chia nhỏ và những đảng đối lập nằm ở giữa hai cực này.
Ở Anh và nhiều quốc gia trong khối thịnh vượng chung, đảng chiếm đa số sẽ thành lập Chính phủ và các đảng viên đứng đầu sẽ trở thành các Bộ trưởng, còn đảng chiếm thiểu số sẽ trở thành phe đối lập. Tổ chức đảng đối lập trong Nghị viện được xem như một Chính phủ lập sẵn (chờ lên cầm quyền). Vai trò của phe đối lập là xem xét các công việc/hoạt động của Chính phủ, chỉ ra những sai lầm của Chính phủ nhằm nâng cao cơ hội chiến thắng của đảng mình trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Ở các quốc gia theo chế độ Tổng thống với hai chính đảng cạnh tranh nhau như Hoa Kỳ, Tổng thống và các nhà lập pháp liên bang được bầu bởi những lá phiếu riêng biệt và có nhiệm kỳ khác nhau. Ngoài ra, nghị sĩ được đề cử và tái đề cử theo những cách thức mà các lãnh đạo đảng ít gây được ảnh hưởng. Vì vậy, đảng chiếm đa số thường ít có sự gắn kết và các đảng viên thường phụ thuộc vào mục tiêu của đơn vị bầu cử của mình hơn so với các mục tiêu của chính đảng. Sự cầm quyền của tổng thống đòi hỏi một quá trình thương lượng liên tục với các nghị sĩ, và đôi khi là nhường các vị trí lập pháp quan trọng, có tầm ảnh hưởng cho đảng viên của đảng thiểu số.
Ở một số nước như Pakistan và Nigeria, trái ngược với hệ thống các đảng đối lập coi vai trò của đảng mình là đưa ra một sự thay thế toàn diện cho Chính phủ hiện hành hoặc sửa đổi chính sách của Chính phủ thông qua sự thương lượng và thỏa hiệp, hệ thống các đảng đối lập ở các nước này coi vai trò của họ là hạ bệ Chính phủ. Mục tiêu của đảng đối lập là giành được quyền lực nhà nước và biện pháp được lựa chọn là liên tục chỉ trích, làm gián đoạn hoặc làm chậm trễ, với hy vọng những động thái này sẽ làm mất ổn định Chính phủ và tạo cơ hội cho các đảng đối lập giành được quyền lực.
Ở một số nước khác, một chính đảng kiểm soát ngành hành pháp nhưng có thể không kiểm soát được lập pháp như ở Pháp, Liberia, Malawi. Trong hệ thống chính trị nói trên và các chế độ chính trị hỗn hợp khác, Tổng thống – người đứng đầu hành pháp – thường đại diện cho đảng này trong khi cơ quan lập pháp lại do một đảng khác kiểm soát. Do vậy, ngành hành pháp phải có sự hợp tác với các đối thủ này để thông qua được dự toán ngân sách, phê duyệt việc bổ nhiệm các chức vụ hành pháp và thực thi những công việc cần thiết khác để quản lý nhà nước.
Tóm lại, các đảng đối lập có vai trò đại diện cho những người thua cuộc trong cuộc bầu cử. Vì vậy, một chức năng quan trọng của các đảng đối lập trong Nghị viện là đại diện cho các quan điểm và nhu cầu của những người không có đại diện trong Chính phủ, có mối quan tâm nhưng không được lưu ý. Chức năng đích thực của phe đối lập là nhằm mở rộng tính minh bạch, cũng như khả năng tiếp cận quá trình lập pháp, giám sát và dự thảo ngân sách của Nghị viện. Các đảng đối lập có thể phản ánh một cách rộng rãi hơn các mối quan tâm trong xã hội. Bằng cách này, đảng đối lập cung cấp những thông tin mà đảng đa số có thể bỏ sót, qua đó hoàn thiện các chính sách của Chính phủ.
7. Đảng và quan hệ Nghị viện – Chính phủ
Các chính đảng không chỉ có ảnh hưởng đối với thành phần, hình thức và phương thức hoạt động của Nghị viện mà còn cả đối với mối quan hệ giữa Nghị viện và Chính phủ. Chính đảng là nhân tố chủ yếu để hình thành Chính phủ. Chính đảng xác định thành phần, sự vận hành, mối quan hệ của Chính phủ với Nghị viện. Chính ảnh hưởng của chính đảng đối với tổ chức và hoạt động của Nghị viện và Chính phủ đã tạo điều kiện tập trung những thẩm quyền rộng lớn trong tay người đứng đầu Chính phủ mà ví dụ điển hình là Anh quốc. Vai trò hàng đầu của Tổng thống Pháp trong mọi lĩnh vực của hoạt động nhà nước không chỉ xuất phát từ bản văn Hiến pháp, mà còn từ tương quan thực tế giữa các đảng ủng hộ Tổng thống và ủng hộ Nghị viện. Nói chung, ở các nước đại nghị, Chính phủ có được thế lực mạnh hơn trong Nghị viện vì dựa vào phái đa số trong đó. Ở các nước theo chính thể Tổng thống (ví dụ như ở Mỹ) Nghị viện có sự độc lập lớn hơn đối với Chính phủ.
Ở nhiều nước, mối quan hệ chính đảng – Chính phủ – Nghị viện được thể hiện trong tương quan giữa phe đa số và thiểu số. Ở Anh – xứ sở Nghị viện cổ điển – hai đảng lớn nhất tạo thành hai phe được công nhận chính thức trong Hạ viện là Chính phủ đa số và phe đối lập chính thức. Vị trí pháp lý “phe đối lập chính thức” thuộc về đảng có số ghế đứng thứ hai trong Nghị viện. Lãnh tụ đảng đó cũng đồng thời là lãnh tụ của phe đối lập. Chức danh lãnh tụ phe đối lập được luật quy định. Lãnh tụ phe đối lập bổ nhiệm các thành viên lãnh đạo của nhóm đảng mình vào các ghế của “Nội các bóng” (Shadow Cabinet). Các “Bộ trưởng bóng” có nhiệm vụ phát biểu trong Nghị viện về những vấn đề nhất định của chính sách do Chính phủ đề xuất, tạo nên một dạng phản biện cho những vấn đề đó. Bản thân chỗ ngồi của các nghị sĩ cũng phải ánh sự phân biệt giữa Chính phủ đa số và phe đối lập. Phía tay phải của Chủ tịch Viện là các hàng ghế của đa số, phía tay trái ông ta – phe đối lập.
Mối quan hệ giữa Chính phủ đa số và phe đối lập tuân theo quy tắc xử sự không thành văn của Nghị viện. Đồng thời, giữa các đảng này không được có những khác biệt căn bản về những vấn đề xác định nên nền tảng cho chế độ chính trị và chế độ Hiến pháp của quốc gia. Cuộc đấu tranh cụ thể vì quyền lực được giới hạn trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp. Chính phủ cần hành động theo những nguyên tắc cai trị có trách nhiệm. Phe đối lập cũng cần phải có tính chất xây dựng, còn sự phê phán phải có trách nhiệm. Ngoài ra, những khác biệt giữa các đảng đó không được có tính chất cực đoan. Theo định nghĩa được coi là kinh điển ở Anh, đảng đối lập là “đảng không nắm chính quyền, nhưng hoàn toàn trung thành đối với nhà nước và sẵn sàng nắm chính quyền mà không tổn hại đến những truyền thống chính trị của chính quyền”./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời