Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện
Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng
Ở các nước, với mức độ, phạm vi khác nhau, các nguồn quy định về Nghị viện gồm có Hiến pháp, các luật liên quan do Nghị viện ban hành, Nội quy Nghị viện và các cơ quan của Nghị viện, Bộ quy tắc ứng xử, thông lệ Nghị viện, quy tắc của chính đảng.

1. Hiến pháp
Đại đa số Hiến pháp các nước (nếu không nói là tất cả) đều có một chương riêng quy định về Nghị viện. Những quy định này là cơ sở để Nghị viện các nước ban hành các luật, bản nội quy về tổ chức, hoạt động, quy trình làm việc của Nghị viện. Với tính chất là đạo luật cơ bản của nhà nước, Hiến pháp các nước quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện, chức năng của Nghị viện, quy trình lập pháp, quy trình lập ngân sách, quyền và trách nhiệm của nghị sĩ… Ngoài những quy định như trên, Hiến pháp của các nước còn là nguồn quy định về những quy trình và thủ tục khác của Nghị viện như về biên bản các phiên họp, về túc số cần thiết của các nghị sĩ để tiến hành các phiên họp, các kỳ nghỉ của Nghị viện và các thủ tục điểm danh v.v…
Xem thêm bài viết về “Nguồn của Luật”
- Nguồn của ngành Luật Hiến pháp Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Văn bản quy phạm pháp luật là nguồn quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Ưu thế của văn bản quy phạm so với nguồn khác của pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Ưu điểm và hạn chế của các loại nguồn của pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Nguồn của pháp luật là gì? Các loại nguồn của pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
2. Các đạo luật
Ở hầu hết các quốc gia, nhiều đạo luật có những quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Nghị viện, ví dụ như Luật ngân sách hoặc các đạo luật liên quan đến ngân sách nhà nước; các quy định điều chỉnh hành vi của những người làm việc trong khu vực công; Luật tiếp cận thông tin. Ở nhiều nước, hành vi của các nghị sĩ được điều chỉnh trong các luật như về các chức danh nhà nước, tránh xung đột lợi ích, kê khai tài sản, pháp luật hình sự, tài chính đảng, quyên góp vận động tranh cử.
Ngoài ra, ở một số nước khác, những quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện còn được quy định cụ thể thành một đạo luật riêng biệt. Chẳng hạn, năm 1947 Nhật Bản đã ban hành Luật về Nghị viện (Diet Law) quy định về tổ chức và hoạt động của cả Thượng viện và Hạ viện. Thụy Điển cũng ban hành Luật về Nghị viện Thụy Điển (Riksdag Law).
3. Nội quy của Nghị viện và quy chế của các ủy ban
Nội quy của Nghị viện là văn bản do Nghị viện ban hành quy định về tổ chức nội bộ của Nghị viện và đặt ra những quy tắc về quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện. Trong mô hình Nghị viện tổ chức theo hình thức lưỡng viện, mỗi viện có quyền ấn định cho mình một bản nội quy riêng biệt.
Về mặt hình thức, nội quy của Nghị viện được xây dựng theo đúng quy trình ban hành văn bản luật, trừ yêu cầu về việc cơ quan hành pháp phải tiến hành các thủ tục ban hành và công bố văn bản. Về mặt nội dung, có thể coi nội quy của mỗi Nghị viện là một bản “Hiến pháp” của Nghị viện, quy định về cách thức tổ chức và phương thức tiến hành hầu hết các hoạt động của Nghị viện một cách rất chi tiết.
Phạm vi, quy mô điều chỉnh của Nội quy Nghị viện có khác nhau ở mỗi nước, nhưng điều quan trọng là nó phải bao quát được những nội dung cơ bản nhất nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả của Nghị viện và cần được thông qua với sự đồng thuận của tất cả các bên trong Nghị viện. Nội dung của các bản nội quy này được cập nhật thường xuyên, đảm bảo theo sát với những yêu cầu của thực tế trong hoạt động của Nghị viện.
STT | Nội quy Nghị viện | Số điều | Số khoản |
---|---|---|---|
1 | Quốc hội Pakistan | 294 | >1000 |
2 | Hạ viện Pháp | 164 | 712 |
3 | Đông Timor | 179 | 800 |
4 | Slovenia | 288 | >700 |
5 | Hạ viện Mỹ | 110 | Khoảng 500 |
6 | Hạ viện Philippines | 143 | Không có khoản |
7 | Việt Nam | 47 | 123 |
Bên cạnh Nội quy Nghị viện, thông thường, mỗi ủy ban chuyên môn của Nghị viện cũng có quy chế hoạt động của riêng mình. Những bản quy chế này chủ yếu điều chỉnh quy trình, thủ tục các hoạt động, công việc của ủy ban, ví dụ các bước cụ thể tiến hành một phiên điều trần; hoặc phân công công việc nội bộ của ủy ban, ví dụ của chủ nhiệm ủy ban, các thành viên ủy ban, giữa các tiểu ban với nhau…
Xem thêm bài viết “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động”
- Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Quy định về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội – ThS. Nguyễn Tú Anh
- Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam – CTV. Linh Trang
4. Bộ quy tắc ứng xử
Thời gian gần đây, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của nghị sĩ ngày càng phổ biến ở Nghị viện các nước. Đây là tập hợp những nguyên tắc và quy định không có tính cưỡng chế, bắt buộc như luật, làm định hướng cho nghị sĩ có hành vi đúng đắn trong những tình huống khó khăn về đạo đức. Bộ quy tắc ứng xử thường đề cập đến các nội dung lớn sau: kê khai tài sản, công khai, minh bạch các lợi ích của nghị sĩ; việc sử dụng các khoản kinh phí được cấp; quan hệ của nghị sĩ, nhất là đối với các nhà vận động hành lang; hành vi trong và ngoài Nghị viện; công việc sau khi rời nhiệm sở. Cũng cần lưu ý, các nguyên tắc, quy định đó phải nhất quán với khuôn khổ pháp lý hiện hành.
Mặc dù không có tính bắt buộc, bộ quy tắc ứng xử vẫn có tác dụng điều chỉnh hành vi của nghị sĩ, bởi lẽ khi mọi thành viên đều biết rõ các quy chuẩn đạo đức, họ sẽ nhận biết đúng sai và có khả năng tránh điều sai trái. Hơn nữa, một cá nhân sẽ ngại làm những điều phi đạo đức nếu biết rằng tất cả những người khác đều nhận thấy nó sai trái; sợ bị bắt gặp làm sai trong một môi trường coi trọng đạo đức.
5. Các quyết định có tính tiền lệ
Trong quá trình hoạt động của Nghị viện, với tính chất phức tạp vốn có, những thắc mắc hoặc tranh cãi về quy trình và thủ tục làm việc là không thể tránh khỏi. Đối với những trường hợp đó, Nghị viện phải thảo luận để đưa ra những quyết định về quy trình và thủ tục làm việc. Qua thời gian, những quyết định có tính chất điển hình cho từng tình huống của Nghị viện được tập hợp lại thành tập những quyết định có tính tiền lệ dùng để giải thích hoặc áp dụng quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện trong các trường hợp tương tự về sau.
Đối với những quốc gia có Nghị viện mang những nét truyền thống lâu đời thì các quyết định có tính tiền lệ của Nghị viện rất được chú ý tập hợp lại và sử dụng.
6. Quy tắc của các đảng chính trị
Mặc dù không phải là quy định có tính chất bắt buộc nhưng phần lớn các nghị sĩ của các Nghị viện trên thế giới đều thuộc một đảng phái chính trị nào đó. Hoạt động của Nghị viện cũng chịu những ảnh hưởng nhất định từ các hoạt động của các đảng phái chính trị trong Nghị viện.
Để tập hợp được lực lượng và thống nhất quan điểm đối với các quyết định của Nghị viện, các đảng phái chính trị có những nguyên tắc nhất định trong các hoạt động tại Nghị viện. Nhiều nguyên tắc của các đảng phái chính trị có những tác động đáng kể đến hoạt động của Nghị viện.
Xem thêm bài viết về “Nghị viện”
- Lịch sử hình thành và phát triển của Nghị viện trên thế giới – TS. Nguyễn Sĩ Dũng
7. Tập quán và truyền thống của Nghị viện
Nghị viện đã hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ. Với khoảng thời gian như vậy, có nhiều nguyên tắc hoạt động của Nghị viện đã trở thành truyền thống được tuân thủ mặc dù chúng không được ghi thành văn bản, không có ý nghĩa bắt buộc. Chẳng hạn, những thông lệ mang tính truyền thống đặc trưng đã làm nên sự hấp dẫn của Nghị viện Anh, nhưng những nét bảo thủ trong bốn bức tường cổ kính này đã khiến cho chính một thượng nghị sĩ Anh phát biểu: “Nghị viện thế kỷ 21 không có chỗ cho những người mang những danh hiệu từ thế kỷ 15 và có những suy nghĩ từ thế kỷ 19”./.
Bài viết: Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện – Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời