Lịch sử hình thành và phát triển của Nghị viện trên thế giới
Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng
Ý tưởng về một thể chế nhà nước có đại diện nhân dân tham chính trong lịch sử nhà nước trên thế giới bắt nguồn từ hình thức hội nghị công dân tham gia ý kiến vào cai trị ở vùng đất Lưỡng Hà (Mesopotania) nay là vùng đất giữa Syria và Iraq vào năm 2500 trước công nguyên. Nghị viện đầu tiên có yếu tố tham chính của nhân dân là hình thức Đại hội nhân dân, mang tên là Ecclesia, xuất hiện vào năm 500 trước công nguyên trong nhà nước Hi Lạp và La-Mã cổ đại. Đại hội nhân dân Ecclesia ở Hi Lạp gồm các thành viên là công dân nam trên 18 tuổi, họp mỗi năm 40 lần, biểu quyết về những vấn đề cai trị xã hội. Nhà nước Cộng hoà La-Mã thành lập vào năm 509 trước công nguyên đặt ra hình thức Viện nguyên lão gồm 300 vị nguyên lão thuộc các gia đình giàu có và có thế lực để thực hiện nhiệm vụ cố vấn chính sách cho nền cộng hòa.
Xem thêm bài viết về “Sự ra đời và phát triển”
- Khái quát sự hình thành và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Khái quát sự ra đời và phát triển của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ThS. Phạm Thị Tình
- Sự ra đời và phát triển của chế định Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam – TS. Phạm Quý Tỵ
Những Nghị viện đầu tiên trên thế giới (Nghị viện Anh, Tây Ban Nha) xuất hiện từ thế kỷ 12, 13. Tuy vậy, lịch sử của Nghị viện như một cơ quan đại diện cho toàn quốc gia – khác với các cơ quan đại diện đẳng cấp thời phong kiến – chỉ được bắt đầu từ thời kỳ cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mỹ. Chính vào thời điểm đó, chế độ đại nghị đã ra đời và được phổ biến như một hình thức cai trị đặc biệt của Nhà nước đối với xã hội với đặc thù là sự phân chia lao động giữa lập pháp và hành pháp và vai trò chính trị nổi trội của Nghị viện.
Nghị viện hình thành từ... |
---|
Nghị viện hình thành từ nhu cầu tham chính của người dân, nhu cầu giới hạn quyền lực của vua chúa, nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, nhu cầu giới hạn quyền ngân sách của nhà cai trị. |
Người ta cho rằng quê hương của Nghị viện là nước Anh, nơi mà từ thế kỷ 13, quyền lực của Nhà Vua đã bị thu hẹp do có các cuộc đại hội của những lãnh chúa phong kiến, giới tăng lữ cao cấp và đại diện của các thành phố và địa hạt. Những cơ quan đại diện đẳng cấp như thế cũng xuất hiện sau đó ở Ba Lan, Hungari, Pháp và những nước khác. Dần dần, những cơ quan đó phát triển thành Nghị viện như ngày nay.
Đạo luật thành văn đầu tiên ở nước Anh tuyên bố đặt Nhà Vua dưới quyết định của Hội đồng các lãnh chúa là Hiến Chương Magna Carta vào năm 1215. Nhưng mãi tới năm 1332, hơn một trăm năm sau mới có Viện dân biểu ở nước Anh với đại diện của các thường dân. Thuật ngữ “cơ quan lập pháp” (Legislature) để chỉ Nghị viện có nguồn gốc ở nước Anh, xuất hiện vào thế kỷ 17. Lịch sử ra đời của Nghị viện thuở ban đầu không hoàn toàn gắn với hoạt động làm luật, mà bắt đầu từ hoạt động giám sát Nhà Vua, đến việc thông qua ngân sách, rồi đến thành lập, giám sát và bãi miễn hành pháp. Sự xuất hiện hành vi làm luật của Nghị viện Anh buổi ban đầu như là một sự mặc cả kèm theo của Nghị viện với Nhà Vua, khi Nhà Vua yêu cầu họ thu tăng thuế cho hoàng gia. Sau một thế kỷ, thuật ngữ “cơ quan lập pháp” cũng bắt rễ ở Mỹ để chỉ hội nghị đại diện do những người di dân kiểm soát. Ở đại đa số các nước hiện nay, chức năng lập pháp được trao cho cơ quan đại diện. Nhưng lập pháp không phải là chức năng duy nhất của cơ quan đó, bởi vậy một thuật ngữ tổng hợp khác cũng được sử dụng- Nghị viện (Parliament). Ngoài ra, còn có những tên gọi khác để chỉ cơ quan lập pháp – Đại hội Liên bang (Nga, Thuỵ Sỹ), Congress (Mỹ, các nước Châu Mỹ – La tinh), Cortes (Tây Ban Nha), Hội đồng tối cao (Ukraina)…
Xem thêm bài viết về “Nghị viện”
Trên thế giới có những Nghị viện lâu đời như Nghị viện Anh, Tây Ban Nha nhưng cũng có những Nghị viện ở các nước đang phát triển mới ra đời vào những thập kỷ gần đây. Ở các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu, Nghị viện có những thay đổi căn bản trong nguyên tắc hoạt động của mình vào cuối thế kỷ 20. Có những nước một thời Nghị viện đã tưởng bị xoá bỏ (Đức, Italia) sau đó đã được phục hồi trở lại. Có một thời “Nghị viện có thể làm được mọi chuyện trừ việc biến đàn ông thành đàn bà” như thành ngữ Anh đã nói, nhưng đến nay, ở một số nước thậm chí chức năng truyền thống của Nghị viện là lập pháp cũng có những giới hạn nhất định như ở Pháp…
Xem thêm bài viết về “Quốc hội“
- Trình tự xem xét và thông qua các dự án tại Kỳ họp Quốc hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Các cơ quan giúp việc của Quốc hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Cơ cấu tổ chức của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Vị trí, tính chất và chức năng của Quốc hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời