Các nội dung cơ bản của khái niệm Chế độ chính trị
Tác giả: Lê Minh Tâm
Chế độ chính trị là một khái niệm có nội dung phong phú, được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có những nội dung cơ bản sau:
1. Chế độ chính trị là nội dung và phương thức tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị
Xét ở góc độ chung, chế độ chính trị được hiểu là nội dung và phương thức tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị của một quốc gia, mà trọng tâm là của nhà nước. Theo đó, chế độ chính trị bao gồm nhiều yếu tố hợp thành như các quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, phương pháp (cách thức) tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quản lý và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội…
2. Chế độ chính trị là một bộ phận hợp thành của chế độ xã hội
Xét theo quan điểm cấu trúc hệ thống, chế độ chính trị là một bộ phận hợp thành của chế độ xã hội. Trong cấu trúc đó, chế độ chính trị là một hệ thống các thiết chế (nhà nước, đảng chính trị cầm quyền và các tổ chức chính trị – xã hội) và hệ thống các mối quan hệ trong lĩnh vực chính trị (tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước). Theo đó, tương ứng với kiểu nhà nước là một kiểu chế độ chính trị có bản chất và những đặc trưng chung, đồng thời chế độ chính trị của mỗi quốc gia trong cùng một kiểu nhà nước cũng có những đặc trưng riêng, tuỳ thuộc vào đặc điểm, tình hình và trình độ phát triển về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia đó trong mỗi thời kỳ cụ thể.
3. Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, cách thức, biện pháp tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước
Xét từ góc độ phương pháp tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, cách thức, biện pháp tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Các phương pháp, cách thức và biện pháp đó phản ánh bản chất của chế độ chính trị. Các phương pháp này rất đa dạng và phức tạp nhưng nhìn chung gồm hai loại chính là các phương pháp dân chủ và các phương pháp phản dân chủ. Trong một nhà nước có chế độ chính trị dân chủ, lành mạnh thì các phương pháp, cách thức và biện pháp được áp dụng rộng rãi để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là dân chủ, công khai, minh bạch và hợp pháp. Ngược lại, trong nhà nước có chế độ chính trị độc tài thì các phương pháp, thủ đoạn hạn chế, bí mật, độc đoán và bất chấp luật pháp thường được áp dụng một cách phổ biến.
Xem thêm bài viết về “Chế độ chính trị”
- Những điểm mới cơ bản của “Chế độ chính trị” trong Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992 – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Chế độ chính trị là gì? Phân biệt chế độ dân chủ với phản dân chủ – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
4. Chế độ chính trị là thể chế chính trị, tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ chính trị
Xét từ góc độ pháp luật nói chung, chế độ chính trị là thể chế chính trị, tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp luật (được ghi nhận chủ yếu trong hiến pháp và nguồn khác của Luật Hiến pháp) để điều chỉnh các quan hệ chính trị cơ bản của một quốc gia, trọng tâm là cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Đó là các nguyên tắc, quy định về chính thể, bản chất và mục đích của nhà nước, quyền lực nhà nước, chủ quyền nhân dân, chủ quyền quốc gia, dân tộc, về tổ chức và hoạt động của các thiết chế chính trị, về chính sách đối nội và đối ngoại…
Trong Luật Hiến pháp với tư cách là một ngành luật và một bộ môn khoa học pháp lý chuyên ngành, khái niệm chính trị cần được xem xét chủ yếu dưới góc độ pháp luật, có tính đến vị trí, vai trò, giá trị pháp lý đặc biệt của hiến pháp đối với việc quy định và điều chỉnh các vấn đề trọng yếu của chế độ chính trị. Theo đó, có thể hiểu khái niệm chế độ chính trị dưới góc độ Luật Hiến pháp như sau: Chế độ chính trị là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm của luật hiến pháp (bao gồm các nguyên tắc, quy phạm hiến định và các nguyên tắc, quy phạm pháp luật thể hiện trong các nguồn khác của luật hiến pháp) để xác lập và điều chỉnh các vấn đề về chính thể và chủ quyền quốc gia, về bản chất và mục đích của nhà nước, về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân, về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị và chính sách đối nội, đối ngoại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khái niệm thể chế được hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp. Ở đây khái niệm thể chế được dùng theo nghĩa hẹp để áp dụng vào lĩnh vực chính trị.
Do tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của chế độ chính trị đối với sự phát triển của xã hội, cho nên trong hiến pháp của nước ta cũng như trong hiến pháp nhiều nước, chế độ chính trị thường được ghi nhận trong chương đầu với vị trí là chế định pháp lý cơ bản, chi phối nội dung của các chế định khác của hiến pháp. Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, chế định về chế độ chính trị đã trải qua một số giai đoạn phát triển quan trọng, trong đó giai đoạn sau là sự kế thừa và phát triển của giai đoạn trước ở mức cao hơn, hoàn thiện hơn. Trong Hiến pháp năm 2013, các quy định và nguyên tắc chính trị cơ bản về chế độ chính trị đã thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện, tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thiết lập, củng cố và bảo vệ chế độ chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định và nguyên tắc trong chương Chế độ chính trị là cơ sở, nền tảng chính trị của các chương về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương…
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời