Quá trình hình thành và phát triển của Chế định bầu cử ở Việt Nam
Tác giả: Tô Văn Hòa
1. Chế định bầu cử là tập hợp mang tính hệ thống các quy định pháp luật về bầu cử
Chế định bầu cử là tập hợp mang tính hệ thống các quy định pháp luật về bầu cử. Chế độ bầu cử của Việt Nam ra đời cùng với sự thành lập chính quyền dân chủ nhân dân sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cho đến nay chế độ bầu cử của Việt Nam đã có hơn 70 năm hình thành và phát triển. Trong phạm vi hạn hẹp của giáo trình và của Chương này không có điều kiện để trình bày chi tiết các giai đoạn phát triển thăng, trầm của chế độ bầu cử của Việt Nam. Do vậy, ở đây chỉ nêu lên một cách khái quát những đặc điểm chung nhất của lịch sử hình thành và phát triển của chế định bầu cử, tức là khía cạnh hình thức, bao gồm hệ thống các quy định chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật chính về bầu cử trong từng thời kì. Sinh viên có thể dựa trên cơ sở đó, đặc biệt là qua thống kê ở Bảng 9.1 về các văn bản quy phạm pháp luật chính về bầu cử qua các giai đoạn, để tự tìm hiểu và phân tích về sự hình thành và phát triển của toàn bộ hoặc từng phần nội dung của chế độ bầu cử qua các giai đoạn.
Xem thêm bài viết về “Chế độ bầu cử”
- Khái niệm, nội dung và vai trò của chế độ bầu cử – PGS.TS. Tô Văn Hòa
2. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chính về bầu cử qua các thời kì
Bảng 9.1: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chính về bầu cử qua các thời kì
Năm ban hành văn bản | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội | Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân | |
---|---|---|---|
Hiến pháp 2013 | 2015 | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật số 85/2015/QH13). | |
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) | 2010 | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật số 63/2010/QH12). | |
2003 | Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 (Luật số 12/2003/QH11). | ||
2001 | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (Luật số 31/2001/QH10). | ||
1997 | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997. | ||
1994 | Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1994. | ||
1992 | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992. | ||
Hiến pháp năm 1980 | 1989 | Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1989. | |
1983 | Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1983. | ||
1981 | Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (ngày 22/01/1981). | ||
1980 | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980. | ||
Hiến pháp 1959 | 1967 | Pháp lệnh quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp trong thời chiến (ngày 01/4/1967). | |
1961 | Pháp lệnh về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1961. | ||
1959 | Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959. | ||
Hiến pháp 1946 | 1957 | Sắc luật số 004/SLt ngày 20/7/1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. | |
1945 | Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ cuộc tổng tuyển cử. Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 ấn định tổng tuyển cử toàn quốc. | Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính (trong đó có quy định thể lệ bầu cử). |
Ở góc độ khái quát, như minh hoạ ở Bảng 9.1, có thể thấy lịch sử hình thành và phát triển của chế định bầu cử của Việt Nam có ba đặc điểm lớn sau:
Thứ nhất, chế định bầu cử của Việt Nam, cùng với đó là chế độ bầu cử, được hình thành từ rất sớm. Những văn bản quy phạm pháp luật nền tảng đầu hành từ trước khi có Hiến pháp năm 1946, thậm chí đã được dự kiến từ trước Tổng khởi nghĩa. Ngay từ khi Quốc dân đại biểu đại hội họp ở Tân trào ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị tổng khởi nghĩa đã quyết định Quốc dân đại hội (Quốc hội khóa 1) sau này sẽ được hình thành qua con đường bầu cử.’ Chưa đầy một tuần sau khi tuyên bố độc lập, ngày 08 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ là Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 14 về tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc, trong đó ấn định số đại biểu của Quốc dân đại hội, điều kiện đi bầu cử, ứng cử. Chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chính phủ lâm thời đã thông qua Sắc lệnh số 51, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ấn định thể lệ cho một cuộc tổng tuyển cử dân chủ ở Việt Nam. Đối với việc bầu cử HĐND ở địa phương thì tới năm 1957 mới có văn bản điều chỉnh riêng, tức là Sắc luật số 004/SLt quy định thể lệ bầu cử HĐND và Ủy ban hành chính các cấp. Song ngay từ tháng 11 năm 1945, Chính phủ lâm thời cũng đã ban hành Sắc lệnh số 63 về tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính, trong đó có một số điều khoản về thể lệ bầu cử đại biểu HĐND.
Chế định bầu cử của Việt Nam: |
---|
- Được hình thành từ rất sớm; |
- Ngày càng phát triển về quy mô điều chỉnh; |
- Phát triển theo xu hướng hợp nhất quy định bầu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND. |
Thứ hai, chế định bầu cử của Việt Nam ngày càng phát triển hơn về mặt quy mô. Số lượng chương, điều của các đạo luật chính về bầu cử qua các thời kì có thể không có sự chênh lệch quá lớn, song mức độ quy định cụ thể của các điều khoản lại có sự khác biệt đáng kể. Sự khác biệt này mặc dù chỉ là hình thức, song nó phần nào cho thấy xu hướng điều chỉnh ngày càng chi tiết quy trình, thủ tục bầu cử ở nước ta.
Xem thêm bài viết về “Bầu cử”
- Khái niệm, nội dung và vai trò của chế độ bầu cử – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bầu cử là gì? Tầm quan trọng của bầu cử đối với quốc gia – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bàn về Vai trò của bầu cử – GS.TS. Nguyễn Đăng Dung
- ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
- Bầu cử là gì? Phân tích các vai trò của bầu cử? – CTV. Linh Trang
Thứ ba, dễ nhận thấy xu hướng hợp nhất hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND bằng một hệ thống chế định bầu cử thống nhất. Như thể hiện ở bảng 9.1, từ khi chế độ bầu cử của Việt Nam được hình thành đã có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Mặc dù có sự giao thoa ở mức độ nhất định, song các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử trước đây lập thành hai hệ thống văn bản, hai chế định, độc lập với nhau. Thực tế này tồn tại cho tới năm 2010 khi có một luật điều chỉnh chung hai lĩnh vực bầu cử, Luật số 63/2010/QH12 ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2010. Tuy nhiên, đây mới chỉ là luật sửa đổi, bổ sung hai luật riêng biệt về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trước đó. Phải tới năm 2015 mới chính thức có một đạo luật chung, Luật số 85/2015/QH13, điều chỉnh cả hai lĩnh vực bầu cử ở Việt Nam./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời