Mục lục
Các nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam hiện nay
Theo quy định tại Điều 6 Hiến pháp 2013 thì: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức trực tiếp, bằng hình thức gián tiếp thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước.
Xem thêm:
- Bầu cử là gì? Phân tích các vai trò của bầu cử?
- [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
- Hệ thống các cơ quan nhà nước nước CHXHCN Việt Nam
- Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam
- Tổ chức hành chính – lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam
Theo đó, Nhân dân có thể trực tiếp thực hiện quyền lực của mình bằng các quyền bầu cử, ứng cử, bãi nhiệm đại biểu dân cử, biểu tình và quyền quyết định khi được Nhà nước trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì hầu như chỉ có quyền bầu cử và ứng cử là đã đảm bảo thực hiện được trọn vẹn trên thực tế còn các quyền khác hoặc là do thiếu cơ chế (quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử), không có cơ sở pháp lý do chưa ban hành luật (quyền biểu tình) hoặc chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quyền quyết định khi Nhà nước trưng cầu ý dân) nên chưa thể thực hiện được trên thực tế. Qua đó cho thấy được tầm quan trọng gần như duy nhất của bầu cử, ứng cử đối với thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở nước ta, cùng với những vai trò và ý nghĩa của bầu cử đã phân tích ở phần trên thì đòi hỏi hoạt động bầu cử cần phải tổ chức và thực hiện một cách cẩn trọng, chu đáo chặt chẽ theo những nguyên tắc nhất định.
Nguyên tắc bầu cử được hiểu là tất cả các quy tắc chung nhất được đặt ra trong hoạt động bầu cử, có giá trị bắt buộc các chủ thể tham gia vào hoạt động bầu cử phải tuyệt đối tuân thủ.
Trên thế giới đa số các quốc gia đều áp dụng các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong hoạt động bầu cử. Các nguyên tắc này thống nhất với nhau, đảm bảo cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thực hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn đại biểu.
Tương tự, ở Việt Nam, qua từng giai đoạn, các nguyên tắc bầu cử trên luôn được khẳng định, thừa kế và phát huy để đảm bảo một chế độ bầu cử dân chủ. Cụ thể ở từng bản Hiến pháp thì các nguyên tắc nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử được quy định như sau:
– Hiến pháp 1946, Điều 17: Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín.
– Hiến pháp 1959, Điều 5: Việc tuyển cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
– Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 đều quy định tại Điều 7: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
1. Nguyên tắc phổ thông
1.1. Nội dung nguyên tắc
Nguyên tắc phổ thông hay còn gọi là phổ thông đầu phiếu, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử thể hiện chính thể dân chủ của Nhà nước ta. Nguyên tắc này thể hiện ở tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Tức là việc bầu cử không chỉ giới hạn ở một tầng lớp hay thành phần xã hội nhất định nào đó mà là dành cho tất cả mọi công dân.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng, theo nguyên tắc này, không phải bất kỳ công dân nào cũng có thể thực hiện được quyền bầu cử và ứng cử, mà muốn thực hiện được các quyền này công dân phải có khả năng và đủ tư cách. Về khả năng là công dân phải có nhận thức đầy đủ và cần thiết cho hoạt động bầu và ứng cử. Cụ thể là phải đủ tuổi, từ đủ 18 tuổi trở lên đối với bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên đối với ứng cử, cũng như không rơi vào các trường hợp bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức. Về tư cách, công dân không rơi vào một số trường hợp bị cấm như là đang bị tước quyền bầu cử, quyền ứng cử, đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, đang bị khởi tố về hình sự hoặc chưa được xóa án tích,
1.2. Một số đảm bảo để thực hiện nguyên tắc
Để thực hiện nguyên tắc này trên thực tế, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 đã có rất nhiều quy định như sau:
Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra (Điều 32). Việc kiểm tra này là nhằm để tất cả mọi người dân đều thực hiện được quyền bầu cử, không để xảy ra trường hợp vì lý do sai sót mà hạn chế quyền bầu cử của người dân.
Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật (Điều 5) và việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày (khoản 1, Điều 71). Điều này đảm bảo tất cả mọi cử tri đều có thể sắp xếp được việc riêng và đủ thời gian để tham gia bầu cử.
Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương (Điều 70).
Việc thành lập khu vực bỏ phiếu rộng khắp theo địa bàn lãnh thổ và được xác định theo số cử tri từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Đây là số lượng cử tri không lớn nên sẽ giúp cử tri không phải di chuyển một quãng đường xa mới đến được điểm bỏ phiếu. Bên cạnh đó, những khu vực đặc biệt ít người hoặc biệt lập như vùng cao, hải đảo, bệnh viện, nhà tạm giam,… cũng được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng mà không phụ thuộc vào số lượng cử tri nhằm đảm bảo cho tất cả công dân đủ điều kiện đều có thể tham gia bầu cử, không vì lý do khách quan mà cản trở việc thực hiện quyền hiến định của mình.
2. Nguyên tắc bình đẳng
2.1. Nội dung nguyên tắc
Bình đẳng ở đây được hiểu là sự ngang bằng nhau trong bầu cử và ứng cử và được thể hiện ở ba khía cạnh sau: (i) mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử như nhau; (ii) các cử tri bình đẳng với nhau, điều này thể hiện ở lá phiếu của cử tri theo nguyên tắc “một người, một lá phiếu, một giá trị; (iii) bình đẳng giữa các giới (nam và nữ), giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo và giữa các thành phần xã hội khác: tất cả đều có đại diện trong các cơ quan quyền lực. Nội dung chủ yếu của nguyên tắc bình đẳng thể hiện ở chỗ các cử tri được tham gia vào việc bầu cử, có quyền như nhau, các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử theo tỷ lệ như nhau, kết quả bầu cử chỉ phụ thuộc vào số phiếu mà cử tri bỏ phiếu cho mỗi ứng cử viên.
2.2. Một số đảm bảo để thực hiện nguyên tắc
Để đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện công bằng và dân chủ thì Luật quy định mỗi cử tri chỉ có một lá phiếu, chỉ được ghi tên ở một đơn vị bầu cử nhất định, mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đông nhân dân, không bị phân biệt địa vị xã hội và ứng cử viên chỉ được ứng cử ở một đơn vị bầu cử nhất định.
Nguyên tắc bình đẳng còn thể hiện ở sự phân phối hợp lý cơ cấu, các thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để bảo đảm đại diện của các vùng miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu của Quốc hội. Cụ thể Luật bầu cử 2015 quy định: Bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (khoản 2, 3 Điều 8); Bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương (khoản 1, Điều 9).
Bên cạnh đó Luật còn quy định: Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân (Điều 10); Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú (khoản 2, Điều 29); Người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở một đơn vị bầu cử (khoản 5, Điều 57); Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân (khoản 1, Điều 69).
3. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp
3.1. Nội dung của nguyên tắc
Bầu cử là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp nên cử tri được yêu cầu trực tiếp thực hiện quyền này mà không qua chủ thể hoặc hình thức trung gian. Điều này là cần thiết vì xét cho cùng quyền bầu cử là quyền nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác, và cũng nhằm đảm bảo sự chân thực và chính xác ý chí của cử tri trong việc lựa chọn các đại biểu dân cử. Nội dung của nguyên tắc này thể hiện ở ba yêu cầu sau: Một là, cử tri phải trực tiếp đến nơi bầu cử mà không được nhờ người khác đi bầu thay; hai là, cử tri phải tự mình viết hoặc gạch phiếu; ba là, cử tri phải tự mình bỏ lá phiếu vào thùng phiếu.
3.2. Đảm bảo để thực hiện nguyên tắc
Để thực hiện nguyên tắc này, Luật bầu cử 2015 quy định như sau:
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu (khoản 3, Điều 69).
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử (khoản 4, Điều 69).
4. Nguyên tắc bỏ phiếu kín
4.1. Nội dung của nguyên tắc
Xét ở góc độ hẹp theo nghĩa của từ ngữ, bỏ phiếu kín có thể được hiểu là việc cử tri sử dụng lá phiếu để loại bỏ một ứng cử viên mà mình không tín nhiệm, và việc loại bỏ này được diễn ra trong phòng kín. Ở góc độ rộng hơn thì bỏ phiếu kín là nguyên tắc bỏ phiếu yêu cầu việc lựa chọn của cử tri trong một cuộc bầu cử là được giữ bí mật. Nguyên tắc này đảm bảo cho cử tri tự do biểu lộ ý chí của mình trong việc lựa chọn đại biểu, tránh mọi sự tác động, áp đặt bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, bỏ phiếu kín còn giúp cử tri tránh sự trả thù từ những ứng cử viên bị cử tri loại bỏ.
4.2. Các đảm bảo để thực hiện nguyên tắc
Nguyên tắc này được đảm bảo thực hiện bởi các yếu tố sau:
Ở phòng bỏ phiếu, tổ bầu cử phải kết hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, bố trí nhiều nơi viết phiếu tách biệt nhau thành các buồng viết phiếu và hạn chế khả năng có mặt trong lúc cử tri viết phiếu của bất cứ ai.
Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
Trả lời