Mục lục
Phương thức bầu cử ở Việt Nam và trên thế giới
Tác giả: Tô Văn Hòa
1. Phương thức bầu cử ở Việt Nam
Phương thức bầu cử của một quốc gia được hiểu là phương pháp, cách thức mà bầu cử được áp dụng để hình thành cơ quan nhà nước ở một quốc gia cụ thể. Phương thức bầu cử trả lời câu hỏi: bầu cử được áp dụng để hình thành cơ quan nào trong bộ máy nhà nước? và, được áp dụng như thế nào? Trải qua lịch sử áp dụng hơn 70 năm song trong suốt thời gian đó có thể nói phương thức bầu cử của Việt Nam không có nhiều thay đổi.
Ở Việt Nam, bầu cử được áp dụng để hình thành Quốc hội và HĐND các cấp. Mỗi cử tri bầu từ 2 – 3 đại biểu Quốc hội và từ 5 – 7 đại biểu HĐND mỗi cấp.
Xem thêm bài viết về “Bầu cử”, “Phương thức bầu cử”
- Quá trình hình thành và phát triển của Chế định bầu cử ở Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Khái niệm, nội dung và vai trò của chế độ bầu cử – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bầu cử là gì? Tầm quan trọng của bầu cử đối với quốc gia – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bàn về Vai trò của bầu cử – GS.TS. Nguyễn Đăng Dung
- ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới nay, bầu cử luôn là cách thức hình thành hai loại cơ quan dân cử ở Việt Nam là Quốc hội và HĐND. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các cơ quan dân cử cũng đều được hình thành bằng con đường bầu cử. Một số quốc gia còn sử dụng bầu cử để hình thành các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, ví dụ ở Hoa Kỳ, Pháp, Nga… Tổng thống được hình thành bằng con đường bầu cử. Bầu cử cũng là cách thức phổ biến để hình thành chức vụ thị trưởng tại các thành phố, thị trấn ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức… Lí do Việt Nam cho tới nay chỉ áp dụng bầu cử để bầu các cơ quan đại diện từ trung ương tới địa phương bắt nguồn từ nguyên tắc “Chủ quyền nhân dân” trong tổ chức bộ máy nhà nước. Như phân tích ở Chương X, một phần nội dung của nguyên tắc này quy định người dân sẽ bầu cơ quan đại diện của mình ở các cấp trong bộ máy nhà nước và trao quyền lực cho các cơ quan này, trong đó có quyền hình thành các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Nếu nguồn gốc quyền lực về mặt chính trị là bắt nguồn từ nhân dân thì về mặt nhà nước là bắt nguồn từ cơ quan đại diện. Các chức vụ khác trong bộ máy nhà nước đều trực tiếp hay gián tiếp bắt nguồn từ cơ quan đại diện.
Có thể bạn chưa biết? |
---|
Đơn vị bầu cử = đơn vị lãnh thổ với số lượng dân cư nhất định được phân định để cử tri bầu đại biểu. |
Cử tri = người dân có đủ điều kiện để đi bầu cử. |
Ở khía cạnh thứ hai của phương thức bầu cử, Việt Nam có sự khác biệt tương đối lớn so với thế giới. Theo quy định hiện hành, các đại biểu dân cử sẽ được bầu theo đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử là một đơn vị lãnh thổ với một số lượng dân cư nhất định được phân định nhằm mục đích bầu đại biểu. Đơn vị bầu cử để bầu đại biểu Quốc hội và bầu đại biểu HĐND thường không giống nhau. Cử tri sẽ đi bầu các đại biểu theo đơn vị bầu cử nơi mình cư trú và bầu số lượng đại biểu đại diện cho mình tương ứng với quy mô đơn vị bầu cử của mình, tuy nhiên mỗi cử tri không bao giờ bầu quá 3, thực tế là 2 hoặc 3 đại diện trong Quốc hội và 5 đại diện trong HĐND.
Lấy bầu cử Quốc hội khóa XIV làm ví dụ. Để bầu 500 đại biểu Quốc hội, HĐBCQG đã chia lãnh thổ Việt Nam thành 184 đơn vị bầu cử, trong số đó có 132 đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu, 52 đơn vị bầu cử được bầu 2 đại biểu. Tổng số đơn vị bầu cử này được sắp xếp vừa khít trong ranh giới của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sao cho không có đơn vị bầu cử nào trải qua ranh giới của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với cách như vậy, sau khi bầu cử xong thì ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương luôn thành lập được 1 đoàn đại biểu Quốc hội của mình. Ví dụ, trong số 184 đơn vị bầu cử trên đây, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có 10 đơn vị bầu cử, thành phố Hải Phòng có 3 đơn vị bầu cử. Các tỉnh nhỏ như Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hậu Giang chỉ có 2 đơn vị bầu cử. Mặc dù pháp luật quy định mỗi đại biểu Quốc hội đều là đại biểu của toàn dân, song với cách chia và bầu đại biểu Quốc hội như trên, mỗi cử tri, hay nói một cách khái quát hơn là mỗi người dân Việt Nam, về thực chất sẽ có không phải 1 mà là 2 hoặc 3 đại diện trong Quốc hội do mình bầu lên. Ứng cử viên trúng cử phải hội đủ 2 điều kiện: phải được trên 50% phiếu bầu hợp lệ của đơn vị bầu cử và phải nằm trong số đại biểu có số phiếu cao nhất tương ứng với số lượng đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử. Nếu sau lần thứ nhất không có đại biểu trúng cử hoặc chưa đủ số lượng đại biểu trúng cử thì có thể tiến hành cuộc bầu cử thêm để đạt đủ số đại biểu. Lần bầu cử thêm lấy ứng cử viên là những người chưa trúng sau lần bầu cử thứ nhất. Điều kiện để trúng cử lần bầu cử thêm cũng giống với điều kiện trúng cử của lần bầu cử thứ nhất. Nếu bầu cử thêm vẫn không đủ số đại biểu của đơn vị bầu cử thì không tiến hành bầu cử tiếp nữa.
Có thể nói, phương thức bầu cử của Việt Nam khá đặc trưng mà trên thế giới không có nhiều quốc gia áp dụng phương thức này. Dưới đây sẽ giới thiệu khái lược những phương thức bầu cử phổ biến trên thế giới để so sánh.
2. Một số phương thức bầu cử cơ quan đại diện phổ biến trên thế giới
Theo nghiên cứu của Viện trợ giúp bầu cử và dân chủ (IDEA), trên thế giới hiện nay, bầu cử cơ quan đại diện được tiến hành theo rất nhiều phương thức khác nhau và mỗi phương thức khi áp dụng ở một quốc gia cụ thể lại có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, có thể xếp các phương thức bầu cử phổ biến trên thế giới theo 4 nhóm lớn là nhóm phương thức bầu cử theo đa số, nhóm phương thức bầu cử theo tỉ lệ, nhóm phương thức bầu cử hỗn hợp và nhóm các phương thức bầu cử khác. Do giới hạn dung lượng của giáo trình nên ở đây chỉ giới thiệu tóm tắt 7 phương thức bầu cử trong hai nhóm đầu tiên, cũng là hai nhóm được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:
2.1. Nhóm phương thức bầu cử theo đa số (Plurality/majority system)
Nhóm phương thức bầu cử theo đa số (Plurality/majority system) bao gồm 5 phương thức bầu cử sau:
– Phương thức người về đích trước (First Past The Post – FPTP): Theo phương thức này, toàn bộ lãnh thổ quốc gia được chia thành số đơn vị bầu cử tương ứng với số lượng đại biểu Quốc hội. Cử tri của mỗi đơn vị bầu cử được bầu 1 đại biểu với danh nghĩa cá nhân hoặc đảng chính trị. Ứng cử viên trúng cử là người/đảng có số phiếu cao nhất nhưng không bắt buộc phải đạt được hơn 50% tổng số phiếu bầu. Ví dụ trong cuộc bầu cử Nghị viện của Vương quốc Anh năm 2015, đơn vị bầu cử Lewes có 69.481 cử tri, trong đó có 72.74% đi bầu và đảng trúng cử là Đảng bảo thủ chỉ với 38% phiếu bầu; tại đơn vị bầu cử Nam Luton, Đảng lao động trúng cử chỉ với 44,2% số phiếu bầu trong số 62,79% số cử tri 67.234 người của đơn vị bầu cử này. Chính vì cách tính kết quả bầu cử như vậy nên phương thức bầu cử này còn được gọi là phương thức bầu cử đa số tương đối theo đơn vị bầu cử đơn danh. Ngoài Anh quốc, phương thức FPTP còn được sử dụng ở nhiều quốc gia khác như Malaysia, Hoa Kỳ, Canada, Botswana…
– Phương thức bỏ phiếu theo khối (Block Vote – BV): Giống với phương thức FPTP, phương pháp này áp dụng cách tính đa số tương đối. Tuy nhiên, thay vì áp dụng đơn vị bầu cử đơn danh thì phương pháp này áp dụng đơn vị bầu cử đa danh, tức là mỗi đơn vị bầu cử được bầu nhiều hơn một đại biểu. Như vậy, ứng cử viên trúng cử là người được phiếu cao nhất xếp từ trên xuống dưới cho tới khi hết số lượng đại biểu được phân bổ cho đơn vị bầu cử. Phương pháp BV được áp dụng ở Đảo Cayman, Quần đảo Falkland, Guernsey, Kuwait, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…
– Phương thức bỏ phiếu theo khối đảng chính trị (Party Block Vote – PBV): Phương thức này chỉ khác phương thức BV ở chỗ ứng cử viên là các đảng chính trị, thay vì tư cách cá nhân. Đảng chính trị thắng cử sẽ lấy toàn bộ số ghế được phân cho đơn vị bầu cử. Cách tính đảng chính trị thắng cử cũng áp dụng phương pháp đa số tương đối. Phương pháp này được áp dụng ở Cameroon, Chad, Djibouti và Singapore…
– Phương thức bỏ phiếu lựa chọn (Alternative Vote – AV): Phương thức này tương tự phương thức FPTP, song khác ở điểm cơ bản là nó yêu cầu người trúng cử phải đạt trên 50% phiếu bầu. Để đạt được điều đó, mỗi cử tri sẽ điền các con số theo thứ tự 1, 2, 3 trước tên các ứng cử viên trên lá phiếu với hàm ý là các thứ tự ưu tiên trúng cử. Trong lần kiểm phiếu thứ nhất, trong số những ứng cử viên có thứ tự ưu tiên 1 có người đạt trên 50% phiếu bầu thì người đó sẽ trúng cử. Nếu không có ai đạt trên 50% phiếu thì người ta sẽ loại ứng cử viên có thứ tự ưu tiên 1 mà có số phiếu ít nhất. Các lá phiếu của người này sẽ được tính cho người có thứ tự ưu tiên thứ 2. Cứ như vậy cho đến khi tìm được ứng cử viên đạt trên 50% số phiếu bầu. Do yêu cầu này nên phương thức AV được gọi là phương thức đa số tuyệt đối. Phương thức AV được áp dụng ở Fiji, Úc, Papua New Guinea…
– Phương thức hai vòng (Two-Round System – TRS): Phương thức này cũng là phương thức đa số tuyệt đối giống phương thức AV, song nó áp dụng các vòng bầu cử khác nhau để xác định người trúng cử. Thông thường, sau khi kiểm phiếu lần thứ nhất mà không có ai đạt trên 50% số phiếu thì người ta sẽ lấy 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất để bỏ phiếu lần 2 nhằm tìm ra người trúng cử. Phương thức TRS có thể áp dụng cùng với phương thức bỏ phiếu theo khối (BV) hoặc bỏ phiếu theo khối đảng chính trị (PBV). Phương thức bầu cử ở Việt Nam chính là phương thức bỏ phiếu theo khối kết hợp với phương thức TRS. Phương pháp TRS cũng được áp dụng ở Pháp, Togo, Turkmenistan, Haiti, Gabon…
2.2. Nhóm phương thức bầu cử theo tỉ lệ (proportional system)
Nhóm phương thức bầu cử theo tỉ lệ (proportional system) không xác định kết quả bầu cử theo đa số phiếu mà dựa trên tỉ lệ phiếu bầu dành cho các ứng cử viên. Nhóm này gồm có 2 phương thức bầu cử:
– Phương thức đại diện tỉ lệ theo danh sách (List Proportional Representation – List PR): Đây là phương thức bầu cử theo tỉ lệ phổ biến nhất đang được áp dụng hiện nay đối với các đơn vị bầu cử đa danh. Theo phương thức này, ứng cử viên không tranh cử với tư cách cá nhân mà với tư cách đảng chính trị của mình. Mỗi đảng chính trị đưa ra một danh sách các ứng cử viên của đảng mình xếp theo thứ tự ưu tiên để tranh cử ở một đơn vị bầu cử nhất định, có khi cả đất nước là một đơn vị bầu cử. Khi đi bầu, cử tri sẽ chọn 1 đảng chính trị mà mình chọn. Khi xác định kết quả, người ta sẽ căn cứ trên số phiếu hợp lệ để tính một định mức bầu cử, hiểu một cách đơn giản là “giá trị theo số lượng phiếu bầu” của mỗi ghế đại biểu. Công thức xác định định mức bầu cử phổ biến nhất là công thức Droop:
Định mức bầu cử = (tổng số phiếu hợp lệ/tổng số ghế +1) +1
Mỗi đảng chính trị sẽ nhận được số ghế trong cơ quan đại diện tương ứng với số phiếu bầu cho đảng đó nếu số phiếu bầu vượt định mức trên đây. Theo cách thức này, mỗi đảng chính trị đều nhận được số ghế tỉ lệ với số phiếu cử tri mà mình nhận được. Các đảng có ghế sau đó sẽ cử đảng viên theo thứ tự trong danh sách đã công bố để nắm giữ chức vụ. Tuy nhiên, trên thế giới cũng có nhiều công thức tính tỉ lệ khác nhau mà tuỳ từng quốc gia sẽ áp dụng phương pháp phù hợp. Do đó, bản thân phương thức List PR cũng có thể được áp dụng theo các cách thức khác nhau. Các quốc gia áp dụng phương thức này là Estonia, El Salvador, Guinea Xích Đạo, Phần Lan, Guatemala, Cộng hòa Séc, Đan Mạch…
– Phương thức lá phiếu đơn danh có chuyển nhượng (Single Transferable Vote – STV): Đây cũng là phương thức bầu cử theo ti lệ song áp dụng với ứng cử viên là cá nhân chứ không phải đảng chính trị. Có lẽ vì vậy mà cách thức vận hành của nó khá phức tạp. Theo phương thức này, mỗi đơn vị bầu cử sẽ được bầu nhiều hơn 1 đại biểu và tất nhiên số ứng cử viên có nhiều hơn số ghế được bầu. Khi bỏ phiếu, cử tri sẽ đánh số thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 cho các ứng cử viên mà mình chọn. Sau khi kiểm phiếu, người ta cũng sẽ căn cứ trên số phiếu hợp lệ để tính một định mức bầu cử, ví dụ công thức Droop đề cập trên đây. Khi kết thúc kiểm phiếu người ta sẽ biết được ứng cử viên nào có bao nhiêu phiếu bầu với sự ưu tiên 1, 2, 3. Sau đó người ta xác định kết quả bầu cử theo vòng. Ở một vòng nào đó có ứng cử viên trúng cử thì số phiếu dôi ra của người đó được chia cho các ứng cử viên còn lại theo tỉ lệ của phiếu bầu ưu tiên tương ứng để xét vòng sau; nếu không có ai đủ phiếu trúng cử thì người ít phiếu nhất bị loại ra và số phiếu của ứng cử viên đó được chia cho các ứng cử viên còn lại theo tỉ lệ của phiếu bầu ưu tiên tương ứng để xét vòng sau. Cứ như vậy cho đến khi tìm được hết người trúng cử. Công thức chuyển nhượng phiếu của phương thức này khá phức tạp và có nhiều biến thể, tuy nhiên có cùng một điểm chung là số phiếu vượt của người đã trúng cử và số phiếu của người thấp phiếu nhất được chuyển nhượng cho các ứng cử viên còn lại theo một cách thức nào đó để bảo đảm bầu đủ số ghế đã được ấn định cho đơn vị bầu cử. Theo số liệu thống kê năm 2004 của IDEA, phương thức này chỉ được áp dụng ở Cộng hòa Ireland và Malta./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời