Mục lục
Bầu cử là gì? Phân tích các vai trò của bầu cử?
Bộ máy nhà nước, theo như quy định tại Hiến pháp 2013, bao gồm các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trong các cơ quan đó thì Quốc hội và Hội đồng nhân dân có thể được xem là những cơ quan gốc, còn các cơ quan còn lại là được hình thành từ hai cơ quan này. Quốc hội có quyền thành lập ra các cơ quan nhà nước ở trung ương, còn Hội đồng nhân dân thì bầu ra cơ quan nhà nước còn lại ở cấp chính quyền địa phương. Hai cơ quan này lại được Nhân dân trực tiếp thành lập ra bằng con đường bầu cử. Do đó có thể khẳng định bầu cử là cơ sở hình thành nên bộ máy nhà nước của nước ta.
1. Bầu cử là gì?
Dưới góc độ pháp lý, ở nước ta, chưa có bất kỳ định nghĩa nào về bầu cử. Trong Hiến pháp và Luật bầu cử từ trước đến nay chỉ đề cập đến quyền bầu cử của công dân và các quy định liên quan đến cách thức, quy trình, thủ tục, điều kiện,… bầu cử chứ cũng chưa có một khái niệm chính thức được ghi nhận. Do đó, bầu cử chỉ có thể được xem xét và định nghĩa dưới góc độ lý luận từ quan điểm của những nhà nghiên cứu. Theo đó, bầu cử có thể được hiểu dưới nhiều khía cạnh khác nhau như sau:
Bầu cử là quá trình cử tri cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước.
Trên lĩnh vực hiến pháp, ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong việc tổ chức nhà nước, bầu cử được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước, thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri), với điều kiện để bầu một đại biểu (chức danh) phải có từ hai ứng cử viên trở lên.
Bầu cử còn được định nghĩa là thủ tục mà theo đó một nhóm người xác định (nhân dân, cử tri, tập thể, cá nhân) bầu ra một hay nhiều người thể hiện chức năng xã hội nào đó.
Trên cơ sở tổng hợp các cách hiểu trên, bầu cử có thể được định nghĩa một cách tổng quát nhất là hoạt động của cử tri cả nước hoặc địa phương theo những trình tự và điều kiện luật định chọn ra người đại diện cho mình để nắm giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu.
2. Vai trò và ý nghĩa của bầu cử
Bầu cử có rất nhiều vai trò quan trọng đối với cả chính quyền nhà nước lẫn nhân dân của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ở đây chỉ xem xét một số vai trò chủ yếu nhất của bầu cử như sau:
2.1. Bầu cử có vai trò là cách thức nhân dân thành lập ra nhà nước để nhà nước đại diện nhân dân thực hiện quyền lực của nhân dân
Trong thời phong kiến, tất cả quyền lực đều thuộc về “Vua”, Vua được coi là “Thiên tử”, là con của “Trời” và nhà nước được thành lập bằng hình thức truyền ngôi mà không thông qua hình thức bầu cử. Ngày nay, “bầu cử là phương thức nói lên nguồn gốc quyền lực nhà nước từ nhân dân, phương thức bầu cử phủ nhận quan điểm thần quyền giải thích quyền lực nhà nước từ những lực lượng siêu nhiên như “Chúa Trời”, “Thượng Đế” hay từ một ý niệm tuyệt đối của chủ nghĩa duy tâm khách quan”. Nhà nước là do nhân dân thành lập nên thông qua bầu cử. Nhân dân chính là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, quyết định sự hình thành nhà nước mà không bị áp đặt hay bị cưỡng chế bởi một cá nhân nào.
2.2. Bầu cử có vai trò hợp pháp hóa chính quyền
Trong xã hội ngày nay, một chính quyền không được thành lập bởi nhân dân, trong một chừng mực nhất định, có thể được xem là bất hợp pháp. Chỉ có thể bằng ý chí nhân dân thể hiện trong bầu cử, chính quyền mới được hợp pháp hóa. Bầu cử là phương thức hợp pháp hóa chính quyền văn minh tiến bộ và do đó cũng có tính phổ biến nhất trong thời đại ngày nay.
Lịch sử phát triển nhà nước trên thế giới đã chứng kiến nhiều cách thức có được chính quyền mà không qua bầu cử như thừa kế hay đảo chính bằng bạo lực,… Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội dân chủ khiến cho các phương thức này thay đổi theo hướng chuyển sang bầu cử mà không phải ngược lại. Chính quyền thành lập do đảo chính quân sự, bất luận bản chất khác nhau của hiện tượng, thường không được thừa nhận hay thừa nhận một cách dè dặt bởi các quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong khi đó, sự xuất hiện của một chính quyền mới (cụ thể hơn là những người đại diện mới) do dân thành lập theo định kỳ, qua một cuộc bầu cử công khai, rộng rãi và khách quan được coi là việc trao quyền hợp pháp, được đón nhận một cách tự nhiên trong hoạt động chính trị và trong quan hệ quốc tế.
2.3. Bầu cử có vai trò là nền tảng của dân chủ, là phương thức để thực hiện dân chủ
Trong nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, “sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi nhân dân là cội rễ của quyền lực nhà nước: “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Cho nên, một nhà nước pháp quyền là phải do nhân dân thành lập. Tính dân chủ trong nhà nước pháp quyền là ở chỗ nhân dân tự do lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt nhân dân gánh vác việc nước. Do đó, thông qua bầu cử tính dân chủ mới được bộc lộ ra và qua bầu cử thì nhân dân mới thể hiện được quyền làm chủ của mình, tức là trong bầu cử nhân dân trực tiếp lựa chọn ra những đại biểu đại diện cho mình mà không bị ép buộc hay chịu tác động nào. Qua đó, cho thấy bầu cử ra đời gắn liền với sự phát triển dân chủ và là phương thức thực hiện dân chủ.
2.4. Bầu cử có vai trò trong việc xác định chế độ chính trị của mỗi quốc gia
Trong mỗi quốc gia, bầu cử là một trong những biểu hiện cho nền dân chủ của nước đó, đồng thời còn thể hiện sự khác biệt trong đời sống chính trị bên cạnh sự khác nhau về đặc điểm dân tộc, sự phát triển kinh tế – xã hội và nhận thức của con người. Thông qua bầu cử, chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá được việc hình thành chế độ chính chị ở một quốc gia nào đó.
Ở những nước tư sản, các quốc gia thường theo chế độ đa đảng do đó hoạt động bầu cử thường diễn ra giữa các đảng phái với nhau, các đảng phải này sẽ đưa những ứng cử viên của đảng phái mình ra tranh cử với đảng phái khác để được giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như Tổng thống hay các nghị sĩ. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiêu biểu cho hình thức bầu cử này.
Còn đối với những quốc gia theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chế độ chính trị theo cơ cấu một đảng duy nhất do đó hoạt động bầu cử cũng khác các nước tư sản, và Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình. Ở nước ta, hoạt động bầu cử không có tranh cử giữa các đảng phái với nhau, mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử khi đủ điều kiện theo qui định của pháp luật và điều đặc biệt là những ứng cử viên sẽ không phải bỏ một khoản tiền nào khi tham gia ứng cử mà mọi chi phí cho hoạt động bầu cử đều được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trả lời