• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

27/10/2021 27/10/2021 CTV. Nguyễn Thị Thanh Hân Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái niệm và nội dung của quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
  • 2. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp – So sánh với quy định của lĩnh vực pháp luật này của Việt Nam
    • 2.1. Quy định về phương thức khai, nộp thuế
    • 2.2. Quy định về thủ tục đăng ký thuế
    • 2.3. Quy định về nghĩa vụ nộp thuế
    • 2.4. Quy định về kỳ tính thuế, khai thuế và nộp thuế
  • 3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Dung [1]

TÓM TẮT

Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) luôn thu hút được sự quan tâm của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước trong quá trình quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng đã và đang được Việt Nam thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu thuế TNDN, đóng góp nguồn lực vật chất đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN). Bài viết tập trung vào hai nôi dung: (1) Khái niệm và nội dung của pháp luật về quản lý thuế TNDN; (2) Quy định pháp luật về quản lý thuế TNDN của một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

Pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

1. Khái niệm và nội dung của quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp

Xuất phát từ vai trò quan trọng của thuế TNDN trong hệ thống thuế của mỗi quốc gia; Nhà nước (thông qua cơ quan thuế và viên chức thuế) thực hiện hoạt động quản lý theo quy định của pháp luật nhằm thu đúng, thu đủ khoản thuế này cho ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Pháp luật về quản lý thuế giá trị gia tăng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện

Hoạt động quản lý thuế là một phần của hoạt động quản lý hành chính nhà nước; theo đó, quản lý thuế là quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế đến người nộp thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật thuế. Khái niệm quản lý thuế đã được tác giả xây dựng như sau: Quản lý thuế là quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế từ trung ương tới địa phương và tổ chức, cá nhân khác đến người nộp thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật thuế, phát huy vai trò của thuế2.

Nội dung của hoạt động quản lý hành chính thuế gồm: (i) Xây dựng thể chế quản lý thuế để tạo cơ sở cho công tác quản lý thuế, trong đó xác định rõ chủ thể quản lý, đối tượng chịu sự quản lý; (ii) Xác định các quyền, nghĩa vụ cho đối tượng nộp thuế, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cán bộ công chức ngành thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; (iii) Xác định các thủ tục và nội dung quản lý hành chính thuế như: đăng ký thuế, cấp mã số thuế; kê khai thuế, nộp thuế; quyết toán thuế; miễn, giảm thuế; hoàn thuế; xử phạt vi phạm thuế; cưỡng chế thuế; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế…; (iv) Xây dựng cơ chế quản lý thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế để áp dụng tại cơ quan quản lý thuế các cấp; (v) Tổ chức bộ máy quản lý thuế, đội ngũ cán bộ, công chức thuế để thực hiện các nhiệm vụ quản lý thuế bằng các biện pháp quản lý hành chính thích hợp với diễn biến khách quan của quá trình sản xuất kinh doanh ở cơ sở và điều kiện quản lý kinh tế trong từng giai đoạn.

Trên cơ sở khái niệm quản lý thuế, khái niệm quản lý thuế TNDN được xây dựng như sau: Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp là quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế từ trung ương đến địa phương và tổ chức, cá nhân khác đến người nộp thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, phát huy vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng cơ chế quản lý thuế TNDN là cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Theo cơ chế này, đối tượng nộp thuế căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế cùng các quy định của pháp luật hiện hành để tự xác nghĩa vụ thuế TNDN của mình và nộp thuế vào NSNN. Những người nộp thuế này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai trên cơ sở sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế có thẩm quyền.

Khi nghiên cứu quản lý thuế nói chung, quản lý thuế TNDN nói riêng, các nhà nghiên cứu thường xem xét bốn (04) trụ cột sau: cơ chế quản lý thuế, bộ máy quản lý thuế, nghiệp vụ quản lý thuế và biện pháp quản lý thuế

Thứ nhất, cơ chế quản lý thuế là cách thức mà nhà nước lựa chọn để tác động đến hành vi tính thuế, nộp thuế của người nộp thuế (NNT). Nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong hoạt động quản lý thuế nói chung, có hai cơ chế hành thu được nhà nước ta đã và đang áp dụng là cơ chế thông báo thuế và cơ chế tự tính thuế. Trong quản lý thuế TNDN, cơ chế tự tính thuế được áp dụng chủ yếu; Bên cạnh đó, cơ chế thông báo thuế cũng được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế chậm theo thời hạn được quy định. Thứ hai, bộ máy quản lý thuế bao gồm hệ thống các cơ quan quản lý thuế từ trung ương đến địa phương có quan hệ chặt chẽ với nhau trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được nhà nước quy định để điều hành toàn bộ quá trình điều tiết thu nhập của doanh nghiệp vào NSNN.

Thứ ba, nghiệp vụ quản lý thuế TNDN do bộ máy quản lý thuế tổ chức thực hiện nhằm tác động, điều khiển và kiểm soát quá trình và kết quả thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Thứ tư, biện pháp quản lý thuế là cách thức nhà nước sử dụng để tác động vào hành vi nộp thuế của các doanh nghiệp; Hiện nay, các nhà nước đều sử dụng biện pháp quản lý rủi ro tuân thủ. Theo đó, các doanh nghiệp khi hiểu được lợi ích của hành động đúng và hậu quả có thể nhận được khi không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp sẽ lựa chọn hành vi hợp pháp của mình. Như vậy, hoạt động quản lý thuế cần bắt đầu từ thuyết phục để NNT hiểu được nghĩa vụ của mình mà tự giác tuân thủ, nếu không thực hiện thì nhà nước sẽ áp dụng trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc cho danh nghiệp vi phạm.

Từ những vấn đề trên có thể hiểu nội dung của pháp luật về quản lý thuế TNDN gồm:

Thứ nhất, pháp luật về thủ tục hành chính thuế gồm tổng hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ gắn liền với hoạt động: đăng ký thuế, cấp mã số thuế; kê khai thuế, nộp thuế; quyết toán thuế; miễn, giảm thuế; hoàn thuế.

Thứ hai, pháp luật về bảo đảm thi hành pháp luật thuế TNDN gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ gắn liền với hoạt động: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; xử phạt vi phạm pháp luật về thuế; cưỡng chế thuế.

2. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp – So sánh với quy định của lĩnh vực pháp luật này của Việt Nam

2.1. Quy định về phương thức khai, nộp thuế

Thứ nhất, về phương thức khai thuế:

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đều thực hiện phương thức quản lý thuế điện tử. Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2013, tỷ lệ khai thuế qua mạng đối với thuế TNDN trung bình ở các nước OECD là 81%; ở một số nước không thuộc OECD như Malaysia 76%, Singapore 69%, Thái Lan 75%3.

Bảng 1. Tỷ lệ khai thuế điện tử ở một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (%)

Quốc giaThuế TNDN
1.Úc88
2.Nhật Bản64
3.Hàn Quốc98
4.Malaysia76
5.New Zealand87
6.Philipine14
7.Singapore69
8.Đài Loan98

Nguồn: ADB (2016)4

Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật hành, Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của NNT. Cơ quan quản lý thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, chứng từ điện tử, hồ sơ thuế để thực hiện giao dịch điện tử giữa NNT với cơ quan quản lý thuế và giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan5.

Thứ hai, về phương thức nộp thuế:

Ở các quốc gia tương đối phát triển như Úc, Niu­Di­Lân, Singapore, người nộp thuế không được phép nộp thuế trực tiếp tại cơ quan thuế mà có thể gửi séc đến cơ quan thuế.

Một phương thức nộp thuế khác được thực hiện ở nhiều quốc gia là nộp trực tiếp cho các đại lý thu thuế (ngân hàng hoặc bưu điện) và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (phone banking). Phương thức nộp thuế thứ ba là nộp thuế điện tử, bao gồm internet banking, khấu trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và ki­ốt thanh toán. Internet banking và khấu trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng được thực hiện ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ6.

Quốc giaNộp bằng sécNộp trực tiếp tại cơ quan thuếNộp trực tiếp cho các đại lý thu thuếPhone bankingInternet bankingKhấu trừ qua ngân hàngKi­ốt thanh toán
Úcxxxxx
Bruneixxxxx
Trung Quốcxxxxxx
Indonesiaxx
Nhật Bảnxxx
Hàn Quốcxxxxxx
Malaysiaxxxxxxx
Myanmarx
New Zealandxxxx
Philippinesxxx
Singaporexxxxx
Đài Loanxxxx

Nguồn: ADB (2014) và ADB (2016)

Ở Việt Nam, quy định về phương thức nộp thuế TNDN cụ thể như sau: NNT nộp tiền thuế vào NSNN tại Kho bạc nhà nước, tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế; Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế; thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Quy định này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và định hướng theo thông lệ quốc tế; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tiết kiệm chi phí, cải cách thủ tục hành chính đồng thời tạo sự chủ động cho cơ quan quản lý thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

2.2. Quy định về thủ tục đăng ký thuế

Xu hướng chung được nhiều nước trên thế giới là đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuế cho NNT, chỉ yêu cầu NNT khai báo những thông tin ngắn gọn, cần thiết nhất cho công tác quản lý thuế như: Tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của người nộp với quy định cụ thể ở một số quốc gia dưới đây:

Một là, Ở Trung Quốc yêu cầu NNT phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 30 ngày sau khi được cấp giấy phép kinh doanh. Tờ khai đăng ký thuế gồm các nội dung: Tên doanh nghiệp, số CMND của người đại diện, địa chỉ, loại hình đăng ký, phương pháp kế toán, loại hình sản xuất kinh doanh, phạm vi sản xuất kinh doanh, vốn đăng ký/vốn đầu tư, thời gian sản xuất kinh doanh, thông tin liên lạc của người phụ trách tài chính… Thông thường, NNT phải nộp bản cứng của tờ khai đăng ký thuế, tuy nhiên, một số cơ quan thuế địa phương có thể yêu cầu nộp bản điện tử. Cơ quan thuế sẽ xử lý và cấp cho người nộp thuế giấy chứng nhận đăng ký thuế vào ngày mà hồ sơ đăng ký thuế được nộp. Người nộp thuế nộp đăng ký thuế muộn hơn thời gian quy định sẽ bị nộp phạt (mức cao nhất lên đến 10.000 NDT).

Hai là, Ở Indonesia quy định Hồ sơ đăng ký thuế được nộp bằng bản cứng theo mẫu do cơ quan thuế quy định. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế trong vòng 5 ngày làm việc. Trong quá trình xác minh, cơ quan thuế có thể đến kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của người nộp thuế.

Ba là, Ở Hàn Quốc quy định hồ sơ đăng ký thuế gồm các văn bản liên quan đến thông tin của doanh nghiệp, ban giám đốc, chứng nhận đăng ký kinh doanh và một số giấy tờ khác. Thời hạn khai thuế được quy định tương ứng với thời hạn:

­ Đối với doanh nghiệp thực hiện việc khai thuế và nộp thuế TNDN theo tháng: hạn khai thuế là Ngày thứ 20 của tháng tiếp theo; hạn nộp thuế là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo

­ Đối với doanh nghiệp thực hiện việc khai thuế và nộp thuế TNDN theo năm: hạn khai thuế là Ngày cuối cùng của tháng thứ tư sau khi kết thúc kỳ kế toán năm và hạn nộp thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ tư sau khi kết thúc kỳ kế toán năm và trước ngày đến hạn nộp TKT.

Ở Việt Nam, NNT đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh thì thời hạn đăng ký thuế là thời hạn đăng ký doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký thuế trong trường hợp này là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh7.

Đối chiếu với quy định trong Luật quản lý thuế năm 2016 thì Nhà nước mới chỉ quy định nguyên tắc về đối tượng, thời hạn, hồ sơ, địa điểm, thay đổi thông tin đăng ký thuế và cấp mã số thuế. Đến Luật quản lý thuế năm 2019 đã làm rõ nội hàm của việc đăng ký thuế, bên cạnh đó chỉ rõ việc đăng ký thuế bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế, đăng ký tạm ngừng kinh doanh, đăng ký khôi phục tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, đăng ký chấm dứt hiệu lực mã số thuế, đăng ký khôi phục mã số thuế…; đồng thời đã quy định để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế, đó là: (i) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh; (ii) Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu đăng ký thuế.

2.3. Quy định về nghĩa vụ nộp thuế

Về nghĩa vụ nộp thuế TNDN, người đóng thuế thông thường được yêu cầu phải trả khoản thuế ước tính trong năm và trả thuế đầy đủ vào ngày đến hạn của năm đó. Đối với các doanh nghiệp có kỳ tính thuế theo năm dương lịch, bốn khoản thanh toán ước tính sẽ đến hạn vào ngày 15/4, 15/6, 15/9 và 15/127.

Ở Việt Nam, nghĩa vụ nộp thuế TNDN được thực hiện như sau:

Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau. Đối với dầu thô, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo lần xuất bán dầu thô là 35 ngày kể từ ngày xuất bán đối với dầu thô bán nội địa hoặc kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan đối với dầu thô xuất khẩu. Đối với khí thiên nhiên, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tháng8.

Trường hợp cơ quan thuế tính thuế cho NNT, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

Điểm mới trong Luật quản lý thuế năm 2019 là bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm góp phần đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đây cũng là một trong những quy định được đánh giá là hoàn thiện hơn so với Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2016.

2.4. Quy định về kỳ tính thuế, khai thuế và nộp thuế

Nhìn chung, các quốc gia đều quy định kỳ tính thuế của doanh nghiệp/cá nhân là năm dương lịch (từ 1/1 đến 31/12), ví dụ như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singgapore, Trung Quốc…), một số ít quốc gia kỳ tính thuế tuân theo năm tài khóa (12 tháng) không trùng với năm dương lịch (ở Philipine kỳ tính thuế của doanh nghiệp kết thúc vào tháng 12 hoặc tháng 3; Hàn Quốc quy định năm tính thuế là năm tài chính do người nộp thuế đưa ra nhưng không vượt quá 12 tháng…). Do đó, quy định về ngày nhận hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tờ khai thuế cũng như quy định về nộp thuế khá khác biệt ở các nước (Phụ lục 4). Quy định cụ thể một số quốc gia như sau:

Thứ nhất, ở Trung Quốc9, Luật quản lý thu thuế sửa đổi năm 2012 quy định đối với trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế qua đường bưu điện thì ngày thực tế kê khai thuế được tính theo dấu bưu điện và NNT không phải nộp thuế trong kỳ nộp thuế vẫn phải thực hiện việc kê khai thuế theo luật định; đối tượng được miễn, giảm thuế phải kê khai thuế theo quy định trong suốt kỳ giảm, miễn thuế.

Thứ hai, ở Philipine, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế (TKT) thu nhập theo quý và nộp TKT cuối cùng hàng năm trước hoặc vào ngày thứ 15 của tháng thứ tư sau khi kết thúc năm tính thuế.

Thứ ba, ở Hàn Quốc, doanh nghiệp phải nộp TKT cuối cùng trong vòng 03 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Thứ tư, ở Indonesia, doanh nghiệp phải nộp TKT và nộp thuế theo tháng hoặc theo năm và việc nộp thuế được tiến hành thông qua hình thức điện tử áp dụng từ 01/7/2016, cụ thể như sau:

­ Đối với việc khai thuế và nộp thuế TNDN theo tháng: thời hạn khai thuế là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo và hạn nộp thuế là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo.

­ Đối với việc khai thuế và nộp thuế TNDN theo năm: thời hạn khai thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ tư sau khi kết thúc ký kế toán năm và thời hạn nộp thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ tư sau khi kết thúc ký kế toán năm và trước ngày đến hạn nộp TKT.

Thứ năm, ở Mỹ, kỳ tính thuế TNDN dựa trên cơ sở hàng năm.

Cụ thể: doanh nghiệp có thể chọn kỳ tính thuế khác với năm dương lịch còn năm tính thuế TNCN của Mỹ là năm dương lịch (từ 1/1 đến 31/12). Cụ thể các vấn đề về khai thuế và nộp thuế của Mỹ như sau:

Một là, về khai thuế: Hệ thống thuế của Mỹ dựa trên nguyên tắc tự đánh giá. Người nộp thuế là doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế hàng năm (thường là mẫu 1120) trước ngày thứ 15 của tháng thứ 4 sau khi kết thúc năm thuế. Doanh nghiệp có thể được gia hạn thêm 06 tháng để nộp tờ khai thuế. Việc không nộp hồ sơ kịp thời sẽ bị phạt theo quy định.

Mẫu sốTiêu đềMục đíchNgày đến hạn
1120Tờ khai thuế TNDNTờ khai thuế thu nhập cho các tập đoàn trong nước hoặc các tập đoàn nước ngoài có văn phòng tại MỹNgày 15/4 cho các doanh nghiệp C, 15/3 cho các doanh nghiệp S10 (Mẫu 7004 dùng để đăng ký gia hạn thêm 6 tháng)
Tờ khai thuế địa phươngNhiều loại khác nhauTờ khai thuế thu nhập cho các địa phương nơi mà doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh/thương mạiThường vào 15/4

Nguồn: http://taxsummaries.pwc.com/ID/United­States­Corporate­Tax­administration#

Hai là, về hạn nộp thuế: Nghĩa vụ thuế của NNT thông thường được yêu cầu phải trả khoản thuế ước tính trong năm và trả thuế đầy đủ vào ngày đến hạn của năm đó. Đối với các doanh nghiệp có kỳ tính thuế theo năm dương lịch, bốn khoản thanh toán ước tính sẽ đến hạn vào ngày 15/4, 15/6, 15/9 và 15/12.

Các khoản thanh toán trả góp phải bao gồm các khoản thuế tạm tính như thuế TNDN. Đối với công ty nước ngoài là khoản thuế tạm tính trên thu nhập gộp. Để tránh bị phạt, các công ty phải tính toán khoản trả góp dựa trên ít nhất là 25% số tiền thuế ghi trên tờ khai thuế hoặc nghĩa vụ thuế của năm trước (với điều kiện nghĩa vụ thuế của năm trước là số tiền dương và năm đó bao gồm 12 tháng). Các công ty có thu nhập chịu thuế tối thiểu là 1 triệu USD (trước khi thực hiện chuyển lỗ) trong bất kỳ năm nào của 3 năm trước đó đều không được phép nộp thuế trả góp đối với năm trước đó mà phải tính toán các khoản thuế trả góp dựa trên thuế được hiển thị trên tờ khai thuế của năm hiện tại.

Tại Việt Nam, Luật quản lý thuế năm 2019 đã bổ sung quy định: Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau11.

3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp

Từ kết quả nghiên cứu một số nội dung pháp luật về quản lý thuế TNDN của Việt Nam trong sự tương quan so sánh với qui định pháp luật về lĩnh vực này của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, một số bài học kinh nghiệm nhằm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả lĩnh vực pháp luật này của Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng khung pháp lý về quản lý thuế với các văn bản hướng dẫn nhằm tạo ra cơ sở pháp luật, thống nhất chính sách về quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng, đồng bộ các luật thuế khác, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và định hướng theo thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, công tác quản lý thuế TNDN tiếp tục thay đổi phương pháp quản lý theo cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Điều này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt khác góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội trong việc quản lý thuế.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật quản lý thuế ở Việt Nam cần tiếp tục tạo cơ sở quan trọng để cơ cấu lại tổ chức bộ máy, xác định rõ ràng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế theo vừa theo chức năng (như tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cùng doanh nghiệp, đăng ký, kê khai, kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, quản lý nợ thuế…); đồng thời, kết hợp với quản lý theo đối tượng (nhất là các doanh nghiệp lớn) và hướng tới quản lý rủi ro dựa nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn quốc gia tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid 19 vừa phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật quản lý thuế với những quy định mới và phát huy chức năng điều tra thuế của cơ quan thuế nhằm ngăn chặn các hành vi gian lậu, trốn thuế, nâng cao tính tuân thủ thuế, tạo lòng tin của công chúng đối với hệ thống thuế. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần đảm bảo tính công bằng, minh bạch của chính sách pháp luật thuế nói chung, pháp luật thuế TNDN nói riêng.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật quản lý thuế nhằm tiếp tục đề cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT trong đó có doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thông qua áp dụng các phương tiện điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về thuế nhằm nâng cao nhận thức của NNT (như đăng thông tin về chính sách và quản lý thuế trên website của cơ quan thuế) để tạo điều kiện cho NNT hiểu đúng và tuân thủ đầy đủ pháp luật thuế, tránh vi phạm pháp luật thuế một cách đáng tiếc.

Thứ năm, hoàn thiện pháp luật quản lý thuế nhằm tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế.

Những kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới về quản lý thuế TNDN đã, đang và sẽ tiếp tục là bài học quí báu giúp Việt Nam hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành có hiệu quả về quản lý thuế TNDN. Kết quả này sẽ góp phần quan trọng việc thực hiện thành công chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đưa Việt Nam lên một vị thế mới trên bản đồ của thế giới./.

CHÚ THÍCH

  1. Tiến sỹ, Học viện ngân hàng.
  2. Lê Xuân Trường (2016), Giáo trình quản lý thuế, Nxb. Tài chính, tr. 8.
  3. Chính phủ (2018), Tờ trình số 438/TTr­ CP về dự án Luật quản lý thuế sửa đổi và Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế của Bộ Tài chính.
  4. https://www.adb.org/sites/default/files/publication/193541/tax­admin­asia­pacific­2016.pdf.
  5. Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Luật quản lý thuế năm 2019.
  6. Chính phủ (2018), Tờ trình số 438/TTr­ CP về dự án Luật quản lý thuế sửa đổi và Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế của Bộ Tài chính.
  7. Khoản 1, Điều 33 Luật quản lý thuế năm 2019.
  8. Chính phủ (2018), Tờ trình số 438/TTr­ CP về dự án Luật quản lý thuế sửa đổi và Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế của Bộ Tài chính.
  9. Khoản 1, 2 Điều 55 Luật quản lý thuế năm 2019.
  10. Từ Điều 30 đến 84, Chương 4 của Luật Quản lý thu thuế sửa đổi năm 2012 http://tax.mofcom.gov.cn/tax/taxfront/en/article.jsp?c=30103&tn=1&id=c379952673474076aea4f578011eea0b.
  11. Nhìn chung, tất cả các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận thì được xếp loại là C, còn doanh nghiệp S thường là các doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn hoặc là đối tác của doanh nghiệp loại C.
  12. Khoản 1, Điều 55, Luật quản lý thuế năm 2019.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Mai Dung (2018), Hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân, Luận án tiến sĩ, Học viện  Khoa  học xã hội.
  2. Lê Xuân Trường (2016), Giáo trình quản lý thuế, Nxb. Tài chính, tr. 8.
  3. https://www.adb.org/sites/default/files/ publication/193541/tax­admin­asia­pacific­ 2016.pdf.
  4. http://tax.mofcom.gov.cn/tax/taxfront/en/ article.jsp?c=30103&tn=1&id=c379952673474 076aea4f578011eea0b.
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Pháp luật về quản lý thuế giá trị gia tăng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Pháp luật về quản lý thuế giá trị gia tăng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Thuế carbon - Công cụ tài chính kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí - Bài học kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam từ Nhật Bản
Thuế Carbon – Công cụ tài chính kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí – Bài học kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam từ Nhật Bản
Phát triển các hình thức hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế - Kinh nghiệm tại một số quốc gia và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Phát triển các hình thức hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế – Kinh nghiệm tại một số quốc gia và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Thực trạng gian lận thuế qua trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay và giải pháp hoàn thiện
Thực trạng gian lận thuế qua trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay và giải pháp hoàn thiện
[EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf (Tái bản 2018) – Nguồn: Trường Đại học Luật Hà Nội. Tải về miễn phí
[PDF] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam – Ebook
Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế

Chuyên mục: Luật Thuế Từ khóa: Quản lý thuế/ Thuế thu nhập doanh nghiệp

Previous Post: « Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới quy định về chủ thể thi hành quyết định tuyên bố phá sản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Next Post: Một số điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và vấn đề đặt ra đối với hoạt động của lực lượng Công an nhân dân »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng