Mục lục
Bài viết: Vấn đề đăng ký ngành, nghề kinh doanh: cần sự đổi mới mạnh mẽ và triệt để
- Tác giả: Phan Huy Hồng*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2014 (81)/2014 – 2014, Trang 8-13
TÓM TẮT
Ở Việt Nam từ trước đến nay, người đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) phải kê khai ngành, nghề kinh doanh. Giấy CNĐKDN ghi ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký. Tương tự như vậy, khi DN thay đổi ngành, nghề kinh doanh thì cũng phải đăng ký và được cấp lại GCNĐKDN ghi nhận sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh đó. DN có nghĩa vụ kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký. Thực tiễn cho thấy, các quy định như vậy chỉ làm tăng chi phí gia nhập thị trường cũng như chi phí tuân thủ của nhà đầu tư,của DN, mà không mang lại hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, hợp đồng được giao kết mà một bên hoặc cả hai bên không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận bị coi là vô hiệu. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp bên vi phạm thường sử dụng căn cứ hợp đồng vô hiệu này để giải phóng mình khỏi trách nhiệm hợp đồng. Hơn nữa, các quy định như vậy còn hạn chế quyền tự do kinh doanh một cách bất hợp lý. Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này cần đổi mới các quy định liên quan để tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh. Bài biết này cung cấp và củng cố các luận điểm cho một sự đổi mởi như vậy.
ABSTRACT:
So far in Vietnam, the founder of an enterprise must declare the lines ofbusiness. The business registration certificate records this lines of business. Enterprisesare obliged to conduct business strictly in accordance with the lines of business recorded in the business registration certificate. In fact, such regulations only increase the cost of market entry as well as compliance costs for investors and enterprises. Such regulations also help no effective state administration. Besides, when one side or both sides do not have a registered line of business to perform the agreed work, the contract shall be considered null and void. Therefore, when disputes occur, the party breaching an obligation often uses this reason to free themselves from contractual liability. Furthermore, such regulations also restrict freedom of business unreasonably. The project for the amendment to the Law on Enterprises needs to renew the relating provisions to realize full freedom of business. The paper provides and reinforces the argument for such a renewal.
TỪ KHÓA: Đăng ký kinh doanh, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Là một trong những lĩnh vực pháp luật thiết yếu của thể chế kinh tế thị trường, pháp luật doanh nghiệp nước ta ra đời rất sớm và được đổi mới liên tục[1] để đáp ứng yêu cầu huy động mọi nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Và nay, chỉ sau một thời gian ngắn có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp năm 2005 – đạo luật đánh dấu một cột mốc lớn trong quá trình phát triển, hoàn thiện pháp luật – lại đã được đưa vào chương trình sửa đổi luật của Quốc hội[2] . Đây là tính hiệu vui cho thấy nền kinh tế phát triển không ngừng đang kéo theo đòi hỏi sự tiếp tục đổi mới, cải cách khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế nói chung và cho sự tạo lập, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đổi mới, hoàn thiện không ngừng của pháp luật doanh nghiệp đó vẫn còn có những vấn đề pháp lý then chốt, bức xúc tồn tại suốt thời kỳ đổi mới cho đến nay (giữa thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI) không được giải quyết một cách rốt ráo. Đó là vấn đề đăng ký ngành, nghề kinh doanh của nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và của doanh nghiệp cũng như quy định về nghĩa vụ kinh doanh đúng ngành, nghề của doanh nghiệp.
Tác giả đãtừngnhiều lần đề cập vấn đề này trong các bài viết khác nhau[3] , nay được khích lệ nêu ra để tiếp tục bàn thảo khi cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chủ trương “tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh”[4] vàdường như đang có sự đổi mới quan niệm pháplýtrong vấnđề này. Bài viết sẽ phân tích các quan niệm pháplý, quy định pháp luật liên quan, thực tiễn áp dụng và những hệ lụy của chúng nhằm khẳng định một nhu cầuđổi mới cấp thiết với mong muốn sự đổi mới đótrở thành hiện thực với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này.
2. Nghĩa vụ kinh doanh đúng ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và những hệ lụy
Trong pháp luật kinh tế Việt Nam đầu thời kỳ đổi mới Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989[5] (Pháp lệnh HĐKT (đã đóng một vai tròquan trọng trong giao dịch kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh. Pháp lệnh này không chỉ đã tạo nên cơ sở để hợp đồng trở thành một công cụ mà các chủ thể kinh doanh sử dụng nhằm thiết lập nên mối quan hệ kinh doanh,thương mại bình đẳng, mà nó còn tốt đến mức có thể duy trì được hiệu lực trong 15 năm, đến hết năm 2005 – cho đến nay là một kỷ lục trong pháp luật kinh tế. Cũng nhờ duy trì được hiệu lực trong thời gian dài như vậy, nên một số quy định của nó đã trở nên nổi tiếng, trong đó có quy định về các căn cứ hợp đồng vô hiệu. Thậm chí căn cứ hợp đồng vô hiệu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh này, theo đó hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ khi “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng”, được áp dụng thường xuyên trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại tòa án đến mức nó trở thành nỗi ám ảnh thường trực của các doanh nghiệp. Bởi vì một cơ hội kinh doanh chợt đến, cần phải chớp thời cơ ngay, nhưng công việc được thỏa thuận lại nằm ngoài phạm vi đăng ký kinh doanh, nên đôi bên đều nơm nớp lo lắng cho đến khi mọi việc được thực hiện xong một cách êm xuôi. Nhưng trong kinh doanh, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, khi tranh chấp xảy ra chính bên vi phạm hợp đồng lại đề nghị tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu vì điều này giúp bên đó giải phóng khỏi nghĩa vụ hợp đồng. Vả lại theo Pháp lệnh này, khi hợp đồng vô hiệu thì “thiệt hại phát sinh, các bên phải chịu” , nên bên bị vi phạm lại bị thiệt đôi đường. Thêm nữa, dù không bên nào yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu thì tòa án vẫn tuyên hợp đồng vô hiệu, vì đây là loại căn cứ hợp đồng vô hiệu bắt buộc.
Dưới hiệu lực của Pháp lệnh HĐKT tình trạng hợp đồng bị tuyên vô hiệu phổ biến đến mức ngày càng gây bất bình trong giới kinh doanh[6] . Năm 2003, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã phải “can thiệp” vào tình trạng này bằng cách “nới lỏng” điều kiện “có đăng ký kinh doanh” theo Pháp lệnh này. Theo “hướng dẫn” của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP thì khi áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT cần phân biệt giữa hai trường hợp: (i) “Nếu khi ký kết hợp đổng kinh tế một trong các bên chưa có đăng ký kinh doanh mà trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các bên có phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, bên chưa có đăng ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng kinh tế vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, thì hợp đồng kinh tế này thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và bị coi là vô hiệu toàn bộ”; (ii) nhưng “nếu khi ký kết hợp đồng kinh tế mộttrong các bên chưa có đăng ký kinh doanh, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các bên có phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, bên chưa có đăng ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng đã có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc được các bên thỏa thuận trong hợp đồng thì hợp đồng kinh tế này không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ”. Có thể nhận thấy rằng, sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, tình trạng hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo quy định này có giảm bớt, nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu do đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp bên chưa có đăng ký kinh doanh vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện các công việc được các bên thỏa thuận trong hợp đồng[7] . Có thể nói, việc làm của Hội đồng thẩm phán là một hành động “nghĩa hiệp”, vì nó đã vượt qua mọi giới hạn của giải thích luật, hình thành một dạng “luật của thẩm phán”, là điều chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Mặc dù Nghị quyết này không giải quyết vấn đề một cách căn cơ, nhưng nó báo hiệu rằng luật thực định đang mâu thuẫn với nhu cầu của thực tiễn kinh doanh.
Rồi Pháp lệnh HĐKTbị bãi bỏ khi Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) và Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) có hiệu lực. Các luật mới không còn quy định căn cứ hợp đồng vô hiệu do “một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh để thực hiện các công việc đã thỏa thuận” như Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế nữa. Tuy nhiên, đã không ai vội vui mừng vì dường như không có tài liệu lập pháp nào thể hiện đã có sự thay đổi quan điểm trong vấn đề này. Quan điểm phổ biến vẫn là “công dân có quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, nhưng phải đăng ký những ngành, nghề mà mình muốn kinh doanh để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước và trật tự kinh tế.
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 (LDN 2005) vẫn tiếp tục quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” như Luật Doanh nghiệp năm 1999 (LDN 1999) trước đây[8] .Việc kinh doanh ngành, nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệpbị xem là hành vi vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính , và vì vậy hiển nhiên là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, hợp đồng được giao kết mà một trong các bên hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh (không thuộc ngành, nghề đã đăng ký) để thực hiện các công việc đã thỏa thuận vẫn có thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật khi các bên đưa tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng đó ra trước tòa án hoặc trọng tài thương mại. Tuy nhiên, do trong pháp luật hiện hành không còn tồn tại quy định về căn cứ hợp đồng vô hiệu do “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” như Pháp lệnh HĐKTtrước đây, nên trong các tình huống tương tự các tòa án khác nhau đãcóphánquyếtkhông giống nhau về vấn đề này. Có tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do một bên không có đăng ký kinh doanh ngành, nghề để thực hiện công việc thỏa thuận trong hợp đồng[9] , nhưng cũng có khi tòa án lại không phủ nhận hiệu lực của hợp đồng được giao kết trong trường hợp tương tự[10] .
Mặc dù với quan điểm cởi mở, chúng tôi ủng hộ các phán quyết của tòa án hay trọng tài thương mại không tuyên hợp đồng vôhiệu do một bên không có đăng kýkinh doanh(đăng ký ngành, nghề kinh doanh) để thực hiện công việcđãthỏa thuận, nhưngcũng phải thừa nhận rằng, với tình trạng pháp luật hiện hành thì việc tuyên hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này mới là chính xác.
Thêm nữa, LDN 2005 tuy đã thể hiện những cải cách đáng kể thủ tục đăng ký kinh doanh so với LDN 1999 theo hướng đơn giản hóa và thuận tiện hóa nói chung, nhưng trong việc đăng ký ngành, nghề kinh doanh lại không có thay đổi tích cực nào. Người thành lập doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh[11] ; doanh nghiệp thay đổi ngành, nghề kinh doanh vẫn phải đăng ký thay đổi nội dung đăng kýkinh doanh[12] . Việc không đăng ký hoặc đăng ký không đúng thời hạn các thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (bao gồm đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh) là hành vi vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính[13] . Ngay việc đăng ký ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp đã có thể làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, khi người đăng ký phải ghi ngành, nghề kinh doanh theo đúng mã ngành kinh tế quốc dân trên cơ sở quy định đã khá lạc hậu[14] , dẫn đến việc các cơ quan đăng ký kinh doanh khác nhau xử sự bất nhất khi người đăng ký thành lập doanh nghiệp đăng ký “ngành, nghề kinh doanh” không có trong hệ thống ngành kinh tế theo quy định hiện hành. Tương tự, việc phải đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh trong quá trình hoạt động cũng làm tăng chi phí kinh doanh dưới dạng “chi phí tuân thủ”.
3. Thời điểm của sự đổi mới
Thực tiễn áp dụng các quy định về đăng ký ngành, nghề kinh doanh và nghĩa vụ (của doanh nghiệp) kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký cho thấy các quy định pháp luật này hoàn toàn không có giá trị bảo vệ bên bị vi phạm trong giao dịch kinh doanh, thương mại mà thậm chí còn có thể được bên không vi phạm sử dụng để giải phóng mình khỏi trách nhiệm hợp đồng. Các quy định này cũng hoàn toàn không cần thiết để bảo vệ “trật tự kinh tế”, bởi vì các quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã quá đủ để bảo vệ một “trật tự kinh tế” như vậy. Trường hợp Nhà nước cần thông tin về ngành, nghề kinh doanh phục vụ công tác thống kê thì vẫn có thể yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà không đòi hỏi doanh nghiệp phải kinh doanh đúng, ngành nghề đã đăng ký. Thậm chí các quy định hiện hành về đăng ký ngành, nghề kinh doanh và nghĩa vụ kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký còn có thể dẫn đến thông tin ảo, giảm độ tin cậy của số liệu thống kê, do doanh nghiệp vẫn thường đăng ký “dự phòng” cả những ngành, nghề kinh doanh mà họ chưa có ý định hoặc chưa có khả năng thực hiện. Không hiếm doanh nghiệp đăng ký không dưới 30 đến trên 70 ngành, nghề kinh doanh khác nhau theo mã ngành cấp 4 thuộc hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam.
Thực chất những vấn đề được đề cập ở đây hoàn toàn không mới, mà thậm chí đã là nỗi bức xúc cả về mặt lý luận và thực tiễn từ khoảng 2 thập kỷ đến nay. Tuy nhiên, những quan niệm về quản lý nhà nước xưa cũ vẫn tiếp tục đè nặng, cản trở sự hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh Hiến định. Bởi vậy, chúng ta đã hai lần bỏ qua cơ hội, cả hai dự án Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 mặc dù đều đạt được những tiến bộ đáng kể và ghi nhận những cột mốc phát triển của pháp luật doanh nghiệp, nhưng đều đã bỏ qua vấn đề này.
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng nếu Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này không giải quyết được các tồn tại liên quan đến đăng ký ngành, nghề kinh doanh và nghĩa vụ kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký thì nó không thể trở thành một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển pháp luật doanh nghiệp ở nước ta. Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là cơ hội để tiếp nhận các “thông lệ quốc tế tốt” liên quan.
4. Các luận điểm ủng hộ phướng án đổi mới của Ban soạn thảo
Dường như Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)[15] (Dự thảo) đang đi theo hướng đổi mới này. Theo đó, Luật sẽ quy định người đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn kê khai ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (điểm c khoản 1 Điều 27 Dự thảo). Khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh đã kê khaithì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh (điểm c khoản 1 Điều 32 Dự thảo). Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nữa (Điều 31 Dự thảo), và cũng vì vậy mà khi doanh nghiệp thay đổi ngành, nghề kinh doanh thì cơ quan đăng ký kinh doanh không phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Các quy định như vậy cũng như quy định về cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp (Điều 34 Dự thảo) cho phép hiểu rằng, việc kê khai (đăng ký) ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cũng như việc thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh trong quá trình hoạt động chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Thông tin được cung cấp có thể được Nhà nước sử dụng cho mục đích thống kê phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô cũng như cung cấp có thu phí cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thông tin về một doanh nghiệp nhất định phục vụ cho việc đánh giá tìm hiểu, đánh giá đối tác hay đối thủ cạnh tranh.
Theo quan điểm của chúng tôi, các quy định về đăng ký ngành, nghề kinh doanh như trên trước hết có thể giúp giảm chi phí gia nhập thị trường của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, do việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giúp tránh phải xử lý các rắc rối khi một hoạt động kinh doanh nào đó được kê khai (đăng ký) không có trong “hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam”. Thêm nữa, việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp do chỉ phải thông báo khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh và cơ quan đăng kýkinh doanhkhông phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới chỉ vì sự thay đổi này. Ngoài ra, thủ tục thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh đơn giản cũng giúp giảm việc kê khai ảo ngành, nghề kinh doanh như đến nay.
Nhưng liên quan đến vấn đề ngành, nghề kinh doanh, điều quan trọng hơnmàchúng tôinhận thấyở Dự thảo làtrong điều khoản về “nghĩa vụ của doanh nghiệp” (Điều 9 Dự thảo)không còn quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” như LDN 1999 và LDN 2005[16] nữa.Đây mới chính là điểm cốt lõi của chủ trương “hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh” [17] , bởi vì giới hạn quyền tự do kinh doanh đã được thiết lập bởi quy định về ngành, nghề kinh doanh bị cấm cũng như về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Một nghĩa vụ như vậy đồng nghĩa với việc cấm doanh nghiệp kinh doanh những nghành nghề không (chưa) đăng ký và thiết lập nên một giới hạn mới hẹp hơn đối với quyền tự do kinh doanh. Việc duy trì nghĩa vụ như vậy đồng nghĩa với việc duy trì tình trạng hợp đồng bị xem là vô hiệu do một bên không có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận, vì cho dù Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi ngành, nghề kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn bị xem là chỉ đăng ký những ngành, nghề ghi trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cũng như trong thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Việc bãi bỏ nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký (trước đây: ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nay theo Dự thảo: ghi trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh) cũng giúp cho giao dịch kinh doanh, thương mại trở nên an toàn hơn.
Với các luận điểm được trình bày trên đây, chúng tôi muốn ủng hộ sự lựa chọn của Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thể hiện trong Dự thảo lần 3 liên quan vấn đề đăng ký ngành, nghề kinh doanh và mong muốn sự lựa chọn đó trở thành luật.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS Luật học, Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Đạo luật đầu tiên tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập doanh nghiệp là Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài; tiếp đó là Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ty năm 1990 áp dụng cho nhà đầu tư trong nước, rồi Luật Doanh nghiệp năm 1999 hợp nhất và mở rộng phạm vi điều chỉnh 2 Luật này; cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2005 áp dụng thống nhất cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
[2] Xem: Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.
[3] Xem: Phan Huy Hồng, “Bàn về năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số số 5/2005, tr. 54-59; Phan Huy Hồng, Nguyễn Thanh Tú, “Về mối quan hệ giữa quyền tự do kinh doanh và trật tự công cộng hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”,Tạp chí Khoa học pháp lý, số 01(68)/2012, tr. 59-71; Phan Huy Hồng, “Bàn về đổi mới chế định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2005”,Tạp chí Khoa học pháp lý, đặc san số 2/2013, tr. 28 – 37.
[4] Xem: Mục II.2 Tờ trình số 1353/TTr- BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/3/2014 về Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi (sau đây: Tờ trình).
[5] Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989, có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2005, được bãi bỏ bởi Nghị quyết của Quốc hội số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về việc thi hành Bộ luật Dân sự.
[6] Trường hợp điểm hình áp dụng căn cứ hợp đồng vô hiệu theo điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế: Quyết định giám đốc thẩm số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/02/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm (trong: (Tòa án nhân dân tối cao, Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Đặc san của Tạp chí Tòa án nhân dân, Quyển I, Hà Nội, 2004, tr. 267 – 273 [Quyến định 45] ).
[7] Trường hợp điển hình xét xử theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2004/HĐTP-KT ngày 27/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán lắp đặt dây chuyền chế biến cà phê (trong: Tòa án nhân dân tối cao, Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Đặc san của Tạp chí Tòa án nhân dân, Quyển I, Hà Nội, 2004, tr. 342 – 348[Quyết định số 60] )
[8] Xem: Khoản 1 Điều 9 LDN 2005, khoản 1 Điều 8 LDN 1999.
[9] Ví dụ: Bản án của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh số 2354/2009/DSPT ngày 10/12/2009 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.
[10] Ví dụ: Bản án của TAND TP.HCM số 115/2010/KDTMST ngày 21/01/2010 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ; Bản án của TAND TP. Đà Nẵng số 02/2013/KDTM–PT ngày 18/01/2013 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ”.
[11] Xem: Khoản 3 Điều 21 LDN 2005.
[12] Xem: Khoản 1 Điều 26 LDN 2005.
[13] Xem: Trước đây: Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 53/2007/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 62/2010/NĐ-CP; Nay: Khoản 1, 2 Điều 21 Nghị định155/2013/NĐ-CP.
[14] Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và Quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 về việc ban hành Quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
[15] Dự thảo lần 3, tháng 3/2014, http://www.vibonline.com.vn/Duthao/1511/DU-THAO-3-LUAT-DOANH-NGHIEP-SUA-DOI.aspx
[16] Xem: Khoản 1 Điều 8 LDN 1999, khoản 1 Điều 9 LDN 2005.
[17] Xem: Mục IV.1 Tờ trình… (Tldd)
Trả lời